Sống 'xanh' ở Nhà nhiều lá

Gần 4 năm nay, Nhà nhiều lá (ở quận 3, TP.HCM) trở thành điểm hẹn của đông đảo bạn trẻ yêu môi trường.

 

Nằm trong không gian đầy nắng và cây xanh ở quận 3, TP.HCM, gần 4 năm nay, Nhà nhiều lá trở thành điểm hẹn của đông đảo bạn trẻ yêu môi trường. Họ cùng nhau thu gom, tái chế rác, hình thành thói quen “sống xanh” và chia sẻ kiến thức bảo vệ môi trường.

Đổi rác lấy cây

Hơn 17.000 viên pin cũ, gần 600 chai nhựa đã qua sử dụng, hơn 110kg giấy cùng gần 2.000 vỏ hộp sữa là “thành quả” mà Nhà nhiều lá thu về sau sự kiện “Đổi rác lấy cây” vào cuối tuần qua. Khi chuyển gần 300kg pin cũ đến một công ty chuyên xử lý loại rác độc hại này, cộng tác viên của Nhà phấn khởi lắm. Các bạn biết, sự kiện nhỏ vừa qua đã tạo thêm một phần việc hữu ích giúp giảm lượng rác thải ra môi trường. Nhớ lại sự kiện “Đổi pin và thiết bị điện tử” lần đầu tiên tổ chức vào tháng 4/2021, Hoàng Mỹ Anh, Quản lý dự án Nhà nhiều lá cười thật tươi. Ngay sau khi sự kiện được chia sẻ trên fanpage của Nhà, lập tức có hơn 120.000 lượt người tiếp cận, thể hiện mong muốn tham gia.

Hoạt động gom rác đổi cây của Nhà nhiều lá được rất nhiều bạn trẻ hưởng ứng.

Lần đầu tổ chức sự kiện về chủ đề môi trường lại được quá nhiều người hưởng ứng, lúc bây giờ, Mỹ Anh cùng các cộng tác viên của Nhà vừa mừng, vừa lo. Mừng vì biết ngày càng nhiều người quan tâm đến việc thu gom, phân loại và xử lý rác nhưng lại sợ quá tải do lượng cộng tác viên, tình nguyện viên quá ít so với nhu cầu tiếp cận từ cộng đồng. Nhà có khoảng 30 cộng tác viên thường xuyên và bổ sung thêm 40 - 80 tình nguyện viên theo từng sự kiện. Thế nhưng lần đó, mọi việc đều quá tải. Do nhu cầu đổi rác của mọi người tăng cao, thay vì chỉ tổ chức vào hai ngày cuối tuần như kế hoạch ban đầu, sự kiện đổi rác đầu tiên của Nhà kéo dài đến tận 9 ngày.

Fanpage của Nhà nhiều lá hiện có hơn 67.000 lượt theo dõi và 58.000 lượt thích. Mỹ Anh cho biết, đó là động lực rất lớn để Nhà cố gắng mỗi ngày, tìm cách sáng tạo thêm nhiều sự kiện thu hút bạn trẻ tham gia. Thông qua các nền tảng xã hội, cộng tác viên tại Nhà chủ động thực hiện nhiều sản phẩm truyền thông sinh động và bổ ích để chia sẻ các kiến thức cần thiết về bảo vệ môi trường, tập thói quen “sống xanh”. Sau hơn một năm tổ chức các sự kiện đổi rác, trang tương tác của Nhà nhận về nhiều lời khen, sự tin tưởng từ cộng đồng. Không đợi đến sự kiện chính, người dân thường gõ cửa Nhà, gửi rất nhiều rác đã được phân loại, xử lý sạch, nhờ tìm cách tái chế hiệu quả. Quà mà Nhà tặng họ lúc ấy đơn giản chỉ là cây sen đá mini, chậu cây nhỏ hay đơn giản là lời cảm ơn. Thế nhưng ai cũng vui, thường xuyên lui tới. Bên cạnh việc thu gom rác tại một địa chỉ cố định, Nhà nhiều lá còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng để giới thiệu mô hình, khuyến khích mọi người phân loại, xử lý rác đúng cách.

"Nhà nhiều lá" tìm cách sáng tạo thêm nhiều sự kiện thu hút bạn trẻ tham gia.

Khi ngồi thống kê lại số chai nhựa thu gom được từ sự kiện “Đổi rác lấy sen” tổ chức tại Đường sách TP. Thủ Đức cách đây không lâu, Võ Minh Thư (sinh viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) cùng các cộng tác viên của Nhà nhiều lá tỏ ra hào hứng. Hôm đăng ký gian hàng tham gia sự kiện tại một địa điểm xa trung tâm, ai cũng sợ vắng khách ghé thăm. Ngày đầu vắng thật, chai nhựa thu về tính toán chỉ hơn 10 ngàn đồng nên mặt Thư và các cộng sự tiu nghỉu. Thế nhưng, sang đến ngày thứ hai, khách tìm đến tham quan gian hàng, đổi chai nhiều đến mức không đủ sen đá để tặng, Thư phải gọi về nhờ cộng tác viên trực tại Nhà gửi bổ sung. Thư nói, tại những sự kiện như thế, mục tiêu lớn nhất của Nhà nhiều lá là tiếp cận mọi người, chia sẻ về dự án và truyền thông kiến thức về bảo vệ môi trường theo cách đơn giản, thú vị nhất có thể.

Thư viện lạ kỳ

Trong quá trình hỗ trợ cộng đồng thu gom, phân loại rác, Nhà nhiều lá gặp nhiều mối duyên để thêm động lực triển khai các dự án mới. Thư viện “đặt cọc niềm tin” là một trong những dự án như thế. Toàn bộ sách tại thư viện này đều do cộng đồng gửi tặng, từ vài chục, vài trăm, sau hơn một năm đã lên gần 4.000 cuốn. Là thư viện “0 đồng” nhưng quy trình hoạt động khá chuyên nghiệp, chỉn chu. Cộng tác viên tại Nhà nhiều lá dành cả tháng trời phân loại, dán mã cho từng cuốn sách cũ trước khi đặt lên kệ theo từng chủ đề. Thư viện cộng đồng của Nhà nhiều lá mở cửa từ 9 đến 20 giờ mỗi ngày, lúc nào cũng có người trực để hỗ trợ khách ghé thăm. Tại đây còn có không gian, bàn ghế phục vụ nhu cầu tự học của học sinh, sinh viên.

“Cứ 5 viên pin hay thiết bị điện tử cũ được thu về, Nhà tặng bạn một cây sen đá. Mỗi ngày, lượng khách tìm đến rất đông, chủ yếu là bạn trẻ. Các bạn xếp hàng từ trong nhà đến ngoài đường, trên tay cầm những chiếc túi đựng pin, thiết bị điện tử, chờ đến lượt. Khi ấy, Nhà biết, nhu cầu đổi rác, đặc biệt là các loại rác khó xử lý như vậy là rất lớn. Từ đó về sau, các sự kiện “Đổi rác lấy cây” được duy trì”.

Hoàng Mỹ Anh, Quản lý dự án Nhà nhiều lá

Tình cờ biết đến thư viện cộng đồng này trên mạng xã hội, Nguyễn Tuấn Anh (20 tuổi, quận Bình Thạnh) tò mò ghé thăm. Điều khiến Tuấn Anh bất ngờ đầu tiên là các cuốn sách ở đây được giữ gìn rất kỹ, sắp ngay ngắn trên kệ. Tuấn Anh chọn cuốn sách ưng ý nhất, vội hỏi thủ thư trạc tuổi mình rằng có cần đặt cọc tiền hay cam kết gì để mượn sách về nhà không. Cô bạn lắc đầu, nhoẻn miệng cười, đáp gọn: “Không cần đặt cọc gì đâu. Bạn cứ đem sách về đọc, nhớ trả đúng hẹn giúp tụi mình là được. Ở đây, tụi mình giao kèo với nhau bằng… niềm tin”.

Với một cuốn sách như thế, khách có thể mượn đọc tối đa 30 ngày, mỗi lần hai cuốn. Tuấn Anh vui vẻ cho hay: “Ban đầu em tưởng bạn nói đùa, khi biết là sự thật thì rất vui. Các bạn còn nói, từ ngày vận hành thư viện cộng đồng đến nay, dù không có bất kỳ ràng buộc nào nhưng lượng sách hao hụt là rất ít. Lượng sách mạnh thường quân gửi về ngày càng tăng, nghe đâu các bạn sắp bố trí thêm kệ. Tại thành phố mà có nhiều không gian như thế này thì thích quá. Em có thể ngồi đọc sách, ngắm cây, làm bài tập bao lâu cũng được. Em sẽ quay lại đây để tham gia nhiều hoạt động khác của Nhà nhiều lá”.

Nhận thấy nhu cầu đọc sách của bạn trẻ từ các tỉnh thành khá lớn, Nhà nhiều lá bổ sung thêm hình thức cho mượn sách trực tuyến. Thông tin, hình ảnh gần 4.000 đầu sách được các cộng tác viên của thư viện cộng đồng tích hợp trên một đường dẫn kết nối bằng internet, bạn đọc mọi miền chỉ cần nhấp vào, chọn cuốn sách yêu thích và ngồi tại nhà đợi nhận sách. Sau khi nhận thông tin mượn sách, các cộng tác viên sẽ đến kệ tìm, dùng giấy gói thật cẩn thận rồi gửi tới địa chỉ yêu cầu. Mỗi cá nhân được mượn hai cuốn sách/lần trong thời gian 1,5 tháng.

“Gần tới ngày trả sách, cộng tác viên của Nhà sẽ nhắn tin nhắc người mượn. Tuy nhiên, nếu gặp sự cố không mong muốn, bạn đọc có thể gia hạn thời gian mượn sách. Nhờ công nghệ, chúng em đã lan tỏa được tủ sách cộng đồng đến nhiều tỉnh, thành bên cạnh không gian cố định tại TP.HCM. Thêm việc sẽ cực hơn nhưng thấy mọi người hưởng ứng là Nhà vui rồi. Nhờ vậy, những cuốn sách cũ được tái tạo thêm nhiều vòng đời hữu ích”, Võ Nguyễn Xuân Hiển, sinh viên Trường đại học Tôn Đức Thắng, cộng tác viên Thư viện cộng đồng của Nhà nhiều lá cho biết thêm.

Khi số sách cộng đồng trao tặng ngày một nhiều, từ năm 2022, Nhà nhiều lá khởi động dự án Xây dựng tủ sách cho học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Đến thời điểm hiện tại đã có 4 tủ sách được trao tặng ở Tây Ninh, Bình Thuận, Lâm Đồng và Kon Tum (mỗi tủ hơn 1.000 cuốn). Nhà tổ chức hoạt động này theo quý để thu xếp được thời gian đi khảo sát, xây dựng tủ sách và gây quỹ để trao sách mạnh thường quân gửi tặng đến tận tay các em học sinh đang sinh sống tại những nơi khó tiếp cận con chữ.

Gần hai năm gắn bó với thư viện cộng đồng của Nhà nhiều lá, Hiển đã có cơ hội đến Bình Thuận và Kon Tum trao tặng tủ sách. Hiển nhớ như in con đường lởm chởm đất đá dẫn vào ngôi trường nghèo, nơi các thầy trò mong đợi Nhà đến chơi vào năm 2023. Trời lạnh, đường khó, sách nặng, thế nhưng chẳng ai nề hà. Đến nơi, cộng tác viên của Nhà tổ chức hoạt động vui chơi, giao lưu với các em nhỏ trước khi tiến hành bàn giao tủ sách. Nhìn thư viện của ngôi trường “thiếu đủ thứ” được lấp đầy sách, ai cũng cười thật tươi. Trên xe quay về TP.HCM, Hiển nhận tin nhắn cảm ơn của các giáo viên kèm theo hình ảnh học trò say sưa đọc sách. Cả xe nhìn nhau, mỉm cười. Đường về hôm ấy thật ấm áp, đong đầy yêu thương./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận