'Bản đồ sống' của những căn nhà cổ

23 tuổi, chàng trai Nguyễn Duy Linh dành hết nhiệt huyết tuổi trẻ để ngược xuôi trên hành trình giữ lửa truyền thống văn hóa dân tộc qua những căn nhà cổ.

 

Đam mê khám phá văn hóa xưa

“Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống, nhiều thế hệ cùng chung sống với nhau trong căn nhà xưa với kiến trúc ba gian truyền thống nên niềm đam mê khám phá, tìm hiểu về văn hóa xưa đã thấm sâu vào con người em”. Đó là chia sẻ của Nguyễn Duy Linh (Bình Tân, Vĩnh Long), sinh viên ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, trường Đại học Nam Cần Thơ. Từ nhỏ, cậu bé Duy Linh đã lẽo đẽo theo chân ông nội, âm thầm quan sát rồi học cách ông cúng bái ông bà tổ tiên, cách bày mâm quả, treo liễn. Ông nội chỉ dạy một lần là Duy Linh nhớ ngay. Linh bày tỏ: “Hồi đó, được ông dạy chữ Hán nên em vui lắm!”. “Một bụng” chữ  Hán - Nôm từ thuở nhỏ là điều khiến Duy Linh cảm thấy tự hào. Không qua trường lớp đào tạo bài bản, bởi vậy, việc có thể viết đẹp, phiên âm, dịch nghĩa chuẩn xác là cả một quá trình Duy Linh mày mò tự học, tốn nhiều thời gian, công sức.

Duy Linh trao tặng ấn phẩm Tản mạn kiến trúc Nam Bộ cho một chủ ngôi nhà cổ mình đến thăm.

Kể về hành trình tìm hiểu những căn nhà cổ, Linh cho hay: “Có những căn nhà phải mất vài năm em mới tiếp cận được. Chủ nhà lo lắng không biết mình tốt hay xấu, mà trong nhà thì có nhiều hiện vật vô giá từ hàng trăm năm trước nên điều họ lo sợ là cũng dễ hiểu”. Trước thực tế đó, chàng trai sinh năm 2000 vẫn kiên trì để gia chủ hiểu được tấm lòng của mình. Xuyên suốt quá trình tìm hiểu, thuyết phục gia chủ cho tham quan các căn nhà cổ, chàng trai trẻ nhận được sự tín nhiệm của mọi người nhờ có kiến thức, đọc, hiểu được bút tích của ông bà hàng thế kỷ trước truyền lại cho con cháu đời sau.

Với Duy Linh, mỗi ngôi nhà cổ giống như một bảo tàng, nơi mà mỗi thế hệ đi qua đều để lại những di vật, câu chuyện của thời đại đó. Chỉ vào tấm bản đồ trên điện thoại, Linh cho chúng tôi xem hàng ngàn ngôi nhà cổ cùng vô số bức ảnh được chụp ở nơi mà Linh từng đặt chân đến. Duy Linh cất công đi tìm để ghi nhận hiện trạng, giá trị kiến trúc nghệ thuật, cách trưng bày đồ vật cũng như gia thế của chủ nhân ngôi nhà. Sau gần 5 năm đi để trải nghiệm, đến nay, chàng sinh viên đã có một gia tài tư liệu đồ sộ, đáng mơ ước với cả những nhà nghiên cứu thâm niên trong nghề. “Có một kỷ niệm mà em rất nhớ, đó là khi đến nhà ông Cai Tổng Trần Như Cang ở Cần Thơ, em được gia đình tặng lại hai bộ áo dài ngũ thân quý của ông Cai Tổng có từ năm 1920”.

Duy Linh tham gia tu bổ sắc phong tại Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp.

Trò chuyện với Linh, chàng trai trẻ này mang đến nguồn năng lượng tích cực cho người nghe. Duy Linh ít khi kể về những khó khăn trong quá trình đi tìm hiểu các căn nhà cổ mà chỉ kể về niềm vui với biết bao kỷ niệm đẹp. Là sinh viên ngành du lịch, Linh thường dẫn đoàn đến tham quan các căn nhà cổ. Bằng kiến thức và sự hiểu biết về chữ Hán, chàng trai này đã tạo ấn tượng lớn với chủ nhà cũng như khách tham quan. Về căn nhà cổ họ Mai ở tỉnh Vĩnh Long, Duy Linh bộc bạch: “Em thấy ngôi nhà đó rất đẹp, tìm hiểu xung quanh thì biết cô chủ bán cháo trước nhà nên em ghé vào ăn, sẵn xin tham quan chụp ảnh. Em ăn đến tận... 3 năm và trở thành “mối” của cô rồi mà cô vẫn chưa đồng ý”. Vậy là Linh phải liên hệ với Trung tâm văn hóa tỉnh, được sự cho phép và cùng đi với đoàn. Gặp Linh khi ấy, cô bật cười: “Tưởng ai, thì ra là khách ruột của tui, ăn cháo ở đây mấy năm rồi”. Thế là từ đó, cô niềm nở cho Linh tới chơi thường xuyên, còn giới thiệu nhiều món đồ cổ quý giá của gia đình.

Hành trình khám phá hơn 1.000 căn nhà cổ

Linh bắt đầu tìm hiểu những căn nhà cổ có vị trí gần nơi mình ở. Lúc ấy, Linh mới học lớp 11, phương tiện đi lại là chiếc xe đạp cọc cạch nên chỉ có thể đi quãng đường ngắn. Những ngày nghỉ, không đến trường thì Linh tranh thủ đi xa hơn đến các ngôi nhà cổ ít ai biết ở Vĩnh Long, Cần Thơ và các tỉnh, thành lân cận. Đến khi vào đại học, có chiếc xe máy là bạn đồng hành, chàng trai sinh năm 2000 tìm đến các căn nhà cổ ở xa như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Để đảm bảo tính riêng tư cho gia chủ, Linh thường đi một mình. Đi với niềm vui và sự háo hức nên Linh không hề cảm thấy mệt mỏi. Đường xa, thời tiết khắc nghiệt cũng không ngăn được bước chân của chàng trai trẻ trót dành tình yêu lớn cho di sản văn hóa của ông cha.

Những ngôi nhà cổ có nét kiến trúc độc đáo mà Duy Linh lưu lại trong chuyến tham quan.

Thấy cháu trai có đam mê từ bé, nên ông nội của Duy Linh quyết định giao quyền quản lý căn nhà, phụ trách toàn bộ việc dọn dẹp, sửa chữa cũng như các buổi lễ nghi cho gia đình. Duy Linh còn nằm trong ban Kế tự, phụ trách dọn dẹp, trưng bày bàn lễ của các đình trong vùng. “Mấy ngày cuối năm, em bận rộn lắm, vì phải dành thời gian đến các căn nhà cổ chưng bông, xếp bàn lễ. Linh còn giúp sắp xếp bài vị chữ Nho theo thứ tự đời một, đời hai, đời ba... Có nhà treo câu đối bị ngược, em phải leo lên treo lại: Treo đúng phải theo thứ tự từ phải qua trái, hợp vần bằng - trắc”, Duy Linh cho biết.

Dành thời gian rảnh để rong ruổi và khám phá về nhà cổ, Linh còn ý thức việc trau dồi kiến thức cho bản thân. Chàng trai trẻ thường xuyên gặp gỡ các tiền bối, lắng nghe những góp ý, chia sẻ. Hiện Linh là cộng tác viên thân thiết của Hội Khoa học và Lịch sử tỉnh Đồng Tháp.

Xây dựng dự án “Tản mạn kiến trúc”

Là thế hệ kế thừa, người trẻ có lợi thế dễ dàng trong việc quảng bá và lưu giữ văn hóa trên các phương tiện truyền thông đại chúng một cách sinh động, thú vị, đặc biệt là mạng xã hội. Tận dụng điều đó, tháng 4 năm 2019, Nguyễn Duy Linh cùng những người bạn lập dự án “Tản mạn kiến trúc” để lưu trữ dữ liệu quý giá về các di sản đang bị mai một dần theo thời gian. Đây là nơi cung cấp thông tin cũng như chia sẻ để các bạn trẻ hiểu được giá trị của từng công trình. Theo chàng trai này, trong hành trình lan tỏa tình yêu di sản, không có gì hạnh phúc hơn khi thấy thông điệp của mình được cộng đồng đón nhận nồng nhiệt. Anh Trương Trần Trung Hiếu - bạn của Nguyễn Duy Linh chia sẻ: “Duy Linh là thành viên trẻ thứ hai trong nhóm và có đam mê lớn dành cho văn hóa nói chung và di sản kiến trúc nói riêng tại miền Nam. Linh là thành viên hỗ trợ đắc lực trong việc đi điền dã, lưu trữ dữ liệu và phỏng vấn những chủ nhà, để từ đó nhóm xây dựng các nội dung hoàn chỉnh”.

Nguyễn Duy Linh cho chữ tại Lễ hội Sen Đồng Tháp.

“Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng niềm đam mê của Duy Linh đối với việc nghiên cứu văn hóa Nam bộ nói chung, và về mảng nhà cổ nói riêng lại rất lớn. Việc chụp ảnh, nghiên cứu những ngôi nhà cổ, tìm hiểu về văn hóa truyền thống hiếm ai có thể làm được như Linh với sự đầu tư lớn như vậy”.

Ông Nguyễn Thanh Thuận - Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Lịch sử Đồng Tháp.

Được biết xuất phát điểm của nhóm có 7 thành viên, tuổi đời từ 20 - 30, mỗi người có sự am hiểu, kiến thức chuyên môn khác nhau như: kiến trúc, nhân học, nghệ thuật học so sánh, lịch sử, du lịch… Các thành viên phân chia công việc cụ thể, rõ ràng, chủ yếu là làm việc trực tuyến, khi có thời gian sẽ sắp xếp họp mặt, cùng nhau đi thực địa và thu thập tư liệu. Vừa qua, Nguyễn Duy Linh đã cộng tác xuất bản quyển sách “Tản mạn kiến trúc Nam bộ”. Quyển sách này giới thiệu lịch sử và văn hóa của những ngôi nhà cổ đặc sắc ở miền Nam. Tình yêu di sản văn hóa, lịch sử đã gắn kết những người trẻ như Duy Linh và các thành viên nhóm “Tản mạn kiến trúc” xích lại gần nhau. Theo quan niệm của Linh, để tìm hiểu điều gì đó cần phải bắt nguồn từ sự tò mò và yêu thích. Việc đi từ chi tiết nhỏ nhất đến những điều lớn hơn cũng là một phương pháp hữu hiệu để khám phá và hiểu sâu hơn. Đặc biệt, người trẻ cần có tư tưởng mở để đón nhận nhiều thứ mới mẻ dù ở bất kỳ lĩnh vực nào. Nhóm của Linh tin rằng trên hành trình nỗ lực kết nối quá khứ và hiện tại, họ sẽ truyền được cảm hứng đến nhiều bạn trẻ. Cách giữ gìn và quảng bá truyền thống lịch sử, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế sẽ được lan tỏa rộng rãi./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận