Gió lộng Cù Lao Chàm

Hiếm có nơi nào ở đảo mà đi tìm hộ nghèo còn khó hơn tìm vàng như Cù Lao Chàm.

 

Không còn lo chuyện đói hay cái nghèo khó như xưa nữa, bởi hiếm có nơi nào ở đảo mà đi tìm hộ nghèo còn khó hơn tìm vàng như Cù Lao Chàm. Dẫu vậy, nỗi trăn trở của người dân nơi đây vẫn như con sóng mùa bão biển.  

Hoang sơ tự nhiên…

Cơn gió nồm thổi qua eo gió mang hơi lạnh tỏa theo sườn núi làm những nụ ngô đồng vừa nhú hồng - đỏ chuẩn bị khỏe sắc in màu xuống nước thật bắt mắt. Còn gì sướng hơn khi chiều chiều từng nhóm người ngồi chễm chệ trên cầu cảng nhậu hải sản tươi sống, ngắm hoàng hôn rơi, nghe sóng biển hát tình ca…

Ở xứ đảo, bữa nhậu khoảng 4 triệu đồng là quá VIP, nếu mồi hải sản ấy ở các nơi khác thì phải hơn chục triệu đồng. Nhìn vào mồi nhậu trên chiếu cói từng nhóm người, từng món hải sản là phân biệt được ngay người nào chuyên đi lặn bắt tôm hùm, hải sâm, ốc biển… người nào chuyên đi câu cá, người nào chuyên đi lưới… Đương nhiên là câu chuyện bàn tán thu nhập bao nhiêu, 3 triệu hay 5 triệu đồng của một người/ngày rất thú vị.

Chiều về trên đảo.

Nghe thu nhập của ngư dân hiện tại thích thật, nhìn lại thời gian vừa trôi, thoáng chốc 20 năm bay cái vèo như mới hôm qua. Ngồi nhậu cùng mấy ông ngư dân trên đảo mà tôi quen biết, mới ngày nào cuộc sống của họ rất khắc khổ, ấm no thi thoảng, mà đói nghèo thì quanh năm. Nhớ lại ngày ấy, nghề biển trên đảo quần quật lo cái ăn hằng ngày đã khó, rồi căng nặng lo cái đói mùa vào đông. Dù lam lũ quanh năm nhà nào giỏi lắm đủ ăn là mừng. Chuyện tụm lại ăn nhậu là thứ xa xỉ. Vậy mà hôm nay cuộc sống người dân đã đảo chiều, khi ánh nắng cuối ngày hạ vàng màu biển, họ cùng nhau ăn nhậu cụng bia, cười mãn nguyện.

Tôi nhớ lần đầu tiên cũng qua 20 năm, Anh hùng Lao động Nguyễn Sự, (nguyên Bí Thư Thành ủy Hội An) lúc đó đang ở cương vị Chủ tịch thị xã Hội An đưa đoàn phóng viên ra đảo Cù Lao Chàm. Mới đặt chân đến đảo, rất nhiều thứ khiến mọi người ngỡ ngàng, từ cái hoang sơ, tính thân thiện, thật thà của người dân… Nhưng có một thứ khiến nhiều người ngỡ ngàng hơn là dường như cả đảo lúc đó chưa nhà nào có nhà vệ sinh, tất cả mọi người đi vệ sinh ra biển. Nói vậy để thấy cái nghèo ở Cù Lao Chàm. Nhưng lạ, khi mới chia tách tỉnh giữa Quảng Nam và Đà Nẵng (1997), chỉ riêng thu nhập từ yến sào trên đảo thôi đã bằng 2 phần thu ngân sách của cả tỉnh Quảng Nam.

Những nụ ngô đồng vừa chớm khiến du khách thích thú.

Sau chuyến đi ấy, ông Sự chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành bố trí nguồn vốn hỗ trợ người dân xây dựng nhà vệ sinh. Chuyện này bắt đầu dịch chuyển cho Cù Lao Chàm vào con đường phát triển du lịch.

Chuyển đổi ngôi

Xưa kia, chuyện làm du lịch với người dân xứ đảo là khái niệm lạ lẫm và rất xa lạ, mặc dù Cù Lao Chàm thuộc TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam là tâm điểm du lịch. Tuy vậy, 20 năm trước, nói về nghề nghiệp ở đảo thì có 98% người dân làm nghề biển, từ trẻ em đến người già chỉ biết làm nghề biển.

Thời ấy, phương tiện vận chuyển người, hàng hóa, lương thực ra đảo và từ đảo vào đất liền chỉ là tàu gỗ, duy nhất một chuyến sáng ra, trưa vào. Thời ấy “trễ một chuyến đò xem như trôi qua một cơ hội”.

Hoa ngô đồng chuẩn bị khoe sắc.

Ngồi với thầy giáo xứ đảo mới về hưu, nhìn khách du lịch tấp nập, thầy hồi tâm lại: “Chừ nhìn đảo như một giấc chiêm bao đẹp. Hồi nớ động viên được em học sinh vào đất liền học cấp 3 là mừng lắm, chưa nói là vào đại học, vì ai cũng nghèo rớt mồng tơi, không đủ điều kiện cho con ăn học”.

Nếu xét về văn hóa lâu đời, đảo Cù Lao Chàm có thua gì các nơi khác. Theo tài liệu, Cù Lao Chàm là một di tích văn hoá lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An. Nhật ký các thương nhân phương Tây xưa thường ghi Cù Lao Chàm với tên Champello, lấy từ tiếng Nam - Ấn (Autronesian) "Pulau Champa".

Cù Lao Chàm còn có các tên gọi khác như Chiêm Dự (thời vua Tự Đức), Puliciam, Chiêm Bất Lao, Tiên Bích La. Tại đây còn nhiều di tích thuộc các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt, với các công trình kiến trúc cổ của người Chămngười Việt có niên đại đến 500 trăm năm. Một nền văn hóa lịch sử đồ sộ tại sao nằm im, kéo theo cuộc sống nghèo khó của người dân sinh sống trên đảo?

Suy tư của thầy giáo khác nào lãnh đạo Hội An thời khó khăn. “Chuẩn bị vào mùa đông phải chở cả chục tấn gạo dự trữ ra để chuẩn bị cứu đói cho dân. Đảo không điện, máy chạy Diesel phát điện từ 18h đến 22h đêm, cơ sở hạ tầng chưa có gì, toàn xã chỉ có cái trạm xá lẻ loi và 2 trường học trên đảo”, ông Nguyễn Sự nguyên Bí thư Thành ủy Hội An nhớ lại.

Tiếp xúc với dân đảo, ông Nguyễn Sự nhấn mạnh: “Cù Lao Chàm là cái kho chứa tài nguyên từ rừng đến biển, từ văn hóa mấy trăm năm đến con người, cảnh vật thiên nhiên hoang sơ dư thừa thì không thể để cái nghèo quấn lấy người dân mãi được. Nếu để dân nghèo là cái tội của lãnh đạo, nếu để dân đói là cái lỗi của đạo người làm quan”.

Và từ đó, cái tên “Du lịch Sông Hội và Trung tâm VH-TT&DL Hội An” tiên phong làm du lịch ở Cù Lao Chàm. Từ đó, từng đoàn du khách tây - ta xuất hiện, ngọn gió mới đưa xứ đảo chộn rộn, cũng lần đầu xứ đảo xuất hiện những chiếc ca nô cao tốc.

Nàng tiên thức giấc

Nhìn những đoàn thuyền cao tốc chở khách trong và ngoài nước ra đảo tấp nập, lượng khách du lịch mỗi ngày cao hơn cả dân số ở Cù Lao Chàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tươi cười hồ hởi: “Đi tất cả các đảo ở Việt Nam, nhìn đảo Cù Lao Chàm vui lắm, vừa bảo tồn tốt hệ sinh thái, giữ được nguyên nét hoang sơ của đảo. Du khách lại đông đúc, môi trường vẫn trong sạch, không túi ni lông, không rác thải nhựa là số 1”.

Cảnh sắc một phần của đảo.

Câu khen ngợi về bảo tồn của ông Nguyễn Đức Hải khiến chị Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Bảo tồn biển (BTB) Cù Lao Chàm cười tươi, hớn hở. Tôi còn nhớ, tháng 10/2003, Khu BTB Cù Lao Chàm được thành lập để giữ gìn sinh vật hoang dã trên đảo, là 1 trong 15 khu BTB của Việt Nam. Lúc ấy chị Thúy khoe quyết định được phân công về công tác 3 năm, nhưng rồi cơ duyên níu kéo chị lăn lộn với đảo cho tới nay.

Bao nhiêu khổ ải với BTB khó kể hết, bởi ngư dân đã quen đánh bắt hải sản trong sạn san hô vào mùa đông. Việc bảo tồn vô tình chạm đến nguồn kinh tế truyền thống, đó cũng là miếng cơm manh áo của ngư dân bao đời. Khó là vậy, nhưng nhờ BTB, người dân đảo từ ngư dân dịch chuyển sang làm du lịch. Và táo bạo của ông Nguyễn Sự là đưa ra quyết “nói không với túi ni lông” trên đảo. Chuyện tưởng như đùa mà thành sự thật khiến nhiều nơi ngỡ ngàng. Và từ đó, thương hiệu du lịch Cù Lao Chàm nổi tiếng.

“Cù Lao Chàm là cái kho chứa tài nguyên từ rừng đến biển, từ văn hóa mấy trăm năm đến con người, cảnh vật thiên nhiên hoang sơ dư thừa thì không thể để cái nghèo quấn lấy người dân mãi được. Nếu để dân nghèo là cái tội của lãnh đạo, nếu để dân đói là cái lỗi của đạo người làm quan”.

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An

Chính việc bảo tồn tốt và không túi ni lông này được quốc tế quan tâm đặc biệt. Ngày 29/5/2009, với hệ động thực vật phong phú và những di tích lịch sử hàng trăm năm trước, Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới trong Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển diễn ra tại đảo Jeju (Hàn Quốc). Đến nay, “Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao  Chàm” được UNESCO đánh giá là 1 trong 9 “Khu dự trữ sinh quyển thế giới” tại Việt Nam. Chính thương hiệu ấy đưa Cù Lao Chàm lên bản đồ du lịch thế giới. Những ngày cao điểm, số khách du lịch đến với đảo cao gấp 4 lần dân số trên đảo. Bình quân mỗi ngày nơi đây đón 3 ngàn lượt khách trong và ngoài nước.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, chị Phạm Thị Mỹ Hương - Chủ tịch xã báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: “Từ một xã nghèo, chủ yếu sống bằng nghề biển, này chuyển sang 98% dân số ở đảo sống bằng nghề du lịch. Bình quân thu nhập đầu người theo chuẩn xã nông thôn mới, Cù Lao Chàm xếp cao nhất tỉnh. Đặc biệt trên đảo không còn hộ nghèo”.

Tuy vậy, có những ý kiến cử tri trăn trở với Quốc hội, “cần cho cơ chế chính sách đặc thù với xã đảo. Bởi vào mùa đông, biển động kéo dài hơn 2 tháng, không có tàu thuyền ra vào đảo và đất liền, khiến lương thực, thực phẩm bị thiếu hụt. Quan ngại nhất là bệnh tật, cấp cứu bệnh nhân trên đảo. Tuy đã có phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp, nhưng vẫn thiếu trang thiết bị y tế lẫn bác sĩ chuyên môn. Có những ca đưa vào gần tới bờ nhưng thuyền không thể vào cửa sông đành quay đầu về đảo”./.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận