Còn đây mùa đông…

Mỗi lần ra Hà Nội dù bận rộn thế nào, tôi cũng cố sắp xếp đến làng gốm Bát Tràng, làng đào Nhật Tân hay đi bộ qua cầu Long Biên.

 

Từ sân bay Nội Bài về Hà Nội, con đường một chiều rộng cùng hành lang cây xanh tuyệt đẹp vắt ngang những chiếc cầu thật ấn tượng. Trước mắt lóe lên nhiều mới lạ đan xen, bao u hoài vụt qua cửa kính ô tô. Xe phóng nhanh, thời gian trôi vội, chỉ có bức tranh kinh tế năm cũ bước đi chậm chạp. Dẫu vậy, nhiều người nói với tôi, ráng chờ năm mới, hy vọng mọi thứ khởi sắc hơn.

1. Ngỡ tưởng ra Hà Nội dịp đông này bắt gặp “cây bàng mồ côi mùa đông” của Phú Quang, cùng với tháp rùa Hồ Gươm, những hàng cây nghiêng bóng lung linh cùng những tà áo dài bay bay trong phố cũ quen thuộc. Nhưng rồi mọi thứ trước mặt tôi chìm vào cái mưa phùn lạnh giá. Có lẽ tôi quá cuồng tín với văn chương, thơ ca… đầy ngây ngất về Hà Nội để nhớ nhiều thứ, như mùa đông là cái nhớ khôn nguôi.

Một người vừa là bạn, vừa là đồng nghiệp trêu đùa: “Ông tìm cái cũ - cổ thì về Hội An nhà ông đầy, hà cớ gì phải cố tìm hoài niệm nơi đây?”. Thấy tôi cười rồi chìm vào im lặng, bạn tôi nói thêm: “Thực sự những thứ ông tìm vẫn còn, nhưng hiếm lắm. Ví dụ vẫn có những ngôi nhà cổ với gia đình bao đời sinh sống, nhưng khó”!

Cầu Long Biên, Hà Nội.

Một người nhà quê ở miền Trung như tôi ít có dịp ra Hà Nội. Sau những năm dịch Covid-19, nay mới ra lại đất Thủ đô. Như một thói quen, vẫn thích dạo chơi phố cũ, thăm lại Văn Miếu Quốc Tử Giám, hay chạy vài vòng cầu Long Biên… để thấy nhịp sống những nơi cũ đã cho ra đời một kho tàng văn chương, thơ ca đồ sộ. Và gặp người cũ để nghe những tâm tình thật thà.

Lang thang phố cũ, qua ngã tư phố Hàng Mã, phố Hàng Cót, tạt vào quán bánh cuốn quen thuộc, có tiếng ở phố mà tôi thường được những người Hà Nội giới thiệu. Nhưng quán đổi chủ, bánh cuốn vẫn nóng hổi nhưng hương vị khác, hay do cảm giác của tôi không gặp chủ cũ. Tôi liếc nhìn về cuối đường, may ra tháp nước xưa ở phố Hàng Đậu vẫn còn, mà có cái gì đó khác lạ lắm, chắc mới trùng tu, tôi đoán vậy.

Rảo bước qua phố Hàng Bạc, sự trùng phùng của tôi với du khách nước ngoài, là người quen, cũng sau những năm dịch Covid-19 bạn mới trở lại Việt Nam. Deas Heois Việt thấy tôi vui mừng, mời vào quán làm cốc bia hơi Hà Nội. Anh nói mới vừa tới Việt Nam, ở Hà Nội vài hôm thăm bạn rồi sẽ vào Hội An. Trong hơi men, Việt trầm buồn nói: “Phố cổ bây giờ mất dần nét cổ, tiếc lắm bạn!”.

Đối với Deas Heois Việt thì Hà Nội chẳng còn gì lạ. Đã hơn 10 năm, cứ đến mùa đông, cả gia đình anh từ Mỹ bay sang Việt Nam, đầu tiên là ghé Hà Nội để hôn hít cái đông ở đó. “Ông biết không? Nếu nói không yêu Hà Nội thì không đúng, mà nói yêu Hà Nội thì chưa phải. Chỉ yêu cái đông của Hà Nội mới thật lòng” - Deas Heois Việt tâm sự.

Phố phường Hà Nội rợp bóng cây xanh.

Tôi quen biết Deas Heois Việt chỉ vài năm. Bởi năm nào anh và vợ con cũng vào mùa đông lại từ Mỹ đến Việt Nam để ăn Tết Việt. Và mỗi năm như vậy, anh lại chọn thuê căn nhà gần nhà tôi ở Hội An thuê cho cả gia đình. Cái Tết Việt ở Hội An lôi cuốn gia đình anh, vì thế, 2 cô con gái mê lắm nên đặt tên Việt cho Deas Heois. 

2. Nhắc đến Hà Nội xưa lại hiện về dấu vết của một thời hào hùng như “Tiếng quân ca” của Văn Cao xen lẫn bom đạn, còn đó những đau thương chiến tranh nay chìm dưới bạt ngàn xanh, phía lối rẽ vào hồ Hữu Tiệp, xác máy bay B52 nửa chìm nửa nổi, ghi dấu lòng kiên trung của quân và dân Hà Nội.  

Ký ức dù phôi phai theo năm tháng, nhưng vẫn đậm trong lòng của nhiều người khi đất của máu và hoa người Hà Nội dấu xưa oai hùng đã in đậm vào lịch sử. “Có lẽ nhớ thật ông à, nơi ấy từ đời các cụ đến chúng tôi sinh ra lớn lên, biết vào kỷ niệm gói vào lòng để rồi mang theo vào đất cảng xưa này… Tôi nhớ lần đầu hơn 30 năm, từ Quảng Nam được ngồi ô tô khách cũ kỹ ra Hà Nội, một chặng đường xa cả ngàn km, vượt qua phà Quán Hầu và phà Danh, ấy mà không biết mệt mỏi, bởi sự háo hức muốn biết đất Thủ đô”, tôi cởi lòng với đồng nghiệp.

Tháp Rùa - nơi đây ngập tràn sức sống khi Xuân về. Ảnh: dulich3mien.vn

Được đi giữa phố phường Hà Nội rợp bóng cây xanh, trong tôi lại dâng lên những dòng cảm xúc khó tả. Nhất là thưởng thức phở Hà Nội, bánh cuốn ngon đến tê cả đầu lưỡi, mùi hương từ bát phở bốc khói thật hấp dẫn, mùi vị ngọt của nước lèo và vị ngon của thịt bò thái mỏng đã 30 năm mà vẫn còn lắng trong tôi đến bây giờ.

Trước kia tôi chỉ biết Hà Nội qua những bức tranh về phố cổ của họa sĩ Bùi Xuân Phái in trong sách báo, trong những đoạn văn được trích ở sách giáo khoa hay nghe những bài hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam được đài truyền thanh xã phát theo giờ. Lớn lên theo nghiệp báo chí, có cơ hội đến Hà Nội nhiều hơn. Nhưng lạ! Cứ mỗi lần đến Thăng Long cũng chỉ theo đuổi những hoài niệm cũ. Chắc có lẽ đầu óc nhà quê tôi bị cũ như phố cổ Hội An thật đấy. Biết vậy, tại sao lại khư khư ôm giữ ký ức không chịu bỏ, như Vũ Bằng vẫn “Thương nhớ mười hai”?

3. Thành thói quen, mỗi lần ra Hà Nội dù bận rộn thế nào, tôi cũng cố sắp xếp đến làng gốm Bát Tràng, làng đào Nhật Tân hay đi bộ qua cầu Long Biên, độc đáo lối đi ngược chiều bao đời, ngắm sông Hồng màu nước phù sa, rồi ghé thăm họa sĩ Trần Đỗ Nghĩa. Nhà anh ở đầu cầu Long Biên, thắp bà cụ nén hương, bà nguyên là bác sĩ quân y tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, bà vừa về miền mây trắng vài tháng, thượng thọ 97 tuổi. Lúc còn sống, bà rất hóm hỉnh, vui tính, hay nói chuyện hài hước. Những câu chyện bà kể về Điện Biên lúc nào cũng hấp dẫn, lôi cuốn và đầy tự hào.

“Cái tài tếu tếu ấy của bà hồi xưa chính là liều thuốc giảm đau cho thương binh. Bà kể vào chiến dịch, bộ đội bị thương nhiều, có những ca nặng phải mổ, nên thuốc giảm đau thiếu. Chính tính hài hước của bà đã làm liều thuốc tâm lý cho bộ đội phải mổ cứu thương mà không có thuốc giảm đau”, anh Nghĩa - con trai bà nhớ lại. 

Trở lại thăm Nhật Tân, nơi vườn đào Tết nổi tiếng, trước mắt hiện ra những mới lạ của một đô thị mới khang trang kèm theo những nghẹn nghẹn tiếc nuối trong lòng. Tìm lại những chủ vườn đào thân quen nay không còn nữa, những vườn đào vào dịp này chuẩn bị bén nụ để mùa xuân thêm tươi xưa kia nay được thay thế bằng những ngôi nhà tầng đủ kiểu mẫu. Hỏi thăm, nhiều người bảo chủ vườn bán đất chuyển đi đâu sinh sống không biết. “Trách sao được bác, cuộc sống mà, xã hội phát triển sẽ phá đi nhiều thứ. Biết là nó mất đi vĩnh viễn, không thể nào tìm lại được, đôi khi phải chấp nhận sự thật trong nuối tiếc” - lời của một chị chăm đào còn níu kéo tiếc nuối về làng mình.

Mang tâm trạng tiếc nuối về một làng đào cảnh bao đời chỉ còn trong ký ức, tôi ra đón xe về. Chào hỏi tài xế vài câu: “Chạy khá không anh?”, trầm ngâm một hồi, anh tài xế thở dài rồi trả lời: “Ế lắm bác ơi, có khi chạy cả 10 ngày mà không kiếm đủ đóng tiền học cho con”. Anh vừa trả lời vừa bật radio, bản tin du lịch của Đài Tiếng nói Việt Nam phát: “Lượng khách quốc tế đến sân bây Nội Bài tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái”. Thông tin ấy mang theo hy vọng đón mùa xuân mới đầy niềm tin./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận