Người truyền cảm hứng 'giáo dục tại nhà'

Thạc sĩ giáo dục Đinh Thu Hồng tiếp tục mang đến một cách tiếp cận mới mẻ trong quá trình dạy học và đồng hành với học sinh.

 

Trở về Việt Nam để giới thiệu cuốn sách thứ ba, Thạc sĩ giáo dục Đinh Thu Hồng tiếp tục mang đến một cách tiếp cận mới mẻ trong quá trình dạy học và đồng hành với học sinh. Trước đó, chị đã thành công với hai cuốn “Học kiểu Mỹ tại nhà” và “Học STEM kiểu Mỹ tại nhà”, lan tỏa những kinh nghiệm giảng dạy mới nhất thông qua các khóa học cộng đồng.

Hành trình lan tỏa kiến thức

Hiện sinh sống ở thành phố Atlanta (Mỹ), chị Đinh Thu Hồng là giáo viên người Việt đã có nhiều năm dạy bậc tiểu học ở Mỹ. Nhắc đến chị là nhắc đến hai cuốn sách được coi như “cẩm nang” gối đầu giường cho nhiều giáo viên cũng như cha mẹ học sinh. Cuốn sách đầu tay “Học kiểu Mỹ tại nhà” xuất bản năm 2019 không chỉ được các giáo viên quan tâm mà rất nhiều bố mẹ đã tìm đọc, là cuốn bán chạy nhất về thể loại giáo dục của nhà xuất bản Nhã Nam. Tuy vậy, Thạc sĩ giáo dục (TSGD) Thu Hồng từ lâu đã nổi tiếng trong cộng đồng phụ huynh Việt Nam với vai trò là người sáng lập trang “Học kiểu Mỹ tại nhà”, đến nay đã có hơn 50 nghìn người theo dõi.

Góc giới thiệu về Việt Nam nhân một lễ hội ở trường của cô giáo Thu Hồng.

Hơn mười năm kể từ khi bắt đầu nghiên cứu và theo đuổi nghề dạy học, chị Thu Hồng đã bền bỉ, kiên trì chia sẻ hàng trăm bài viết về kinh nghiệm giáo dục cho các bố mẹ trong những nhóm phụ huynh học tập. Những bài chia sẻ của chị khi đó đều là kiến thức mới mẻ, nếu tìm hiểu trên mạng, ngay cả bằng tiếng Anh cũng không có ai ghi lại một cách chi tiết như vậy. Do đó, những bài viết theo dạng “Học kiểu Mỹ tại nhà” bằng tiếng Việt của chị lại càng có ý nghĩa hơn cả với cộng đồng cha mẹ đang mong mỏi tìm kiếm những phương pháp dạy học tiên tiến cho con.

Chị Hồng tâm sự, ban đầu chị viết với mong muốn giới thiệu về cách giáo dục hiện đại, nhân văn mà chị có cơ hội được học tập bài bản ở Mỹ, dần dà chị đã nỗ lực xây dựng cho mình thói quen đều đặn chia sẻ mỗi ngày. “Thật vui mừng là những kiến thức đó được rất nhiều phụ huynh ở Việt Nam cũng như phụ huynh người Việt ở nhiều nước quan tâm”, chị nhắc lại đặc biệt ấn tượng và luôn cố gắng hồi đáp sớm hết sức có thể với những câu hỏi của các bố mẹ. Đó có thể là phụ huynh người Việt ở Mỹ khi loay hoay hòa nhập với cộng đồng tại đây; hay băn khoăn của các phụ huynh ở Việt Nam “làm sao để có thể tạo môi trường học tiếng Anh hiệu quả cho con”.

Cô giáo Thu Hồng và cuốn sách đầu tay Học kiểu Mỹ tại nhà.

Suốt nhiều năm như vậy, với tình yêu và tấm lòng sẻ chia, bất kể chênh lệch múi giờ giữa Mỹ và Việt Nam, nhà giáo Thu Hồng vẫn dành thời gian tham gia các buổi tập huấn miễn phí trong các nhóm cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Trong thời gian dịch Covid-19, chị làm diễn giả chính cho chương trình giới thiệu giáo dục tiên tiến của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam. Mỗi lần về nước, chị Thu Hồng cũng không tiếc thời gian tham gia các khóa tập huấn cho giáo viên ở nhiều trường học quanh Hà Nội. Nhờ nhiệt huyết đó, nên trong bốn năm qua, chị đã cho ra mắt ba cuốn sách về chủ đề giáo dục và giáo dục gia đình. Mỗi cuốn sách đều tập hợp tâm huyết nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy, có nhiều nguồn tài liệu, khung chương trình toàn bộ cho các khối lớp cũng như cách thực hành tại nhà, bố mẹ có thể áp dụng ngay với con cái.

Người dẫn đường cho các bậc phụ huynh

Gặp chị Thu Hồng trong một ngày mùa đông đẹp trời, không phải qua cuộc trò chuyện online nữa mà trực tiếp ở buổi giới thiệu sách “Phát triển năng lực cảm xúc xã hội” của chị tại nhà sách Nhã Nam. Cuốn sách mới lần này của chị viết về giáo dục cảm xúc xã hội - một khái niệm không mới, song còn chưa được quan tâm đầy đủ trong phần lớn nhà trường ở Việt Nam. Thạc sĩ giáo dục, nhà giáo lâu năm, tác giả của ba cuốn sách ăn khách khiến mọi người cảm nhận rõ năng lượng đầy tích cực và sôi nổi như một người dẫn đường, một người truyền cảm hứng “học tập” không chỉ cho các em nhỏ mà cho chính các bậc phụ huynh. Chị tiết lộ, sau một số chuyện buồn, tin tức gần đây về tình trạng tâm lý học đường của các bạn nhỏ ở Việt Nam, chị nhận thấy có quá nhiều vấn đề đặt ra cả từ phía nhà trường, gia đình và xã hội.

Chẳng hạn, nhiều bố mẹ và đặc biệt bản thân các bạn nhỏ còn không biết làm cách nào để vượt qua những cảm xúc tiêu cực. Những điều này đều có các nghiên cứu rất cập nhật của nhiều nhà giáo dục trên thế giới, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 khiến học sinh phải gián đoạn không đến trường trong một thời gian khá dài. “Tự nhận thức là một trong những năng lực cảm xúc xã hội. Chúng ta cần phải hiểu và gọi tên cảm xúc của mình. Sau khi đã biết cảm xúc của mình rồi, ví dụ như khi cảm thấy buồn, con có thể viết ra những suy nghĩ, cảm giác của mình; nói chuyện với bạn bè hoặc người lớn về điều gì làm cho con buồn; hoặc khi cảm thấy tức giận, con hãy lui lại một bước và nghĩ xem làm cách nào để mình có thể nói chuyện bình tĩnh về điều làm cho mình tức giận...”, chị Thu Hồng phân tích.

Theo chị, để giúp các bạn nhỏ vui vẻ, hạnh phúc hơn, Viện Tâm lý Trẻ em của Mỹ cũng đưa ra gợi ý cho bố mẹ và thày cô những hoạt động dựa trên các nhóm chất và kích thích tố tích cực cho não bộ mà các hoạt động này mang lại. Đó có thể là ăn những món ngon, món ăn ưa thích, xem phim, chơi ngoài trời, thử làm điều gì đó mới mẻ hay chạy hoặc đi xe đạp, hoạt động thể chất như nhảy, bơi hoặc yoga, thiền để chống lo sợ… Nhiều khi những hoạt động đơn giản như cha mẹ ôm hôn con cái, ăn tối cùng nhau, phơi nắng, ra ngoài thiên nhiên… cũng đều là các hoạt động được các chuyên gia khuyến khích nhằm cải thiện cảm xúc.

Cô giáo Thu Hồng với các học sinh đa văn hóa.

“Tôi thấy rất cần duy trì đều đặn các hoạt động này, ngay cả khi con đã lên cấp hai hay vào tuổi teen. Điều đó đặc biệt quan trọng vì đây sẽ là những yếu tố giúp các bạn thanh thiếu niên đi qua tuổi ẩm ương một cách bình yên và hạnh phúc nhất”, chị nói. Khi nói về phương pháp học STEM, môn học đang rất “hot” ở Việt Nam, Thạc sĩ Hồng cho rằng, giáo dục STEM chính là dạy về cuộc sống hằng ngày, là vận dụng kiến thức và chuyên môn để cải thiện đời sống và giải quyết những thứ chưa hoàn thiện. Theo chị, STEM đơn giản có thể là đóng chuồng gà sao cho hữu dụng, làm thế nào nấu bữa tối ngon miệng, sắp xếp mọi người ngồi thoải mái quanh bàn ăn, bảo vệ nguồn nước sạch, tối ưu hóa nguồn nhân lực gia đình khi dọn nhà cuối tuần…

Đáng trân trọng hơn là tất cả những chia sẻ với cộng đồng của chị Thu Hồng đã được đúc rút và củng cố bằng cả kiến thức chuyên môn cùng với kinh nghiệm thực tiễn. Để có được điều đó, chính chị cũng đã trải qua một hành trình rất dài học và tự học. Tốt nghiệp cấp ba xong thi đại học, Thu Hồng khi đó đỗ tới ba trường đại học và đã chọn vào khoa Báo chí, Đại học KHXH&NV. Khi ra trường, chị từng làm báo cho tờ The Guide (tạm dịch: Người dẫn đường) thuộc Thời báo Kinh tế Việt Nam, rồi dấn thân đi làm phóng viên tình nguyện ở Bangladesh và trở về làm cho Đại sứ quán Israel và làm quản lý ở khách sạn Melia. “Mỗi một trải nghiệm lại làm cho mình trưởng thành hơn”, chị nhớ lại: “Mỗi một nghề nghiệp giúp hình thành và hoàn thiện bản thân hơn và cuối cùng mình đã chọn nghề giáo. Để trở thành giáo viên ở Mỹ, mình đã phải tham gia thêm một khóa học hai năm ở trường đại học, với điều kiện phải có một bằng cử nhân mới được học chương trình đào tạo giáo viên”. Vượt qua những khó khăn ban đầu, chị luôn giữ cho mình niềm đam mê chia sẻ. Những năm tháng mới xa Việt Nam, chị Hồng vẫn tạo thói quen dạy con đọc thơ và hát tiếng Việt để con không quên ngôn ngữ mẹ đẻ. Sau này, gặp những phụ huynh người Việt mới sang, chị càng cảm thông và thấu hiểu, nên luôn sẵn sàng giúp đỡ.

Chị cũng cho biết, mỗi lớp học ở ngôi trường mà chị đang dạy hiện nay đều là lớp học đa văn hóa, các học sinh đến từ nhiều quốc gia. Như lớp 3 chị đang phụ trách, có 19 học sinh từ 10 nước khác nhau. Đặc biệt năm nay có số học sinh gốc Việt nhiều nhất từ trước tới giờ. Trong 5 bạn gốc Việt, bạn thì rành tiếng Việt, bạn thì không, có bạn bạo dạn, có bạn nhút nhát và luôn im lặng..., song bạn nào cũng mê đồ ăn Việt Nam và háo hức với những giá trị văn hoá truyền thống. Điều đó khiến chị rất tự hào về những học sinh của mình.

Những cái ôm, thỉnh thoảng massage đầu hay chân cho con; cùng nhau ăn những món ăn ưa thích như phở, pizza, hoặc khuyên con tập môn thể thao mới như bóng bàn… Đó là những “liệu pháp” tưởng chừng như đơn giản nhưng lại rất hữu hiệu để cải thiện tâm lý học đường.

Thạc sĩ giáo dục Đinh Thu Hồng

Mỗi dịp lễ hội ở trường là một cơ hội để các em học sinh thể hiện bản sắc và truyền thống độc đáo, riêng biệt của mình cũng như học tập và khám phá các nền văn hóa khác, như ẩm thực, trang phục… Cô giáo Thu Hồng và các phụ huynh trong cộng đồng người Việt cũng luôn tâm niệm giới thiệu những nét đẹp văn hóa Việt Nam tới bạn bè, đồng nghiệp. Ngoài dạy học, chị Thu Hồng cùng với một số người bạn đang thực hiện dự án Nhạc thiếu nhi song ngữ, chuyển ngữ nhiều bài hát thiếu nhi Việt Nam nổi tiếng như “Đi học”, “Trái đất này là của chúng mình”… sang tiếng Anh. Trước khi về Việt Nam và cũng là kỳ nghỉ đón năm mới ở Mỹ, chị đã giới thiệu ca khúc “Ngày Tết quê em” cho học sinh ở Mỹ nghe. “Các bạn nhỏ thích thú vô cùng, có bạn hát theo, có bạn ngồi chăm chú theo dõi từ đầu tới cuối. Có bạn còn nhận ra tên của cô giáo trong bài hát. Điều ấy khiến mình rất cảm động và là động lực để mình tiếp tục trên con đường chia sẻ tri thức và kinh nghiệm tới cộng đồng”, chị bồi hồi kể lại./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận