Đã gần 10 ngày sau vụ cháy kinh hoàng tại chung cư mini Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) khiến 56 người thiệt mạng, các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy và người dân vẫn chưa thôi bị ám ảnh. Giờ này, có chiến sĩ vẫn đang phải nằm viện điều trị chấn thương, các chiến sĩ PCCC cũng như dân cư xung quanh hiện trường chia sẻ rằng, cảnh tượng và hậu quả vụ cháy thương tâm khiến tâm trí của họ bị xáo trộn, mất ngủ kéo dài nhiều ngày.
“Cứu càng nhiều người càng tốt”
23h23 phút đêm 12/9, 2 xe chữa cháy của Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn (PCCC&CNCH), Công an quận Thanh Xuân, xé màn đêm lao vun vút đến hiện trường vụ cháy tại chung cư mini số 37, ngõ 29/70 phố Khương Hạ ngay khi nhận được tin báo cháy. Chỉ 5 phút sau, Đội đã tiếp cận được hiện trường vụ cháy, lập tức triển khai thành nhiều mũi tấn công, mỗi mũi 2 - 4 chiến sĩ cầm vòi, lăng tiến vào hiện trường phun nước dập tắt đám cháy, làm mát và đưa người còn sống sót cũng như thi thể nạn nhân ra ngoài.
Trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Thanh Xuân giọng vẫn khản đặc sau vụ cháy, cho hay: “Trên đường đến hiện trường, từ xa chúng tôi thấy cột khói đen kịt bốc lên và nhận được tin báo có người mắc kẹt trong đám cháy nên đã điều động ngay xe cứu hộ, đồng thời xin chi viện…”.
Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Thanh Xuân đã tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực tới hiện trường đám cháy. Cùng với 5 đơn vị chi viện tham gia chữa cháy, những cán bộ chiến sĩ tham gia chữa cháy ở chung cư mini Khương Hạ lên tới hàng trăm người. 5 mũi chữa cháy chính được triển khai, đồng thời các chiến sĩ phối hợp với các mũi chi viện để tấn công khống chế đám cháy.
Địa điểm cháy ở trong ngõ sâu, đường hẹp nên ngay khi xe chữa cháy dừng đỗ ở vị trí cách hiện trường cháy khoảng hơn 300m, các chiến sĩ đã lập tức triển khai thành 2 mũi, mang vòi, lăng và các phương tiện tháo dỡ tấn công thẳng vào hiện trường - một mũi từ tấn công từ ngoài vào và một mũi từ trong ra để nối được đường vòi chữa cháy ban đầu kịp thời.
Các chiến sĩ chữa cháy nhận định, hiện trường đám cháy ở chung cư mini số 37 khá lớn, cầu thang bộ lại rất nhỏ và bị khuất tầm nhìn nên người lạ khó phát hiện lối đi vào cầu thang, hành lang hẹp, tầng 1 có nhiều xe máy, xe đạp, xe máy điện bị cháy trơ khung sắt đổ ngổn ngang,vướng víu, khói bụi dày đặc hạn chế tầm nhìn, khí độc bao trùm… đã gây cản trở rất lớn cho việc chữa cháy và cứu hộ. Thang máy, thang bộ của chung cư mini lúc này trở thành ống khói. Giếng trời đã bị các hộ gia đình ở chung cư treo cục nóng của máy điều hòa, cộng với việc người dân hàn kín cửa sổ nên không có lối thoát hiểm. Các chiến sĩ đã phải tháo dỡ “chuồng cọp”, dùng thang 2, thang 3 bắc bên ngoài mặt tiền để đưa được người còn sống cũng như thi thể ra ngoài qua lối ban công; đồng thời triển khai thêm giải pháp phun bọt để nhanh chóng dập tắt được lửa cháy từ hóa chất như xăng dầu, pin,…và thêm 1 lăng để đẩy khói, giúp cư dân bị mắc kẹt có không khí thở.
Thượng úy Bùi Anh Tuấn, Tổ trưởng xe chữa cháy số 1, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Thanh Xuân - người ở mũi 1 chữa cháy trực tiếp, tiếp cận ở hướng mặt tiền chung cư, cho biết: “Để tiến sâu được vào bên trong và các tầng trên, các chiến sĩ đã phải phun nước vào làm mát bởi nhiệt lượng tỏa ra từ cháy xăng dầu, pin, ắc quy và vật liệu mút sốp, nhựa… rất lớn. Ngay cả khi lửa ở tầng 1, tầng 2 và tầng 4 đã được dập tắt, chúng tôi vẫn phải đối diện với sức nóng, khói bụi và nhất là khí độc. Nhiệt độ lúc ấy ở tầng 1 và trên cầu thang khoảng 60 độ C, mặc dù đã phun nước làm mát liên tục. Các chiến sĩ đi với tư thế hạ thấp trọng tâm, quỳ gầm lăng, có lúc chỉ bò, trườn…”.
Thượng úy Bùi Anh Tuấn kể, từ trên các tầng cao, người dân gọi cấp cứu, ra hiệu cấp cứu bằng đèn flash hoặc vải sáng đã thôi thúc lực lượng PCCC phải khẩn trương hơn nữa để cứu người dân. Lực lượng chức năng đã triển khai thêm ngay các đường vòi ở những nhà dân lân cận để phun sang khống chế đám cháy và làm mát không khí, đồng thời làm mát cho người đang bị mắc kẹt bên trong, tiếp nước vào chăn, khăn để những người mắc kẹt chèn khe cửa và bịt cơ quan hô hấp, giúp chống khói, khí độc.
“Mặc dù đã được trang bị bảo hộ nhưng vì quá nóng, sức con người tới hạn nên nhiều chiến sĩ phòng cháy chữa cháy bị chuột rút. Chuột rút chân, tay và dọc các cơ người. Gần như các chiến sĩ đã chữa cháy quên cả bản thân, sức khỏe của mình”, Thượng úy Bùi Anh Tuấn chia sẻ.
Còn hạ sĩ Trần Sơn Lâm dõi ánh mắt ra xa như trước mặt anh đang là đám cháy hôm ấy kể lại, ở hành lang tầng 4, Trần Sơn Lâm khi đang cùng đồng đội dập lửa và làm mát không khí thì thấy một bé trai ở hành lang nên đã nhanh chóng tìm cách đưa bé trai đó ra ngoài. Sau đó, Lâm gọi thêm đồng đội vào để tiếp tục triển khai nhưng chỉ vào đến tầng 6 thì không lên được nữa vì nóng quá và khói dày, không nhìn thấy gì. Đội đã phải triển khai một quạt hút khói công suất lớn đặt ở tầng 1. “Tôi đã đi chữa cháy rất nhiều, nhưng cho đến giờ, đây là lần ám ảnh nhất. Thấy cột khói đen khổng lồ bốc lên, trong đầu tôi lúc ấy chỉ duy nhất một ý nghĩ: Cứu càng nhiều càng tốt”, Trần Sơn Lâm nghẹn lời.
Một tuần sau vụ cháy, Nguyễn Quốc Trung - chiến sĩ nghĩa vụ - tham gia chữa cháy hôm ấy vẫn đang phải nằm điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ kết luận anh bị tổn thương phổi. Sang đến ngày thứ 5 sau vụ cháy, anh bị sốt 39 độ C và khạc ra đờm đen. Nằm trên giường bệnh, Trung kể với giọng yếu ớt, ngắt quãng: “Khi đến hiện trường, tôi và đồng đội lập tức cầm lăng chiến đấu ở tầng 1, rồi lên tầng 2. Ở lần thay bình dưỡng khí thứ 4, tôi tấn công lên tầng 2 thì thấy mệt nên ra ngoài, sau đó bị choáng, chóng mặt, chuột rút, khó thở, kiệt sức và bị ngất”.
Cùng là đồng bào mình, giúp được gì thì giúp
Những ngày này, con phố Khương Hạ dường như lặng lẽ, trầm lặng hơn, mất hẳn vẻ sôi động của cuộc sống thường ngày. Từ khi xảy ra vụ cháy đến nay, phố Khương Hạ và con ngõ 29 cả ngày đan kín dòng người ra vào chùa Khương Hạ thắp hương tưởng niệm người đã khuất vì vụ cháy, đồng thời đến Ủy ban MTTQ phường Khương Đình đóng góp, ủng hộ tiền mặt, hiện vật cho gia đình các nạn nhân. Trong số ấy, rất nhiều người từ các tỉnh, thành khác tới. Những người dân ở gần chung cư mini Khương Hạ nhiệt tình chỉ dẫn nơi thắp hương tưởng niệm vong linh và nơi tiếp nhận ủng hộ cho khách nơi xa tới.
Chị Phương - người dân ở gần chung cư bị cháy - kể: “Đêm hôm xảy ra cháy, người dân xung quanh nhà nào có đệm, chăn, ga đều mang hết ra để ở trước cửa chung cư để có ai nhảy thì sẽ nhảy vào đó. Khi xác chết nhiều quá thì mang chăn ra quấn. Như nhà chị Phương có 4 cái chăn thì mang hết ra cả 4 và 1 cái đệm. Đồng thời cung cấp nước, khăn mặt ướt và lau mặt cho các cháu nhỏ khi được cứu ra ngoài. Chúng tôi cũng nhanh chóng ủng hộ tiền và hiện vật cho các nạn nhân chỉ ngay ngày hôm sau…”.
Một phụ nữ khoảng gần 40 tuổi khệ nệ xách túi nặng đến UBND phường Khương Đình tha thiết mong được ủng hộ. Tôi tới khiêng giúp chị túi xách mới biết chị tên là Hương, từ Thành phố Thái Bình tới, mang theo quần áo và nhu yếu phẩm ủng hộ. Chị bảo quá xót xa, thương cảm cho những nạn nhân xấu số nên thu xếp công việc để từ Thái Bình lên Hà Nội ủng hộ.
Anh Thành ở phố Huế cùng bạn đến ủng hộ, chia sẻ: “Cũng là con người, đồng bào mình, xảy ra chuyện như này thì mỗi người chung tay giúp đỡ được gì thì giúp cho vơi bớt thương tâm. Mong những người đã bị thương vong được siêu thoát, các gia đình đã có người bị thương vong và mất hãy cố gắng mạnh mẽ, người bị thương thì mau khỏe để trở về cuộc sống bình thường”.
Rơm rớm nước mắt, bà Vũ Thị Bình, ở khu dân cư số 8, phường Khương Đình cho hay: “Ngay tối hôm sau vụ cháy, cụm dân cư số 8 chúng tôi đã ủng hộ tiền mặt, hiện vật, nhu yếu phẩm, có gia đình thì cho người bị nạn ở nhờ. Gia đình tôi cũng có chút tấm lòng ủng hộ. Hai con trai tôi cũng vận động bạn bè cùng chung tay đóng góp”.
Đã gần 1 tuần qua, ông Tống Trần Nghĩa - Tổ trưởng Tổ dân phố số 1, phường Khương Đình thường xuyên túc trực tại Nhà sinh hoạt cộng đồng của Tổ dân phố để tiếp nhận sự ủng hộ của người dân trên địa bàn cho các gia đình nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini Khương Hạ. Ông Nghĩa cho hay: "Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, một số bà con trực tiếp đến hiện trường và Ủy ban MTTQ phường để chia sẻ, hỗ trợ và ủng hộ các gia đình nạn nhân. Ngày 14/9, Khu dân cư số 1 có thư ngỏ về vụ cháy này. Đến ngày 20/9, toàn thể nhân dân Khu dân cư đã ủng hộ 140 triệu đồng cùng rất nhiều nhu yếu phẩm, hiện vật. Chúng tôi đã gửi Ủy ban MTTQ phường toàn bộ số tiền này. Nhiều trường hợp khiến chúng tôi cảm động rơi nước mắt bởi gia đình rất khó khăn nhưng vẫn hết lòng mang tiền đến ủng hộ. Nghĩa cử của người dân thật sự rất đáng trân trọng".
Tại Ủy ban MTTQ phường Khương Đình, khoảng 50 tình nguyện viên luôn chân luôn tay tiếp đón người đến ủng hộ. Gạt giọt mồ hôi vương trên trán, Bảo - một tình nguyện viên cho hay: Tình nguyện viên túc trực ở cả hiện trường và nơi tiếp nhận ủng hộ từ hôm cháy đến nay. Rất đông người đến ủng hộ tiền mặt và hiện vật đến mức kho không còn đủ chỗ để. Ngày 15/9, người đến ủng hộ đông đến mức phải đợi 1 - 2 tiếng đồng hồ mới đến lượt mình ủng hộ.
5 ngày sau vụ cháy, chị Trần Phương Linh, Chủ tịch UBMTTQ phường Khương Đình chưa được về nhà, dù nhà chị chỉ cách UBND phường hơn 1km. Sinh nhật con trai, chị cũng không thể về với con. Từ 5h sáng ngày 13/9, nhận được thông tin có người chuyển đi các bệnh viện là chị đã liên tục túc trực ở phường để làm các công tác liên quan.
Chị Trần Phương Linh cho biết: “Từ sáng sớm ngày 13/9 tới nay, cứ từ 6, 7 giờ sáng đến 12 giờ đêm, chúng tôi thay phiên nhau trực. Chúng tôi đã cử lực lượng là hội viên của các hội đoàn thể tỏa đi các bệnh viện để nắm tình hình của các nạn nhân cũng như người bị thương đang nằm ở bệnh viện. Sau đó, chúng tôi xin ý kiến của các cấp lãnh đạo của Quận ủy, Đảng ủy phường và có thông báo công khai đầu mối tiếp nhận hỗ trợ của các doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm tới các nạn nhân. Chúng tôi đã cử lực lượng trực từ 7h30’ - 20h để kịp thời tiếp nhận mọi sự ủng hộ về vật chất, tinh thần.Ngày 14/9, chúng tôi đã trao hỗ trợ đợt 1 cho các nạn nhân với số tiền ban đầu là 40 triệu đồng/người. Với những thân nhân gia đình có người tử vong và các nạn nhân nặng thì chúng tôi muốn chờ cho các nạn nhân ổn định hơn một chút cả về cuộc sống và tinh thần cũng như tổng hợp được số tiền hỗ trợ của các cơ quan đoàn thể, DN, sau đó sẽ xin ý kiến lãnh đạo để ra được mức hỗ trợ tiếp theo sớm nhất và kịp thời cho bà con. Với hiện vật là các nhu yếu phẩm, chúng tôi sẽ để các gia đình nạn nhân đến chọn theo đúng nhu cầu của mình và gia đình”.
Theo chị Trần Phương Linh, đến ngày 20/9, Ủy ban MTTQ phường đã nhận được hơn 69 tỷ đồng từ tất cả các nguồn lực; khoảng 400 thùng sữa nước các loại; hơn 200 thùng mì tôm và rất nhiều hoa quả. “Các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy, đội cứu hộ không màng đến sức khỏe, tính mạng, lao vào lửa khói để cứu những người dân bị mắc kẹt. Sự ủng hộ, hỗ trợ các gia đình nạn nhân của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ mọi miền Tổ quốc gửi về qua các kênh cho Ủy ban MTTTQ các cấp là một nghĩa cử rất cao đẹp với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Đó là truyền thống tốt đẹp, vẻ đẹp văn hóa của người Việt Nam”, chị Linh xúc động bày tỏ./.
Theo UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội), đến 17h ngày 18/9, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các địa phương ủng hộ hơn 68 tỷ đồng cho nạn nhân vụ cháy chung cư mini tại số 37, ngõ 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình. Việc tiếp nhận hỗ trợ qua Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Xuân là 8,5 tỷ đồng; tiếp nhận hỗ trợ qua Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Khương Đình là hơn 59,8 tỷ đồng.
|