Trở lại Mường Lò

Được đầu tư phát triển lưới điện nên lúa gạo Mường Lò không những nuôi sống cư dân 4 dân tộc anh em mà còn góp sức cân đối lương thực ở Yên Bái và xuất khẩu.

 

“Muốn ăn gạo trắng nước trong

Vượt qua đèo Ách về trong Mường Lò…”

Mường Lò trù phú bởi phù sa của những con suối Thia, suối Nhì, suối Nậm Tung… Nhờ hiệu quả của Chương trình “Điện khí hóa nông thôn” nên lúa gạo của Mường Lò giờ đây không những đủ để nuôi sống trên 100.000 cư dân trong một cộng đồng 4 Dân tộc anh em Thái, Mường, Kinh, Tày mà còn góp sức làm cân đối lương thực trên địa bàn tỉnh Yên Bái và tham gia xuất khẩu. Mường Lò không chỉ giàu về lúa, về ngô, mà còn giàu về Truyền thống Cách mạng và bản sắc Văn hóa với nghề dệt thổ cẩm truyền thống và điệu Xòe Thái trong những đêm hội Xuân, Hội mùa, hội Lồng tồng- một điệu múa đã được UNESCO Vinh danh là “Văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

Tôi trở lại Mường Lò đúng vào lúc Ban Quản lý Dự án các công trình Điện miền Trung tổ chức chiến dịch đúc móng và chuẩn bị dựng cột tuyến đường dây tải điện 220kV Huội Quảng- Nghĩa Lộ nhằm đáp ứng nhu cầu thêm kênh giải phóng công suất nguồn Thủy điện Tây Bắc về khu vực Thủ đô Hà Nội, tăng cường liên kết hệ thống điện khu vực, nâng cao độ an toàn tin cậy và ổn định khi vận hành hệ thống điện khu vực và Quốc gia, hạn chế tổn thất công suất trong lưới truyền tải và tăng hiệu quả sản xuất; kinh doanh của Ngành điện. Và cùng với tuyến Đường dây 220kV Huội Quảng - Nghĩa Lộ là tuyến đường dây 220kV Nghĩa Lộ - Việt Trì. Đây là tuyến Đường dây truyền tải công suất từ các nhà máy thủy điện nhỏ trong khu vực tỉnh Yên Bái nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải công nghiệp, thương mại, dịch vụ, sinh hoạt và các hoạt động khác của thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn và các vùng lân cận của tỉnh Yên Bái; đồng thời hỗ trợ giảm tải cho tuyến đường dây 110kV Nghĩa Lộ - Yên Bái và Chấn Thịnh - Cẩm Khê hiện hữu.

Kiểm tra tiến độ xây dựng TBA 220kV Nghĩa Lộ

Việc xây dựng tuyến đường dây 220kV Huội Quảng - Nghĩa Lộ sẽ đảm bảo được tiêu chí N-1 cho TBA 500kV Sơn La cũng như bổ sung thêm hướng giải tỏa nguồn công suất cho các Nhà máy Thủy điện khu vực các tỉnh Lai Châu, Sơn La và Điện Biên tới năm 2030. Hỗ trợ, giảm tải cho tuyến đường dây 220kV Thị xã Sơn La - Việt Trì mạch đơn dài 168 km hiện hữu. Công trình do Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các Công trình Điện miền Trung quản lý, điều hành dự án. Đơn vị Tư vấn thiết kế: Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1 (PECC1). Đơn vị tư vấn giám sát: Liên danh Công ty CP khảo sát thiết kế xây dựng công trình - Công ty CP Năng Lượng (Liên danh ICD-VINAPOWER). Đơn vị thi công: Tổng công ty CP xây dựng điện Việt Nam (VNECO) thi công Gói thầu số 5 & số 6, Công ty CP Tập đoàn PC1 (PC1) thi công Gói thầu số 7.

Nói về công trình này, Anh Nguyễn Văn Tình, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án các Công trình Điện miền Trung cho biết: “Quy mô của dự án, gồm xây dựng Trạm biến áp 220kV Nghĩa Lộ, Lắp đặt 1 máy biến áp tự ngẫu 220kV-250 MVA và có dự phòng đất cho lắp máy biến áp 220kV thứ hai trong tương lai. Số ngăn lộ phía 220kV là 10 ngăn, giai đoạn đầu lắp 7 ngăn, dự phòng 3 ngăn. Số ngăn lộ phía 110kV là 19 ngăn, giai đoạn đầu lắp 13 ngăn, dự phòng 6 ngăn. Mở rộng 2 ngăn lộ tại TBA 500kV Việt Trì. Mở rộng thanh cái 220kV và lắp đặt thiết bị đóng cắt, điều khiển, bảo vệ đo lường tại 2 ngăn đường dây 220kV D11 và D12. Về phần đường dây, xây dựng mới tuyến đường dây 220kV mạch kép dài 103,6 km với 200 vị trí móng cột. Điểm đầu từ thanh cái 220kV của SPP 220kV Nhà máy Thủy điện Huội Quảng, điểm cuối là thanh cái 220kV của Trạm biến áp 220kV Nghĩa Lộ. Với mục tiêu là đáp ứng nhu cầu giải phóng công suất các nguồn Thủy điện khu vực Tây Bắc và tăng cường liên kết hệ thống điện, nâng cao độ an toàn, linh hoạt trong vận hành và ổn định cho hệ thống điện Quốc gia…”

Tập kết phụ kiện cho TBA 220kV Nghĩa Lộ

Công trình được khởi công xây dựng từ ngày 22/02/2022 và dự kiến sẽ hoàn thành và đóng điện vào Quý IV năm 2023. Đến nay sau hơn một năm triển khai thực hiện, tất cả các đơn vị tham gia thi công trên công trình đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tiến độ. Tuy nhiên do những yếu tố khách quan như vướng mắc trong giải tỏa đền bù, Nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị về không đồng bộ, đấy là chưa nói đến những khó khăn do địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt của núi rừng Tây Bắc... Vì thế mà đến nay công trình mới đi được hơn một nửa chặng đường. Để kịp thời khắc phục những khó khăn vướng mắc này, ngày 10/5/2023, tại Thị xã Nghĩa Lộ, ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình Điện miền Trung đã chủ trì cuộc họp Điều độ với các Nhà thầu để bàn biện pháp tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ với quyết tâm hoàn thành đưa công trình vào vận hành cuối Quý IV năm nay.

Chủ đầu tư và các nhà thầu họp điều độ

Theo chúng tôi được biết, cái khó lớn nhất hiện nay vẫn là công tác đền bù giải phóng mặt bằng- một khó khăn cố hữu mà công trình xây dựng cơ bản nào cũng phải cam go lắm mới vượt qua được. Tại vị trí móng cột số 01 thuộc xã Nghĩa Lộ, Thị xã Nghĩa Lộ, chúng tôi đã gặp và trao đổi với anh Phạm Hữu Minh Huy, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Xây dựng điện Việt Nam- VNECO và được anh cho biết: Đơn vị của anh đang đảm nhận thi công 02 Gói thầu số 5 và số 6 của tuyến đường dây 220kV Huội Quảng- Nghĩa Lộ với 138 vị trí móng cột- từ vị trí số 01 đến vị trí 138, trong đó có 34 vị trí phải đi qua rừng tự nhiên và 5 vị trí đi qua rừng trồng của 02 huyện Mường La và Bắc Yên của tỉnh Sơn La, 01 vị trí vượt Sông Đà. Gói thầu số 5 được bắt đầu từ Vị trí số 01 tại Nhà máy Thủy điện Huội Quảng đến vị trí số 71, đi qua các xã Chiềng Lao, Mường Trai, Ti Pong, Nậm Phăng, Chiềng San và Thị trấn Ít Ong của huyện Mường La. Gói thầu số 6 bắt đầu từ vị trí số 72 đến vị trí 138 đi qua các xã Chiềng Hoa, Pắc Ngà,  Hang Chú của huyện Bắc Yên. Khó khăn nhất hiện nay đối với Nhà thầu xây lắp là phải chờ đợi mặt bằng, cho nên khi được bàn giao mặt bằng là tiến hành thi công ngay nhờ vậy công việc đúc móng của Tổng Cty VNECO tính đến thời điểm này đã hoàn thành được gần 70% kế hoạch.

Đúc móng

Tuyến đường dây 220kV Huội Quảng- Nghĩa Lộ đi qua địa bàn các huyện Mường La, Bắc Yên của tỉnh Sơn La và Trạm Tấu, Văn Chấn của tỉnh Yên Bái gồm 200 vị trí móng cột, trong đó tỉnh Sơn La có 146 vị trí, tỉnh Yên Bái 54 vị trí. Đến nay tỉnh Sơn La đã bàn giao mặt bằng 128/146 vị trí cho Nhà thầu thi công, tình Yên Bái đã bàn giao 33/54 vị trí. Các vị trí còn lại chưa có kế hoạch phê duyệt vì là đất rừng sản xuất và rừng phòng hộ, bên cạnh đó vẫn còn một số hộ dân chưa chịu nhận tiền đền bù đợt 1, vì họ đòi nhận luôn cả tiền đến bù hành lang tuyến. Để khắc phục tình trạng này, hiện nay Chủ đầu tư và các Nhà thầu thi công đang tiếp tục làm việc với Chính quyền các địa phương nơi có đường dây đi qua nhằm phối hợp thực hiện một cách hiệu quả trong quá trình thương thảo với người dân để tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc còn lại để đưa công trình về đích đúng tiến độ.

Đúc móng

Tuyến đường dây 220kV Nghĩa Lộ - Việt Trì có tổng số 244 vị trí móng cột, trong đó tỉnh Yên Bái có 99 VT; tỉnh Phú Thọ 145 vị trí đi qua địa bàn Thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trạm Tấu tỉnh Yên Bái 99 vị trí, các huyện Yên Lập, Hạ Hòa, Thanh Ba, Thị xã Phú Thọ của tỉnh Phú Thọ 145 vị trí. Dự án được chia làm 02 gói thầu xây lắp số 9 & số 10 do Tổng Cty VNECO thi công. Trong tổng số 244 vị trí có 132 vị trí đi qua khu vực rừng trồng, 11 vị trí đi qua rừng tự nhiên. Đây là đoạn tuyến tương đối khó khăn do phải đi qua 03 khu công nghiệp, vượt đường cao tốc Hà Nội- Lào Cai, vượt qua 5 tuyến đường dây 110kV hiện hữu và vượt Sông Hồng… Nhưng khó hơn hết vẫn là khâu đền bù giải phóng mặt bằng, bởi hiện nay còn một số hộ dân vẫn chây ì trong viêc nhận tiền đền bù. Nhưng với phương châm, có mặt bằng đến đâu thì thi công đến đấy. Mặc dù vừa thi công, vừa chờ đợi, nhưng Nhà thầu vẫn miệt mài đào, đúc móng, để chuẩn bị cho việc dựng cột, kéo dây đúng kế hoạch.

Theo dự báo trong thời gian tới tình hình thiếu điện sẽ khá gay gắt, trong khi các phụ tải tiếp tục tăng. Vì vậy tuyến đường dây 220kV Huội Quảng- Nghĩa Lộ và Nghĩa Lộ- Việt Trì hoàn thành và đưa vào vận hành sẽ góp phần tích cực vào việc cung cấp điện cho khu vực và Thủ đô Hà Nội.

                                                                                                                                              Tháng 5/2023   

 

Bình luận

    Chưa có bình luận