Dân 'khùng' từ mồ côi lạc vào cõi rác

Tất cả mọi thứ là rác rưởi bị bỏ rơi về tay Dân khùng đều thành tác phẩm nghệ thuật vô giá.

 

Quen biết Dân “khùng” đã lâu, từ thời thư sinh ở Hội An, Dân chuyên mặc quần áo trái và mang dép chiếc này chiếc kia (dép lượm ở bãi rác) trông quái dị. Tính cách sống của Dân chỉ để cho riêng mình đam mê thỏa thích kỳ lạ, mặc kệ thiên hạ đưa khóe mắt liếc qua như dao lam sắc lẹm rồi gán cho anh cái tên “khùng”!

Nhịp tim của rác

“Em luôn giáo dục chính mình phải mở rộng con tim thay vì cái đầu, bởi mở rộng trái tim chúng ta sẽ yêu nhiều, thương nhiều hơn. Việc đó giúp em từ từ nuôi dưỡng sự tử tế, giúp em nhận ra yêu thương không bao giờ là đủ”, Nguyễn Quốc Dân - (Dân “khùng”) tâm sự.

Mỗi lần vào “Xưởng tái sinh” (xưởng phế liệu tạo ra hàng trăm tác phẩm nghệ thuật vô giá), tôi thường luẩn quẩn như bị thôi miên dẫn đi không lối ra. Đi quanh những bức tượng phế liệu, những bức phù điêu gỗ mục đẹp mê hồn, những chiếc đèn lồng làm từ phi rất cuốn hút, lưới cũ rách, dép đứt, hay người mẫu ma-nơ-canh cũ dễ bị người ta vứt bỏ.

 

Tất cả mọi thứ là rác rưởi bị bỏ rơi về tay Dân khùng đều thành tác phẩm nghệ thuật vô giá. Ngắm nghía tỉ mỉ, bồi hồi hình dung bàn tay, trí sáng tạo đầy chất nghệ đã dệt nên những tác phẩm huy hoàng đến khó ngờ. Rác đang câm lặng nằm cô quạnh trong xó xỉnh trở nên biết hít thở rồi rực sáng như bản trường ca.

Ngoài sự thán phục tài năng của Dân, tôi không hiểu gì nhiều về hàng trăm tác phẩm đó, trông cứ như cuốn truyện tranh đặc sắc, bởi rác không chỉ thay đổi thân phận mỹ miều, mà nó đã chết, bị người đời xa lánh nay lại hồi sinh, và sẽ sống một cách trường tồn hơn lúc nó mới sinh ra. 

Tôi tìm đọc mãi nhưng không thấy đâu nói tới chuyện tái sinh nghệ thuật. Cho đến ngày tận mắt chứng kiến những người Mỹ, người Đức đến tìm Dân “khùng”, nhìn thấy “Xưởng tái sinh” ai cũng trầm trồ khen ngợi, rồi năn nỉ anh qua nước họ giúp Mỹ - Đức làm công viên và bảo tàng tái sinh, tôi mới được giải mã những gì Dân “khùng” đang thực hiện tại quê hương thì trên thế giới chưa có.

Dĩ nhiên tôi vẫn mù tịt trước vẻ đẹp khó tả của các tác phẩm từ rác của Dân, nhưng ít nhất tôi biết được mỗi tác phẩm là rất nhiều thân phận rác - phế liệu khác nhau cùng hòa quyện, chắp nối lại rồi hình thành một câu chuyện có nội dung, có tính nhân văn lớn mà tôi có thể tìm hiểu được. Điều này khiến tôi tăng thêm niềm hứng thú mỗi khi bước chân vào xưởng, hay cùng Dân “khùng” đi nhặt rác. Tôi đã chứng kiến nhiều lần những lãnh đạo doanh nghiệp - các tập đoàn lớn đến thăm Xưởng tái sinh, đặt vấn đề với Dân chuyển nhượng tác phẩm nghệ thuật từ phế liệu với giá cao, hay thuê tác phẩm của anh về những điểm du lịch nổi tiếng trưng bày nhưng Dân đều khước từ.

Bây giờ thì xin nói vì sao tôi kể chuyện Dân “khùng” là anh chàng mồ côi lạc vào cõi rác.

 

Người mồ côi thương chó

Tôi và họa sĩ Nguyễn Quốc Dân - thiên hạ hay gọi Dân “khùng” - từng gặp nhau nhiều lần, trong những cuộc rượu hát hò, đi lang thang nhặt dép đứt trên bãi biển sau những trận lũ lụt. Có lúc tôi theo Dân vào tận Sài Gòn nhặt phế liệu cả tháng trời, hay cafe vỉa hè nhìn Dân dụ những con chó chạy rông ngoài đường vui đòi. Lạ! Tuy là dân mỹ thuật có tầm, có tâm nhưng không bao giờ Dân kể chuyện về nghề, hay đàm luận về nghệ thuật.

Mỗi lần thấy Dân lăn mình ngoài đường đòi giỡn với chó, mặc cho đường đầy bụi bẩn, người người qua lại thấy vậy tránh né, có người im lặng đi, cũng có người chém câu chua chát: “Đúng là thằng khùng”! Dường như những cuộc ngồi đó, tâm sự thì ít, mà Dân chơi với chó là nhiều, ít khi nói chuyện thời cuộc, hay bàn tán về ai đó. Vì thế, mỗi lần Dân đi dạo xuống phố cổ café sẽ có bầy chó quẩy đuôi mừng chạy theo, và đương nhiên Dân sẽ không để bầy chó thất vọng.

Bởi quá thân nên tôi rất hiểu tính tình và sở thích của Dân, anh rất thương mẹ, yêu vợ, yêu phế liệu, rác thải, động vật, trong đó có chó - mèo. Mỗi lần anh gặp người mua chó dạo chở chó về bán cho lò mổ là anh năn nỉ mua để giải cứu chó cho bằng được, chấp nhận mua giá cao hơn giá lò mổ. Mua về anh nuôi, ai thích nuôi chó là anh tặng lại ngay. Trên facebook của Dân chỉ thấy khoe chở mẹ đi chơi, hay lượm phế liệu, và giải cứu chó. Mỗi năm Dân giải cứu cả trăm chú chó, đó cũng là hạnh phúc của anh “khùng”. 

Tái sinh lại cuộc đời mình

Với con người của Dân, tôi có cảm giác anh là sự pha trộn giữa nghệ sĩ thứ thiệt với triết lý Phật giáo một cách khoa học. Lúc vui chơi phải thả ga - hết mình, nhưng lúc làm việc anh khắt khe, đòi hỏi sự chính xác, rạch ròi trong từng phần tác phẩm. Vì thế, những tác phẩm của anh tuy là phế liệu nhưng có sự kết nối, giao tiếp rất lô-gíc khi người xem dễ chạm đến sự cảm nhận thân thiện.

Số phận Nguyễn Quốc Dân lúc nhỏ nhiều bất hạnh. Khi Dân 3 tuổi, bố bỏ đi, Dân theo người mẹ không biết chữ về quê ngoại Phan Thiết ăn bờ ở bụi. Vì sức khỏe của mẹ yếu nên bà phải vào sống trong trại xã hội, Dân được đưa về quê gửi vào trại mồ côi Hội An.

Cũng có lẽ vì anh “xuất thân” chất nghệ từ môi trường lãng đãng ở trại mồ côi, trải qua thời gian cơ cực đầy đọa tuổi thơ đã hun đúc trong người có tính yêu thương và rộng lượng - bao dung ấy. Những tố chất đó cũng giúp anh vượt lên số phận để rồi nuôi dưỡng giấc mơ “tái sinh” mà anh đang thực hiện.

Mắt cửa của xưởng.

Những năm tháng sống trong trại mồ côi, anh bộc lộ niềm đam mê với hội họa và đã biết tái chế những vật dụng cần thiết cho cuộc sống của mình. Năm lớp 5, trong một lần lang thang vẽ phố, anh được một cặp vợ chồng người Mỹ phát hiện ra năng khiếu và theo về trại mồ côi nhận làm con nuôi, tài trợ chi phí cho anh phát triển tài năng. Được tiếp cận với hội họa chuyên nghiệp, Nguyễn Quốc Dân thi vào trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và theo đuổi trường phái Phi lập thể.

Ngồi với Dân “khùng” giúp tôi tiếp thu thêm kiến thức mới, không riêng về nghệ thuật, về rác, phế liệu, mà dung nạp cả lòng yêu thương, nghị lực sống tử tế… Dường như mọi việc của anh đang thực hiện đều mong muốn giúp cho cộng đồng, xã hội hơn là cá nhân. Bởi sau khi tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật, rất nhiều cơ hội cho anh phát triển tài năng tại Sài Gòn, hay được bố mẹ nuôi bảo lãnh qua Mỹ, nhưng anh quyết định quay về quê để cống hiến, mong đó là sự đền đáp của mình đối với nơi đã cưu mang.

“Tại sao lại là Tái Sinh ư!? Bởi vì từ nhỏ em đã bị bỏ rơi, giống như ba bỏ rơi mẹ, em cũng bị bỏ rơi, trải qua tuổi thơ đầy cơ cực trong trại mồ côi, lang thang bụi đời, nhặt rác, bán báo, rửa chén khắp nơi kiếm cái ăn, cái mặc… Cái “căn tính bỏ rơi” nó ở trong mình lúc nào không biết. Và em nghĩ, cần phải làm lại cuộc đời, phải hồi sinh lại, phải tái sinh chính mình”.

Nguyễn Quốc Dân tâm sự.

Anh lập ra dự án thêu vá để hỗ trợ các em nhỏ tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi và tàn tật Quảng Nam biết cách thêu, may vá những sản phẩm nhằm kiếm thêm thu nhập trang trải trong sinh hoạt. Dựng lên Hẻm tái sinh mang những tác phẩm "tái sinh" ra trưng bày tại con hẻm 11 Nguyễn Thái Học (Hội An), biến con hẻm thành nơi tập trung những người yêu thích nghệ thuật và lan tỏa nghệ thuật tái sinh. Dự án “Tàn dư khởi sắc" thực hành nghệ thuật từ chất liệu là những chiếc dép, áo mưa nhặt trên bãi biển Hội An.

Có lẽ lòng yêu thương của anh quá lớn nên đến nay Dân cùng mẹ và vợ vẫn thuê nhà cấp 4 để ở. Ngay cả mảnh đất  “Xưởng tái sinh” gần 2.000m2 tại thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà, TP. Hội An anh vẫn thuê. Số tiền anh dành dụm bao năm nay đầu tư vào xưởng. Những năm dịch Covid-19, anh mua vài chục tấn gạo, rồi vợ chồng trực tiếp chở đến những nhà nghèo, khó khăn trao tặng. Nhà nào nghèo có con học hành hoặc có người bệnh, anh tặng thêm tiền để mua sách vở, thuốc thang.

Anh trở thành người “nghiện” phế liệu, biến rác trở thành những đồ vật hữu ích cho cuộc sống, có giá trị về nghệ thuật, tự tìm rác, ăn với rác, chơi với rác, ngủ với rác. Rồi ấp ủ giấc mơ sẽ làm một công viên “Tái sinh” hay Bảo tàng “Tái sinh” ngay trên quê hương mình để đã tác động đến hành vi, ứng xử với môi trường sống của du khách trong và ngoài nước khi đến với phố cổ Hội An./.


 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận