Đêm ở 'chợ Ma'

'Chợ Ma' là tên gọi của người địa phương và dân buôn bán chiếu và cói, dù chợ có tên là chợ chiếu Định Yên thuộc xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

 

Không còn nhận ra ngôi chợ cũ, nơi chúng tôi từng đặt chân đến chừng 20 năm trước. Con đường mới mở vừa thảm nhựa dẫn vào chợ Ma trông bề thế, tách biệt chợ ngày xưa vốn dính chặt vào làng dệt chiếu như ký thác số phận “Ma”.

1. “Chợ Ma”, nội cái tên cũng đã lạ, gây tò mò cho bao người. Thực ra chợ Ma là tên gọi của người địa phương và dân buôn bán chiếu và lát (cói), dù chợ có tên nổi tiếng là chợ chiếu Định Yên thuộc ấp An Khương, xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Chợ Ma nằm ngã ba sông Ngã Bác, Ngã Cậy, một nhánh của sông Hậu, bên khuôn viên “Đình thần Định Yên” được Bộ VH-TT&DL công nhận “Di tích cấp Quốc gia”. Chợ ra đời và tồn tại cách đây hơn 100 năm.

Chợ chiếu Định Yên bao bọc chung quanh làng ngay ngã ba sông.

Chúng tôi ngược về “chợ Ma” lần này để tìm lại ký ức xưa của ngôi chợ nằm ở làng dệt chiếu truyền thống có cách đan dệt chiếu rất thô mộc. Nhưng nay, cách đan xưa không còn nhiều như ngày cũ tại Định Yên, cũng như ở nhiều ngôi làng lân cận...

Thuyền chạy ngược gió sông Ngã Cậy, nhìn cảnh chìm trong bóng đêm mờ ảo khó nhận diện, lâu lâu thấy đóm sáng của vài chiếc đèn dầu nhấp nhô mé sông. Bà Năm, vợ ông Vòm - chủ thuyền, như hiểu ý nói: “Mấy cái đèn đó là dân đưa chiếu xuống xuồng chở về chợ bán. Nơi đây chủ yếu dùng xuồng ba lá vận chuyển hàng hóa và đi lại, bởi đường sá còn cách trở”.

Ở nơi khó khăn nên nhiều người trẻ xứ chiếu lớn lên lặng lẽ rời quê ra chốn thị thành, gửi lại những ký ức tuổi thơ ẩn khuất trong một góc nhỏ tâm hồn. Họ mang theo mong ước đến chân trời mới, nơi ấy văn minh hơn, tiện nghi hơn, gắn với cơ hội học hành, việc làm, sinh kế và để lại làng quê lặng lẽ lại càng quạnh vắng, chỉ người làng quê ở lại sống với làng quê. Nhiều người an ủi, ấy vậy làng quê mới là nơi đong đầy tình làng, nghĩa xóm. Nhưng nhiều người vẫn cảm thán, làng quê vẫn buồn tẻ, tháng ngày trôi qua vẫn chừng ấy nếp làng.

Đan chiếu theo cách truyền thống.

Làng chiếu Định Yên, như nhiều làng nghề truyền thống khác, phải chăng ngày càng dạt xa khỏi thứ cũ mèn? Đúng như hơi thở dài chứa đầy nỗi lo của người đan chiếu Định Yên, từng ngày các sản phẩm công nghiệp chiếu tre - trúc, chiếu nhựa, những chiếc nệm lấn át những chiếc chiếu dệt từ sợi lát sợi bố truyền thống bao đời.

Làng nghề trăm năm lay lắt với những người cao tuổi sống trong hoài niệm. Ngày ấy nhộn nhịp trên bến dưới thuyền. Ngày ấy chợ họp giữa đêm khuya với những chiếc đèn dầu mờ ảo nên được gọi là “chợ Ma”. Ngày ấy mọi người gặp nhau không có khoảng cách giữa người bán người mua, mà như những người thân lâu ngày gặp nhau, rồi khi ban mai ló dạng, mọi người chào nhau, để rồi từng ghe chiếu từ con rạch Ngã Bát, Ngã Cậy xuôi về khắp ngả miền Tây.

2. Thuyền cập bến, đồng hồ báo 23 giờ, tôi theo chân vợ chồng ông Sáu Vòm lên chợ. Trước mặt là hàng trăm chiếc đèn dầu (gió) ánh sáng yếu ớt, có lúc những chiếc đèn chụm lại nhau thành quầng sáng, tuy vậy, những bóng người vẫn nhợt nhạt như bóng ma vì thiếu sáng.

Đêm chạy thử nghiệm chương trình tái hiện chợ Ma.

Cái nét độc đáo ở “chợ Ma” là chỉ bán duy nhất một loại chiếu. Bà Nguyễn Thị Tư, người đan chiếu từ nhỏ tâm sự: “Ban ngày ở nhà đan chiếu, đêm khuya lại mang chiếu ra chợ bán. Ngày nào đan giỏi được 3 chiếc, còn ít thì cũng được đôi chiếc”. Với sự tài hoa lưu truyền của người làng, chiếu Định Yên nổi tiếng cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thời hưng thịnh nhất vào những năm 80 thế kỷ trước, chiếu Định Yên xuất bán qua tận Thái Lan, Campuchia… Nhờ vậy, người buôn bán đông nên “chợ Ma” luôn tấp nập.

Đồng hồ trên điện thoại điểm 0h35 phút, lượng người đến chợ đông đúc hơn, những tiếng chào hỏi người bán tìm bạn hàng càng rôm rả. Dường như đàn ông đến chợ là những chủ thuyền, họ phụ vợ bốc vác chiếu lên thuyền. Cái lạ nữa ở chợ là người mua và người bán thậm chí không rõ mặt nhau. Khi chợ gần tản sáng, mọi thứ yên bình lạ kỳ, như chưa hề có ai đến chợ. Đó là lý do người ta gọi tên chợ Ma.     

Đó cũng là chợ chiếu duy nhất còn giữ được nguyên hình hài, nếp sống và cả sự xinh đẹp ban sơ của mình, mặc cho ngoài kia, cuộc sống biến động. Tôi ra về trong đầu cứ dùng dằng câu hỏi: Liệu ngôi chợ này và những tính độc đáo, nét văn hóa truyền thống kia có đủ sức đề kháng trước những biến động của sự phát triển, khi một con đường lớn sẽ được mở? Hay giống như nhiều nơi khác, nét độc đáo kia chỉ còn là ký ức. Rồi để lại tiếc nuối khi nhớ về kỷ niệm, những khung dệt nằm bên mái nhà tranh ám mùi khói bếp.... Để phát triển, đôi lúc lại mang đến những mất mát mơ hồ...

Hoạt cảnh chợ Ma.

Một cư dân của làng nói với tôi, không gian mới được hình thành tạo nhiều điều thú vị, như một cuộc “cách mạng tri thức” đến với cộng đồng. Từ đường sá thuận lợi, nhà cửa khang trang cho đến việc bán buôn, trao đổi hàng hóa và cả chuyện nâng cao dân trí… cũng đi lên rõ nét. Ấy là nhờ có đường.

Niềm vui phấn khởi của người Định Yên là đúng. Khi đường sá đi lại lưu thông, người mua hàng đến tận từng nhà, điện sáng, người dân ai ai cũng dùng điện thoại, kinh tế phát triển… Nhưng họ đâu biết đang đánh mất một giá trị “văn hóa” lớn mà khôi phục lại là điều không dễ. Tìm lại chợ Ma xưa, đèn dầu không còn, người dân bỏ đan chiếu theo truyền thống, chuyển qua dệt máy… Điều đó đồng nghĩa đang xóa nhòa một làng “Văn hóa phi vật thể Quốc gia” được Bộ VH-TT&DL công nhận.

3. Những ngày đầu tháng 9 này, Đồng Tháp tổ chức chương trình phục dựng lại “chợ Ma”. Nghe nhiều người sinh ra, lớn lên ở làng đi nơi khác làm ăn nay trở về nói: Làng quê bây giờ buồn lắm! Dường như người lâu lâu về thăm quê càng man mác tâm trạng với ký ức, mang đầy nhung nhớ những ngày xưa khi chợ Ma không còn hình hài cũ, dẫu vẫn còn đó lời mẹ ru con “ngọn xanh ngọn đỏ, ngọn tỏ ngọn lu”, câu hò nói về chợ Ma, hay câu ca vọng cổ mùi mẫn bao đời.

“Hồi đó, có lẽ từ những năm 2000 trở về trước, khi mà nghề dệt chiếu chưa được thay thế bằng máy móc, tất cả công đoạn đều làm bằng tay thì hình như người dân quê tôi, nhất là phụ nữ, ai cũng biết dệt chiếu và làm các công đoạn chuẩn bị vật liệu trước khi dệt chiếu, từ chẻ lát, phơi lát đến trồng bố, cạo bố, xé bố chấp chăn rồi mắc chăn vào khung để dệt, rồi nhuộm màu lát… dường như thời gian suốt một ngày mọi người phải dệt chiếu hoặc chuẩn bị các khâu vật liệu để dệt nên chỉ có thể đi chợ để bán chiếu vào ban đêm” - một chị là người con xứ chiếu rời quê đi nơi khác làm việc thổ lộ.

Bà Nguyễn Thị Tư gần 80 tuổi mừng rơi nước mắt khi được sống lại những ngày tháng cũ với cảnh chợ Ma.

Thực cảnh tái hiện đêm “chợ Ma” Định Yên - Lấp Vò, một chương trình nghệ thuật đĩnh đạc, mang đậm sắc thái văn hóa khiến bao người xúc động, mừng rơi nước mắt. Ai cũng thắc mắt không rõ ý tưởng, kịch bản đó của người nào mà khơi lại nhịp sống Định Yên xưa như đang còn nguyên vẹn chợ Ma. Ai cũng mừng, nhất là những người già, người lớn tuổi… “Như dzậy là con cháu mình may ra còn biết và thấy xưa kia cha ông họ tần tảo lập nên làng nghề nổi tiếng, lập nên chợ Ma kỳ dị”.

Khi chương trình được thử nghiệm đã thu hút người dân, du khách và cả báo chí truyền thông tán thưởng. Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp gửi thư cảm ơn công khai trên công TTĐT của UBND tỉnh đến ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư thành ủy TP. Hội An (Quảng Nam), và ông Võ Phùng, nguyên Giám đốc Trung tâm VH-TT&DL thành phố Hội An: “Đêm qua, khi từ Định Yên về, tôi đã không ngủ được. Quá nhiều cảm xúc khi được sống lại ký ức tuổi thơ, với không khí tấp nập của chợ chiếu đêm bên mái đình linh thiêng, cổ kính. Dù chỉ mới là đêm diễn thử nghiệm nhưng chương trình đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người tham dự và tạo được hiệu ứng rất tốt trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Bản thân tôi và nhiều bà con nơi đây dù đã quá quen thuộc với chợ chiếu quê mình nhưng vẫn không khỏi bất ngờ, thích thú khi được xem thực cảnh tái hiện “chợ ma” xưa”.

Tôi biết mấy tháng nay, ông Nguyễn Sự với ông Võ Phùng bận bịu chạy đi chạy về giữa Đồng Tháp và Hội An để tìm hiểu về đời sống xưa kia của Định Yên. Với mong muốn giúp “chợ Ma” sống lại bằng sắc màu văn hóa chứ không phải đơn thuần là nghệ thuật.  

Đờn ca tài tử của làng.

“Phát triển đánh đổi rất nhiều thứ, đương nhiên mục tiêu là để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khi có tiền và thậm chí có rất nhiều tiền cũng không thể nào làm sống lại cái xưa cũ. Cái nguy hại nhất là đánh mất cái gốc văn hóa, vì tất cả sự phát triển để bền vững đều dựa theo cái gốc của văn hóa bản địa” - Lời ông Nguyễn Sự từng nói, từng thực hiện và phát triển Hội An theo chiều hướng “sinh thái, văn hóa và du lịch”! Bởi vậy, nhiều người đến Hội An không khỏi ngỡ ngàng vì Hội An luôn cũ, và muôn năm cũ, không phát triển đô thị nhộn nhịp, tránh sóng xô bồ.

Chương trình thực cảnh “Tái hiện chợ Ma” là dây cương để Định Yên vừa gìn giữ phát huy văn hóa phi vật thể, phát triển kinh tế làng nghề, vừa phát triển du lịch bền vững cho tương lai. Đó cũng là may mắn của chợ Ma./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận