(Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập lực lượng Bộ đội biên phòng và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân)
Sức dân như nước, một khi sức dân được huy động thì bộ đội biên phòng có thêm hàng triệu tai mắt để bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Bảo vệ đường biên, cột mốc là niềm tự hào
“Mình nằm trong khu vực biên giới, làm trưởng xóm 19 năm, năm 2018 là bí thư chi bộ. Mình cùng với bộ đội biên phòng (BĐBP) đồn 125 tuyên truyền vận động bà con hiểu biết, kết hợp tuần tra phát quang mỗi tháng 1 lần, xóm mình là điển hình của xã đấy”. Tâm sự của ông Sầm Văn Ri-óng, bí thư chi bộ xóm Kéo Sỹ, xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng, Cao Bằng là minh chứng thực tế cho thấy ý thức bảo vệ đường biên, mốc giới đã thấm sâu vào lòng người dân ở biên giới. Đây cũng là thành công nổi bật nhất ở địa phương có đường biên giới dài hơn 333km, với 634 mốc quốc giới.
Cao Bằng cũng là địa phương khởi đầu phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc và an ninh trật tự xóm (bản) khu vực biên giới”. Chúng tôi đã có dịp đến bản Nà Chào (xã Mỹ Hưng, huyện Phục Hòa) - nơi khai sinh của phong trào này và được gặp ông Đàm Văn Chài - một trong những người tham gia phong trào đầu tiên. Ông Chài năm nay ở tuổi lục tuần, nước da đen, khỏe khoắn, bước đi thoăn thoắt... Kể về những lần tham gia tuần tra bảo vệ đường biên cột mốc cùng BĐBP, ông tự mình chuẩn bị mèn mén, làm bánh ngô, rang lạc muối vừng, thịt treo để làm lương thực… Tuy bây giờ đường liên bản trong xã được mở nhiều, ô tô, xe máy đi lại khá thuận tiện, nhưng lên cột mốc vẫn là đôi chân leo bộ, với núi đá, vực sâu. Có lần mưa giông dữ dội, ông và BĐBP chia nhau nắm cơm ướt sũng nước mưa cho qua cơn đói, ngủ đêm bên bìa rừng. Nhưng ông chưa từng phàn nàn hay nản chí mà vẫn coi đó là nhiệm vụ của mình, của dân bản.
Chính bởi có những người dân như ông Sầm Văn Ri-óng hay ông Đàm Văn Chài, mà đến nay, toàn bộ hệ thống đường biên, mốc quốc giới ở Cao Bằng được gần 5.700 hộ dân ký cam kết tự quản, bà con yên tâm sinh sống, sản xuất trên tuyến biên giới.
Điều ý nghĩa nhất là người dân coi bảo vệ đường biên, cột mốc không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm tự hào của họ. Việc tự quản đường biên, cột mốc được tiến hành ngay trên thực địa từng xóm, bản. Đối với những gia đình cư trú sát đường biên giới, họ còn tự giác tự quản trên chính các khu vực đất đai thuộc gia đình mình. Mỗi dịp 3/3 hằng năm, Ngày biên phòng toàn dân trở thành ngày hội của cả bản, cả xã, huyện.
“Quê cha đất tổ của mình ở đây, mình phải có trách nhiệm giữ gìn”
Đó là lời tâm sự của chàng trai Vân Kiều - Hồ Văn Hoạt ở bản Loa, xã Pa Tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - người được mệnh danh là có “đôi chân không nghỉ”. Còn trẻ tuổi, nhưng đôi chân ấy đã hơn 15 năm vượt bao suối sâu, đèo cao, chăm sóc bảo vệ đường biên cột mốc, góp phần cùng BĐBP Quảng Trị xây dựng tuyến biên giới, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào ngày càng phát triển.
Sinh ra và lớn lên nơi vùng biên cương của Tổ quốc, tuổi thơ của anh Hoạt gắn với những lần theo cha vào rừng kiếm cái ăn hằng ngày. Trong những chuyến đi đó, tình yêu với chủ quyền biên giới quốc gia trong anh cứ lớn dần theo năm tháng. Bởi thế những hôm rảnh rỗi, anh lại lên thăm cột mốc, bảo vệ đường biên. Hàng tháng, anh đến từng hộ gia đình trong bản Loa, nói cho bà con hiểu mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ đường biên cột mốc, kiên quyết đấu tranh với các hoạt động vi phạm chủ quyền biên giới, vượt biên trái phép, di dịch cư tự do… Từ việc làm của anh, hơn 30 hộ gia đình đã tự nguyện đăng ký bảo vệ cột mốc an ninh biên giới.
Anh Hồ Văn Hoạt còn mạnh dạn đề xuất với chính quyền địa phương và BĐBP cho phép qua Bản Rạ, huyện Sa Muội, tỉnh Sa La Văn (Lào) để tuyên truyền dân bản tham gia bảo vệ đường biên cột mốc. Bằng lý lẽ thuyết phục và việc làm cụ thể của mình, bà con bản Rạ đã nghe và làm theo Hồ Văn Hoạt. Giờ đây, tại các cột mốc biên giới Việt - Lào, nhân dân bản Rạ luôn cùng bà con bản Loa phát quang, vệ sinh, làm sạch đường biên cột mốc, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Trải qua hơn 15 năm tự nguyện bảo vệ, chăm sóc và giữ gìn cột mốc biên cương, đến nay, hành trình bảo vệ cột mốc đường biên trên đỉnh Trường Sơn vẫn được chàng trai Vân Kiều và đồng bào hai bên biên giới Việt - Lào viết tiếp…
“Anh Hồ Văn Hoạt bên bản Loa thường xuyên sang đây tuyên truyền vận động bảo vệ đường biên cột mốc nên đã có rất nhiều người dân trong bản làm theo anh, tự giác tham gia bảo vệ đường biên cột mốc quốc gia và tăng cường xây dựng tình đoàn kết Việt - Lào ngày càng phát triển tốt đẹp” - anh Ăm Bùi, Phó Bản Rạ, huyện Sa Muội, Lào. |
BĐBP đồng hành chung sức với bà con bảo vệ biên giới
Những năm qua, lực lượng BĐBP đã giúp dân ổn định cuộc sống, cùng bà con dân tộc thiểu số khai hoang, trồng lúa nước, chăm cây tỉa bắp, hướng dẫn người dân thay đổi tập quán canh tác, thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho năng suất cao, giúp người già đuổi bệnh tật, nâng đỡ trẻ em nghèo đến trường… Tất cả những việc làm ấy không ngoài mục đích góp phần vun đắp “thế trận lòng dân” ở nơi “phên giậu” Tổ quốc.
5 năm gần đây, Bộ Tư lệnh BĐBP đã ký kết chương trình phối hợp với các đơn vị, ban, ngành đoàn thể, hộ gia đình và cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP cho biết, nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực như phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh THCS xã biên giới tỉnh Nghệ An, dự án thủy lợi Rục Làn trồng lúa nước hai vụ ở xã Thượng Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình)...; phối hợp với Ủy ban Dân tộc tập huấn phòng chống ma túy gắn với phát triển kinh tế, xã hội tại các tỉnh Tây Nam bộ; phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mở các lớp đào tạo cho cán bộ làm công tác vận động quần chúng, cán bộ và thanh niên khu vực biên giới; nhiều lớp tập huấn kiến thức cho hàng nghìn hộ gia đình ở các xã biên giới... Một số chương trình được người dân ghi nhận vì đạt hiệu quả thực tế. Như chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” cụ thể hóa việc chăm lo cho các gia đình chính sách, các hộ nghèo vui Xuân, đón Tết. Chương trình "Bò giống giúp người nghèo biên giới" mở ra hướng hỗ trợ mới, giúp các hộ nghèo vùng biên giới phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững. Chỉ trong vòng 16 tháng đầu triển khai chương trình, 24.000 con bò đã được trao cho 24.000 hộ gia đình. Nhiều tỉnh, thành còn vượt chỉ tiêu đề ra, niềm vui của người dân nhân đôi, nhân ba.
Và còn hàng chục tỷ đồng được huy động, nhiều ngôi nhà tranh tre được xoá, những con đường được rải nhựa bê tông, những bản làng được dùng nước sạch... Đó là dấu ấn rất nhân văn từ chương trình "Mái ấm cho người nghèo nơi biên cương" do BĐBP phát động. “Trong 10 năm thực hiện các nội dung của Ngày Biên phòng toàn dân (2009-2019), cấp ủy chính quyền các địa phương đã đề ra nhiều chủ trương, chỉ đạo các ngành thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, xoá đói giảm nghèo bền vững, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới. Đã xuất hiện hàng nghìn tập thể điển hình tiên tiến đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Tổ quốc…” - thiếu tướng Đỗ Danh Vượng khẳng định.
Dẫu biên cương nay không còn quá hoang vu, nguy hiểm, nhưng tính chất phức tạp, khắc nghiệt của địa hình, khí hậu nơi đây vẫn là một thử thách không nhỏ đối với con người. Bởi vậy, việc trấn giữ và xây dựng vùng biên vững mạnh không chỉ là nhiệm vụ của riêng lực lượng BĐBP, mà rất cần đến sự tham gia tích cực của cả chính quyền địa phương và bà con nhân dân vùng biên giới./.