Không chỉ được xây dựng với tiêu chuẩn cao, Đại lộ Đông - Tây Buôn Ma Thuột còn là con đường của cảm xúc, dẫn mọi người đi từ lịch sử chiến tranh về hiện tại hòa bình, đồng thời cho thấy một phần tương lai phát triển của thành phố.
Trên một số đoạn của đại lộ Đông - Tây, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vẫn bộn bề cát đá và phương tiện thi công, nhưng mặt đường đã được thảm nhựa láng mịn; cỏ trồng trên dải phân cách đã xanh biếc dưới nắng mùa khô; hệ thống đèn đường mới đang được lắp đặt khẩn trương, chào mừng ngày thống nhất đất nước 30 tháng 4.
Những cảm xúc từ view phố
Đêm trên cầu cạn Ea Tam ngay đầu phía tây của Đại lộ Đông - Tây nối vào đường Lê Duẩn ở trung tâm thành phố, mùi khét của nhựa đường vẫn còn phảng phất. Làn phía nam của cây cầu vẫn được dành làm nơi tập kết vật liệu và phương tiện thi công với biển báo "cấm đi vào". Nhưng ở làn phía bắc, mặt cầu đã láng mịn. Gió từ thung lũng Ea Tam cuộn lên mát rượi, vùng trung tâm thành phố hiện ra trong lung linh ánh điện và vẻ quyến rũ ấy đã khiến nhiều người dừng lại trên cầu để tận hưởng, chụp cho mình những tấm ảnh thành phố về đêm.
Anh Nguyễn Đình Vương, ở phường Tân Thành cùng con gái hóng mát trên cầu cho biết: Từ khi đại lộ được thông xe, anh thường xuyên rong ruổi trên con đường này để ngắm nhìn thành phố. Theo anh Vương, anh từng nhìn ngắm thành phố nhiều lần từ cửa sổ máy bay và từ các tòa nhà cao tầng, nhưng Buôn Ma Thuột nhìn từ đại lộ Đông - Tây có vẻ đẹp rất khác. Đó là vẻ tráng lệ của đô thị hòa hợp với vẻ mềm mại, kiều diễm của vùng suối - đồi vùng trung tâm.
Còn Đoàn Minh Vi, thiếu nữ đang cùng bạn selfie trên cầu Ea Tam, ngay giữa ánh đèn cao áp và đèn pha xe lu làm đêm, thì từ lâu hai bạn đã khám phá vẻ đẹp của thành phố từ vị trí này. "Phía bắc đại lộ, bọn em thấy vùng trung tâm rất sầm uất và rực rỡ. Còn đi vài bước chân sang phía bên kia đường, khung cảnh lại tĩnh lặng và nhiều cây xanh. Em nghĩ khi đại lộ hoàn tất sẽ rất thu hút giới trẻ bọn em” - Minh Vi dự đoán.
Trong dòng người - xe lưu thông mỗi ngày một đông trên đại lộ Đông - Tây Buôn Ma Thuột, Y Tuynh Êban, một tài xế xe tải nhà ở đường Trần Quý Cáp, phường Ea Tam lại có cảm nhận theo một góc độ hoàn toàn khác. Anh cho biết, mấy năm nay, Buôn Ma Thuột mở thêm nhiều đường mới, và hầu như con đường nào cũng cần thu hồi đất của bà con. Bà con vốn dĩ chẳng thể làm giàu trên đất nông nghiệp chật hẹp ở đô thị thì nay bỗng dưng đổi đời nhờ những khoản đền bù tiền tỷ. Như gia đình Y Tuynh, do được đền bù ở nhiều vị trí, tiền đền bù được A Mí (mẹ) chia cho tất cả các anh em để lập nghiệp bằng những nghề mới. Đại lộ Đông - Tây cũng cắt qua một phần đất khác của gia đình và đẩy phần còn lại lên giá "trên trời". “A Mí em vẫn còn 7 sào đất ruộng, người ta trả cả chục tỷ mà không bán. A Mí nói ai trong nhà cũng đã có nghề nghiệp, thì đất này là của các cháu. View đất đẹp lắm nên A Mí đang tính cho người ta thuê để mở cơ sở dịch vụ. Tiền thuê đó sẽ để dành cho các cháu ăn học", Y Tuynh hào hứng khoe.
Đại lộ chỉ 6,9km, vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng, nhưng giá trị mà nó mang lại cho Buôn Ma Thuột lớn hơn rất nhiều đã mở ra cơ hội để cả núi, rừng, hồ, suối cùng các buôn làng vùng ven trở thành thế mạnh đặc sắc của thành phố. |
Cảm xúc chiến tranh và hòa bình
Chị Võ Thị Nguyên ở phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột có con gái đang học lớp 4. Chị cho biết, mới đây cháu có hỏi một câu: “Tiếng súng mở màn trận đánh giải phóng Buôn Ma Thuột là ở vị trí nào?”. Một cử nhân lịch sử như chị biết rõ trận này diễn ra đồng loạt trên nhiều hướng và chị thật sự không biết tiếng súng mở màn nổ ra ở đâu.
Hai mẹ con cùng đọc lại các thông tin lịch sử, đối chiếu bản đồ thì vô tình thấy rằng, đại lộ Đông - Tây Buôn Ma Thuột nằm trên một tuyến thẳng tắp nối 2 điểm chiến sự ác liệt nhất: Sân bay Hòa Bình ở phía đông và Tổng kho Mai Hắc Đế ở phía tây. Đi từ đầu đường đến cuối đường, hình bóng của lịch sử như được trình chiếu lại trong chị: 2 giờ sáng 10 tháng 3 năm 1975, cuộc tiến công của Quân Giải phóng vào Buôn Ma Thuột bắt đầu với các trận Sân bay Hòa Bình và khu kho Mai Hắc Đế. Đến 3 giờ 30 phút, quân ta đã chiếm được phần phía Nam sân bay Hòa Bình chốt giữ tại đó…
Sân bay Hòa Bình xưa được bố trí 5 - 7 lớp kẽm gai phòng ngự, xen giữa các lớp rào là bãi mìn, lớp tường đất đắp cao và dày, nhiều lô cốt và các ụ súng, nay đã được xây dựng thành Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, với hàng chục chuyến bay mỗi ngày đêm, đưa đến và chở đi những vị khách quốc tế cùng những người con từ khắp mọi miền đất nước. Một số mảnh bom, đầu đạn của trận đánh ác liệt 48 năm trước găm vào hai hàng cây gỗ sao ven đường tới sân bay, nay đã chìm sâu vào thân cây. Đoạn đường khói lửa đã trở thành đường xanh hòa bình, là một trong những đoạn đường tươi và đẹp nhất Tây Nguyên.
Đoạn đường xanh vào cảng hàng không, nay được nối với đại lộ Đông Tây, chạy thêm 6,9km thì đến “cổng số 1” trên đường Lê Duẩn. Nếu không có những ngôi nhà nhiều tầng mọc lên và những con phố mỗi năm lại thêm nhộn nhịp, từ vị trí này, trong tầm mắt thẳng hướng tây, mọi người sẽ thấy được tổng kho Mai Hắc Đế, nơi mà trong chiến tranh từng là “dạ dày thép” chứa đầy vũ khí Mỹ, dành cho cả khu vực Tây Nguyên.
Điều kỳ thú là 2 đầu đông - tây của đại lộ là 2 chứng tích chiến tranh ác liệt, nhưng suốt đoạn chính dài 6,9km lại thuần nhất những thành quả của lao động. Khu rừng thực nghiệm có lịch sử gần 80 năm vẫn xanh ngát các loại gỗ quý như giáng hương, teak và sao, tạo nên một vùng cảnh quan rừng nhiệt đới ở ngay đô thị. Hết núi, đồi, rừng, đại lộ băng qua cánh đồng lúa xanh ngút ngát của bà con các dân tộc xây dựng trong những năm “kinh tế mới”. Mặc cho dòng xe hơi vun vút trên đại lộ cùng tiếng còi xe huyên náo, đàn bò của các buôn Kô Siêr, Kom Leo, Alê A… vẫn nhởn nhơ gặm cỏ, tiếng lục lạc bò vẫn leng keng mỗi khi cánh đồng sang mùa để cỏ…
Dư địa lớn cho tương lai
Từ cảng hàng không về hướng trung tâm thành phố, qua cánh đồng lúa buôn Kom Leo xanh mát, đại lộ Đông - Tây Buôn Ma Thuột băng qua một vùng sầu riêng rộng bát ngát, trong đó có một phần đáng kể là sầu riêng của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Ko Siêr, buôn Kô Siêr, phường Tân Lập. Ông Y Kuôm Niê Siêng, dân tộc Ê đê, Giám đốc HTX cho biết, đây là vùng trồng sầu riêng “cơm vàng hạt lép” quy mô đại điền sớm nhất Đắk Lắk, những cây sầu riêng già nhất đã 25 tuổi. Để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, HTX đã liên kết với 2 doanh nghiệp địa phương, thiết lập mã số vùng trồng được hơn 17ha, sản xuất hoàn toàn theo quy trình Vietgap. Với sản lượng mỗi năm khoảng 300 tấn, diện tích này đem về thu nhập trên dưới 20 tỷ đồng.
Theo anh Huỳnh Văn Đồi, một chuyên gia sầu riêng đang đảm nhận kỹ thuật và quản lý vườn cây của HTX, từ khi đại lộ Đông - Tây được xây dựng, trang trại sầu riêng cơm vàng - hạt lép của HTX nông nghiệp Buôn Kô Siêr trở thành một trang trại vàng nhờ phát huy được tính đa giá trị.
Sau khi qua rẫy qua đồi, đại lộ Đông - Tây tiếp cận với suối Ea Tam trên đoạn dài gần 2km. Đêm thanh vắng từ đoạn tiếp xúc gần này có thể nghe thấy tiếng thác đổ ầm ào. Ông Vũ Văn Hưng - Chủ tịch UBND Thành phố Buôn Ma Thuột - cho biết, dự án trạm suối xây hồ Ea Tam, trị giá đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng, đã bước vào giai đoạn hoàn thiện. Thành phố cũng đã tìm được nguồn kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng để xây dựng hệ thống kè và đường hành lang suối. Khi ấy, trung tâm Buôn Ma Thuột sẽ được tô điểm bởi con suối xanh ngát, thác nước tung bọt và hồ nước thơ mộng, rộng gấp đôi Hồ Xuân Hương của thành phố Đà Lạt.
Khu vực phía Nam của suối Ea Tam và đại lộ Đông Tây rộng hàng ngàn héc-ta, sẽ đủ chỗ cho mọi ý tưởng của các nhà đầu tư về xây dựng một một đô thị xanh giàu bản sắc./.