Về Côn Đảo, nhớ ông 'Ái rùa'

Ông sinh ra từ biển, bắt đầu hành trình cuộc đời từ biển cho đến khi quay về với miền cát trắng thăm thẳm...

 

Những tấm ảnh cũ với nụ cười rạng rỡ của ông Lê Xuân Ái mà tôi ghi được, là những khoảnh khắc ông về với biển. Ông sinh ra từ biển, bắt đầu hành trình cuộc đời từ biển cho đến khi quay về với miền cát trắng thăm thẳm...

1. Con người kỳ lạ, dễ gần gũi, rất vui tính nhưng không chấp nhận sự áp đặt, không đam mê quyền chức, chỉ thích nghiên cứu… Lê Xuân Ái là vậy, trong những ngày tôi lang thang cùng ông tranh thủ thăm lại mảnh đất Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã nương náu ân tình với mình hơn hai phần ba quãng đời.

Tôi chợt nhận ra số phận ông sinh ra chỉ để phục vụ cho biển đảo quê hương. Và điều ấy quả nhiên như vậy, khác gì cái chức Giám đốc vườn Quốc gia Côn Đảo mà ông đảm nhận từ khi là chàng sinh viên mới ra trường đến tuổi về hưu.

Chuyển vị trứng rùa Từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm.

Ông Lê Xuân Ái sinh năm 1963 tại vùng quê biển Tam Tiến Núi Thành, Quảng Nam, nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo. Hơn 30 năm gắn bó với Vườn quốc gia này, sau khi nghỉ hưu, ông về làm chuyên gia tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Ông được biết đến là người có công lớn trong việc bảo tồn loài rùa biển. Trong 4 năm làm việc tại Cù Lao Chàm, ông Ái đã góp công rất lớn trong việc chuyển loài rùa biển từ Côn Đảo về khu bảo tồn này. Ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - cho biết: "Tỉnh Quảng Nam và TP. Hội An có kế hoạch bảo tồn rùa, tôi được giao chủ nhiệm đề tài, anh Ái đứng phía sau tư vấn, hỗ trợ. Chuyện mang trứng rùa vượt hàng nghìn cây số từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm không ngờ gặt hái thành công ngoài mong đợi".

“Mình sinh ra lớn lên ở miền biển, vốn thích ăn cá tươi quen rồi. Những năm bao cấp học đại học Nông lâm tại TP.Hồ Chí Minh, đói kém lại thèm cá tươi. Nên khi ra trường được nhiều nơi mời về làm việc, nhưng mình chọn Côn Đảo để về. Nhiều lần được đề nghị chuyển công tác ở nơi khác, mình xin được ở lại. Mình là người nghiên cứu, không muốn làm những công việc trên bờ" - ông Ái lúc còn sống tâm sự.

Nói đến "Ái rùa" thì người dân Côn Đảo không ai không biết. Biết ông bởi cách sống luôn nhẹ nhàng, hóm hỉnh, lúc nào cũng tươi cười, quan tâm đến người xung quanh. Anh Nguyễn Văn Vững (cán bộ Vườn quốc gia Côn Đảo) tâm sự: "Anh Ái là người đầu tiên về làm giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo, dành cả tâm huyết cho công tác bảo tồn. Hơn 30 năm gắn bó với quê hương thứ hai này, anh Ái là người đấu tranh không cho phá rừng, mở đường quanh đảo. Khi anh còn đương chức, nhiều dự án ảnh hưởng đến hệ sinh thái bị anh phản đối quyết liệt".

Du khách xem những chú rùa con khỏe mạnh được chuyển vị trứng cả ngàn km.

2. Trong 4 năm làm việc ở Cù Lao Chàm, ông Ái cùng cán bộ, chuyên gia tại đây đã di thực 6 lứa trứng rùa từ Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu. Hơn 1.800 con rùa thả xuống biển Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, Quảng Nam được nở ra từ 1.900 quả trứng mang về từ Côn Đảo được đánh giá là nỗ lực, tâm huyết của những người yêu biển... Ông Ái dành những ngày tháng cuối cuộc đời cho quê hương mình với những cuộc rong ruổi dưới lòng biển Cù Lao Chàm để khảo sát, nghiên cứu về hệ sinh thái, về biện pháp bảo tồn hiệu quả. Ông đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về loài rùa biển và cũng là người nhìn ra mối liên hệ giữa rừng và biển.

Bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm kiêm Phó ban Thường trực Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm chia sẻ: “Là người tận tâm với công việc, cũng là một chuyên gia rất giỏi và giàu kinh nghiệm về bảo tồn cả rừng lẫn biển, từ khi mời được anh Ái về Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, anh đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc bảo tồn, cũng như chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn với cán bộ chuyên môn. Chính anh là người đề xuất bảo tồn lại các bãi sinh đẻ của rùa, và dự án chuyển vị trí trứng rùa từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm thành công.

Nhớ những chuyến ra Côn Đảo với anh, từ trên máy bay nhìn xuống, anh Ái chỉ tay qua ô cửa máy bay giới thiệu vắn tắt các bãi, trạm kiểm lâm bảo tồn rùa biển. Người đàn ông xứ Quảng này, hơn nửa cuộc đời mình dành cho bảo tồn biển ở Côn Đảo, đặc biệt là rùa biển. Ông như pho sử sống về những câu chuyện của các loài rùa biển.

Ông Ái giứi thiệu với du khách về lứa rùa chuyển vị trứng từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm.

Xâu chuỗi tài liệu đọc được, những cuộc gặp gỡ, những câu chuyện đã được nghe kể, những vấn đề đã được giảng giải, mới nhận ra rằng loài động vật này dù không lạ nhưng vẫn còn muôn vàn bí ẩn. Rùa biển xuất hiện cách đây khoảng 200 triệu năm, trước cả khi loài khủng long in dấu chân mình trên trái đất. “Về mặt tâm linh, trong nhóm tứ linh, chỉ có duy nhất rùa là hiện hữu trên cõi đời này. Có lẽ vì thế, trong nếp nghĩ của con người từ xưa đến nay, rùa biển là loài trường tồn với thời gian, nên không phải ngẫu nhiên mà ở Văn miếu Quốc Tử Giám, cha ông ta đã tạc tượng rùa chở các bia tiến sĩ” - ông Ái chia sẻ.

Tua ngược thời gian về lúc rùa mới nở, rồi chui lên khỏi tổ, dỏng tai nghe tiếng sóng và hướng cái nhìn về phía biển, là rùa con đã kích hoạt những đặc tính của giống loài mình. “Trong nỗ lực chui ra khỏi vỏ, cát sẽ sụt xuống và lấp vào khoảng trống ấy. Rùa con dựa vào đấy để chui dần lên mặt đất. Sau khi lên khỏi tổ, rùa con không xuống biển ngay mà nằm im đợi những anh chị em của mình lên đi cùng. Việc này có ba chủ đích, thứ nhất là dưỡng sức sau khi tiêu hao quá nhiều năng lượng để chui lên khỏi tổ; thứ hai là rùa con đợi lúc mực thủy triều lên cao nhất để khoảng cách xuống biển trở nên gần hơn; thứ ba là trên đường xuống biển và chặng đường sau đó, rùa con phải đối mặt với những động vật chờ săn mồi, đi với số đông thì tỷ lệ sống sót của chúng sẽ được tăng thêm phần nào. Rùa con không sống dưới đáy biển mà bơi trên mặt nước, vì thế chúng phải đối diện cùng lúc với hai mối nguy đó là cá và chim ăn thịt, bởi lúc này mai của chúng còn mềm” - ông Ái cho biết. Cũng theo ông Ái, các nhà khoa học tính toán rằng, cứ 1.000 rùa con từ lúc trên bờ xuống biển, chỉ có khoảng vài con sống sót và trưởng thành theo quy luật tự nhiên.

3. Câu hỏi được đặt ra: Tại sao chúng ta không nuôi nhốt, đợi cho rùa trưởng thành rồi mới thả chúng ra biển? Tại Côn Đảo, từng có một thời gian ngắn thực hiện công việc này, nhưng đó là một cách làm hết sức tai hại, may mà sai lầm ấy sớm được phát hiện và sửa chữa. Trong ký ức của ông Ái, đó là vào khoảng đầu tháng 5/1995, với cách nghĩ như câu hỏi trên, những hồ xi măng rộng khoảng vài mét vuông được xây dựng tại một số trạm kiểm lâm để nuôi nhốt rùa con sau khi nở. Đến tháng 9 năm đó, một đoàn chuyên gia quốc tế về rùa biển đến thăm, tìm hiểu công tác bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo. Nhìn cảnh hàng nghìn rùa con bơi trong bể nhỏ xíu, đoàn chuyên gia ngạc nhiên và nói “bảo tồn như vậy là sai rồi”. “Họ yêu cầu chúng tôi vớt số rùa này lên và thả ra biển ngay tức khắc. Họ giảng giải xong mới biết, nuôi nhốt kiểu đó sẽ làm rùa đuối sức, quan trọng hơn là sẽ giết chết những đặc tính sinh học về cảm nhận hướng biển, tiếng sóng biển cũng như kỹ năng sinh tồn khác của rùa” - ông Ái nhớ lại.

Viếng nghĩa trang Hàng Dương.

Sau lần đó, một số thành viên của Vườn Quốc gia Côn Đảo được tài trợ đi học bảo tồn rùa biển ở Philippines. Đó được xem là chuyến đi học một cách đầy đủ, bài bản về công tác này, vì trước đó, chủ yếu là tự mày mò. Một tháng sau khi học xong, đoàn trở về. Qua Hòn Tài, ông Ái phát hiện ở đây còn có một bể đang nuôi rùa con nên truyền đạt lại những kiến thức đã học cho anh em, đồng thời vớt số rùa này đem thả. “Mới nuôi được vài ngày, nhưng khi thả ra, chỉ có một con nhằm hướng biển bò xuống, còn lại đều bò ngược về hướng núi, nghĩa là chúng mất khả năng định vị. Khả năng của rùa con là tự định vị được hướng biển, ghi nhận và lưu giữ những thông tin nơi mình nở ra và bò xuống biển, để rồi vài chục năm sau đó, khi sống sót và trưởng thành, rùa sẽ quay trở lại chính nơi này để tiếp tục đẻ trứng” - ông Ái cắt nghĩa.

Một đêm ở bãi rùa đảo Bảy Cạnh, Côn Đảo, ông Ái đưa tôi đi xem rùa đẻ, đêm ấy có 18 con lên đẻ. Những con rùa mẹ nặng chừng 40 đến 70kg nặng nề bò lên bờ đào cát đẻ gần trăm quả trứng xong lấp đất, bò xuống biển về lại đại dương bao la, bỏ mặc ổ trứng cho tự nhiên. “Khi mới ra đây, tau nghĩ chỉ công tác vài năm rồi về lại, cuối cùng mấy con rùa và sinh thái Côn Đảo mê hoặc tau khi nào không hay”, ông Ái nhớ lại. Lúc mới ra cũng chưa biết rùa sẽ đi đâu? Câu hỏi ấy quẩn quanh mãi trong suy nghĩ của ban lãnh đạo Vườn quốc gia Côn Đảo. Và họ đã xây dựng dự án theo dõi đường di cư của rùa Côn Đảo và được các tổ chức, chuyên gia quốc tế hỗ trợ máy theo dõi qua vệ tinh vào năm 2006. Trong năm này, có 4 lần đeo máy cho 4 cá thể rùa.

Ông Ái kể: “Họ dựa vào đặc tính của rùa là vài tiếng đồng hồ sẽ nổi lên mặt nước để hít thở không khí, nên gắn máy theo dõi lên mai rùa bằng loại keo đặc biệt. Mỗi lần rùa trồi lên hít thở, tín hiệu được truyền về trung tâm ghi nhận dữ liệu, rồi họ gửi số liệu ấy cho mình. Nhờ đó mới biết khả năng di cư rất xa của rùa biển tại Côn Đảo, có khi đến tận đảo Palawan của Philippines với chiều dài lên đến 1.449km. Hơn nữa, đường đi của rùa gần như chỉ là một đường thẳng nhờ khả năng cảm nhận đặc biệt từ tính để định hướng đi rất tuyệt vời”.

Sau khi có được số liệu từ các chuyên gia, tổ chức rùa biển hỗ trợ cung cấp. Vài năm sau, ông Ái ra Hà Nội báo cáo và đã hài hước khiến cả hội trường bật cười: “Ở Côn Đảo, có một loại cư dân có thể tự do đi du lịch nước ngoài mà không cần đến hộ chiếu, thị thực”. Dừng một lát trong cái tò mò của mọi người, ông Ái tiếp tục: “Đó chính là rùa biển”. Cả phòng họp vỡ òa!./.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận