THÁNG SÁU TRÊN CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG DÂY 500 kV MẠCH BA

Chủ đầu tư cùng 25 nhà thầu tập trung mọi nguồn lực để thi công đúng tiến độ đảm bảo cung ứng điện cho các tỉnh miền Bắc, giảm tải cho đường dây mạch 1, mạch 2.

 

Tháng sáu, thời tiết ở các tỉnh Bắc Trung Bộ mưa nắng thất thường. Nắng thì hầm hập như quạt lửa vào da thịt, còn mưa thì như trút nước. Những cơn mưa chợt đến, chợt đi làm ảnh hưởng rất lớn đến việc thi công trên công trình đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch, Quảng Bình đến Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Nhưng vượt lên tất cả, hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động của 25 Nhà thầu xây lắp, Nhà thầu cung cấp cật tư thiết bị và 66 đơn vị trong ngành điện được tăng cường cùng với cán bộ, kỹ sư của Ban A miền Trung vẫn miệt mài trên công trình với quyết tâm “vượt nắng, thắng mưa” để đưa công trình về đích đúng tiến độ. Ông Nguyễn Văn Tình, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình Điện miền Trung, Đại diện Chủ đầu tư, cho biết:

“Dự án Đường dây 500kV mạch 3 là một dự án trọng điểm cấp bách, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo, nên việc giải tỏa đền bù khá thuận lợi, đặc biệt là Chính quyền các địa phương nơi có công trình đi qua từ tỉnh, huyện đến xã đều đã vào cuộc một cách quyết liệt và đồng bộ, nhất là trong những ngày thi đua nước rút đẩy nhanh tiến độ này, các đoàn thể quần chúng như Mặt trận, Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ và nhân dân địa phương đã tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà động viên cán bộ, công nhân lao động tạo nên một không khí thi đua lao động sôi nổi, khẩn trương trên công trường”.

Chuẩn bị lắp dựng cột

Tuyến đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch- Quỳnh Lưu và Quỳnh Lưu- Thanh Hóa được đầu tư xây dựng nhằm các mục tiêu Tăng cường năng lực truyền tải cho các đường dây 500 kV hiện hữu đảm bảo cấp điện cho miền Bắc, đặc biệt khi xu hướng công suất truyền tải cao theo hướng Trung - Bắc, do phụ tải khu vực miền Bắc có tốc độ tăng trưởng cao. Đồng thời nâng cao độ dự trữ ổn định truyền tải trên giao diện Bắc- Trung, kết hợp với cung đoạn Đường dây 500 kV mạch 3 Thanh Hóa- Nhà máy nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối (Hưng Yên) góp phần tạo mối liên kết mạnh từ trung tâm các nguồn điện Bắc Trung Bộ về trung tâm phụ tải khu vực miền Bắc, là cơ sở quan trọng để vận hành an toàn, tin cậy, ổn định và tối ưu cho hệ thống điện, góp phần giảm chi phí vận hành hệ thống điện. Truyền tải công suất từ các nhà máy nhiệt điện khu vực Bắc Trung Bộ, cũng như các nhà máy năng lượng tái tạo trong khu vực vào hệ thống điện Quốc gia, cung cấp điện ổn định cho trung tâm phụ tải khu vực miền Bắc”.

Dựng cột tại vị trí 133

Dựng cột tại vị trí 167

Để thực hiện đúng tiến độ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã huy động các đơn vị trong Ngành điện, gồm Công ty Truyền tải Điện 1,2, 3, 4; Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Tổng Công ty Điện lực miền Nam và Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh… Tất cả có 66 đơn vị với hơn 1.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật đến hỗ trợ các Nhà thầu thi công. Tại vị trí 55A, nơi hàng chục cán bộ, công nhân đang lắp dựng cột, tôi đã gặp và hỏi chuyện ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Giám độc Công ty Truyền tải Điện 4- TP Hồ Chí Minh, đơn vị hỗ trợ cho Nhà thầu xây lắp Sông Đà 11 và được ông cho biết: “Đơn vị ông ra đây đã hơn 10 ngày và đang tham gia thi công tại 4 địa phương là Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa và nghệ An, tổng cộng là 256 người, trong đó có 230 Công nhân kỹ thuật. Nếu thời tiết thuận lợi thì vị trí 55A này sẽ hoàn thành trước kế hoạch 1 đến 2 ngày. Còn tại vị trí 72, 73 đây là 2 vị trí cột vượt hồ Yên Mỹ thuộc huyện Như Thanh do Công ty Điện lực địa phương- RECO Phú Yên đang tiến hành kéo dây. Ông Lương Công Luận, cán bộ của Công ty Điện lực địa phương- RECO một trong những đơn vị tăng cường, cho biết: Hiện tại đơn vị ông đang chia lực lượng để vừa dựng cột, vừa kéo dây, với phương châm cột dựng đến đâu thì kéo dây đến đấy, tất cả mọi thứ đã sẵn sàng, nếu thời tiết thuận lợi thì chắc chắn sẽ về đích đúng tiến độ. Nói về thời tiết, ông Phan Văn Huệ, Phó Trưởng phòng đền bù Ban A miền Trung, Trưởng ban Chỉ huy Tiền phương 6, cho biết: “Thời tiết ở đây rất khắc nghiệt vì mưa, nắng thất thường. Nắng nóng thì vất vả, mệt nhọc nhưng đỡ lo, còn trời mưa thì rất gian truân vì đường lên các vị trí móng cột rất lầy lội, bởi phần lớn là đường công vụ, nên việc vận chuyển thiết bị, phụ kiện rất khó khăn. Đấy là chưa nói đến khi có giông, sấm thì dù đang trèo cao để dựng cột lắp xà hay lấy độ võng cũng phải xuống ngay để bảo đảm an toàn, nên cũng mất khá nhiều thời gian”.  

Lắp dựng cột tại vị trí 276

Để thực hiện công trình về đích đúng tiến độ, hiện nay Ban Quản lý dự án các Công trình Điện miền Trung cùng với 25 Nhà thầu và các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam được tăng cường đến công trường đang dồn mọi nguồn lực với phương châm “cột dựng xong đến đâu là kéo dây đến đấy”, nhờ vậy mà tình đến nay trên toàn tuyến từ Quảng Trạch đến Thiệu Hóa các đơn vị thi công đã dựng hoàn chỉnh 240/663 vị trí cột và đang dựng sắp hoàn chỉnh 281 vị trí, còn 142 vị trí cuối cùng cũng đang được triển khai lắp dựng. Đã kéo được 12/295 khoảng néo dây và đang kéo 4 khoảng néo khác, dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc vào cuối tháng 6/2024”.

Cột vượt hồ Yên Mỹ

Tháng 6 trên công trình nắng như đổ lửa và khi mưa thì như trút nước, nhưng đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp không khí lao động hối hả khẩn trương với quyết tâm vượt mọi khó khăn để đưa công trình về đích đúng tiến độ. Để đảm bảo tiến độ, Ban Quản lý Dự án các Công trình Điện miền Trung- Cơ quan đại diện Chủ đầu tư đã thành lập 08 Ban chỉ huy tiền phương để trực tiếp giám sát, đôn đốc các Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ cũng như kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc, còn một số Nhà thầu đã cho dựng lán trại ngay tại công trình để giảm bớt thời gian đi lại. Đặc biệt là Công ty Điện lực các địa phương nơi có công trình đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tăng cường để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bởi đây là công trình trọng điểm cấp bách nhằm giải quyết tình thế thiếu điện cho miền Bắc và Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/05/2023 về Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo sơ đồ Quy hoạch Điện VIII. Cũng chính vì tính cấp bách này mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trực tiếp và yêu cầu Chính quyền các địa phương nơi có công trình đi qua phải phối hợp chặt chẽ và đồng bộ với Ngành điện trong việc kiểm đếm, định giá đền bù để bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, nhờ vậy mà đến nay tất cả các vị trí trên toàn tuyến đều đã được bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công khá thuận lợi.

Chuẩn bị kéo dây

Dây đã kéo đợi lấy độ võng

Kéo dây

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tình, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án các Công trình Điện miền Trung, cho biết thêm: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giao Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm Chủ đầu tư Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Nhiệt điện Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Trạm BA 500kV Thanh Hóa. Do tuyến đường dây dài và phải đi qua nhiều địa phương và địa hình phức tạp, nên Công trình được chia làm 02 Dự án”.

Lắp trạm biến áp ở Thiệu Hóa - Thanh Hóa

Dự án 1 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Quỳnh Lưu (Nghệ An) có chiều dài 225,5 km, điểm đầu là Sân phân phối (SPP) 500 kV Trung tâm điện lực Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình và điểm cuối là vị trí D1 cách Trạm biến áp 500 kV Quỳnh Lưu (Nghệ An) 300 mét. Tuyến đi qua địa bàn huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình và Thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, huyện Cẩm Xuyên, huyện Thạch Hà, huyện Hương Khê, huyện Can Lộc, huyện Vũ Quang, huyện Đức Thọ và huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tỉnh. Trên đoạn tuyến này sẽ xây dựng 01 Trạm lặp quang khoảng giữa tuyến đường dây để khuếch đại và chuyển tiếp tín hiệu thông tin. Lắp đặt thiết bị cho 02 ngăn lộ xuất tuyến đường dây đi TBA 500 kV Quỳnh Lưu và lắp đặt 02 ngăn kháng điện bù ngang 500 kV - 90 MVAr.

Dự án 02 từ Quỳnh Lưu đến Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa có chiều dài 92 km, đi qua địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, gồm 200 vị trí móng, xuất phát từ sân phân phối TBA 500kV Quỳnh Lưu và điểm cuối là TBA 500kV Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Đoạn tuyến này đi qua địa bàn huyện Quỳnh Lưu, Thị xã Hoàng Mai của tỉnh Nghệ An và Thị xã Nghi Sơn, huyện Như Thanh, huyện Nông Cống, huyện Triệu Sơn, huyện Đông Sơn và huyện Thiệu Hóa của tỉnh Thanh Hóa… Công trình đường dây 500kV mạch 3 sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành sẽ tăng cường năng lực truyền tải cho các đường dây 500 kV hiện hữu, đảm bảo cấp điện ổn định cho miền Bắc, đặc biệt khi xu hướng công suất truyền tải cao theo hướng Trung- Bắc do phụ tải khu vực miền Bắc có tốc độ tăng trưởng cao. Giảm tải cho các đường dây 500 kV hiện hữu đảm bảo tiêu chí N-1, đặc biệt khi các nhà máy thủy điện miền Bắc phát thấp. Đồng thời nâng cao độ dự trữ ổn định trên giao diện Bắc - Trung, kết hợp với cung đoạn Đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Quỳnh Lưu và cung đoạn Đường dây 500 kV Thanh Hóa- Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 - Phố Nối sẽ góp phần tạo mối liên kết mạnh từ trung tâm các nguồn điện Bắc Trung Bộ về trung tâm phụ tải khu vực miền Bắc vận hành an toàn, tin cậy, ổn định và tối ưu cho hệ thống điện Quốc gia góp phần cung cấp điện ổn định cho trung tâm phụ tải khu vực miền Bắc.

Vượt nắng thắng mưa

Với tinh thần: “Vượt nắng, thắng mưa, ăn trưa tranh thủ, ngủ khẩn trương, thi công 3 ca, 4 kíp”… Đang tạo nên một nhịp điệu thi đua lao động hối hả, khẩn trương trên toàn tuyến. Đây chính là động lực, là niềm tin để Chủ đầu tư và các Nhà thầu khẳng định sẽ đưa công trình về đích đúng tiến độ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.

                                                                                       Phan Sáu

 

Bình luận

    Chưa có bình luận