Nhân vật trong bài dự thi viết về cảnh sát cơ động
Vinh dự đoạt giải A cuộc thi viết về đề tài “Cảnh sát cơ động - Lá chắn thép bảo vệ bình yên cuộc sống” do Bộ Công an tổ chức, thiếu úy Hoàng Văn Linh, Đội quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Đắk Lắk đã dành trọn nội dung bài viết để kể về “đồng đội” đặc biệt của mình - khuyển binh Pop.
Theo mô tả của thiếu úy Linh, Pop là chó nghiệp vụ thuộc giống Bec-ger (Đức), hiện được 3 năm tuổi. Những ngày đầu mới tiếp cận, Pop tỏ ra rất hung dữ, khó thuần phục. Phải mất hơn 1 tháng, với sự hướng dẫn, chỉ bảo của giáo viên huấn luyện và sự giúp đỡ của các bạn học, anh Linh mới có thể làm quen và “thân hòa” được với “đồng đội” 4 chân này. Trong quá trình tiếp xúc, nhận thấy Pop có những đặc điểm năng lực phù hợp với nghiệp vụ bảo vệ và truy vết mùi hơi người nên cả 2 cùng tích cực tập luyện chuyên khoa này. Sau khóa huấn luyện kéo dài 6 tháng tại Trung tâm huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động - Bộ Công an) tại Hà Nội, cả 2 cùng tốt nghiệp, Pop theo anh Linh về Đắk Lắk tham gia công tác tại Đội quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh.
Hằng ngày, Pop cùng với thiếu úy Linh gắng tập luyện những bài tập cơ bản, tập rèn luyện trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, rèn thính giác và khứu giác để tăng khả năng phát hiện mùi hơi, âm thanh cho Pop. Cũng từ đây, cả 2 đồng hành thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của cấp trên. Chiến công đầu tiên của khuyển binh Pop là sau khi về đơn vị được khoảng 1 tuần, trong lần thiếu úy Linh nhận lệnh của lãnh đạo đi tuần tra kiểm soát tại địa bàn xã Cư San, huyện Mdrắk. Trong quá trình tuần tra, phát hiện một nhà dân có dấu hiệu bị mất cắp, anh Linh đã báo cáo cấp trên và ra hiệu cho Pop thực hiện nghiệp vụ đánh hơi, truy vết. Rất nhanh, Pop đã đánh hơi được dấu vết và lần theo tới tận vị trí mà đối tượng đang lẩn trốn. Sau khi bị phát hiện, đối tượng đã thành khẩn khai nhận, theo lực lượng chức năng về quy án.
Đến nay, Pop đã gắn bó với anh Linh gần 2 năm, thân thiết như người bạn, một đồng nghiệp. Tiếp xúc với nhau mỗi ngày, có chuyện vui buồn hay áp lực công việc gì anh Linh cũng chia sẻ, trò chuyện với Pop để giải tỏa phần nào những áp lực. Pop cũng coi anh là người bạn thân thiết, thường xuyên bày tỏ những hành động khi thì nũng nịu, lúc lại nghịch ngợm. Anh Linh bảo, chỉ cần nhìn vào ánh mắt và biểu hiện của Pop anh sẽ biết được tình trạng sức khỏe của Pop ra sao, nhất là khi Pop bị ốm, mệt. Ngược lại, những lúc anh bị ốm thì dường như Pop cũng cảm nhận được, nó cứ quẩn quanh bên anh, dụi đầu vào người, vào tay anh như an ủi, động viên. “Những lúc như thế tôi cảm thấy rằng chúng tôi không thể xa nhau được” - Thiếu úy Hoàng Văn Linh trải lòng.
“Đồng đội” đặc biệt
Buổi chiều tà, sau giờ huấn luyện, đại úy Lê Quyết Thắng (Đội quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Đắk Lắk) dành ít thời gian đùa giỡn với chú khuyển binh Lucky. Nhìn thấy chiếc ống nhựa, đồ vật yêu thích của mình, mắt Lucky như sáng lên, chăm chú nhìn theo hiệu lệnh của người huấn luyện. Quan sát người huấn luyện ném món đồ chơi yêu thích ra xa, Lucky chỉ chờ hiệu lệnh là chạy tới tìm kiếm, đem lại chỗ anh Thắng. Tuy nhiên, món đồ đem về lại không phải là đồ vật được anh Thắng ném đi. “Sai nha, Lucky, sai rồi. Tìm lại nào. Phải cái này chưa?” - lời đại úy Thắng vừa là câu hỏi nhưng cũng là lời “phê bình” khiến Lucky “dỗi”. Sau một lúc quay mặt đi, được anh Thắng động viên, Lucky đã tìm đúng đồ vật mà người huấn luyện yêu cầu. Được khen “giỏi” và vuốt ve, vỗ về, Lucky lại như đứa trẻ, quấn quýt bên anh Thắng một lúc lâu rồi mới, về lại chuồng của mình theo hiệu lệnh của người huấn luyện.
Đại úy Lê Quyết Thắng kể, anh và Lucky gắn bó với nhau đã hơn 6 năm, từ khi tham gia huấn luyện tại trường cho tới khi tốt nghiệp và trở về lại đơn vị công tác. Trước đó, anh từng có gần 20 năm công tác tại bộ phận cảnh sát hình sự của công an tỉnh. Khi gắn bó, huấn luyện Lucky, anh có một cảm xúc thật đặc biệt. Với anh, Lucky không chỉ là học trò, là đồng đội vào sinh ra tử với mình. Trong quá trình huấn luyện, dường như Lucky có thể cảm nhận được cảm xúc của anh rất rõ ràng. Khi huấn luyện, nếu Lucky làm một động tác sai, ngay lập tức nó cảm nhận được thái độ không hài lòng của chủ, tỏ ra hối lỗi, ngoan và tập trung cho các bài tập sau tiến bộ rõ rệt. Và khi nhận được lời khen động viên, nó tỏ ra hào hứng, vui vẻ. Để đạt được sự kết nối này, cả chó và người huấn luyện phải trải qua một quá trình rất dài và khó khăn. Là người huấn luyện, anh cũng là người trực tiếp chăm sóc chó, nhất là khi chó ốm, mệt, bỏ ăn.
Suốt 6 năm qua, anh và Lucky trở nên gắn bó, thân thiết. “Nhiều khi đi làm, chó thay mình xông pha lên phía trước, bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng lao vào chỗ chết nếu mình ra lệnh. Mình tự hào về Lucky, nó như một người bạn thân trung thành của mình. Nhưng tuổi đời của nó quá ngắn, bởi thế, đến một thời điểm nào đó, tôi và Lucky sẽ phải chia xa. Nếu nó chết đi, tôi như bị mất đi một người thân”, nói đến đây, Đại úy Lê Quyết Thắng chợt lặng im, đưa mắt nhìn về đồng đội đặc biệt của mình.
Bằng khứu giác, thính giác nhạy bén của mình, cùng với sự trung thành và thực thi nhiệm vụ theo hiệu lệnh, những “chiến sĩ” cảnh khuyển không màng nguy hiểm, khó khăn, luôn xông lên phía trước và chỉ dừng lại khi có hiệu lệnh của người chủ - cũng là đồng đội thân cận nhất của mình.
|
Những chiến công thầm lặng của khuyển binh
Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ là mảng đặc thù trong ngành công an nhân dân. Hoạt động huấn luyện thực hiện thường xuyên và chuyên sâu, giúp nâng cao kỹ năng của chó nghiệp vụ. Những khuyển binh được huấn luyện đều do Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động - Bộ Công an tuyển chọn, có các khả năng phù hợp với từng chuyên khoa để huấn luyện. Khi bước vào huấn luyện, mỗi học viên được giáo viên truyền đạt về quy trình nắm bắt bản năng của mỗi con chó, đây là cơ sở để học viên quan sát, tìm hiểu và “thân hòa” với một con chó mà mình lựa chọn và gắn bó trong suốt thời gian huấn luyện. Thông thường, tuổi đời của một con chó từ 10 - 14 năm. Như vậy, mỗi chó nghiệp vụ có thể cống hiến 8 - 10 năm cho công tác nghiệp vụ nếu như không gặp phải các nguyên nhân khách quan bị thải loại như: tai nạn, chấn thương, ốm đau. Trong suốt quá trình ấy, chó nghiệp vụ gần như gắn bó hoàn toàn với người huấn luyện.
Tại Đắk Lắk, lực lượng quản lý động vật nghiệp vụ từng được thành lập trước đây, sau đó giải thể, đến năm 2001 mới tái lập trở thành Đội huấn luyện, quản lý và sử dụng động vật nghiệp vụ như hiện nay. Đơn vị hiện có 5 chuyên khoa huấn luyện, gồm: bảo vệ và truy tìm dấu vết mùi hơi, phát hiện ma túy, chất nổ, gián điệp mùi hơi người và tìm kiếm cứu nạn. Tuy không đeo quân hàm, không mang số hiệu, nhưng mỗi khuyển binh trong quá trình công tác đều là những chiến binh thầm lặng, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ hay mỗi chiến công của lực lượng cảnh sát cơ động. Suốt hơn 20 năm qua, Đội huấn luyện, quản lý và sử dụng động vật nghiệp vụ, phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Đắk Lắk đã có hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ được Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND các huyện, Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động, Giám đốc Công an tỉnh tặng bằng khen. Trong số này, có đến một nửa công lao là từ sự xông pha, dũng cảm của những “chiến sĩ” cảnh khuyển./.