Lão ngư săn cá thu nổi tiếng xứ Quảng

Một cơ ngơi khang trang, nuôi cả gia đình và 6 đứa con học hành thành tài.. Tất cả do một mình ông tạo dựng từ nghề săn cá thu.

 

Gom cả kho tàng tập tính cá thu

Nói về nghề câu cá thu truyền thống ở Quảng Nam - Đà Nẵng hiện nay, dân trong nghề câu cá thu ở 2 địa phương này phong danh hiệu cho ông già gần 70 tuổi là “lão ngư” cá thu. Bởi ông nắm bắt hết tập tính của loài cá này, cả những ngày nào cá ăn, giờ nào cá ăn nhiều, hoặc tháng nào loại cá kích cỡ nào ăn ở khu vực nào. Mọi tính toán của ông như một lập trình điện tử, độ chính xác gần như tuyệt đối. Nhờ vậy, mỗi chuyến biển dù ai thua lỗ, riêng ông đều bội thu.

Ông cũng là người mang 2 họ, tên chính thức hiện tại gọi Nguyễn Duy Tân, nhưng khi cúng bái họ hàng, ông vái họ Lê. Hiện ông sống tại rừng dừa nước Bẩy Mẫu, thôn Vạn Lăng, xã Cẩm Thanh, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam. “Nghề câu cá thu tau đi theo ông nội và cha tau từ lúc 13 tuổi. Thời nhỏ, tau nghịch ngợm thuộc diện vô đối nên mới học đến lớp 2, bị thầy đánh đòn miết, bực mình, tau bỏ học theo ông cha đi biển. Đến khi 18 tuổi, bị truy bắt đi lính, một mình trốn trên hòn Lá (thuộc quần đảo Cù Lao Chàm), với chiếc thúng chai bơi đi câu cá thu, tối vào đảo ngủ. Cho đến 25 tuổi về cưới vợ xong cũng ra biển đi nghề để trốn lính”, ông Tân kể lại.

Chân dung “vua” cá thu Nguyễn Duy Tân.

Dù ít học, nhưng trí nhớ của ông thì không ai sánh bằng. Riêng số điện thoại ông nhớ trên 200 số, vì thế, điện thoại của ông không bao giờ lưu bất cứ tên ai, kể cả vợ con. Chỉ cần nói về ai đó là ông đọc số điện thoại ngay. Cái tài nữa là ông không hề biết tiếng Anh, nhưng sử dụng máy định vị bấm điểm, dò đường, dò nước chảy, vùng sâu vùng cạn trên biển thì rất thiện xạ.  

Kinh nghiệm

Câu cá thu không hề dễ, bởi cá thu là một trong những loài cá khôn nhất trên biển. Ngay cả sinh sống và ăn mồi cũng khác lạ và khó chịu nên người hành nghề câu cá thu rất ít, dường như chỉ còn vài người.

“Cá thu sống ở vùng nước sâu, nhưng khi đi săn mồi thì nó ăn lửng. Không ăn mồi ở đáy, cũng không ăn mồi trên mặt nước, nó chỉ săn mồi và ăn mồi cách mặt nước khoảng chừng bảy đến mười sải tay”, lão ngư cá thu chia sẻ.

Nguyễn Ngọc Ngân - “đệ tử” của “vua” cá thu.

Ngồi tâm sự ông Tân kể, cá thu ăn gần 40 loại mồi cá các loại. Và mồi khoái khẩu nhất của cá thu là cá hố. Còn các loại cá khác, cá thu ăn theo chu kỳ từng tháng, từng con nước, con trăng. Vì rứa mà dân hành nghề câu cá thu không hiểu được thì coi như lỗ. Nhưng khi hiểu được nó thích ăn loại mồi nào cũng chưa chắc câu được, bởi câu cá thu phải câu chạy, nghĩa là ghe lúc nào cũng nổ máy chạy liên tục, con mồi thả sau ghe cước dài khoảng 30 sải tay dắt theo. Cũng bởi thế nên những năm dịch Covid-19, ở nhà buồn, tôi xin theo chân ông Tân ra biển lênh đênh trên sóng câu cá thu. Ông vừa hỏi vừa ghẹo: “Mi có bị say sóng không”?

Câu cá thu, khâu quan trọng nhất là móc mồi. “Cái ni đòi hỏi kỹ thuật cao. Móc con mồi với 3 lưỡi câu, làm sao cho lưỡi câu giữ không xé con mồi. Đặc biệt là làm cho con mồi như đang sống bơi dưới nước, vì sợi cước dài cả vài chục sải tay mà dắt dưới nước cước dễ xoắn. Nếu cước bị xoắn khiến con mồi xoay tròn thì cá thu không bao giờ đớp mồi”, ông Tân cho biết về cái khó của nghề móc mồi câu.

Ông già Diễn - người bạn 50 năm câu cá thu với ông già Tân.

“Dù tôi lớn tuổi hơn ông Tân, vợ chồng tôi hành nghề câu cá thu cũng gần 50 năm, nhưng về kinh nghiệm thì ông Tân hơn tôi rất nhiều. Ông hay chia sẻ kinh nghiệm cũng như bí quyết về nghề với tôi”, ông già Diễn - người dân ở xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, cũng là bạn cùng câu cá thu với ông Tân trên biển mấy chục năm nay cho biết.

Truyền nghề

Đến nay cả Quảng Nam còn khoảng 10 ghe hành nghề câu cá thu, tập trung chủ yếu ở thôn Vạn Lăng, xã Cẩm Thanh, TP. Hội An, còn lại vài 3 ghe tại xã Duy Nghĩa. Mỗi ghe chỉ 2 người, chủ yếu những người lớn tuổi. Mỗi chuyến biển nhiều nhất kéo dài 5 ngày. “Vùng biển Cù Lao Chàm cá thu nhiều vô kể, nhưng mấy năm gần đây tình trạng lưới bùng nhùng nhiều quá quậy đàn cá đi hết, chỉ còn lại một ít trú tránh tại các rạn san hô gần chân núi”, vua cá thu thổ lộ.

Nói về nghề câu cá thu tại sao ít người theo, già Tân phân giải thêm: Trong các nghề biển, nghề câu cá thu là một trong những nghề khỏe nhất, nhưng đòi hỏi kinh nghiệm lẫn kỹ thuật cao nhất. Cá thu là loại cá khôn lanh, mạnh và có tốc độ như ô tô công thức 1 ở biển. Ví dụ, một cuộn cước câu dài 500m, khi cá thu đớp mồi, tích tắc chưa đầy 2 giây nó kéo hết cuộn cước dài. Lúc này nếu thiếu kinh nghiệm cố giữ lại không cho nó chạy thì sẽ đứt cước hay gãy lưỡi. Phải bình tĩnh cho ghe chạy dìu theo nó, phải giữ cho sợi cước luôn căng, nếu chỉ chùng một chút cá sẽ rẫy lưỡi câu rớt ngay.

Những đệ tử của “vua” câu cá thu dùng cơm giữa biển.

Ông nắm bắt hết tập tính của loài cá thu, cả những ngày nào cá ăn, giờ nào cá ăn nhiều, hoặc tháng nào loại cá kích cỡ nào ăn ở khu vực nào. Mọi tính toán của ông như một lập trình điện tử, độ chính xác gần như tuyệt đối. Nhờ vậy, mỗi chuyến biển dù ai thua lỗ, riêng ông đều bội thu.

“Kể cả lúc cá đuối sức, kéo vào sát ghe nhưng không biết cách lấy cũng bỏ của. Phải tránh bóng ghe, bóng người, rồi dùng cù khấu tìm cách ra tay khấu cá thật nhanh mới được. Vì rứa nên cá thu có giá trị cao thuộc hạng nhất nhì trong dòng cá biển. Nhiều người đi không am hiểu kinh nghiệm thì không bao giờ câu được cá thu là rứa”, ông Tân chia sẻ.

Khi hỏi về việc truyền nghề, ông cười rồi nói: “Nếu ai yêu nghề thực sự thì tau chỉ hết bí quyết lẫn kinh nghiệm, không giấu giếm chi. Chừ tuổi già rồi, đi khi mô không biết, như thằng Ngân, hay thằng Tý… tụi nó yêu nghề mua sắm ghe thì tau truyền hết cho hắn”.

Ngân là Nguyễn Ngọc Ngân, Giám đốc taxi Mai Linh tại Hội An, kiêm Chủ tịch Hội Vận tải ô tô Quảng Nam. Mức lương giám đốc trên 20 triệu đồng/tháng, nhưng vì yêu nghề câu cá thu, Ngân xin từ chức về đầu tư cả trăm triệu đồng sắm ghe hành nghề. “Lúc mới về, gặp chú Tân, ông bày chỉ rất tận tình từ kinh nghiệm đến những bí quyết và cả tập tính của cá thu. Mình rất may mắn gặp được người như chú, nhờ rứa những chuyến biển mình luôn đạt hiệu quả” - Ngân nói về vua cá thu với vẻ đầy nể phục./.
 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận