Năm 2019, có dịp tới lui Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) nhiều lần, chị Lê Tường Vy (giảng viên trường Đại học Luật TP.HCM) xót xa khi thấy đa phần bệnh nhi khó khăn chỉ ăn qua loa trong quá trình điều trị ung thư. Chị tự hỏi: “Mình giúp được gì cho các bé nhỉ?”. Vậy là nồi cháo dinh dưỡng mỗi tuần 50 suất của chị ra đời.
Ngọn lửa nhỏ dưỡng nuôi tình yêu lớn
Ngày trích tiền lương đi dạy để nấu cháo “0 đồng”, chị Vy nghĩ, giỏi lắm bếp duy trì được khoảng một năm vì nguồn lực có hạn. Cuối tuần, vài người bạn biết tin liền ghé nhà phụ mấy việc lặt vặt sao cho cháo ngon, cháo nóng sớm đến tay bệnh nhi nghèo. Sau đó, chị Vy có chia sẻ câu chuyện về nồi cháo nhỏ ấm áp thương yêu lên trang facebook cá nhân. Điều bất ngờ pha lẫn hạnh phúc là chị nhận về quá nhiều sự quan tâm của bạn bè, người thân và cả… người lạ. Người góp vài trăm nghìn, tiếp sức để “nồi cháo cô Vy” lớn lên mỗi ngày. Sinh viên trong trường biết chị có bếp thiện nguyện cũng xung phong đến phụ. Các suất cháo cứ vậy tăng lên nhờ những bàn tay âm thầm chung sức. Ngày nhiều nhất, Bếp sẻ chia của chị Vy trao tặng hơn 700 phần cháo đầy đủ dinh dưỡng cho bệnh nhi ung thư.
Khi thông tin lan tỏa, mọi người biết đến Bếp sẻ chia nhiều hơn, vật phẩm trao tặng ngày càng đa dạng. Nhiều nguyên liệu mạnh thường quân gửi về không hợp để nấu cháo, chị Vy quyết định mở rộng thực đơn. Chẳng lâu sau, danh sách món ngon cho bệnh nhi ung thư tăng vọt. Ngoài cháo dinh dưỡng còn có súp, yến chưng, các món tráng miệng và cơm ngon với đủ ba món đi kèm. Nếu như lúc đầu chị Vy chủ yếu nấu cháo vào cuối tuần để đi tặng cho thong thả thì khi chuyển sang thực đơn đa dạng, Bếp sẻ chia phục vụ cố định vào trưa thứ Tư hằng tuần. Chị Vy nói, chuyển qua ngày giữa tuần, mọi thứ sẽ cập rập hơn nhưng như vậy sẽ có nhiều bệnh nhi được thưởng thức món ngon. “Cuối tuần, nhiều em xuất viện lắm. Thôi cô trò chịu cực thêm một chút, miễn sao cơm cháo nóng hổi đến tay các em và gia đình là vui rồi. Chúng tôi chọn tặng suất ăn cho bệnh nhi và thân nhân đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM vì nơi đó có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. Bệnh viện cách bếp rất xa, có khi đi hơn một tiếng đồng hồ chưa tới nên đa phần việc sơ chế thức ăn được chuẩn bị từ tối thứ Ba. Đúng 10 giờ sáng thứ Tư, cô trò xuất phát với cơm canh nóng hổi và nhiều món ngon”, chị Vy chia sẻ.
Khu vực bếp nấu được chị Vy bố trí ngay giữa sân nhà để không gian rộng rãi, thoáng mát, tiện cho các nhóm sinh viên di chuyển, cùng nhau làm việc. Đứng trước bếp quan sát cậu trò năng nổ tỉ mỉ lật từng miếng phi lê cá ba sa trên chảo dầu vàng ươm, chị Vy khen vội: “Nay chiên cá giỏi rồi nè! Nhớ để nhỏ lửa cho cá chín đều và thay dầu liên tục con nhé. Các bé điều trị ung thư người yếu lắm, mình làm món nào cũng phải quan tâm đến dinh dưỡng, vệ sinh vậy mới an tâm”. Nghe cô dặn, Lê Minh Phúc (sinh viên năm 2 trường Đại học Luật TP.HCM) gật đầu đáp: “Dạ, em mới thay dầu đó cô. Cô đừng lo, em quen việc rồi. Hôm bữa cá em chiên được mấy đứa nhỏ với gia đình khen ngon quá chừng”. Phúc kết lời, hai cô trò nhìn nhau cười giòn tan giữa cái nắng khô khốc mùa hè. Cạnh đó, mấy sinh viên nhóm nấu súp đang khẩn trương cắt nấm tuyết. Nhóm còn lại kiểm tra cơm gạo lứt đã chín chưa rồi quay qua sơ chế rau, đem luộc. Ai cũng khẩn trương vào việc cho kịp giờ xuất phát. Gần 10 giờ, hàng trăm suất cơm cá, súp nấm gà và yến chưng, trái cây, bánh sữa được đóng hộp cẩn thận, chuẩn bị lên đường đến bệnh viện.
Cùng lan tỏa yêu thương
Một lần tình cờ nghe cô giáo giới thiệu về Bếp sẻ chia, Phúc không chần chừ, lập tức nhắn tin xin tham gia nhóm. Thực sự lúc đó, Phúc không biết mình có phụ được gì không hay tới lớ ngớ làm hỏng việc nhưng lòng vẫn muốn thử sức với công việc ý nghĩa này. Buổi đầu tới nơi, Phúc chủ yếu đi theo cô Vy học các công đoạn từ sơ chế rau củ, thịt cá đến nấu cơm, nấu canh, chiên kho thịt cá. Không lâu sau, Phúc thành phụ bếp xịn kiêm tài xế của Bếp sẻ chia. Mỗi buổi nấu có mười mấy sinh viên nhưng vì chị Vy tận dụng xe ô tô gia đình để chở các suất ăn đến bệnh viện, do đó chỉ có Phúc cùng chị đến bệnh viện. Mỗi tuần, ngồi trên xe cùng cô giáo đến thăm bệnh nhi ung thư, Phúc hay hỏi: “Không biết tụi nhỏ có thích mấy món mình nấu hôm nay không cô ha?”.
Xe vừa tới bệnh viện, mấy cô trò tập trung chuyển các suất ăn nóng hổi đến khu vực có bệnh nhi và thân nhân đang đợi cơm trưa. Vừa đi, chị Vy vừa dặn học trò: “Yến chưng ưu tiên mấy bệnh nhi mới vào thuốc. Nếu cần, tụi em có thể bổ sung thêm bánh sữa và trái cây cô để trong túi. Cơm cá nhớ đưa cùng canh rau để người nhà ăn ngon miệng hơn. Trời nóng, mệt mỏi lắm. Bé nào cần thêm cháo, cứ báo cô nhé. Nhớ tranh thủ hỏi thăm tụi nhỏ, chọc ghẹo mấy câu cho lên tinh thần. Làm mọi thứ nhanh gọn rồi cô trò mình đi thăm mấy ca nặng”. Biết cô kỹ tính, các học trò răm rắp làm theo.
Nhìn dòng người xếp hàng ngay ngắn, chị Vy và học trò cảm thấy ấm lòng. Chị biết, phải thương mến bếp lắm họ mới vui vẻ đợi chờ dù chỉ nhận phần cơm, suất cháo giá trị không cao. Quan sát dòng người, thấy nhiều gương mặt thân quen, chị Vy thở nhẹ, lòng an tâm đôi chút. Mới tối hôm trước thôi, tim chị như thắt lại khi phụ huynh một bệnh nhi nhắn tin báo con gái đã qua đời chỉ sau vài tháng điều trị. Chị Vy biết, mong bệnh nhi ung thư trở nặng sống khỏe, sống lâu là điều không thể nhưng mỗi lần tiễn biệt lại một lần xót xa. Xong việc, dù rất đói nhưng cô trò không vội lên xe về ngay mà thường ghé thăm bệnh nhi tại các phòng bệnh, hỏi thăm xem cơm cháo có dễ ăn, cần điều chỉnh, thay đổi gì không.
Trở về nhà dọn dẹp là gần giờ cơm chiều, chân tay rã rời do tới lui liên tục, vậy mà chỉ cần thấy điện thoại báo tin nhắn tới, chưa cần mở máy, chị Vy đã mỉm cười. “Cô Vy ơi! Cháo bữa nay ngon quá. Con ăn no lắm. Con cảm ơn cô!”. “Cô ơi! Ba con nói sao mấy cô chú cực dữ, làm đủ món công phu đem tới tặng mọi người. Cả nhà con cảm ơn cô nhiều lắm!”. Mấy dòng tin nhắn từ bệnh nhi và người nhà của các em mới gặp vài lần đủ để người phụ nữ hay bị bạn bè chọc là “bao đồng” vui tới ngày hôm sau. Chị Vy nói, làm việc gì cuối cùng cũng chỉ muốn được thấy nhau mỉm cười. Vậy nên, chị chỉ mong Bếp sẻ chia cứ ấm mãi để thêm nhiều đứa trẻ đang mỏi mệt với bệnh tật được ủi an phần nào.
Theo chị Vy, Bếp sẻ chia có thể duy trì đến tận bây giờ là nhờ sự tiếp sức từ cộng đồng và sự đồng hành không ngơi nghỉ của biết bao tình nguyện viên. Những tin nhắn chuyển khoản vài chục ngàn đồng cũng đủ khiến chị cay mắt. Chị tin, chỉ cần muốn cho đi, ai cũng sẽ tìm cách. Nấu nướng, dọn dẹp xong, chị Vy cùng học trò hay dành thêm chút thời gian trò chuyện cùng nhau. Những lúc như thế, họ lại thấy rưng rưng khi nhận ra bản thân may mắn khi được chia sẻ yêu thương. |
Ngoài việc tổ chức nấu nướng, trao tặng suất ăn chất lượng, thời gian gần đây, chị Vy cùng các cộng sự còn nỗ lực triển khai nhiều hoạt động đồng hành với bệnh nhi ung thư. Chính trong những lần giao lưu tại bệnh viện, chị phát hiện thêm các trường hợp đặc biệt khó khăn cần hỗ trợ gấp. Với những trường hợp cá biệt, nếu không đủ tiền riêng, chị Vy sẽ đăng thông tin trên nhóm để bạn bè, người thân hoặc mạnh thường quân chung tay giúp đỡ. Đã có nhiều chuyến xe “0 đồng” sẵn sàng đưa bệnh nhi đi cấp cứu hoặc về nhà cách xa TP.HCM hàng trăm cây số. Hoặc những chiếc máy thở được mang đến kịp thời giúp không ít bệnh nhi qua cơn nguy kịch... Nhưng dự án khiến Bếp sẻ chia xúc động nhất hiện nay là lắp chân tay giả cho bệnh nhi ung thư. Hôm rồi nhận tin nhắn một bệnh nhi hớn hở khoe: “Nhờ lắp chân giả mà con được đến trường”, chị Vy cứ vậy mà khóc mãi. Lần này, chị không khóc vì đau đớn hay xót xa, chị khóc với niềm hạnh phúc trào dâng trong lòng./.