Một 'Huế thu nhỏ' giữa Sài Gòn

'7 năm trời miệt mài với công trình tái hiện toàn bộ quần thể di tích 'Cố đô Huế thu nhỏ', điều khiến tôi hạnh phúc là đã có thể mang quê hương đến sát bên mạ".

 

“Mỗi lần nhắc đến Huế, nhất là những kỷ niệm thời tuổi trẻ, ánh mắt mạ tôi cứ rưng rưng. Gia đình vào TP.HCM sống mấy chục năm rồi mà chưa ngày nào mạ thôi thổn thức. Ròng rã 7 năm trời miệt mài với công trình tái hiện lại toàn bộ quần thể di tích “Cố đô Huế thu nhỏ” ngay tại khuôn viên nhà mình, điều khiến tôi hạnh phúc là đã có thể mang quê hương đến sát bên mạ”, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng (TP Thủ Đức, TP.HCM) bày tỏ.

Món quà đặc biệt

Năm anh Tùng 10 tuổi, cả gia đình chuyển từ Huế vào TP.HCM sinh sống, làm ăn. Từ ngày đó, anh chú ý, cứ chiều chiều, mẹ lại nhìn ra cửa với ánh mắt buồn thiu. Thi thoảng có cả tiếng thở dài. Mẹ nhớ quê, nhớ những chiếc nón bài thơ tuyệt đẹp do mình tự chằm, nhớ tháng ngày cùng bạn bè hát lên những giai điệu ngọt ngào, da diết với chất giọng đặc trưng. Lên 14 tuổi, bạn bè hay chia sẻ về ước mơ. Người mong học giỏi làm bác sĩ, kỹ sư, người thích kiếm thật nhiều tiền, người ước được đi du học… riêng anh Tùng, chỉ mong làm được món quà gì đó tặng mẹ để bà vơi bớt nỗi nhớ quê. Cái cớ để “Huế thu nhỏ” ra đời có từ dạo ấy.

Anh Tùng dành nhiều thời gian để chăm sóc công trình “Huế thu nhỏ”.

Ai cũng nghĩ mọi thứ rồi sẽ đi vào quên lãng như bao ước mơ trẻ thơ khác. Nhưng tình yêu gia đình dưỡng nuôi ước mơ ấy lớn lên mỗi ngày. Nhiều đêm nằm ngủ, sông Trường Tiền, chùa Thiên Mụ, núi Ngự, kinh thành Huế cùng bao câu hát ngập tràn cảm xúc của mẹ cứ vậy hiện lên, rõ ràng như thước phim quay chậm. Xa quê, thực lòng anh Tùng cũng nhớ Huế, nhớ chuỗi ngày phụ mẹ làm nón, xem ba làm mộc, dựng nhà rường. Đúng 14 năm sau, anh Tùng hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Úc, trở về TP.HCM lập nghiệp. “Lúc sang nước ngoài, tôi càng thấm thía nỗi nhớ quê của mạ. Khi máy bay dừng tại sân bay Tân Sơn Nhất, tôi xếp hàng đứng đầu, nôn nao gặp lại những điều quen thuộc. Cánh cửa mở ra, hít thật sâu bầu không khí quê nhà, tự dưng, tôi ứa nước mắt. Ngay sau đó, tôi tạm gác những dự định cá nhân, quyết tâm bắt tay vào công trình “Huế thu nhỏ” dù nhiều người cho là viển vông”, ông Tùng kể lại chuyện của 23 năm về trước.

Học chuyên về lĩnh vực điện tử viễn thông, “vốn liếng” anh Tùng có được nhiều nhất lúc bấy giờ là lòng hiếu thảo, sự quyết tâm và chút khéo léo được kế thừa từ ba mẹ. Sát căn nhà ở vùng ngoại ô thành phố mà gia đình anh sinh sống có một ruộng rau muống ngập nước, rộng tầm 1.000 mét vuông. Năm 2000, khi lên kế hoạch phục dựng công trình “Huế thu nhỏ”, anh dồn hết số tiền tiết kiệm rồi tìm cách thuyết phục người ta bán lại ruộng muống cho mình. Đứng trước ruộng rau muống với bản thiết kế trên tay, anh tự dặn lòng “Phải bắt đầu từ đây. Rồi mọi thứ sẽ thành hình”.

Chưa có tiền đổ đất san bằng ruộng muống, anh xây tạm vài cột gạch, ngày ngày ra ngồi ngắm nghía, thêm bớt các chi tiết trên bản vẽ do mình vừa phác họa. Nắng cũng như mưa, tan ca hay ngày rảnh là anh túc trực tại khu đất của mình, tưởng tượng ra công trình khi hoàn tất với tất cả niềm hăng say. Lúc ấy, nhiều người thắc mắc “Khùng hay sao mà làm cái công trình không chút khả thi, chẳng biết ngày hoàn thành”. Nghe cũng chạnh lòng nhưng đâu trách họ vì anh biết để thực hiện ước mơ phải vượt qua nhiều thử thách. Mọi thứ chỉ mới bắt đầu.

Thời điểm đó, sáng đi làm chiều về sửa bản vẽ, anh dành hết tâm huyết cho kế hoạch lớn nhất đời mình. Hai năm đầu, tháng tầm vài ngày anh xin làm phụ xe tuyến Sài Gòn - Huế của người quen, vừa không tốn chi phí đi lại hay ăn ở, vừa có thời gian thăm thú, thực địa các di tích quan trọng, thu thập những số liệu cần thiết cho công trình phục dựng sau này. Đi mãi thành đường, anh kết nối được nhiều bạn bè chung mối quan tâm và biết thêm các đầu sách giá trị nghiên cứu về các di tích cố đô Huế. Là người kỹ tính, muốn mọi thứ chu toàn, anh dành tới 5 năm cho việc tìm hiểu tài liệu, thực địa với rất nhiều lần về thăm quê. Lạ thay, anh không thấy mệt mà càng bỏ sông sức tìm hiểu càng thấy tự hào, thích thú.

Mỗi mô hình trong “Huế thu nhỏ” được thiết kế và tạo hình chi tiết đến từng hoa văn nhỏ nhất.

Quê nhà ở sát bên ta

Năm 2007, “Huế thu nhỏ” hoàn thành trong niềm hân hoan của cả gia đình anh Tùng. Ngày ra mắt công trình tái hiện lại toàn bộ quần thể di tích “Cố đô Huế thu nhỏ” theo tỷ lệ 1/700 ngay trên ruộng muống ngày trước, nhìn ba mẹ nói cười với bạn bè, khách khứa ghé thăm, anh Tùng thấy lòng bình yên đến lạ. Hôm đó, hơn 500 khách được tham quan Huế thu nhỏ và xem đoàn nhã nhạc cung đình biểu diễn. Họ được “về Huế” ngay tại sân nhà anh Tùng. Khỏi nói cũng biết, mẹ anh là người vui nhất. Bà cười suốt, ánh mắt nhìn con trai tràn ngập lòng biết ơn. Món quà ý nghĩa cuối cùng đã thành hình sau rất nhiều cố gắng. Vậy là từ nay, bà luôn có hình bóng quê hương cạnh mình, ngay giữa TP.HCM nhộn nhịp, phồn hoa.

 “Huế thu nhỏ” gồm 151 kiến trúc được tái hiện theo đúng tỷ lệ và có cả cây cỏ, các công trình đi kèm sao cho giống với các di tích ngoài đời thực. Toàn bộ công trình phục dựng công phu từng chi tiết được anh Tùng đặt ngoài trời nên đến nay đã phủ thêm lớp rêu xanh, góp phần làm tăng nét cổ kính, trầm mặc cho cả quần thể. Ngọ Môn, Kỳ Đài, Hiển Lâm Các là ba công trình khó tái hiện nhất. Giai đoạn đầu, anh Tùng thường leo lên Kỳ Đài ngắm toàn kinh thành Huế rồi tự gật gù vì thấy “Ôi chao quê mình đẹp quá!”. Có lúc anh phải tự tay đo từng viên gạch ở khu Kỳ Đài, làm cơ sở cho bản thiết kế phục dựng tại gia. Từng chút, từng chút, mọi thứ tỉ mẩn với tất cả lòng mến yêu.

Dẫn khách tham quan mô hình là điều khiến anh Tùng hạnh phúc. Được giới thiệu về từng di tích, được nói về quê hương, anh Tùng cảm thấy hạnh phúc xen lẫn tự hào.

Không chỉ dành riêng cho gia đình, bạn bè, anh Tùng còn mở cửa miễn phí chào đón tất cả những ai yêu Huế, thích tìm hiểu về lịch sử, văn hóa ghé thăm. Là công trình cá nhân mà đã đón hơn 3 triệu lượt khách, điều đó cho thấy sức hút khá lớn của “Huế thu nhỏ”. Hôm tôi ghé đến, anh Tùng dặn người nhà pha ấm trà sen đúng chuẩn Huế đãi khách. Sát bên công trình phục dựng anh bố trí một nhà rường, nơi cùng khách quý ngồi trò chuyện, thưởng trà. Từ đây có thể nhìn các hướng, bao quát cả công trình chỉn chu đến từng chi tiết.

Rót tách trà nóng mời khách, anh Tùng kể lại những kỷ niệm tuổi thơ và cả những điều mẹ anh hay nói về Huế. Trời đổ mưa, nhìn tách trà nghi ngút khói, anh mỉm cười, chợt nói: “Huế mùa mưa, buồn mà đẹp”. Cả chủ lẫn khách lặng im, đưa mắt nhìn các mô hình và nghĩ về một Huế rất đặc biệt của riêng mình. Anh Tùng kể, quá trình thực hiện “Huế thu nhỏ” khá phức tạp với rất nhiều tình huống phát sinh. Dễ nản chí nhất là việc chọn nguyên liệu phù hợp bảo đảm tuổi thọ cao nhất cho từng mô hình nhỏ trong kết cấu lớn. Làm mô hình các di tích xong, anh chọn từng cái cây, mảng cỏ trồng xen vào, làm thêm sông suối, núi non nhân tạo sao cho gần với thực tế nhất có thể. Hàng tuần, anh tự tay chăm chút từng mảng xanh cho công trình.

“Lúc sang nước ngoài, tôi càng thấm thía nỗi nhớ quê của mạ. Khi máy bay dừng tại sân bay Tân Sơn Nhất, tôi xếp hàng đứng đầu, nôn nao gặp lại những điều quen thuộc. Cánh cửa mở ra, hít thật sâu bầu không khí quê nhà, tự dưng, tôi ứa nước mắt. Ngay sau đó, tôi tạm gác những dự định cá nhân, quyết tâm bắt tay vào công trình “Huế thu nhỏ” dù nhiều người cho là viển vông”, ông Tùng kể lại chuyện của 23 năm về trước.

Khách ghé thăm đâu chỉ ngắm nghía “Huế thu nhỏ” là xong, quà anh Tùng dành tặng mọi người bao giờ cũng là những câu chuyện kể thú vị, quen mà lạ. Bún bò, bánh lọc, bánh nậm và nhiều món quà quê khác luôn được gia đình anh chuẩn bị sẵn nếu nghe có khách quý ghé chơi. Ngồi giữa không gian đậm chất Huế, nhấp ngụm trà thơm, nghe anh Tùng hát mấy câu ca về quê hương rồi theo chân người đàn ông trung niên dạo một vòng, tự dưng, khách thấy Huế đẹp và còn quá nhiều điều thú vị để khám phá. Anh Tùng rất bận, cùng lúc điều hành mấy doanh nghiệp, dự án rải đều cả nước. Vậy mà nghe sắp có đoàn học sinh ghé “Huế thu nhỏ”, phía nhà trường gọi hẹn lịch, anh cười tươi, liền gật đầu đồng ý. Anh nói “Bận cỡ nào cũng ưu tiên cho các em học sinh. Tụi nhỏ biết nhiều điều hay về lịch sử, văn hóa nước nhà thì sẽ tự hào lắm.”.

Tái hiện lại những công trình kiến trúc xưa, các di tích sẵn có với một tay ngang như anh Tùng đã là điều khó. Phục dựng các lăng tẩm, đền đài càng phức tạp gấp bội. Do vậy, điều khiến nhiều người ngạc nhiên, thán phục là trong số 151 mô hình được anh Tùng tái hiện có hơn 50 mô hình được phục dựng. Thế nhưng, với anh, khó nhất vẫn là làm sao truyền được niềm tự hào về nền văn hóa của dân tộc mình, truyền lại các kiến thức văn hóa, lịch sử, địa lý mà bản thân may mắn góp nhặt được trong hành trình thực hiện “Huế thu nhỏ” cho thế hệ trẻ. Anh muốn khi trở về nhà, có thể khách sẽ quên vị trí, cách bày trí các mô hình, cũng chẳng cần nhớ rõ hoa văn, cấu trúc nhưng thấy được cái đẹp của giá trị lịch sử để nâng niu cuộc sống hiện tại./.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận