Hạnh ngộ ở Arul House

Cùng vẻ đẹp giản dị và sâu lắng, Arul House còn là câu chuyện về tình yêu văn hóa truyền thống dân tộc Ê Đê.

 

Buôn Ako Dhong là buôn du lịch đặc sắc ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Còn Arul House lại là điểm du lịch đặc sắc ở Ako Dhong. Cùng vẻ đẹp giản dị và sâu lắng, Arul House còn là câu chuyện về tình yêu văn hóa truyền thống dân tộc Ê Đê.

Không gian mang hồn năm tháng

Là cư dân Thủ đô, đã có thời gian khá dài công tác ở Đắk Lắk và Tây Nguyên nhưng lần này trở lại, được bạn bè đón tiếp tại buôn Ako Dhong, một buôn Ê Đê ở phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, anh Hoàng Dũng vẫn trầm trồ về “chất Ê Đê” vừa mộc mạc, vừa tinh tế và lắng sâu. Ngồi xuống chiếc ghế cũ ở đầu nhà sàn Arul House, được đẽo từ một đoạn thân cây đã hóa lũa, đặt tay lên mặt bàn bằng phiến gỗ dày đã nứt nẻ như mạng nhện, anh nói mình cảm nhận thấy dấu ấn của rừng già, mưa nắng và tháng năm…

Cả quần thể kiến trúc Arul House cũng như vậy, đều là gỗ, in rõ dấu ấn của mưa nắng và thời gian, nhưng đều sạch tinh, không hạt bụi.

Ẩm thực giản dị, tinh tế, đậm chất Ê Đê ở Arul House.

Cũng giống như anh Dũng, giữa tiếng nhạc êm như tiếng suối, du khách tới buôn du lịch Ako Dhong gần như chắc chắn sẽ dành thời gian tới Arul House. Một số khách thích thú thử nghiệm “lên tiến - xuống lùi” trên những thang gỗ bắc lên sàn nhà, đúng theo cách thức lên xuống thang của người Ê Đê. Có khách ngẩn ngơ ngắm nhìn những pho tượng gỗ hình người còn nguyên vết rìu khi chế tác. Tượng tạc chưa lâu nhưng ai cũng nhận thấy hồn tượng như đã trầm tư hàng thế kỷ. Khách cũng dạo quanh lối đi với hàng rào gỗ cũ sờn, mòn vẹt được đính lưa thưa những cụm lan rừng. Không ít người dừng lại, ghé sát để ngắm những cụm lan gầy guộc vừa nở ra đôi chùm hoa bé xíu. Giản dị nhưng đẹp đến nao lòng.

Lối đi cũng dẫn qua những khoảng vườn nhỏ có những cây mua rừng đang nở hoa tím, vài bụi Quỳnh Anh lưa thưa hoa vàng và những khóm ngũ sắc có mùi thơm ổi chín… Hoa tươi giản dị hòa chung với cỏ cây hoa lá bản địa, đan xen với chất liệu gỗ mộc mạc… thành một tổng thể đẹp và giản dị như thiên nhiên.

H'Len Niê tự làm mọi việc tring những năm đầu khởi nghiệp.

Tiệc tối ở Arul House cũng đến. Tiệc trong ngôi nhà dài Ê Đê vốn gắn liền với những ché rượu cần và cách uống rượu theo “Kan”. Kan là định suất uống trong một hơi không ngừng, đo bằng mức rượu sụt đi trong ché. Bởi vậy, uống rượu Kan thực chất là một thử thách men say, có thể khiến người uống say đến vài ngày.

Lần này thực đơn ở Arul cũng có rượu cần, khiến cho cả bàn có phần ái ngại. Nhưng bất ngờ là rượu cần Arul chỉ là những chai nhỏ. Mỗi người, mỗi lần uống cũng chỉ một chén nhỏ nhỉnh hơn chén hạt mít. Ngồi trên ghế phục vụ, H’liang Niê - cô gái Ê Đê nhà ở huyện Cư Kuin nhìn sang biểu cảm ngỡ ngàng của khách và mỉm cười. Dường như đây là tình huống cô thường xuyên gặp từ khi trở thành nhân viên ở Arul House.

Sau món rượu cần khai vị, cô giới thiệu thêm từng món đồ uống để khách thưởng thức. Có thức được người Ê Đê ủ từ cơm của trái ca cao chín, đóng trong hũ nhỏ; có món được bà con lên men từ dịch chiết chanh dây, uống trong ly là vỏ của trái chanh dây… Và rồi cô nhỏ nhẹ: “Nhưng các anh chị thông cảm, Ako Dhong là buôn du lịch văn hóa, khách đến đây không được uống say nên chúng em chỉ phục vụ có giới hạn”…

H'Len Niê cùng các nghệ nhân ở Ako Dong trình diễn âm nhạc truyền thống.

Trong không gian ấm áp và đầy ắp chân tình, việc chén rượu cần quá nhỏ so với thông lệ, nhanh chóng được phủ lấp bằng những tiếng cười. Sau những ly rượu cần bé xíu, mọi người lại nâng chén chúc mừng hội ngộ bằng các loại nước lên men từ trái cây đặc sản của buôn làng. Tiếng dzô…dzô  bất giác trở nên huyên náo, khiến H’Liang lại phải lên tiếng “xin” các anh chị “giảm tông” hứng khởi… Khách đỏ mặt, nhưng ai cũng bằng lòng vì họ nhận ra tiếng huyên náo thật sự lỗi nhịp ở nơi này…

Khi trái tim dẫn lối

Arul House là một khu nhà vườn, một bảo tàng văn hóa Ê Đê, là nơi sinh sống cũng là nơi kinh doanh của gia đình chị H’Len Niê, một phụ nữ dân tộc Ê Đê ở buôn Ako Dhong. H’Len Niê cho biết, đây là nơi lắng đọng tình cảm của nhiều thế hệ, nên rất khó dung hòa với đặc tính của hàng quán ồn ào náo nhiệt. Hơn thế nữa, H’Len lại là phụ nữ vốn chỉ biết rẫy nương, củi lửa, quen hành động theo sự mách bảo của trái tim, việc kinh doanh Arul House càng khó khăn hơn nhiều và thực tế đã có những giai đoạn chị tưởng không vượt qua nổi. Nhưng duyên may và nhiều hạnh ngộ cũng lần lượt đến với chị, giúp vượt qua khó khăn.

Khách ngày thường ở Arul House.

Sau 10 năm, chị vẫn nhớ như in một lần lãnh đạo thành phố, khi đến thưởng thức cà phê ở Arul House đã nhắc nhở cấp dưới: “Đừng hỏi H’Len về thủ tục hành chính, vì H’Len không biết đâu”. Chị cũng nhớ như in khi đến làm thủ tục tại Phòng Tài nguyên - Môi trường, gặp “một anh cán bộ béo béo”, cũng là khách cà phê của Arul, đã rất xởi lởi nhiệt tình, giúp chị nhanh chóng hoàn thiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất chỉ trong 1 ngày.

Chị cũng nhớ “Một bạn tên là Hải Ninh”, ở đâu đó đến Đắk Lắk làm lãnh đạo. “Lần đầu tiên tôi gặp bạn Hải Ninh đó, là khi bạn ấy mặc chiếc áo màu Booc-đô ngồi một mình ở chiếc bàn gần cửa sổ. Bạn ấy không đòi hỏi bày bàn hay phục vụ. Bạn ấy nói chuyện nhiều với tôi về văn hóa Ê Đê và cảm nhận của bạn ấy về Arul House. Tôi rất cảm động. Tôi muốn gặp bạn ấy để cảm ơn, nhưng bạn ấy đã chuyển công tác đi nơi khác”…

Không chỉ cán bộ ở thành phố Buôn Ma Thuột hay lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, trong số những đoàn khách đến Arul, cũng xuất hiện nhiều người “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” với H’Len Niê. Họ yêu văn hóa truyền thống Ê Đê mà H’Len đang thể hiện, giúp H’Len tập huấn nhân sự, nâng cấp kiến thức về du lịch văn hóa và kinh nghiệm quản lý, đồng hành với chị và kết nối các tour, tuyến, đưa khách đến Arul House và đưa hình ảnh của Arul House ra công chúng. Nhắc đến những ân tình tri ngộ này, H’Len rưng rưng: “Một mình H’Len không thể gây dựng được Arul House. H’Len thấy mình hạnh phúc khi gặp được những người bạn đồng hành ấy và thấy những gì mình đã làm là đúng” .

Một khát vọng vươn xa

Trong số những hạnh ngộ mà H’Len kể đến, có một người đã trở thành giám đốc của Arul House bây giờ, đó là Trần Thị Châu Phương, một cô gái “Tây học” chuyên ngành du lịch, nhà hàng. Từ bà chủ H’Len Niê đến các nhân viên chạy bàn đều rất “ưng bụng” cô nàng giám đốc trẻ, đã giúp Arul House dung hợp thành công bản sắc riêng về văn hóa và công việc kinh doanh.

Khách ngẩn ngơ bên lửa chờ nghe hát Ei Rei.

“Một mình H’Len không thể gây dựng được Arul House. H’Len thấy mình hạnh phúc khi gặp được những người bạn đồng hành ấy và thấy những gì mình đã làm là đúng”.

Theo Trần Thị Châu Phương, vị trí giám đốc ở Arul House không mô tả được đúng công việc của mình. Chị coi mình là chất xúc tác để văn hóa Ê Đê có thể tỏa hương. Chị cũng coi văn hóa là chính ở mỗi con người, nên từng nhân viên đều được tôn trọng và khích lệ. “Văn hóa, ẩm thực Ê Đê là thứ các bạn ấy đã có sẵn rồi.  Mình chỉ nêu vấn đề là hàng ngày ở chỗ các bạn ăn gì, lễ hội ăn gì?  Rồi gợi ý từng người chăm chút sản phẩm của mình, làm sao cho càng đẹp hơn, làm sao cho khách thấy được sự trân trọng, chỉn chu”, Trần Thị Châu Phương chia sẻ.

Dù nung nấu mục tiêu xây dựng một nhà hàng Ê Đê đầu tiên đạt sao Michelin, Trần Thị Châu Phương vẫn cho rằng, ngay cả khi ấy, mảng nhà hàng vẫn không đủ đem lại tài chính để giúp Arul House phát triển bởi nơi này luôn kiên định mục tiêu số 1 là bản sắc văn hóa. Và bởi vậy, Châu Phương, H’Len và những người bạn đã sẵn ấp ủ kế hoạch đưa Arul House thành một thương hiệu, với Bảo tàng văn hóa Ê Đê là nơi truyền cảm hứng, với nhà hàng Michelin đậm chất truyền thống và những hàng hóa đặc trưng buôn làng Ban Mê được bán đi khắp nẻo. “Hành trình bọn mình đi là có sự thấu hiểu nhau. Tụi mình sẽ kiên định con đường đã chọn, không lao theo những thứ chớp nhoáng mà lãng phí những điều quý giá”, Châu Phương khẳng định.

Ngày cuối năm dần tàn, “cái gió không mang tên” của Buôn Ma Thuột mang theo hơi lạnh thổi ào bên ngoài cửa sổ, nhưng trong những nếp nhà sàn gỗ Ê Đê vẫn rất ấm áp. Ngoài khoảng sân cỏ rộng giữa các nếp nhà, ngọn lửa Ê Đê truyền thống bắt đầu cháy rực. Một số nhân viên của Arul House cho biết, đêm nay ở đây có lửa trại đón đoàn khách ngoài tỉnh và có chương trình hát Ei Rei của các nghệ nhân trong buôn Ako Dhong. Những tượng gỗ dân gian Ê Đê dường như đang nhìn vào ngọn lửa, truyền vào đó nhiều kỳ vọng./.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận