Những 'đóa hướng dương'

Dù có khiếm khuyết trên cơ thể nhưng những bạn trẻ vẫn lạc quan và có những cách làm riêng góp sức vì cộng đồng.

 

Như những đóa hoa hướng dương, luôn hướng đến những điều tốt đẹp, những bạn trẻ này, dù có khiếm khuyết trên cơ thể nhưng vẫn lạc quan và có những cách làm riêng góp sức vì cộng đồng, nâng đỡ những mảnh đời kém may mắn.

Khát vọng cống hiến cho cộng đồng

Những ngày cuối năm bận bịu với các hoạt động hội nhóm thiện nguyện cấp khu vực diễn ra ở Gia Lai, dù sức khỏe đang gặp một số vấn đề do thay đổi thời tiết, anh Nguyễn Tài Nam (sinh năm 1990, ở xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), trưởng nhóm thiện nguyện “Ea Kao - Vòng tay yêu thương” vẫn tích cực vận động các nguồn lực để triển khai chương trình “Thẻ bảo hiểm y tế cho em”, trao tặng thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại xã Hòa Khánh và xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột. Cùng với đó, “Ea Kao - Vòng tay yêu thương” cũng đang nhận hỗ trợ em Lê Thế Tài, học sinh lớp 7, trường THCS Lê Lợi (xã Ea Kao) theo dự án “Nâng bước em đến trường”. Em Tài có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố bỏ đi từ khi em còn nhỏ xíu, mẹ đang bị ung thư giai đoạn cuối. Hằng ngày em phải đi bộ gần 5 cây số để đến trường. Biết hoàn cảnh của em nên nhóm đã mua tặng em chiếc xe đạp trị giá 1,5 triệu đồng, hỗ trợ mỗi tháng 500 nghìn đồng để động viên em tiếp tục đến trường và học tập tốt.

Anh Nguyễn Tài Nam (thứ 2 từ phải qua) cùng các đơn vị tài trợ hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà đại đoàn kết cho gia đình bị hỏa hoạn ở buôn Drang Phôk, xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn.

Thân thể gầy gò, bước đi tập tễnh, khó nhọc, anh Nam đã phải trải qua hàng chục lần phẫu thuật để loại bỏ các khối u trên khắp cơ thể. Nguyễn Tài Nam kể, từ nhỏ, anh mắc bệnh u sợi thần kinh. Sau nhiều lần phẫu thuật và xạ trị, anh bị mất đi thính giác, tay chân teo lại, không viết được, cũng không nói được nữa. Để giao tiếp, ban đầu anh dùng bằng giấy bút. Sau đó, tay yếu không cầm được bút, anh mò mẫm sử dụng điện thoại để dò chữ nhấn phím.

Vượt qua những đau đớn, bệnh tật dày vò, Nguyễn Tài Nam vẫn sống lạc quan vui vẻ, mang năng lượng tích cực để giúp đỡ những mảnh đời, những hoàn cảnh bất hạnh xung quanh mình. Hơn 7 năm qua, anh lập ra và gắn bó với nhóm thiện nguyện “Ea Kao - Vòng tay yêu thương”, tập hợp các bạn trẻ trong xã Ea Kao để cùng làm thiện nguyện. Ban đầu là giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, ốm đau trong thôn, trong xã. Dần dần sau đó, bất cứ ở đâu có thông tin về hoàn cảnh cần giúp đỡ là nhóm cử người đến tận nơi xác minh, tìm hiểu rồi tìm nguồn kêu gọi, vận động. Cứ thế, những hoàn cảnh khó khăn được nhóm giúp đỡ ngày một nhiều hơn.

Những chương trình thiết thực của nhóm đã gieo niềm hy vọng cho hàng trăm trẻ em nghèo như: “Áo trắng tới trường” tại điểm trường buôn H’Mông, xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar, tặng 250 suất quà tổng trị giá 30 triệu đồng; “Trung thu cho em” tại điểm trường xã Long Sơn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, tặng 450 phần quà trị giá 42 triệu đồng. Vận động tặng quà các gia đình đặc biệt khó khăn tại 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế với tổng trị giá hơn 300 triệu đồng. Tặng hàng trăm chiếc áo ấm cho học sinh các trường tiểu học tại huyện vùng sâu Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Hỗ trợ 32 triệu đồng cùng với các đơn vị giúp xây dựng 2 căn nhà đại đoàn kết cho 2 gia đình anh Y Sony Rya và ông Y Pron Hwing ở buôn Drang Phôk, xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn. Đây là 2 gia đình bị hỏa hoạn vào đầu năm 2022.

Trong tất cả chương trình, Nguyễn Tài Nam đều tham gia với vai trò trưởng đoàn. Nhiều chuyến đi cơ sở rất vất vả, gian nan vì đi vào địa bàn vùng sâu vùng xa, đường đèo dốc, trơn trượt, lầy lội. Dù sức khỏe không đảm bảo, có những chuyến đi anh đang bị sốt cao, người mệt mỏi nhưng vẫn kiên quyết cùng đoàn đến tận nơi diễn ra chương trình, tận tay trao quà cho từng em nhỏ. Chuyến đi cứu trợ các tỉnh miền Trung vào tháng 10/2021, khi ấy đang là giai đoạn cao điểm bùng phát đợt dịch Covid-19 lần thứ tư. Đêm cuối trước ngày khởi hành, Nam lên cơn sốt, mọi người ai cũng lo anh không thể tham gia chuyến đi dài ngày, nhưng Nam kiên quyết không từ bỏ. Khi ra đến Quảng Trị, đoàn phải thuê thuyền vượt sông tiếp cận một thôn bị nước cô lập thì Nam lại lên cơn sốt. Nhìn Nam mặc áo phao lúc nằm, lúc ngồi run từng cơn trong mưa gió, ai cũng trào nước mắt. Sau đợt đó, Nam nằm liệt giường hơn 10 ngày mới xuất viện. Nhưng ra viện rồi, anh lại tiếp tục với công việc thiện nguyện, tới nơi những người dân khó khăn, trẻ em nghèo.

Nhóm thiện nguyện Vòng tay yêu thương hỗ trợ sửa chữa, làm mới hàng trăm bộ bàn ghế tặng các trường học ở địa bàn khó khăn.

Nguyễn Tài Nam chia sẻ: Tôi mong muốn bản thân sẽ có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục truyền đi những thông điệp tích cực của cuộc sống; cổ vũ, động viên những tấm gương thanh niên khuyết tật giàu nghị lực, vươn lên từ nghịch cảnh, vượt qua khó khăn, tích cực đóng góp cho cộng đồng. Từ đó kêu gọi được nhiều hơn nữa đóng góp từ cộng đồng xã hội để tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.

Cho đi yêu thương để nhận lại hạnh phúc

Cũng là một tấm gương khuyết tật giàu nghị lực, anh Nguyễn Duy Học (sinh năm 1987) ở xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đã dành nhiều thời gian, tâm sức mang niềm vui đến với người dân và học sinh vùng khó khăn.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, bố mẹ đều là quân nhân, Nguyễn Duy Học vừa ra đời đã bị khuyết tật do chất độc da cam, 1 bên chân bị teo với bàn chân bẻ quặt lại phía sau, 1 cánh tay bị khoèo và bàn tay co quắp. Vượt lên khó khăn, anh Học nỗ lực học tập và thi đậu ngành Công nghệ thông tin học - trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) vào năm 2007. Từ khi còn là sinh viên, thấy nhiều hoàn cảnh bất hạnh hơn mình, anh quyết định xin làm tình nguyện viên cho CLB Búp Sen Hồng, góp sức dạy học văn hóa cho các bạn khuyết tật ở Trung tâm Hướng nghiệp Từ thiện của Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng rồi gắn bó với công việc thiện nguyện từ đó.

Dù khuyết tật nhưng anh Nguyễn Duy Học vẫn giữ nụ cười trên môi và thái độ sống lạc quan, vui vẻ.

Học xong và trở về quê, đến năm 2012, anh thành lập nhóm thiện nguyện “Vòng tay yêu thương” với 6 thành viên. Anh triển khai chương trình “Chén cơm yêu thương”, kêu gọi các bạn trẻ là học sinh, sinh viên tham gia nấu và tặng các suất ăn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk (nay là bệnh viện vùng Tây Nguyên). Đều đặn 2 lần mỗi tháng, nhóm thực hiện phát cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Thời gian đầu chưa vận động được kinh phí, các tình nguyện viên tự đóng góp, người góp gạo, người góp rau. Năm đầu tiên, nhóm đã thực hiện được 26 chương trình Chén cơm yêu thương. Suốt 10 năm qua, nhóm sửa chữa bàn ghế, sơn sửa lại phòng học cho các trường vùng sâu xa và tặng quà cho hàng ngàn học sinh nghèo; tổ chức nhiều chương trình tình nguyện vì an sinh xã hội cho bà con nhân dân, học sinh có hoàn cảnh tại tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, trị giá hàng trăm triệu đồng mỗi chương trình. Số lượng thành viên chính thức đã tăng dần qua từng năm, đến nay đã là 40 người. Cùng với đó, đội ngũ tình nguyện viên có lúc lên đến 200 người, công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau như học sinh, sinh viên, giáo viên, thợ máy, nông dân. Với vai trò là trưởng nhóm, Nguyễn Duy Học đã lên kế hoạch để thực hiện các chương trình xã hội hóa giáo dục, hỗ trợ và giúp đỡ cho các đơn vị có điều kiện cơ sở vật chất đang xuống cấp. Trong năm 2022, nhóm đã sửa chữa, làm mới hơn 400 bộ bàn ghế cho 7 trường học tại các địa bàn vùng khó của tỉnh Đắk Lắk với tổng kinh phí gần 100 triệu đồng.

Rong ruổi khắp các buôn làng để tìm hiểu, xác minh những hoàn cảnh, mảnh đời khó khăn và tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ với một người bình thường đã khó, với người khuyết tật như anh Học lại càng khó khăn gấp bội. Có những tháng Học phải đi tới 30 lần để thực hiện công trình. Mỗi chuyến đi, anh và các tình nguyện viên đều tự bỏ tiền túi để chi phí đi lại, ăn ở. Bản thân anh Học cũng phải làm thêm đủ nghề, từ kỹ thuật viên tin học đến bán quán ăn vặt, mở tiệm sửa máy tính tại nhà hay đi quay phim, chụp ảnh thuê,… để dành dụm tiền đi làm thiện nguyện. Anh Học tâm sự, dù là người khuyết tật nhưng anh không lấy đó làm lý do để ỷ lại hay mặc cảm mà ngược lại, anh luôn nghĩ “Mình phải sống vì mọi người chứ đừng để mọi người phải sống vì mình”. Anh cũng động viên các thành viên khác trong nhóm, chỉ cần mỗi người cho đi với yêu thương thì sẽ nhận lại hạnh phúc. Với họ, nụ cười và ánh mắt em thơ, sự tin tưởng, yêu mến của người dân nơi nhóm đến làm chương trình chính là niềm vui và hạnh phúc lớn nhất. Đó là những đóa hoa tươi thắm, góp thêm vào sắc xuân của đất trời./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận