Giá đất tăng 2-3 lần trong 1 tháng
Giá đất khu vực phía bắc tỉnh Quảng Nam đang không ngừng được giới “cò đất” đẩy lên cao. Tại các phường Điện Nam, Điện Ngọc, Điện Dương… thị xã Điện Bàn, giá đất tăng chóng mặt. Chỉ trong vòng 1 tháng, giá đất một số nơi đã tăng gấp 2 - 3 lần so với trước Tết. Mới đây, "cò đất” lại tung tin đồn thất thiệt về việc sáp nhập thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vào thành phố Đà Nẵng. Ngay lập tức, lãnh đạo UBND thị xã Điện Bàn có văn bản cảnh báo người dân về bản chất của các đợt "sốt ảo" về giá đất, qua đó khuyến cáo người dân thận trọng trong việc mua bán quyền sử dụng đất.
Cũng tại thị xã Điện Bàn, thông tin về khởi động lại Dự án Làng Đại học trở thành cái cớ để giới đầu cơ đẩy giá đất lên cao. Ông Trần Úc, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, dự án tại Điện Nam - Điện Ngọc chỉ mới bắt đầu, phía trước còn rất nhiều thủ tục cần hoàn tất. Dự án Làng Đại học do Đại học Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Hiện nay, chủ đầu tư mới trình Bộ Xây dựng hồ sơ điều chỉnh dự án. Chính quyền thị xã Điện Bàn đang trình tỉnh cho chủ trương mở rộng Làng Đại học từ 190ha (phía Quảng Nam) lên 250ha để “dung nạp” hết số hộ dân tái định cư: “Làm quy hoạch xong, chúng tôi mới báo cáo UBND tỉnh để tỉnh báo cáo Chính phủ tìm nguồn vốn, trước mắt là xây dựng khu tái định cư, sau đó mới giải quyết chuyện giải tỏa làng đại học” - ông Úc cho biết.
Lợi dụng giá đất một số khu vực tăng cao, một số chủ đầu tư đứng ra liên doanh, liên kết với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để cùng triển khai dự án và phân chia lợi ích. Hiện, trong số 79 dự án bất động sản ở thị xã Điện Bàn, chỉ có 1/3 số đó đã được cấp giấy phép xây dựng, còn lại mới có chủ trương đầu tư. Thế nhưng, không ít chủ đầu tư đã tự ý hợp đồng với doanh nghiệp bất động sản để hưởng lợi. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong việc giải quyết quyền lợi của khách hàng khi xảy ra tranh chấp. Ông Trịnh Xuân Thái, chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam cho biết, rất nhiều dự án chưa đủ điều kiện để nghiệm thu, cấp sổ đỏ nhưng chủ đầu tư đã ký hợp đồng với nhà phân phối thực hiện các giao dịch huy động vốn. Theo thông tin từ Phòng Quy hoạch, đối với 79 dự án mà Sở Xây dựng đã trình thì hầu như đều chưa đủ điều kiện chuyển nhượng.
Ông Nguyễn Hiền Ninh, Giám đốc Công ty cổ phần Đất Xanh Miền Trung cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, lượng khách hàng giao dịch tại doanh nghiệp này tăng cao. Khách hàng quan tâm chủ yếu ở khu vực tây bắc và phía nam thành phố Đà Nẵng tiếp giáp với tỉnh Quảng Nam. Giá giao dịch tăng cao, nhiều khách hàng không tìm hiểu kỹ sản phẩm đó là của nhà đầu tư nào, có đảm bảo về tính pháp lý, tiến độ triển khai dự án hay không.
Giải phóng mặt bằng dự án công “tê liệt”
Vì không kiểm soát được giá đất đã gây hệ quả là rất nhiều dự án công ở nhiều nơi không thực hiện được. Ông Trần Úc, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, hơn 1 năm qua, tình trạng bán đất nền diễn ra rầm rộ tại các khu vực giáp ranh với thành phố Đà Nẵng và ven biển. Bất cập về mặt quản lý hiện nay là giá đất bị đẩy lên cao nhưng Nhà nước không thu được đồng nào về giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, nhiều dự án công ở thị xã Điện Bàn trong gần 1 năm qua không triển khai được vì mức đền bù của Nhà nước thấp hơn nhiều so với giá đất ngoài thị trường.
Vì giá đất tăng, nhiều diện tích đất đã giao nhà đầu tư nhưng họ thực hiện cầm chừng. Không ít nhà đầu tư, sàn giao dịch bất động sản lợi dụng dự án chuyển nhượng quyền sử dụng đất để đầu cơ đất, sử dụng đất không đúng mục đích, kém hiệu quả, gây lãng phí quỹ đất. Ông Trịnh Xuân Thái, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay, khu vực ven biển thị xã Điện Bàn cũng như vùng giáp ranh giữa thị xã Điện Bàn với thành phố Đà Nẵng mọc lên rất nhiều ki-ốt giao dịch bất động sản. Những ki - ốt, điểm giao dịch này hoàn toàn bất hợp pháp, cần phải dẹp bỏ.
Chính quyền thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản cảnh báo người dân về những tin đồn thất thiệt về một số đơn vị hành chính cấp xã của địa phương này sẽ sáp nhập vào thành phố Đà Nẵng. Trước đó cũng đã xuất hiện tin đồn về việc tách 4 xã của huyện Hòa Vang gồm: Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Phong và Hòa Tiến thành quận mới có tên là Hiếu Đức.
|
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với chính quyền các địa phương thông tin kịp thời về tình trạng sốt đất hiện nay. Đồng thời yêu cầu công bố công khai trên website Sở Xây dựng về tính pháp lý của các dự án bất động sản. Những dự án nào đủ điều kiện về mua bán, chuyển nhượng theo quy định của pháp luật, những dự án nào đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải công bố để người dân biết.
Thời gian tới, địa phương tăng cường công tác giám sát của Nhà nước đối với việc kinh doanh bất động sản trên địa bàn. Những dự án bất động sản nào đầu tư kinh doanh không phù hợp với quy định, cố tình làm giá phải được chấn chỉnh kịp thời./.