Trà hoa vàng thuộc chi trà (Camellia) họ chè (Theaceae) là một cây dược liệu quý mà thiên nhiên ban tặng cho nước ta. Tại miền Bắc, trà hoa vàng có nhiều ở các tỉnh: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Ninh Bình… Ngoài Vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) là “khu vực bảo tồn nguyên vị” và là vườn Camellia tự nhiên của Việt Nam, mấy năm gần đây còn có một thung lũng trồng toàn trà hoa vàng ở đất Ninh Bình. Những người kiến tạo nên thung lũng hoa này gọi nó là “Công viên Trà hoa vàng Ninh Bình”.
Công viên trà hoa vàng
Một ngày cuối tháng Giêng Quý Mão, chúng tôi về Ninh Bình, tìm đường vào Công viên Trà hoa vàng. Từ ngã ba Chạ gần thị trấn Nho Quan, chiếc xe bon nhanh trên những đoạn đường “nông thôn mới”, qua một đoạn ngầm nhỏ, hai bên là những ngọn núi mờ sương và rồi “lạc” vào thung lũng hoa. Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn dược liệu Vũ Gia và kỹ sư nông nghiệp, Tiến sĩ Vũ Văn Tâm dẫn chúng tôi đi thăm vùng trà hoa vàng. Đang thời kỳ cây trà bắt đầu ra hoa, những bông hoa trà, bông thì đương nụ, bông thì bắt đầu hàm tiếu lấp ló trên các nhánh cây. Thoạt nhìn, những bông hoa vàng như làm bằng ngọc, to khỏe, rắn chắc. Kỹ sư Tâm vui vẻ giải thích: “Cây trà hoa vàng cho thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Hoa nở mạnh vào đêm hoặc sau mưa hay cây được tưới nước đầy đủ. Người trồng trà biết hoa nở cần thu hoạch ngay để tránh ong bướm hay chim hút mật đến hút mật hoa, phấn hoa… Hôm nay các bạn không chọn ngày mà đến đúng dịp hoa nở, âu cũng là một cái duyên trời cho…”.
“Cái duyên trời cho”. Kỹ sư Vũ Văn Tâm người to cao, mặt tròn, có đôi lông mày phảng phất như một nhà tu hành. Thoạt tiếp xúc nghĩ anh ít nói. Nhưng không ngờ khi nói về cây trà hoa vàng, anh nói thật say sưa. Sinh năm 1972, quê ở Hải Hậu, Nam Định, Tâm đã tốt nghiệp một trường đại học nông nghiệp ở Nga, sau học thêm lấy bằng Tiến sĩ. Về nước, cũng đã làm ở vài cơ quan… và tự nhiên “cây trà hoa vàng” tìm đến với anh. “Đất Ninh Bình có rừng Cúc Phương, có giống trà hoa vàng Cúc Phương được xem như cây bản địa khá nổi tiếng” - Tâm cho biết. Cho nên vườn đặt ở khu vực Nho Quan - nơi có rừng Cúc Phương, được coi là đã tận dụng được hết cái “địa lợi” mà trời cho.
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm vườn trà, Tâm vừa nhẩn nha kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện hấp dẫn về một loại cây dược liệu mà lá - nụ - hoa đều có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Trong đó khả năng kiềm chế sự phát triển của tế bào ung thư đến 33,8% (ngưỡng 30% đã được coi là thành công). Riêng Việt Nam ta có đến 55 loài trà hoa vàng, chiếm khoảng 19% số loài trên thế giới. Trong đó có 22 loài đặc hữu, 11 loài mới.
Tôi thú thật với Tâm: Mình uống trà hoa vàng cũng nhiều, nhưng quả thực chưa tìm hiểu kỹ về nó lắm. Cũng nghe loáng thoáng giống trà quý này, người của nước bạn láng giềng sang ta mua nhiều, lại có ý đồ tận diệt giống trà hoa vàng Việt Nam để họ độc quyền với cây dược liệu này. Nhưng nay thì có thể yên tâm được rồi vì nước ta và Cục Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã có những chương trình, dự án nghiên cứu bảo tồn và phát triển Trà hoa vàng Việt Nam.
Được lời như cởi tấm lòng, Vũ Văn Tâm quay sang giới thiệu người thanh niên trẻ vẫn đi cùng chúng tôi: Đây là Thạc sĩ nông nghiệp Phạm Tiến Duật, chủ nhiệm đề tài khoa học của tỉnh Ninh Bình có tên “Xây dựng mô hình bảo tồn và nhân giống trà hoa vàng Cúc Phương” từ tháng 9/2019 đến tháng 12/2022.
“Đề tài mới kết thúc. Vậy kết quả ra sao?”. Sốt ruột, tôi hỏi ngay Duật. Thạc sĩ Phạm Tiến Duật từ tốn trả lời: “Tốt các anh chị ạ”. Đề tài được triển khai trên quy mô 3ha với một nhà màng 1.000m2 (theo tiêu chuẩn Nhật Bản). Mọi bước triển khai đều tuân theo quy trình nghiêm ngặt từ chọn cây giống, các thí nghiệm lấy hom và giâm trong 3 khoảng thời gian khác nhau, tưới nước và bón phân nhỏ giọt, thành phần và kích cỡ bầu đất, hố trồng và độ giãn cách… Kết quả là đã hoàn thiện được quy trình nhân giống Trà hoa vàng Cúc Phương. Trong 6.231 cây trà hoa vàng trồng bằng phương pháp dâm cành trên 8ha, số cây sống là 6.050 cây. Có 6,9ha được Cục Y Dược cổ truyền cấp chứng nhận “Thực hành tốt theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới” (GACP WHO). Sau 3 năm trồng cứ 10 cây trồng có 2 cây ra hoa và cho thu hoạch.
“Trà hoa vàng Cúc Phương” ra nụ muộn nhưng thu hoạch sớm và kéo dài hơn một số loại trà hoa vàng khác. Thu hoạch tốt nhất là lúc hoa mới nở chúm chím, vào buổi sáng khi vừa hết sương sớm. Có thể hái 2 - 3 lần trong ngày. Mỗi cây khỏe cho từ 2 - 2,5kg hoa tươi. Khi sấy khô từ 5,5 - 5,7kg hoa tươi thu được 1kg hoa khô.
Để thêm tự hào về sản vật địa phương
Sản phẩm “Trà hoa vàng Cúc Phương” đã được tỉnh Ninh Bình cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao; là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu xuất sắc tỉnh Ninh Bình”. Vùng trồng trà Cúc Phương được Cục Y Dược cổ truyền Bộ Y tế cấp chứng nhận đạt “Tiêu chuẩn thực hành tốt” của Tổ chức Y tế thế giới (GACP WHO).
- “Như vậy là về “thiên thời” các bạn cũng gặp vận hanh thông rồi”. Tôi nói vui với Tâm và Duật.
- “Và địa lợi” nữa chứ.
Từ ngã ba Chạ, chúng tôi hỏi đường về “Công viên trà hoa vàng Ninh Bình”, quãng nào cũng được người dân hai bên đường chỉ dẫn ân cần. Thung lũng trà hoa vàng nằm khuất nẻo trong hẻm núi, nhưng mọi người đều biết đến nó. Đấy là niềm vui của Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia.
“Công ty thuê lao động nông nghiệp, làm theo thời vụ. Mình hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Thường xuyên có khoảng hơn 20 người làm. Khi thực hiện đề tài khoa học của tỉnh tuyên truyền phổ biến rộng rãi trên đài phát thanh và truyền hình Ninh Bình, trên các tờ báo… để bà con biết và tự hào vì đất Ninh Bình không chỉ có thiên nhiên đa dạng, phong cảnh hữu tình, mà còn có một cây dược liệu quý mang tầm cỡ thế giới…”, Phạm Tiến Duật thổ lộ. Có 10 người được đào tạo thành “công nhân kỹ thuật”.
Đi trên các đoạn đường lát đá vụn quanh co theo các thửa đất trồng các loại trà hoa vàng, cảm giác thật dễ chịu. Khí hậu trong lành, yên tĩnh. Từng quãng từng quãng lại có những cây dược liệu mọc hoang như đàn hương, giảo cổ lam… bò sát mép đường đi. Một bạn trong đoàn hỏi: “Các anh có định mở tour du lịch, làm homestay… không?”. Vũ Văn Tâm khẳng định: Đặt tên vườn là “Công viên”… là có ý mở rộng cửa vườn cho mọi người đến nghỉ dưỡng, nhưng không ngủ lại. Bởi nghỉ lại sẽ động đến việc môi trường bị xâm phạm, không tốt cho sự phát triển của các vườn trà. Nhưng Công ty cũng cần quảng bá cho sản phẩm của mình và điều quan trọng nữa là làm cho mọi người thêm yêu quý thiên nhiên quê hương mình, thêm yêu quý những sản vật địa phương mình, biết trân trọng và phát triển các sản phẩm riêng của quê mình.
Hiện nay, sản phẩm trà hoa vàng của Công ty TNHH Vũ Gia chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Công ty có các đại lý ở Ninh Bình và Hà Nội. Sản phẩm của công ty đã tham gia “Triển lãm sản phẩm hữu cơ quốc tế ” tại Đức năm 2022 và “Tuần lễ Việt Nam tại Thái Lan” năm 2022, được khách hàng hoan nghênh. Lẻ tẻ có khách từ nước ngoài đặt mua theo mạng. Trên đà phát triển ấy, Công ty đặt mục tiêu giữ vững chất lượng - nâng cao sản lượng để sản phẩm “Trà hoa vàng Cúc Phương” đến được với mọi người.
Trong tiết Xuân mát mẻ, những bông hoa trà bừng sáng./.