Đồng bào Chăm dệt thổ cẩm
Đồng bào dân tộc Chăm ở An Giang có nghề dệt thổ cẩm truyền thống với những nét văn hóa rất đặc sắc và độc đáo.
Những người phụ nữ Chăm ở làng nghề dệt thổ cẩm Châu Phong ở thị xã Tân Châu và thị trấn Đa Phước, huyện An Phú được học nghề dệt từ nhỏ. Ở độ tuổi lên 9, lên 10, các bé gái đã được tiếp xúc với những thao tác đơn giản nhất của nghề dệt. Đến tuổi 17 - 18, hầu hết các thiếu nữ Chăm ở An Giang đã thành thạo các công đoạn để làm ra sản phẩm dệt thổ cẩm Chăm.
Những sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Chăm đặc sắc bởi cách tạo hình hoa văn, cách phối màu và bố cục trình bày. Đặc trưng dễ nhận biết ở các sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Chăm ở An Giang thường có hoa văn, họa tiết ô vuông, kẻ sọc, sóng nước, vân mây, bông dâu, lồng đèn… Màu thổ cẩm của đồng bào Chăm thường được nhuộm bằng mủ, vỏ trái cây, hoặc chất do côn trùng tiết ra nên có sắc màu đẹp và lâu phai. Những sản phẩm này đều được làm bằng thủ công từ các công cụ chính là sa quay chỉ, khung kéo canh và khung dệt. Sự sắp đặt khéo léo về màu sắc, họa tiết đã tạo ra những hình ảnh sống động về thiên nhiên, về con người và những lễ hội sinh hoạt, phong tục tập quán. Các sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Chăm có mặt trong đời sống hằng ngày như: Váy, áo, khăn đội đầu, xà rông, trang phục cưới...
Ngoài việc đáp ứng nhu cầu của thị trường vải dệt thì việc duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm còn là cách để đồng bào Chăm lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống và phát triển du lịch.