Về nơi 'phía sau' cuộc chiến

Hôm nay, ngày 4/4/2019, Bảo tàng Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm truyền thống Bảo tàng Hậu cần QĐND Việt Nam.

 

Hàng nghìn hiện vật, kỷ vật, những bức ký họa còn thấm máu của đồng chí, đồng đội và bom đạn chiến tranh... được lưu giữ ở Bảo tàng Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam đã phản ánh trung thực tầm vóc to lớn của bộ đội Hậu cần.

Đến Bảo tàng Hậu cần thêm tự hào dân tộc

Vào tháng 12 hằng năm, khi tiết trời hanh hao gió và nắng vẫn vàng ươm phủ đầy những con phố, các em học sinh Trường THCS Mỹ Đình 2, Hà Nội lại được thêm một lần đến tham quan Bảo tàng Hậu cần (BTHC). Cô giáo Bùi Thị Ngọc Lan - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Mỗi lần đến tham quan, được thấy và được nghe thuyết minh về những hiện vật trưng bày tại đây, các em học sinh rất hứng thú bởi có thêm hiểu biết và cái nhìn tổng quan hơn về ngành hậu cần quân đội. Qua đó, các em được giáo dục về truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và bộ đội Hậu cần nói riêng”.

Bảo tàng Hậu cần là nơi được các trường học chọn là nơi tham quan cho các em học sinh để giáo dục các em lòng biết ơn, trân trọng những chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc nói chung, người lính hậu cần nói riêng.

BTHC cũng là nơi mà trường THCS Nam Từ Liêm chọn làm địa điểm tổ chức các hoạt động trải nghiệm môn lịch sử, giáo dục công dân và ngữ văn cho học sinh. “Đến BTHC, các em được quan sát, tìm hiểu và hình dung cụ thể về công tác hậu cần - một hoạt động đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Qua đó góp phần giáo dục các em lòng biết ơn, trân trọng những chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc nói chung, người lính hậu cần nói riêng”, cô giáo Hoàng Thị Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Từ Liêm cho hay. Nhìn vẻ mặt hứng thú, say mê nghe thuyết minh và sôi nổi hỏi những vấn đề mà mình quan tâm, tôi biết các em đã tiếp thu được kiến thức lịch sử qua việc tìm hiểu các mô hình, hiện vật về ngành hậu cần quân đội. Không những vậy, đến tham quan BTHC còn tạo cảm hứng học tập, bồi dưỡng niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân của mỗi học sinh THCS Nam Từ Liêm.

Theo lời cô Hoàng Thị Yến, những tư liệu, hình ảnh, tài liệu, hiện vật (TLHV) có giá trị lịch sử, được trưng bày, sắp xếp khoa học, hợp lý và các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về ngành hậu cần quân đội được BTHC thể hiện bằng các hình thức phong phú như: chiếu phim tư liệu, thuyết minh, giới thiệu, mô tả , kể chuyện, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, giải đáp thắc mắc,… giúp người xem dễ dàng tiếp cận, quan sát, tìm hiểu cuộc kháng chiến của cả dân tộc nói chung và quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng và đặc biệt có sức hấp dẫn các em học sinh.

Đại tá, Tiến sĩ Đào Hải Triều (người chỉ tay), Giám đốc Bảo tàng Hậu cần đưa Đoàn du khách quốc tế tới tham quan Bảo tàng.

Giữa ngổn ngang công việc để chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 60 năm truyền thống của BTHC, Đại tá, Tiến sĩ Đào Hải Triều, Giám đốc BTHC cho biết: “Đã hơn nửa thế kỷ qua, BTHC lặng lẽ phục vụ đông đảo du khách đến tham quan như thế. Chỉ tính riêng trong 10 năm qua (2009-2019), BTHC đã đón và phục vụ được trên 800.000 lượt khách trong nước và quốc tế tham quan Bảo tàng và các đợt trưng bày triển lãm”.

60 năm trước, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị có chủ trương tổ chức sưu tầm, thu gom hiện vật để trưng bày triển lãm phục vụ kỷ niệm 10 năm thành lập QĐND Việt Nam vào dịp 22/12/1954 và kỷ niệm 10 năm Quốc khánh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào dịp 2/9/1955. Thực hiện chủ trương trên, Tổng cục Hậu cần đã chỉ đạo tổ chức sưu tầm được nhiều hình ảnh, TLHV về hậu cần ở các chiến trường, các chiến dịch, các đơn vị trong toàn quân để phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của Bộ Quốc phòng. Từ đó, công tác bảo tàng truyền thống của Tổng cục Hậu cần được hình thành và đi vào hoạt động, đánh dấu bước phát triển mới của Tổng cục.

Và trong suốt 60 năm ấy, BTHC đã tổ chức hàng trăm cuộc trưng bày, triển lãm ý nghĩa. Đặc biệt, đợt trưng bày triển lãm “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật” của Tổng cục Hậu cần tại phố Yết Kiêu - Hà Nội vào ngày 4/4/1959, BTHC được đón Bác Hồ tới tham quan. Bác viết: “Cuộc trưng bày của Tổng cục Hậu cần chứng tỏ rằng quân đội ta đã có cố gắng nhiều và có thành tích khác trên con đường cải tiến kỹ thuật, nhằm tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm cần phải phổ biến những thành tích và kinh nghiệm này cho toàn quân và toàn dân áp dụng và góp thêm ý kiến”... Với ý nghĩa trọng đại đó, ngày 4/4/1959 được Tổng cục Hậu cần lấy làm ngày truyền thống của BTHC QĐND Việt Nam.

Xây dựng Bảo tàng Hậu hiện đại, thông minh

Bằng tinh thần nhiệt huyết, quyết tâm cao, yêu ngành, yêu nghề, Bảo tàng đã tích cực bền bỉ sưu tầm được nhiều TLHV có giá trị, đó là những di sản văn hóa vô cùng quý giá của ngành hậu cần quân đội. Đại tá, Tiến sĩ Đào Hải Triều cho biết: “Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, Bảo tàng đã cử nhiều cán bộ, nhân viên đến các chiến trường, các trận địa, các đơn vị để sưu tầm TLHV có giá trị, phản ánh trung thực, tầm vóc to lớn của bộ đội Hậu cần trên các chiến trường miền Nam và trong cả nước; nhiều hiện vật, kỷ vật, những bức ký họa còn thấm máu của đồng chí, đồng đội và bom đạn chiến tranh được mang về Bảo tàng để tổ chức trưng bày triển lãm phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của Bộ Quốc phòng và Tổng cục Hậu cần giao”.

10 năm qua (2009-2019), Bảo tàng luôn cử cán bộ, nhân viên đến các vùng sâu, vùng xa trong cả nước để sưu tầm hiện vật đạt kết quả tốt. Bảo tàng còn tham mưu cho Thủ trưởng Tổng cục phát động phong trào “sưu tầm, hiến tặng kỷ vật kháng chiến”. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, BTHC đã tiếp nhận được 10 đợt với trên 3.000 hiện vật có giá trị. Đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 60 năm truyền thống BTHC, ngày 20/3/2019 đã tổ chức tiếp nhận được trên 130 TLHV có giá trị. Vì vậy, số lượng hiện vật của BTHC tăng lên nhanh chóng, đến nay đã có trên 17.000 TLHV có giá trị. Bảo tàng còn phối hợp với các cục chuyên ngành để bảo dưỡng, phục chế các hiện vật là ô tô, máy các loại để sử dụng được lâu dài.

Cùng với đó, Bảo tàng đã nghiên cứu tư liệu viết, biên soạn được trên 500 mục từ công tác Đảng, công tác chính trị và nhân vật Hậu cần, góp phần hoàn thành công trình Biên soạn “Từ điển Hậu cần Quân sự”. Bảo tàng tích cực nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, ảnh để biên soạn và xuất bản được 4 đầu sách phục vụ nhiệm vụ chính trị và chuyên môn, đồng thời phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện được hàng chục phim tài liệu về Hậu cần, về kỷ vật, về nhân chứng lịch sử ngành hậu cần quân đội.

Với khối lượng công việc khổng lồ là vậy, BTHC vẫn chú trọng xây dựng tình đoàn kết quân dân, ngày càng gắn bó với cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân địa phương nơi đơn vị đóng quân, thực hiện “Quân với dân một ý chí”; thực hiện tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa với số tiền ủng hộ, tặng quà hàng trăm triệu đồng ở các tỉnh, TP trên cả nước.

Bảo tàng Hậu cần thực hiện tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa.

Giám đốc BTHC Đào Hải Triều khẳng định: “Để tiếp nối chặng đường 60 năm vẻ vang qua và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, BTHC quyết tâm tập trung quán triệt và thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của Quân ủy Trung ương và Tổng cục Hậu cần, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của cấp ủy Đảng, lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây dựng Chi bộ Trong sạch vững mạnh, là điểm sáng về phát triển văn hóa, du lịch trong Quân đội và của cả nước; Không ngừng nâng cao trình độ chính trị, quân sự, chuyên môn nghiệp vụ, tích cực giao lưu, phối hợp với các Bảo tàng, khu Di tích trong và ngoài quân đội, để xây dựng BTHC trở thành Bảo tàng hiện đại, thông minh trong thời kỳ công nghệ 4.0, xứng đáng là trung tâm văn hóa lịch sử của Tổng cục và ngành Hậu cần Quân đội.

Trên gương mặt mỗi cán bộ, nhân viên của BTHC những ngày này ngời lên niềm tự hào, phấn khởi. Ngày 4/4/2019 - vừa tròn 60 năm truyền thống BTHC, cũng là dịp họ xứng đáng được tôn vinh bởi những gì đã cống hiến cho Bảo tàng./.

BTHC được 2 lần Bác Hồ đến thăm triển lãm; được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 01 Huân chương chiến công Hạng Nhì; 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; 01 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 01 Cờ thưởng của Quân ủy Trung ương; 03 Cờ của Tổng cục Hậu cần; hàng chục Bằng khen, Giấy khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục chính trị... Năm 2000, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra quyết định xếp hạng 2 cho BTHC nằm trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận