Tết Quý Sửu 1973, cái Tết đặc biệt ở Hà Nội

Thăng Long - Hà Nội đã ăn hàng nghìn cái Tết Nguyên đán nhưng hiếm có Tết nào như Tết Quý Sửu 1973.

 

Thăng Long - Hà Nội đã ăn hàng nghìn cái Tết Nguyên đán nhưng hiếm có Tết nào như Tết Quý Sửu 1973. Ngày 27/1/1973 (tức 24 Tết Quý Sửu), Mỹ phải ký Hiệp định Paris với Việt Nam dân chủ cộng hòa, rút quân khỏi Việt Nam. Một cái Tết hòa bình nhiều cảm xúc không thể quên với người Hà Nội.

Tất bật chuẩn bị

Ngày 15/1/1973, Tổng thống Mỹ Nixon tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc nhưng những trận bom B52 tàn khốc gây chết chóc từ ngày 18 - 29/12/1972 khiến nhiều gia đình cảnh giác, không tin vào tuyên bố của chính quyền Mỹ nên vẫn ở lại nơi sơ tán nghe ngóng. Tuy nhiên lác đác cũng có gia đình dắt díu con cái, cha mẹ già trở về Hà Nội.

Ngày 23/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam được ký tắt, hôm đó là ngày 19/12 Âm lịch. 4 ngày sau, ngày 27/1/1973 hiệp định được ký chính thức. Người Hà Nội, người dân miền Bắc vui mừng khôn tả. Những người chần chừ chưa đưa gia đình ở nơi sơ tán về thành phố nay không còn lý do gì để ở lại. Các tuyến đường về Hà Nội đông đúc bởi ô tô tải, ô tô khách, xe đạp và người đi bộ. Nóc xe khách ngất ngưởng đồ đạc, xe đạp treo móc,lủng củng đủ thứ. Có gia đình không mua được vé xe đành tay xách, nách mang lếch thếch hành quân bộ trong cái rét tê tái và mưa phùn cuối năm.

Để người dân trở về nhanh và đỡ vất vả, ủy ban hành chính thành phố đã lệnh cho đơn vị vận tải hành khách tăng chuyến, quay vòng, chạy cả đêm và phải chở cho đến gia đình cuối cùng. Công ty xe điện cũng được lệnh chạy cả đêm để đưa đón khách từ các bến xe ở cửa ô vào nội thành. Thành phố đông đúc, ai ai cũng tươi tắn. Dù Giáp Bát, Phương Liệt, Bệnh viện Bạch Mai, Khâm Thiên, An Dương, Uy Nỗ… và nhiều nơi khác trong thành phố vẫn còn hố bom sâu hoắm, nồng mùi thuốc nổ giết người nhưng không khí chuẩn bị đón Tết lan khắp phố phường.

Một điểm bán hàng Tết năm 1973 tại Hà Nội. (ảnh: KT)Ngày 5/8/1964 Mỹ đánh bom miền Bắc, quân và dân hai miền cùng chống Mỹ. Cả nước có chiến tranh nên sản xuất gặp nhiều khó khăn, hàng hóa thiếu thốn vì thế từ năm 1965, các gia đình Hà Nội lo cho cái Tết rất sớm. Trong năm, nhà nhà đã gom góp chút nấm hương, mộc nhĩ, nắm đậu xanh, măng… để Tết có cái làm cỗ. Nhà nước nhận trách nhiệm cung cấp gạo nếp, thực phẩm, lá dong gói bánh chưng, rượu, bánh mứt kẹo… cho nhân dân ăn Tết. Nhưng tháng 4/1972, Mỹ quay lại đánh bom miền Bắc rất ác liệt vì thế mọi người lo lắng, không có tâm trạng tích cóp cho cái Tết như những năm trước.

Ngày 13/1/1973, ngành thương nghiệp thành phố thông báo bán món hàng Tết đầu tiên là nước mắm. Trẻ con đạp xe vào làng Bình Đà mua pháo nên phố đã có tiếng nổ đì đoẹt, xác đỏ vương trên hè mà túi hàng Tết với mì chính, miếng bóng bì, bánh pháo, chai rượu, hộp mứt… vẫn chưa bán. Lại còn gạo nếp, đậu xanh, lá dong để gói bánh chưng, thịt lợn… cũng im ắng, ngành thương nghiệp chưa có thông báo thêm. Mọi người sốt ruột chờ đợi. Và ngày 20/1, ngành thương nghiệp thông báo tiếp bán thêm thịt, gạo nếp, bột mì (để làm bánh quy gai, quy xốp). Hà Nội bừng lên niềm vui. Ngày 23/1, ngành thương nghiệp mới thông báo bán túi hàng Tết, lá dong. Ngày 25/1 thông báo bán củi, than để luộc bánh chưng. Thành phố đông đúc, người xe đan nhau, bác lái tàu điện phải nhấn chuông liên tục. Mọi người đổ về các cửa hàng lương thực, thực phẩm, chất đốt, bách hóa xếp hàng. Mua được là mừng, gạo đen hay trắng, nếp ngon hay lẫn hạt chấm vàng cũng tốt. Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền, nơi được gọi là pháo đài thương nghiệp xã hội chủ nghĩa đông hơn hội. Người mua đường làm bánh, người cố mua cho con tấm áo mới mặc Tết. Đông nhất là người xếp hàng mua túi hàng Tết. Gian dưới, gian trên gác rộng hàng trăm mét mà chật chội. Chưa có Tết nào các cửa hàng bán đến 11, 12 giờ đêm.

Không chỉ các cửa hàng quốc doanh, chợ truyền thống cũng người chen người, xúm xít quanh bà bán su hào, cà rốt, hành củ… Mọi năm, chợ hoa Tết Hàng Lược bắt đầu họp từ 23 tháng Chạp nhưng do dân từ nơi sơ tán về muộn nên chợ họp vào sáng ngày 27/1 (tức 24 Tết) - đúng ngày ký chính thức Hiệp định Paris. Chợ hoa đón vị khách rất đặc biệt, đó là Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đản - Lê Duẩn. Ông tươi cười ngắm nhìn người Hà Nội đi chợ. Thời tiết năm này không thuận, hoa đào không đẹp, nhiều dân chơi cầu kỳ đành quay ra mua lay ơn, thược dược, cúc, hoa bướm... Dù tất bật bao nhiêu việc phải lo toan cho dân ăn Tết nhưng Hà Nội vẫn không quên thế hệ tương lai, ngày 26/1, Sở Giáo dục Hà Nội thông báo “Bắt đầu từ ngày 3 đến ngày 5 Tết, học sinh học ở nơi sơ tán về đăng ký vào các trường nội thành để ăn Tết xong là có thể đi học ngay”. Thành phố náo nhiệt đông đúc chạy đua với thời gian vì Tết. Lâu lắm phố mới thức khuya như vậy. 

Tết ở phố Khâm Thiên

Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, nhiều phố nội thành, nhiều làng ngoại ô trúng bom B52, nhà cửa tan tành, người sống khóc người chết hết nước mắt. Nhưng đau thương nhất là Khâm Thiên. Con phố có nhiều di tích lịch sử từ thời Hai Bà Trưng, thời Lý. Con phố nổi tiếng sênh phách trong nửa đầu thế kỷ 20 với các nhà hát ca trù và sàn nhẩy đầm. Đêm ngày 26/12/1972, chỉ còn 1 tháng là Tết, phố trúng hàng loạt bom B52. Nhà cửa đổ nát, gạch ngói vỡ đầy đường, bên dãy số lẻ lỗ chỗ hố bom, khung cảnh điêu tàn.

Trận bom đã giết chết 278 người cả già và trẻ, 290 người bị thương và 178 trẻ mồ côi, có em mất cả cha mẹ. Cả Hà Nội bàng hoàng. Dân phố đau đớn, trắng khăn tang. Khói hương tỏa ra từ những túp lều tạm bên miệng hố bom. Để các gia đình bị mất nhà có nơi ở và chuẩn bị cho cái Tết sắp đến, bộ đội, tự vệ, thanh niên đã giúp dân dựng lại những nhà bay mái, san lấp hố bom, dọn đường. Bà con 2 tỉnh Hà Tây và Hòa Bình đã ủng hộ tre, nứa, lá chở về tận Khâm Thiên, lại cử người đến dựng nhà. Giáp Tết, 500 căn nhà tình nghĩa với tổng diện tích 10.000m2 đã được trao tặng cho những gia đình mất nhà để họ kịp ăn Tết.

Bom khiến nhiều nhà mất sổ gạo, tem phiếu không còn. Để bà con có gạo ăn, ngành lương thực, thực phẩm Hà Nội nhanh chóng cấp công lệnh mua gạo, cấp tem phiếu thực phẩm, chất đốt. Sinh thời, nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân ở phố Khâm Thiên kể rằng, thành phố khó khăn, thiếu thốn nên tiêu chuẩn ăn Tết của những nơi bị bom trong đó có Khâm Thiên cũng giống như mọi người trong thành phố. Nhà nào gói được bánh chưng đều chia sẻ cho những nhà không có. Trẻ em mồ côi không còn người thân được các gia đình đón về ăn Tết. Không khí vui mừng vì hòa bình diễn ra khắp thành phố nhưng Khâm Thiên ăn Tết trong lặng lẽ và nước mắt.

Người dân vui vẻ trở về từ chợ hoa Nghi Tàm sau khi đã sắm đồ Tết chuẩn bị cho năm mới 1973. (Ảnh: KT)

Ngày 27/1/1973 (tức 24 Tết Quý Sửu), Mỹ ký Hiệp định Paris với Việt Nam dân chủ cộng hòa, rút quân khỏi Việt Nam. Người Hà Nội, người dân miền Bắc vui mừng khôn tả. Đây là cái Tết hòa bình nhiều cảm xúc không thể quên với người Hà Nội.

Giao thừa ở Hồ Gươm và tiếng hát vẫn vang lên

Tối 30, trên hè nhiều con phố vẫn đỏ lửa vì nhiều gia đình đang luộc bánh chưng - thứ đặc trưng làm nên cái Tết. Dù vật chất không đủ đầy song Tết Quý Sửu 1973 lại vô cùng ấm áp vì có  nhiều hoạt động nghệ thuật. Ngành văn hóa tổ chức thi hoa cảnh tại Công viên Thống Nhất. Ai có chậu quất đẹp, gốc cây đào thế lạ, chậu hải đường hoa đỏ sậm… đều có thể đăng ký tham gia. Ca nhạc ngoài trời diễn ra tại Vườn hoa Chí Linh (nay là Lê Thái Tổ), Bách Thảo, Công viên Thống Nhất. Tại sân khấu Câu lạc bộ Thanh Niên hồ Thuyền Quang, Đoàn Cải lương Thăng Long diễn vở “Mẫu đơn tiên”, ở Câu lạc bộ Lao Động (nay là Công đoàn Thành phố Hà Nội) chiếu phim.

Hà Nội đón Tết Quý Sửu 1973 khi hậu quả đợt oanh kích B52 vẫn còn hết sức nặng nề. (Ảnh: KT)Tối mùng 2 Tết, tại Rạp Công nhân, Đoàn Kịch nói Hà Nội diễn vở “Con tôi cả” của tác giả Mỹ Arthur Miller. Đó là quan điểm rất tiến bộ, người Việt Nam chống các chính phủ Mỹ đưa quân xâm lược Việt Nam nhưng quý mến nhân dân Mỹ yêu chuộng hòa bình và coi trọng giá trị các tác phẩm nghệ thuật lớn dù xuất xứ nó ở đâu.

Vô tuyến truyền hình Việt Nam ra đời năm 1970 và thời gian phát sóng rất ngắn nhưng đêm Giao thừa, thành phố đặt 3 chiếc ở nơi công cộng cho dân chúng xem. Một tại Câu lạc bộ Đoàn Kết (cuối phố Cổ Tân), một ở đền Bà Kiệu và một đặt trước cửa Nhà văn hóa Trung ương (16 Lê Thái Tổ). Máy vô tuyến truyền hình đen trắng nhãn hiệu Starfurt của Cộng hòa dân chủ Đức. Truyền hình khi đó quá mới lạ nên công an và dân phòng gác xung quanh, sợ dân chen nhau xem làm vỡ  máy.

Trung tâm Tết Hà Nội là xung quanh Hồ Gươm. Tục đón Giao thừa ở Hồ Gươm hình thành từ năm 1960, khi bà con miền Nam tập kết ra Bắc. Sau khi nghe Bác Hồ chúc Tết xong, mọi người đi quanh hồ tìm đồng hương cũng là cho vơi bớt nỗi nhớ người thân còn ở miền Nam. Người Hà Nội chia sẻ nỗi buồn đã ra phố hòa cùng bà con chơi Giao thừa. 10 giờ đêm, Hồ Gươm đã đông đúc người chờ xem bắn pháo hoa. Và Hồ Gươm còn vui hơn khi mấy chục công nhân Cuba đang giúp Việt Nam xây dựng trại bò giống Ba Vì về Hà Nội chung vui Giao thừa hòa bình. Họ nhảy quanh hồ,và hát “Oăn-ta-ra-mê-ra” - bài hát nổi tiếng thế giới của Cuba. Đường phố đông vui mừng cái Tết hòa bình nhưng không ít người mẹ, người vợ Hà Nội lặng lẽ trong nhà, nhớ và lo cho chồng, con đang chiến đấu ngoài mặt trận...

Tết Quý Sửu 1973 cách Tết Quý Mão 2023 đúng nửa thế kỷ, một cái Tết không thể quên với những lớp người Hà Nội. Đất nước Việt Nam trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược nên trong tâm thức, người Việt luôn phản đối chiến tranh và mong muốn mọi người trên thế giới được sống trong hòa bình./.

Tục đón Giao thừa ở Hồ Gươm hình thành từ năm 1960, khi bà con miền Nam tập kết ra Bắc. Sau khi nghe Bác Hồ chúc Tết xong, mọi người đi quanh hồ tìm đồng hương cũng là cho vơi bớt nỗi nhớ người thân còn ở miền Nam. Đường phố đông vui mừng cái Tết hòa bình nhưng không ít người mẹ, người vợ Hà Nội lặng lẽ trong nhà, nhớ và lo cho chồng,con đang chiến đấu ngoài mặt trận...

Nguyễn Ngọc Tiến

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận