Dương Bích Vi (Brier Yang) là nhà thơ nữ 8X của Trung Quốc. Cách đây khoảng 10 năm, trước Tết Nguyên đán không lâu, chị từng có dịp đi du lịch Việt Nam. Giáp Tết Nguyên đán Quý Mão, khi Trung Quốc đang nới lỏng các biện pháp kiểm soát Covid-19, chị lại muốn một lần nữa đặt chân lên mảnh đất hình chữ S, nơi mà mỗi cái tên đều gợi trí tò mò khiến chị muốn khám phá.
36 phố phường, nét nguyên sơ giữa lòng đô thị
Mặc dù theo học Tiến sĩ và sau Tiến sĩ ở Bắc Kinh, hiện đã lập gia đình và sống tại đây, nhưng do sinh ra ở tỉnh Vân Nam, tiếp giáp với Việt Nam, ngay từ khi còn nhỏ, Bích Vi đã từng nhiều lần được nghe đến cái tên Việt Nam. Chị kể, qua những bức ảnh kỷ niệm từ khi còn bé xíu, chị đã được cha mình giới thiệu về một bạn học nữ của ông định cư ở Hà Nội. Bà ngoại của một bạn học cùng lớp với chị cũng là người Việt Nam. Những câu chuyện về quốc gia láng giềng cứ thế ăn sâu vào tiềm thức chị lúc nào không hay.
Đến nay, chị đã đặt chân đến khoảng 10 nước trên thế giới, trong đó có một số quốc gia Đông Nam Á và châu Âu. Trong đó, Đông Nam Á vẫn mang lại cho chị những cảm xúc và cảm hứng sáng tác mạnh mẽ hơn cả. “Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên tôi đến, do vậy ấn tượng rất sâu sắc. Khi đến các nước khác, đôi khi tôi chỉ như cưỡi ngựa xem hoa, nhưng riêng Việt Nam tôi đã đi từ Bắc vào Nam”, chị chia sẻ.
Trong chuyến đi này, Bích Vi đã đến Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Cả hai địa danh này đều được chị đưa vào các bài thơ của mình. “36 phố cổ”, “Sài Gòn” và “Lại viết Sài Gòn” là 3 tác phẩm trong tập thơ “Xuống Nam Dương” xuất bản năm 2021 của nữ thi nhân.
Một trong những ấn tượng sâu sắc nhất của chị khi đến Hà Nội chính là phố cổ. Trong tác phẩm của mình, chị viết:
“Dầu muối, nón lá, hộp kim chỉ
Mỗi loại vật phẩm, tự có cho mình một con đường”. (tạm dịch)
Với chị, việc mỗi con phố mang tên một loại hàng hóa là điều ngoài sức tưởng tượng. Chị cho biết: “Trước khi đến Hà Nội, tôi chưa từng nghĩ trên thế giới lại có một khu phố lý thú đến vậy. Trong ấn tượng của tôi, nó chả khác nào một mê cung, giống như tác phẩm “Những thành phố vô hình” của nhà văn Italo Calvino (người Italia - PV). Ông đã tưởng tượng ra rất nhiều kiểu thành phố và con người với nhiều lối sống khác nhau. 36 phố phường đã đem lại cho tôi một cách sống khác lạ, bởi mỗi con phố bán một loại hàng hóa và dùng nó để đặt tên. Nếu xét từ góc độ thi ca, thì mỗi bài thơ đang dùng ngôn ngữ để đặt tên cho thế giới. 36 phố phường cũng dùng các vật dụng cụ thể để đặt tên, nó đã đưa thứ đồ vật đó lên tầm cao thi ca và điều này khiến tôi cảm thấy rất thú vị. 36 phố phường đã đem đến cho tôi sự tưởng tượng phong phú. Đi giữa lòng các con phố tôi không khác nào lạc vào mê cung trong thành phố. Nó vừa mang tính hiện đại của Hà Nội ngày nay, vừa có phương thức sống truyền thống của người dân Việt Nam khi xưa”.
Không chỉ vậy, điều khiến chị cảm thấy thích thú và hấp dẫn còn ở chỗ phố cổ Hà Nội gần như được giữ nguyên trạng, mọi sinh hoạt hàng ngày, hoạt động kinh doanh của người dân vẫn diễn ra như vốn dĩ. Ở đó, không có những tác động cố ý để tạo nên sự thống nhất, đồng loạt hay giống nhau và đều tăm tắp.
Theo chị: “Việc lưu giữ sự so lệch và khác biệt đã được làm rất tốt. Bởi có một số điểm du lịch để tạo sự ngay ngắn, đến biển hiệu cũng cùng một phong cách và những đồ bán trong cửa hàng cũng giống nhau. Cách làm này đôi khi lại đánh mất sự mới mẻ mang lại từ sự khác biệt vốn có. Khu phố này đã giữ được những nét nguyên sơ, người dân địa phương vẫn đến đó mua sắm và kinh doanh các mặt hàng, điều này thật tốt. Tôi rất muốn được xem những tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình quay cảnh tại những con phố này. Như vậy sẽ đem lại ấn tượng lập thể hơn”.
Thành phố Hồ Chí Minh - nơi đã đi vào tiểu thuyết và điện ảnh
Trước khi đến Việt Nam, nếu như Hà Nội được Dương Bích Vi biết đến qua những người bạn của cha chị, thì Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh được nhà thơ mường tượng qua các tác phẩm văn học và điện ảnh.
Trong suy nghĩ của chị, Việt Nam là quốc gia đầy chất thơ. Bởi trước khi tới đây chị đã bị hấp dẫn khi đọc tiểu thuyết “Người tình” và nhiều tác phẩm khác của nữ nhà văn người Pháp Marguerite Duras. Dù luôn biết những gì bà viết về Việt Nam đã khác xa với hiện tại, nhưng điều đó không làm mất đi sự ngưỡng vọng và mong mỏi được đặt chân lên mảnh đất này của chị.
Sau này, ở Trung Quốc, chị còn xem phim “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn Trần Anh Hùng và phim “Hai Phượng” do nữ diễn viên Ngô Thanh Vân đóng vai chính. Những bộ phim này giúp chị phần nào hiểu thêm về Việt Nam, nhưng như thế vẫn chưa bao giờ là đủ. Chị bày tỏ: “Tôi mong mỏi được xem các tác phẩm nói về những câu chuyện cuộc sống đang diễn ra ở Việt Nam, cả điện ảnh, văn học, thi ca, âm nhạc của những tác giả người Việt hiện vẫn đang sinh sống ở Việt Nam. Tôi cho rằng, những điều này chắc chắc sẽ khiến ấn tượng trong lòng du khách trở nên sâu đậm hơn. Hơn thế, những ấn tượng này sẽ không mất đi theo thời gian, mà ngược lại càng rõ nét hơn trong tâm trí của họ”.
Nhà thơ Dương Bích Vi cũng chia sẻ, thời gian gần đây nhạc EDM của Việt Nam hay phim truyền hình của Thái Lan khá được ưa chuộng trong giới trẻ Trung Quốc. Lý giải về điều này, chị cho rằng, cũng giống như phim Hong Kong, Đài Loan từng được người Trung Quốc đại lục đón nhận nồng nhiệt vào những năm 1980, 1990, sự xuất hiện của nhạc trẻ Việt và phim Thái Lan đã đem lại cảm giác mới mẻ, khác lạ cho người nghe, người xem ở Trung Quốc, khiến họ hiểu thêm về văn hóa và thế giới bên ngoài.
Riêng với chị, chị sẵn sàng đón nhận các bộ phim Việt Nam nếu một ngày chúng được chiếu ở Trung Quốc. “Ít nhất là với tôi, tôi sẽ xem, tôi sẽ quan tâm và tìm hiểu. Ngay lúc này đây tôi đang rất muốn được xem các bộ phim điện ảnh và phim truyền hình của các nước khác bên ngoài Trung Quốc, chẳng hạn Việt Nam. Tôi thấy, chúng tôi cần hiểu thế giới nhiều hơn nữa”, chị khẳng định.
“Trước khi tôi sang Việt Nam, có người bạn từng đi bảo tôi rằng không cần phải lo lắng vì không lên được mạng, bởi ở đó đâu đâu cũng có wifi. Khi đến nơi tôi thấy quả đúng như vậy. Đây là điều khác hẳn với những gì tôi nghĩ, trong khi Việt Nam vẫn vẹn nguyên cảm nhận tươi đẹp, đầy chất thơ trong tôi. Sau khi đến Việt Nam, tôi đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Một Việt Nam tươi đẹp như vốn có không hề mất đi, trong khi tôi lại có thêm những bất ngờ và niềm vui mới”.
Thi sĩ Dương Bích Vi
|
Đặt kỳ vọng vào Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Trung Quốc
Khi được biết trong Tuyên bố chung sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc hồi cuối tháng 10/2022, hai nước đã nhất trí tăng cường hợp tác văn hóa và du lịch, “phía Trung Quốc hoan nghênh, ủng hộ Việt Nam thành lập Trung tâm Văn hóa tại Trung Quốc”, chị đã rất vui mừng và kỳ vọng.
Dù biết Trung tâm Văn hóa Việt Nam nếu được thành lập nhiều khả năng sẽ chọn ở Bắc Kinh, nhưng chị vẫn mong muốn sẽ có những trung tâm như vậy ở Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, quê hương chị hoặc Nam Ninh, thủ phủ Quảng Tây. Đây là hai tỉnh của Trung Quốc tiếp giáp và có nhiều mối giao lưu hợp tác với Việt Nam.
Chị cũng hy vọng trong tương lai trung tâm này sẽ giới thiệu về văn học, điện ảnh và âm nhạc Việt Nam, tổ chức các cuộc thi viết về Việt Nam cho người Trung Quốc, trình chiếu các bộ phim tài liệu trên các nền tảng mạng và Đài Truyền hình của Trung Quốc, cũng như hợp tác với các trang web hoặc nền tảng du lịch sở tại tổ chức Tháng du lịch Việt Nam.
Bích Vi quả quyết, chỉ cần Trung Quốc mở cửa biên giới, chị sẽ đi du lịch Việt Nam một lần nữa, bởi mỗi cái tên địa danh như Nha Trang, Huế, Mũi Né, đảo Phú Quốc, Đà Lạt đều gợi cho chị rất nhiều điều thú vị./.
Bích Thuận/ VOV-Trung Quốc