Nghề đậu bạc truyền thống Định Công: Quyết không để 'một mai mai một'

Với sự kiên trì của những nghệ nhân tài hoa, ít ỏi còn lại, nghề đậu bạc đang dần được phục hồi... trở thành một nét độc đáo của đất Hà Nội nghìn năm văn hiến.

 

Nghề đậu bạc ở làng Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội từng được biết đến là một trong bốn nghề truyền thống bậc nhất của đất kinh kỳ Thăng Long xưa nhưng cũng không tránh khỏi những năm tháng thăng trầm, tưởng như mai một. Với sự bền bỉ, kiên trì của những nghệ nhân tài hoa, ít ỏi còn lại, nghề đậu bạc đang dần được phục hồi... trở thành một nét độc đáo của đất Hà Nội nghìn năm văn hiến.

“Lạc lõng” giữa phố nghề

Chỉ dài khoảng nửa cây số, nhưng phố cổ Hàng Bạc có đến vài chục cửa hàng lớn nhỏ làm nghề chế tác kim hoàn, bán đồ mỹ nghệ vàng bạc. Phần nhiều chủ các cửa hàng này có gốc là người làng Định Công. Ngày nay, hầu hết các cửa hàng đó đều sử dụng công nghệ hiện đại chế tác trang sức. Thế nhưng ở con phố cổ này có một cửa hàng cũ kỹ tồn tại hàng trăm năm qua, chuyên chế tác đồ mỹ nghệ thủ công truyền thống làm bằng tay, đó là cửa hàng mỹ nghệ Hồng Châu của nghệ nhân Nguyễn Chí Thành, 73 tuổi.

Ông Nguyễn Chí Thành làm chiếc nắp ấm cổ bọc bạc theo yêu cầu khách hàng.

Ngày ngày, nghệ nhân kim hoàn duy nhất còn làm nghề chạm bạc thủ công trên con phố này vẫn cần mẫn, gắn bó với chiếc bàn gỗ cũ kỹ cùng la liệt dụng cụ làm nghề có từ thời cha ông để lại: từ những chiếc búa, cho đến hàng loạt kéo, kìm… Tất cả đều nhỏ xíu, gợi lên sự tỉ mỉ và cẩn thận của nghệ nhân trong mỗi thao tác, nét chạm. “Gia đình tôi làm nghề đến đời tôi là đời thứ 3, còn cháu tôi là đời thứ tư, chỉ sống bằng nghề kim hoàn, làm các đồ trang sức”, ông Thành cho biết.

Với đôi mắt tinh tường, đôi tay khéo léo, ông Thành tỉ mỉ mài, giũa, chạm hoa văn trên những chiếc nhẫn, chiếc vòng hay dây chuyền mà các đường nét chỉ mỏng như tơ, như tóc. Nếu sản phẩm bạc công nghiệp hiện nay được đúc bằng khuôn, có sẵn nhiều chi tiết, thì với sản phẩm thủ công, ông phải tự tay cắt, uốn, hàn… qua rất nhiều công đoạn. Không ít sản phẩm đòi hỏi sự cầu kỳ, tinh xảo, tạo hình phức tạp, ông Thành phải làm từ ngày này qua ngày khác.

Thợ kim hoàn tại xưởng bạc Định Công.

Có lẽ vì say mê, gắn bó với nghề chạm bạc thủ công từ thơ ấu, nên dù công nghệ phát triển, nhiều người sử dụng máy móc - đúc công nghiệp hay dùng kỹ thuật laze để khắc lên sản phẩm kim hoàn, ông Thành vẫn kiên trì, trung thành với kỹ thuật cổ điển. Với kỹ thuật tinh xảo, đường nét tinh tế và hơn cả thế là tình yêu nghề chứa đựng trong mỗi sản phẩm đã làm nên thương hiệu đặc biệt cho nghệ nhân Nguyễn Chí Thành, nhiều khách hàng đã bị mê hoặc các sản phẩm kim hoàn của ông.

“Đã là thợ thủ công chạm bạc thì phải giỏi mới làm được. Như chú Thành là điêu luyện. Không những thế, chú ấy còn có sự nhạy cảm, tinh tế trong làm nghề mà không phải ai cũng có khả năng thiên phú ấy”, anh Nguyễn Đức Trung, khách hàng lâu năm của ông Thành chia sẻ.

Sức hấp dẫn của các sản phẩm kim hoàn truyền thống này không chỉ “thuyết phục” được khách hàng trong nước mà rất nhiều khách quốc tế khi đến phố Hàng Bạc cũng thích thú khi được ngắm nhìn, tìm hiểu từng nét vẽ, tạo hình của người thợ. Không ít người bảo rằng, đó là hình ảnh tượng trưng cho một Hà Nội xưa, giàu truyền thống và thật nhiều cảm xúc mà càng ngày càng ít gặp. Bà Banos, du khách người Pháp nhận xét: “Tôi thấy sản phẩm bạc thủ công do các nghệ nhân làm rất tinh tế, khéo léo, tỉ mỉ, khó ở đâu có như vậy…”.

Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh.

“Tiếng lành đồn xa”, nhiều khách hàng trong nước và nước ngoài đã tìm đặt, mua sản phẩm đậu bạc Định Công, nhưng nghệ nhân Nguyễn Chí Thành không thể đáp ứng hết. Suốt nhiều năm qua, ông chỉ truyền dạy nghề cho con trai và người cháu của mình là đời thứ 4 tiếp nối nghề truyền thống đặc biệt này.

30 năm theo chú với niềm đam mê và khát khao gìn giữ, phát triển nghề chạm bạc Định Công, nhưng anh Nguyễn Anh Đức, cháu trai ông Thành cũng không khỏi chạnh lòng, lo lắng bởi nguy cơ mai một: “Các con bây giờ thích làm việc khác, không ngồi được như mình. Đã làm nghề phải yêu nghề, yêu lắm mới giỏi, mới thành công được. Với đà phát triển của xã hội hiện nay, nhiều nghề thủ công sẽ bị mất đi. Tôi lo không biết có người kế tục và phát triển nghề hay không?”.

Nghệ nhân Nguyễn Chí Thành trăn trở: “Giữ cửa hàng để làm nghề, tôi có thể không kiếm nổi 10 triệu đồng mỗi tháng, nhưng tôi cho thuê sẽ được 20 - 30 triệu đồng. Tuy vậy, tôi không cho thuê bởi vì tôi sẽ mất nghề, mà điều ấy làm chúng tôi luyến tiếc nhất”.

Người thợ ghép các chi tiết nhỏ lên khung.

“Giữ” quá khứ, tôn vinh hiện tại - tương lai

 Nằm trong khuôn viên đình làng Định Công, với không gian thoáng rộng, yên bình là nhà thờ tổ nghề kim hoàn và xưởng đậu bạc của gia đình nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh, con trai của nghệ nhân Quách Văn Trường - được biết đến là người khởi xướng việc khôi phục nghề đậu bạc truyền thống Định Công. Ngày ngày, khoảng 10 người thợ tài hoa nơi đây vẫn cần mẫn, kiên trì làm ra những sản phẩm đậu bạc tinh xảo.

Gắn bó với xưởng đậu bạc nhiều năm qua, anh Lê Đình Sơn chia sẻ: “Để có một sản phẩm bạc đậu thủ công ưng ý nhất, chinh phục được khách hàng, người thợ phải mất nhiều ngày công, với những thao tác công phu, tỉ mỉ, đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề cao. Một cái vòng đậu làm mất ít nhất từ 1 tuần đến 10 ngày mới xong, từ một sợi bạc to, thợ kéo thành nhỏ như sợi tóc và kết nối nó với những họa tiết theo ý của khách”.

Còn theo chị Nguyễn Thị Lan, một sản phẩm tinh xảo đến từng chi tiết nhỏ không thể tính bằng thời gian: “Mình đang làm mấy cái châm cài áo. Nó có 3 cánh, có đá, mình đang làm từng chi tiết, sau đó ghép lại. Tùy từng loại, có loại đậu hết một lượt, như loại này thì một cánh chia làm 3 phần, mình phải căn, chia các phần cho đều thế nên vừa lâu vừa khó”.

Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và khéo léo trong từng chi tiết, không ít lần anh Lê Đình Sơn tưởng như không theo được nghề: “Mình làm một sản phẩm mà cứ làm đi làm lại, làm mãi không được cũng chán nản. Lúc đó, anh Tuấn Anh lại cho chuyển sang những công việc khác dễ làm hơn. Khi lấy lại tinh thần, mình lại học hỏi tiếp. Do yêu thích công việc tỉ mỉ nên tôi theo học nghề này. Mình cung cần có niềm đam mê, sự yêu nghề và bàn tay khéo léo, óc sáng tạo”.

Để trở thành một người thợ lành nghề không hề dễ dàng, khi phải vừa học vừa thực hành ít nhất trong 2 năm mới có thể làm nên những sản phẩm hoàn chỉnh. Theo các nghệ nhân, muốn làm được một sản phẩm đậu bạc truyền thống Định Công tinh xảo, người làm nghề phải nắm chắc 4 kỹ thuật cơ bản, đó là: trơn, đấu, chạm, đậu. Trơn là làm những đồ vàng bạc không cần chạm trổ mà chỉ cườm cho nhẵn, bóng, kết hợp gò sao cho hình khối đúng tiêu chuẩn. Đấu là lắp ráp các chi tiết hài hòa, cân đối. Chạm là khắc hình vẽ, hoa văn, họa tiết như chạm ám, thúc nổi, hạ cát… lên mặt trang sức hay vàng, bạc. Đậu là kéo bạc đã nung chảy thành sợi chỉ, sau đó se thành sợi mảnh như sợi tóc, tạo những họa tiết hoa văn, chim muông, hoa lá… gắn vào đồ trang sức. Trong đó, kỹ thuật đậu bạc được coi là công phu nhất, đòi hỏi người thợ phải có bàn tay thật sự khéo léo, tỉ mỉ để “thổi” từng chi tiết vào mỗi sản phẩm.

Những người đam mê nghề, gắn bó với xưởng đậu bạc Định Công cùng chung khát vọng giữ và duy trì được nghề, các sản phẩm kim hoàn làm ra độc đáo, hoàn hảo, được thị trường đón nhận. Và xa hơn nữa là “truyền lửa” cho các thế hệ kế tiếp, để làng nghề chạm bạc Định Công lưu danh là tứ trụ tinh hoa của làng nghề Thăng Long. Chị Mai Hồng Hạnh, người con của làng Định Công bày tỏ: “Tôi quyết định nghỉ việc ở cơ quan nhà nước để đến xưởng đậu bạc, mong muốn sau này cùng các nghệ nhân khác bàn bạc hướng phát triển cho làng nghề, lưu giữ điều tốt đẹp cho đời”.

Năm 2023, UBND quận Hoàng Mai kết hợp với Chi hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Định Công tổ chức lớp dạy nghề cho các bạn trẻ trong quận để giữ nghề truyền thống chạm bạc của làng. 35 học viên của lớp được đào tạo nghề miễn phí, sau khi thành thạo sẽ là nguồn nhân lực chính cho làng nghề đậu bạc 1.500 tuổi này.

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của khách hàng, ngoài các dòng đậu bạc phổ biến như: Nhẫn, dây chuyền, hoa tai, vòng, trâm cài áo, trâm cài tóc, thời gian qua, nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh không ngừng cải tiến, sáng tạo thêm nhiều dòng sản phẩm lưu niệm. Nổi bật là là tranh đậu bạc Định Công, với những hình ảnh văn hóa gắn với biểu tượng của Hà Nội như: Hình ảnh Khuê Văn Các, Tháp Rùa, Phố cổ… hay các tranh hoa sen bạc đậu có ý nghĩa an yên, bình thản.

 Những nghệ nhân đậu bạc làng Định Công mong mỏi ngày càng có nhiều người biết đến nghề thủ công truyền thống này; “truyền lửa nghề”, lan tỏa nét đẹp văn hóa trong từng sản phẩm đậu bạc. Giờ đây, các sản phẩm đậu bạc Định Công không chỉ là những sản phẩm kim hoàn truyền thống thuần túy, mà còn là sản phẩm để mời gọi du khách về với ngôi làng cổ Định Công. “Mong muốn chính quyền địa phương giúp đỡ hơn nữa để nghề đậu bạc được bảo tồn và gìn giữ; để xưởng đào tạo thêm nhiều lớp thợ mới nhằm phát triển nghề truyền thống này”, anh Hoàng Ngọc Đạt, người dân làng Định Công chia sẻ./.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận