Bao đời nay, mùa nước nổi là dịp người dân ĐBSCL thay đổi phương thức canh tác - chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang khai thác thủy sản nhờ các trận lũ đem đến. Khi nước lũ trắng đồng, người nông dân bỗng biến thành ngư phủ như một sự thích ứng: họ vui vẻ đón nhận, sống chung với lũ, mưu sinh trên đồng nước với nghề chài lưới...
Dọc theo những bờ kênh, bờ đê ở Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp v.v... điên điển mọc tràn lan, nở bông vàng rực. Những thảm hoa súng dại đua nhau nở đầy ven sông, kênh, rạch, ao, đìa... như những bức họa tuyệt tác của tự nhiên.
Mùa lũ, đi đâu cũng gặp nước. Người dân, ngoài việc mưu sinh bằng việc chèo xuồng, giăng lưới, đặt lú bắt cá tôm, họ còn đi hái bông súng và bông điên điển để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Đây đó là những chợ cá nhóm họp giữa đồng nước mênh mông.
Đến với sông nước vùng ĐBSCL, người ta không thể không biết đến chợ nổi. Mà nhiều chợ nổi lắm: chợ nổi Cái Răng, Phong Điền, chợ Ngã Bảy, chợ Nổi Long Xuyên... Có thăm chợ nổi mới biết cái sự độc đáo của nó: trước ghe thuyền của người bán hàng là những cây sào ("bẹo") được treo mặt hàng tượng trưng. Quang cảnh tấp nập mua bán ở chợ nổi lâu nay đã trở thành nét hấp dẫn du khách mỗi dịp tới vùng đất Chín rồng.