Người gieo chữ

Chị Đào Thị Thanh An, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái (Phú Tân, Cà Mau) đã mở lớp dạy chữ miễn phí ở xóm biển Gò Công và Sào Lưới.

 

Lớp học của bà nội, bà ngoại…

Năng nổ, tận tình, hết mình vì công việc là những điều mà đồng nghiệp và bà con địa phương hay nhắc về chị Đào Thị Thanh An, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. 20 năm tham gia công tác Hội, chị An luôn hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ được giao, là chỗ dựa tinh thần cho nhiều chị em hội viên vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Chưa dừng lại ở đó, mấy năm qua chị còn mở lớp học tình thương, dạy chữ miễn phí cho nhiều cụ bà, chị em phụ nữ ở xóm biển Gò Công và Sào Lưới.

 

Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, chị đã dành nhiều thời gian đến từng nhà động viên chị em, tổ chức các lớp tập huấn cho phụ nữ tham gia học nghề, chăn nuôi, trồng trọt, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh việc đồng hành cùng hội viên phụ nữ trong phát triển sinh kế, chị An còn tích cực hỗ trợ chị em tham gia vào các dự án phòng chống rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là nâng cao kiến thức bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình. Chính sự nhiệt thành, tâm huyết ấy đã giúp chị nhận được tình cảm yêu quý của mọi người. Một ngày làm việc của người nữ cán bộ vô cùng tất bật. Buổi sáng chị tranh thủ ghé thăm hội viên lớn tuổi, trong đó có người được chị gọi thân thương bằng “má”. Công việc vừa xong là chị chạy một mạch đến lớp học tình thương ở cửa biển để kịp giờ lên lớp. Cứ tầm 4 giờ rưỡi chiều mỗi ngày, từ trụ sở ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, lại vang lên tiếng đọc bài, ghép vần ê a. Lạ thay, âm thanh phát ra từ lớp học không trong trẻo, tươi trẻ như lớp học thông thường. Giọng đọc ấy là từ những cụ bà, cô dì đã lớn tuổi, đa số là đồng bào Khmer. “Mình nghĩ là mới đi học ngày đầu các chị sẽ ngại, không ngờ khi mình đọc, các chị đọc theo rất to, mọi người xung quanh hiếu kỳ chạy lại xem”, chị An nhớ lại.

Những ngày lớp học mới đi vào hoạt động, nhiều người trong xóm hiếu kỳ trong tập trung lại xem. Có ánh mắt “dè bỉu”, cũng có lời động viên dành cho chị vì đây là chuyện xưa nay hiếm. “Chị mở cái lớp xóa mù chữ cho chị em phụ nữ là năm 2016, lớp đầu tiên có 3 người à”, chị Thanh An chia sẻ. Thời điểm đó, chị lặn lội đến từng nhà để vận động chị em phụ nữ trong xóm đi học. Phụ nữ xứ biển vốn đã thiệt thòi, lại không biết chữ, công việc buôn bán càng khó khăn hơn, chị em hay làm việc nặng nhọc mà đồng lương lại thấp, hay ai thuê gì làm nấy, mỗi ngày đợi tàu cập bến là mau mau đi lựa cá, đánh vảy. Quanh năm tảo tần nơi cửa biển, biết chị em cũng nôn nao muốn học hành nhưng vì lớn tuổi nên e dè, mắc cỡ. Có chị thì sợ chồng không cho đi, còn các bà thì lo đi học rồi cháu nội, cháu ngoại nó cười. Nhưng khi chị An hỏi các bà, các cô có muốn đi học không?, thì đều nhận được câu trả lời là có! Đi chớ!... “Có hôm hai vợ chồng đi lên TP Cà Mau nhổ răng, người chồng dặn vợ nhìn thấy hình hàm răng là ghé vô. Hai người đi tới trưa nắng cũng không thấy chỗ nào vẽ hình hàm răng hết, hỏi người ta chỉ đường thì không biết tên đường nên đành phải về chợ nhà để nhổ. Từ câu chuyện đó, hai người quyết tâm đi học”. Đó là một trong số rất nhiều câu chuyện để lại ấn tượng cho chị An trong công tác vận động người dân đến lớp xóa mù chữ.

Lớp học tình thương do chị Đào Thị Thanh An trực tiếp đứng lớp.

Từng là giáo viên nên chuyện đứng lớp với chị không khó, cái khó là dạy làm sao cho bà con dễ hiểu nhất. Dựa trên sách giáo khoa lớp 1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chị nghiên cứu dạy theo trình tự từ thấp lên cao; khi ghép vần chọn những chữ tượng hình gần gũi nhất với cuộc sống cho người học dễ nhớ. Rồi cứ mỗi buổi chiều, các bà, các chị tay dắt, tay bồng theo cháu nội, cháu ngoại đến lớp. Có hộ thì cả hai vợ chồng cùng đi học. Thế là chị em trong Hội lại mua bánh kẹo cho các cháu nhỏ và không quên căn dặn “Tụi con ngồi ngoan cho bà học nghen!”. Lớp học đặc biệt này thỉnh thoảng vang lên những câu như “Bà nội ơi cố lên” của mấy “cổ động viên nhí” cổ vũ cho bà của mình.

Mỗi ngày đến lớp nhìn từng gương mặt hồ hởi vì biết ráp thêm vần mới là chị An vui lắm! Vui vì từ nay có con chữ sẽ giúp cho phụ nữ quê mình bớt khổ hơn. 3 năm kể từ ngày mở lớp học đầu tiên, số lượng thành viên đã tăng lên gần 20 người/lớp. “Hồi xưa quá khó khăn nên đâu được đi học, giờ tuổi này mà biết chữ vậy là mừng lắm rồi”, bà Hồ Thị Nê, tuổi gần 60, vui vẻ nói. Vậy là từ nay, mỗi lần đi lãnh thuốc ở trạm y tế hay đi làm giấy tờ bà đã có thể ký và viết tên mình mà không còn lăn tay như trước nữa. Nhiều trường hợp lớn tuổi, học rồi lại quên nên chị An rất thông cảm, không quên nhắc nhở các cô các bà tập viết thường xuyên. Dần dà, lớp học của Hội chị em phụ nữ có thêm những nam sinh, là chồng của các chị đã học qua ở năm trước. Nay các chị học xong tiếp tục vận động chồng đến lớp để biết đọc, biết viết.

Những phần quà Trung thu ý nghĩa cho học sinh ở vùng sâu vùng xa được chị trao tặng.

Bà Phạm Lý Ba - Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Tân chia sẻ: “Chị An luôn trách nhiệm và làm tốt nhiệm vụ của mình, chị hăng hái đi đầu và giúp đỡ cho nhiều chị em trong hội vươn lên. Về lớp xóa mù chữ thì chị An rất tâm huyết, hồi đầu cũng có người ngăn cản nhưng chị vẫn làm và đã chứng minh cho mọi người thấy chị làm được”.

“Mẹ đỡ đầu” điểm tựa cho trẻ em mồ côi sau dịch Covid-19

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” ra đời vào thời điểm sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát cuối năm 2021, do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. Chương trình đã thu hút được sự quan tâm của xã hội, từ đó vận động các nguồn lực nhận đỡ đầu, chăm lo cho các em nhỏ mồ côi do tác động của dịch Covid-19 theo hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Tại huyện Phú Tân, địa bàn chị Đào Thị Thanh An công tác cũng tích cực hưởng ứng. Chứng kiến các em nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn lại thiếu thốn tình thương gia đình khiến tôi không khỏi chạnh lòng, xót xa. Có em 4, 5 tuổi, cũng có em lên 11, 12… em nào cũng rất ngoan ngoãn và lễ phép. Thấy bóng dáng chị An từ xa, bé Quốc Khánh reo hò, gọi “mẹ nuôi, mẹ nuôi” tới rồi. Mấy em khác vừa đi học về cũng chạy đến ôm chầm lấy chị. Không máu mủ ruột rà nhưng họ xem nhau như người thân.

Chị Đào Thị Thanh An nhận bằng khen từ Hội LHPN tỉnh Cà Mau.

“Nghe các em các cháu gọi chị là má, hay mẹ nuôi là tôi vui lắm, tiếng gọi đó ấm áp vô cùng”.

Chị Đào Thị Thanh An bày tỏ.

Là một người mẹ, chị An luôn mong các con của mình có điều kiện học hành đến nơi đến chốn để giúp ích cho bản thân và xã hội. Tiếp nối câu chuyện về hành trình làm “mẹ đỡ đầu”, chị An kể về một trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khiến chị rất thương là em Trần Văn Lùn, 11 tuổi. Khi còn rất nhỏ, cha mẹ em ly hôn, em sống với ông bà ngoại. Hoàn cảnh khó khăn, ông bà lớn tuổi, mang bệnh nặng nên cả nhà nương nhau, rau cháo qua ngày, thiếu thốn đủ thứ. Đã 11 tuổi nhưng em chưa một lần được cắp sách đến trường. Nhiều lần đứng nép mình ở một góc phía xa nhìn bạn bè cùng trang lứa tung tăng vào lớp học, em không khỏi chạnh lòng. Biết trường hợp của Lùn rất đặc biệt nên chị Đào Thị Thanh An và các chị em trong Hội phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái đã giúp đỡ, động viên em đi học. Có thể nói đây là hành động kịp thời và ý nghĩa sâu sắc đối với trẻ em mồ côi, nó đã trở thành nét đẹp về tình yêu thương, thể hiện tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. “Về lâu dài, mình và Hội phụ nữ sẽ giới thiệu việc làm cho các hộ gia đình có người thân không qua khỏi trong thời điểm dịch bệnh để có thêm thu nhập chăm lo cho các con, cháu tốt hơn” - đó là mong muốn lớn nhất của chị Đào Thị Thanh An, người cán bộ Hội trên hành trình vun bồi cho những mầm xanh tương lai của đất nước./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận