Mưa bay phố cũ

Cư dân phố cổ Hội An lo lắng chuyện trùng tu chùa Cầu bởi trùng tu di tích lâu đời điều chỉnh chưa có căn cứ, tư liệu rạch ròi nào.

 

Cư dân phố cổ bàn tán về chuyện trùng tu chùa Cầu, biểu tượng “Di sản văn hóa thế giới” phố cổ Hội An - bởi lo lắng chuyện trùng tu di tích lâu đời điều chỉnh chưa có căn cứ, tư liệu rạch ròi nào.

1. Nhiều người bạn của tôi ở xa ngạc nhiên khi đến phố cổ Hội An thấy những người già 70 - 80 tuổi, nhiều người không biết chữ, thậm chí viết cái tên của mình cũng không biết, nhưng lạ, lại nói được ba, bốn ngoại ngữ. Không chỉ giao tiếp ngoại ngữ giỏi, họ còn thuộc làu nhiều thơ, hò vè, hát ru và giỏi hát hò khoan đối đáp… Những câu hỏi cứ dồn nén trong tôi mà chưa có đáp án thỏa đáng. Dò hỏi nguyên nhân, ai cũng cười lắc đầu không biết.

Đến một ngày, tôi la cà trên phố, ra sông Hoài đường Bạch Đằng ngồi tâm sự với cụ Nguyễn Thị Xong, người nổi tiếng có nụ cười đẹp nhất thế giới, ở cái tuổi gần 80, nhưng cụ luôn mạnh khỏe, minh mẫn. Hằng ngày vẫn chèo thuyền chở khách du lịch trên sông Hoài ngắm phố.

Cụ Nguyễn Thị Xong (giữa) và nhà nhiếp ảnh Réhahn (bìa phải).

Phố cổ Hội An luôn cũ và muôn năm cũ thì cụ Xong cũng vậy, vẫn chiếc nón lá truyền thống ngồi trên chiếc ghe nhỏ hình bóng in nước sông, tay vừa chèo ghe, miệng say sưa trò chuyện với du khách. Trong suốt hành trình ấy, trên môi cụ khi nào cũng nở nụ cười tươi rói. Ở cái tuổi xế chiều, làn da đã nhăn theo luật định thời gian nhưng khi cụ cười, những nếp nhăn vẫn toát lên nét rạng ngời và ngập tràn niềm vui cuộc sống. Đó cũng là khoảnh khắc dễ thương mà nhà nhiếp ảnh Réhahn bắt gặp và bấm máy. 

“Cụ giỏi quá, ở cái tuổi ni rồi mà còn chèo ghe chở khách”! Tôi nói, cụ cười phúc hậu rồi đáp lại: “Có chi mô, quen rồi mà”. Đang nói chuyện, bà quay sang nói một tràng tiếng Thái Lan, mời khách. Dường như du khách bị mê hoặc khi bà vừa mời vừa nở nụ cười tươi. “Con chờ bà chút, bà gọi thêm ghe lại bơi thế để bà nói chuyện với con”, cụ dặn dò tôi.

Cụ đưa chiếc dầm chèo ghe lên ra hiệu, những chiếc ghe xung quanh lại đưa khách đi. “Cụ nói được mấy thứ tiếng”? Tôi hỏi, cụ Xong gạt chiếc nón lên trả lời: “Nói để người ta hiểu thì chừng 4 thứ tiếng, còn nói bập bẹ thêm 3 thứ nữa”. Thấy tôi tròn mắt, cụ cười rồi giải thích: “Có chi mô, nói miết thành quen thôi mà”.

Tôi cố dò hỏi: “Cụ có biết vì sao những người già như cụ nói được nhiều thứ tiếng không”? Cụ ngồi trầm tư rồi trả lời: “Câu hỏi khó nghe con, mà bà nghĩ chắc do trước đây mấy trăm năm, cư dân phố cổ là dân buôn bán, giao thương với các thương thuyền, thương buôn khắp thế giới đến đây buôn bán nên bây giờ tất cả được hưởng cái gen di truyền”. Cụ Xong cười quay qua nói thêm: “Tau nói đại rứa mi đừng tin”.

Nhiếp ảnh gia Reshahn thực hiện trong chuyến đi gần 50 ngôi làng các dân tộc của Việt Nam.

2. Mặc dù sống trong phố cổ bao đời, người dân vẫn hằng ngày dậy sớm lang thang ngắm phố. Chỉ có sáng sớm mới thấy và cảm nhận được hồn phố đẹp trong yên tĩnh. “Phố ngày hay đêm, dù mưa hay nắng, mùa hè hay mùa xuân, thu, và cả lũ lụt cũng đẹp”, anh Thủy ở tiệm cắt tóc “Xuân Trinh” - tiệm cắt tóc gia truyền nhiều đời còn lại trên đường Trần Phú - khẳng định.

Chỉ tay lên mái nhà đối diện, mưa, rêu cỏ mọc trên mái nhà thêm lung linh, chủ tiệm ăn Bắc tự hào: “Có lẽ lời anh Thủy nói đúng. Qua mùa hè, cỏ rêu khô ngả màu úa cam cũng đẹp. Cái đẹp của phố cổ không chỉ trầm lắng, cũ xưa, hay kiến trúc, mà đẹp nhẹ nhàng của nhiều cung bậc khác nhau chỉ trong một đoạn phố. Từ lối kiến trúc Việt, Hoa, Nhật, Pháp… không trùng lặp nối nhau”. Vẻ đẹp tinh khôi phố cổ như khiến kiến trúc sư Kazik phải lòng, rồi ông quyết se duyên đưa phố thành Di sản.

Du khách thích dạo lũ ngắm phố cổ.

Kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski (1944 - 1997), được người Hội An gọi thân mật là Kazik, người có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc bảo tồn các di tích lịch sử và khảo cổ tại Việt Nam như cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn và Hội An. Từ đầu thập niên 1980, kiến trúc sư Kazik đã tình nguyện sang Việt Nam thông qua một chương trình được ký kết bởi Chính phủ Việt Nam và Ba Lan nhằm giúp Việt Nam phục chế lại các di tích cổ, mà cụ thể tại Mỹ Sơn. Trong thời gian ở Mỹ Sơn, đã có 8 người trong đoàn khảo cổ của kiến trúc sư Kazik thiệt mạng do bom đạn còn lại sau chiến tranh, do bệnh tật và cuộc sống kham khổ.

Năm 1981, kiến trúc sư Kazik bắt đầu tiếp xúc với Hội An và nhanh chóng nhận ra những giá trị nổi bật toàn cầu của phố cổ Hội An. Ông đã nỗ lực vận động chính quyền địa phương tiến hành các biện pháp bảo tồn, trùng tu đô thị cổ Hội An, đồng thời cố gắng giới thiệu những nét riêng biệt của Hội An ra thế giới. Ông luôn kiên trì theo đuổi nguyên tắc trùng tu "khảo cổ học", trong đó di tích gốc sẽ được giữ gìn nguyên vẹn ở mức tối đa và các biện pháp trùng tu chỉ được áp dụng để duy trì hiện trạng. Và đề xuất chính quyền Hội An, Duy Xuyên và Huế làm hồ sơ đệ trình lên UNESCO công nhận “Di sản Văn hóa thế giới”.

Để ghi nhớ công ơn ông đã đưa Hội An nổi bật, thu hút du khách trong và ngoài nước, chính quyền Hội An lập công viên đường Trần Phú giữa trung tâm phố cổ đặt tên là “Công viên Kazik”, ở đó có tượng kiến trúc sư Kazik.

Một lần dựng tượng công viên kiến trúc sư Kazik, tôi ngồi với nhiếp ảnh gia Vĩnh Tân. Cụ năm nay ngoài 90 tuổi, sinh ra lớn lên với phố cổ. Hình ảnh phố cổ ở thế kỷ trước, nhiếp ảnh gia Vĩnh Tân chụp nhiều nhất. Những bức ảnh của cụ là nguồn tư liệu đồ sộ, quý giá để các chuyên gia, nghiên cứu bảo tồn di tích, nhà cổ. Những ngôi nhà cổ, cửa đình di tích… cụ còn lưu giữ xem như báu vật.

Công viên Kazik.

3. Dù trải qua thời gian hơn 3 thế kỷ, phù sa bồi lấp cảng thị sầm uất bậc nhất Đông Nam Á một thời nhưng phố vẫn trường tồn. Những ai từng đến Hội An chứng kiến mùa lũ lụt, bão gió mới thấy sự kiên cường của người và phố cổ. Hằng năm, phố oằn mình gánh chịu vài cơn bão nhiệt đới, vài cơn lũ lụt nước dâng lút mái nhà, sự tàn phá của chiến tranh. Sự khắc nghiệt ấy không chỉ một năm, mà nó đã trải qua hơn 3 thế kỷ.

Những người phố Hội nói, rất may cho những di tích mấy trăm năm tuổi thoát nạn, sau khi giải phóng, có phong trào đập phá đình chùa, miếu mạo để chống mê tín dị đoan, rất may lúc đó người đứng đầu tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng kịp thời cản lại, nếu không thì phá sạch.

Đã từng có ý tưởng giúp du khách hiểu sâu về phố cổ, là mở tour du lịch ngắm lũ phố cổ, bởi nằm cuối hạ lưu sông Thu Bồn, khi mùa lũ ở Hội An về, rất nhiều du khách tìm đến phố cổ để được lội nước lũ. Nhiều người thích thú khi thuê ghe chạy một vòng ngắm và chụp ảnh những mái nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm. Ngồi trên cao thưởng thức ly cà phê nóng nhìn lũ cuồn cuộn chảy. Đi thuyền ngắm phố cổ Hội An mùa mưa lũ cũng trở thành "niềm vui khám phá" của nhiều du khách. Nhưng rồi dự án chìm vào im lặng.

Gần tháng nay, cư dân Hội An râm ran bàn tán chuyện trùng tu di tích chùa Cầu. Một di tích nổi bật mang biểu tượng di sản, một minh chứng lịch sử về sự ra đời khu phố cổ, chùa Cầu kết nối giữa phố người Nhật và người Hoa, một minh chứng cho sự giao thoa văn hóa lâu đời từ thời xứ Đàng Trong Chúa Nguyễn với Nhật Bản…. Đang trùng tu, nhưng có những thông tin điều chỉnh khiến cư dân lo lắng, không khéo lại trung tu sai lệch như nhiều di tích khác trên cả nước, lại mang tội với tiền nhân.

Có người khẳng khái nói, chùa Cầu bây giờ không còn riêng của Hội An, hay Quảng Nam, Việt Nam, mà di tích này là của cả nhân loại thế giới. Nơi đây xưa kia, thời phồn thịnh của thương cảng Faifo - Hội An, không biết bao thương nhân nước ngoài, cả nhà truyền giáo đến rồi cho ra đời chữ Quốc ngữ ngày nay. Còn bây giờ, chùa Cầu cũng là nơi đón biết bao nguyên thủ các quốc gia, các đoàn cao cấp nước ngoài….

Những tranh cãi chưa có hồi kết. Một người ngồi cạnh tôi nói nhỏ, họ lo lắng mới tranh cãi, mục đích để bảo vệ nguyên sơ ban đầu là đúng! Liệu cơ quan chuyên môn thực thi đảm trách vai trò trùng tu thế nào.

Tôi thấy nước lũ đang lên, ngoài mưa trắng trời. Những đoàn du khách vẫn đứng ngắm chùa Cầu dù nơi này đang bị bao phủ để trùng tu./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận