Nói đến Huế, người ta thường nhắc đến sông Hương, núi Ngự, những lăng tẩm cổ kính với nếp sống thanh lịch mà thoạt nhìn cứ tưởng dễ dàng chấp nhận những gì hiện có, nhưng thực ra bên trong sự trầm lắng ấy là những dằn vặt suy nghĩ, lo toan cho cuộc sống. Tôi cảm nhận được điều này khi đến Huế đúng vào dịp nơi đây tổ chức kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968.
Âm vang bản anh hùng ca
“Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường/ Khôn ngoan dàn trận khắp phố phường/ Bác khen các cháu dân quân gái/ Đánh giặc Huê kỳ phải nát xương”. Đó là bốn câu thơ của Bác Hồ gửi khen ngợi chiến công của 11 cô gái Sông Hương đã mưu trí dũng cảm đánh lui một tiểu đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân năm 1968, góp phần cùng quân và dân thành phố giữ vững cố đô 25 ngày đêm, viết nên bản anh hùng ca vang dội của quê hương. Bản anh hùng ca ấy giờ đây vẫn còn âm vang thôi thúc quân và dân Thừa Thiên Huế phát huy năng lực trí tuệ nhằm xây dựng quê hương tươi đẹp, xứng đáng với truyền thống cách mạng của thế hệ đi trước và tầm vóc của một địa phương có di sản văn hóa của nhân loại đã được UNESCO xếp hạng.
Đến Thừa Thiên Huế trong những ngày này, chúng tôi thấy tinh thần đó càng được biểu hiện rõ nét khi mà cả tỉnh đang khẩn trương hoàn thành kế hoạch năm 2022 và triển khai thực hiện kế hoạch năm 2023, thi đua lập thành tích mừng Đảng, mừng Xuân và chào mừng kỷ niệm 55 năm cuộc tấn công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân năm 1968 của quân và dân miền Nam.
Chị Nguyễn Thị Hoa ở phường An Cựu là 1 trong 11 thành viên của tiểu đội dân quân gái đã bám trụ chiến đấu kiên cường trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. Mặc dù ở trong ngõ, nhưng ngôi nhà của chị khang trang, vườn tược rộng rãi với nhiều loại cây trái và các loại cây cảnh, nhiều nhất là phong lan với những nhành hoa tím sáng, mang đặc trưng của sắc màu xứ Huế. Trước cổng nhà là cây mai cao trên 3m nở hoa vàng rực rỡ báo hiệu mùa Xuân mới đang về. Trong không gian ấm cúng đó, chị Hoa bồi hồi nhớ lại: “Tiểu đội của chị em chúng tôi có 11 người đều là ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi, được thành lập tại làng Vân Thê, huyện Hương Thủy và lấy tên là “Tiểu đội sông Hương” - tên con sông hiền hòa thơ mộng của Thành phố Huế. Tiểu đội sông Hương có nhiệm vụ chính là dẫn đường cho bộ đội vào thành phố và phối hợp với bộ đội để chiến đấu khi cần, nếu có thương binh thì trực tiếp đưa thương binh ra ngoài. Khi tiếng súng mở màn nổ đúng vào đêm Giao thừa Tết Mậu Thân (31/1/1968) thì chúng tôi đã đưa bộ đội ra, vào được mấy vòng rồi. Đến sáng ngày 1 Tết thì địch mở rộng vành đai ra quanh sân vận động Huế để bao vây bộ đội ta, vì vậy, chị em chúng tôi đã chia thành 3 tổ, có trang bị B40, B41, súng cối cá nhân và súng tiểu liên các loại để chiến đấu thích ứng. Lúc ấy có 3.000 lính thủy đánh bộ Mỹ, nhưng chị em đã biết cách đánh theo kiểu du kích nên cuối cùng chúng thất bại nặng nề và phải rút lui. Sau trận đánh nổi tiếng này, Bác Hồ đã gửi thư khen và bà Nguyễn Thị Định tặng cờ thi đua Quyết Thắng cho tiểu đội”.
Ôn cố tri tân, có được cuộc sống như ngày hôm nay, tuổi trẻ và nhân dân Thừa Thiên Huế hiểu được giá trị của chặng đường mà cha anh đã đi để vững vàng bước tiếp những chặng dường còn lại. Đến xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tôi được nghe kể lại rằng, thời kỳ Mỹ ngụy còn kìm kẹp, ở đây cứ mỗi cột điện thường xuyên có 3 lính Mỹ đứng canh gác, thế nhưng cách mạng vẫn liên lạc được với quần chúng, bởi Đảng ở trong dân và dân luôn luôn có Đảng. Truyền thống cách mạng trung kiên đó giờ đây đang được nhân dân và tuổi trẻ phát huy trong các phong trào thi đua lao động sản xuất và xây dựng cuộc sống mới, đặc biệt là đã khai thác tiềm năng thế mạnh vùng đầm, phá để nuôi trồng thủy hải sản kết hợp với du lịch sinh thái một cách hiệu quả. Truyền thống sẽ trở thành sức mạnh khi được phát huy. Nhận thức được điều này, các cấp bộ Đảng và Đoàn ở Thừa Thiên Huế rất chú trọng công tác giáo dục truyền thống để nhân lên sức mạnh, tạo động lực vượt khó đi lên.
Thừa Thiên Huế và những chiến công bất diệt
Nói đến Huế, người ta thường nhắc đến sông Hương, núi Ngự, những lăng tẩm cổ kính với nếp sống thanh lịch mà thoạt nhìn cứ tưởng dễ dàng chấp nhận những gì hiện có, nhưng thực ra bên trong sự trầm lắng ấy là những dằn vặt suy nghĩ, lo toan cho cuộc sống. Tôi cảm nhận được điều này khi đến Huế đúng vào dịp nhân dân và tuổi trẻ ở đây đang sôi nổi tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, mừng kỷ niệm 55 năm cuộc tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968 và 29 năm ngày đón nhận bằng Di tích Lịch sử Văn hóa thế giới của UNESCO vinh danh cố đô Huế. Với những truyền thống, niềm tự hào của thành phố - nơi trung tâm đấu tranh chính trị của những ngày đêm quật khởi để đi đến mùa Xuân Mậu Thân lịch sử, với tinh thần của 11 cô dân quân gái sông Hương dũng cảm đánh địch trên đường phố giữa ban ngày, tuổi trẻ ở đây đã và đang sẵn sàng gánh vác, san sẻ với thế hệ đi trước những lo toan thiết thực như cơm ăn, áo mặc, việc làm, học hành và đời sống văn hóa của nhân dân.
Chiều Sông Hương thật yên tĩnh, dấu tích của những trận lũ cũng đã chìm sâu vào dĩ vãng, nhưng hình ảnh của những đội viên thanh niên xung kích chèo thuyền vượt qua mưa lũ để tiếp tế lương thực, nước uống cho bà con trong cơn hoạn nạn vẫn hiện về trước mặt. Đặc biệt là những câu chuyện mà chị Chế Thị Mừng - cô gái “trẻ nhất” trong tiểu đội dân quân 11 cô gái sông Hương kể lại trong trận chiến đấu với Thủy quân lục chiến Mỹ 55 năm trước đây vẫn còn hơi thở nóng bỏng của khí thế cách mạng.
Chị Chế Thị Mừng cho biết: “Trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, chúng tôi được giao nhiệm vụ là đưa đón và phối hợp với bộ đội để đánh vào thành phố và nếu có thương binh thì làm nhiệm vụ cáng thương. Chúng tôi cũng được trang bị đầy đủ các loại vũ khí như bộ đội vậy. Chúng tôi chiến đấu đến ngày thứ 2, tức là mồng 2 Tết thì tình thế của cuộc tiến công trở nên gay cấn và khốc liệt hơn, vì lực lượng địch đổ bộ xuống quá đông, chủ yếu là lính thủy quân lục chiến Mỹ, nên chị em phải trực tiếp chiến đấu để cầm chân địch cho bộ đội tiến công những mũi cần thiết khác và chúng tôi đã bẻ gãy nhiều đợt tấn công của chúng”.
Là thành phố của “Khúc ruột miền Trung”, Huế không thiếu những cơ sở văn hóa, những trường đại học, trung học đồ sộ, Huế cũng không thiếu những kiến trúc mà giá trị của nó ngang tầm thế giới... Nhưng cái mà trước đây Huế không có, đó là cơ sở sản xuất công nghiệp - cốt lõi của nền kinh tế đô thị. Giờ đây, gần 50 năm sau giải phóng và hơn 30 năm đổi mới, Huế đã có một vóc dáng mới của một thành phố công nghiệp và thương mại dịch vụ với cơ cấu kinh tế khá vững chắc, đó là: Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp - Thương mại - Dịch vụ du lịch... Tiêu biểu là Trung tâm thương mại Đông Ba, cụm khách sạn Nam sông Hương, Khu công nghiệp Phú Bài, Khu du lịch Thuận An... Chặng đường đi lên của Thừa Thiên Huế cũng là chặng đường tiếp cận với khoa học - kỹ thuật, tạo lập một nền đất thâm canh và bố trí lại cơ cấu mùa vụ, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất kinh doanh, gắn sản xuất với chế biến thành một khối liên kết...
Gương mặt tuổi trẻ chỉ ngời sáng khi dám chấp nhận thử thách để vượt qua, để đứng vững và sáng tạo nên những chiến công bất diệt như bài ca Xuân 68 vẫn còn mãi âm vang. |
Trong chiến tranh, mùa Xuân đẹp nhất là mùa Xuân chiến thắng. Còn trong hòa bình xây dựng thì mùa Xuân đẹp nhất đang chờ ở phía trước. Vì vậy, trong hành trang bước vào năm mới 2023 của tuổi trẻ và nhân dân Thừa Thiên Huế là mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Và dĩ nhiên gương mặt tuổi trẻ chỉ ngời sáng khi dám chấp nhận thử thách để vượt qua, để đứng vững và sáng tạo nên những chiến công bất diệt như bài ca Xuân 68 vẫn còn mãi âm vang./.