Bình minh trên biển Chanchu

'Sống ở biển mà không làm nghề biển thì biết làm nghề gì. Không đi biển thì rất nhớ biển'.

 

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn liền với tồn sinh của tự nhiên biển cả, rằng không quý không yêu cái nghề bao đời thì không bao giờ tồn tại. Bởi vậy, ngư dân luôn luôn biết trân trọng, ứng xử tử tế với thiên nhiên biển cả bao la.

“Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm” (Ca dao). Lời nhạc vang ra từ quán cà phê như xốc lại quá khứ kinh hoàng, đau thương của cả làng biển 18 năm trước, khi trận bão Chanchu hung dữ trên biển đã cướp đi cả trăm sinh mạng trai tráng hành nghề câu mực khơi. Làng biển Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam) đã bị cơn bão Chanchu cướp đi 23 mạng người và nhiều tài sản.

Cúi đầu trước biển

Gần hết tháng hai âm lịch, những cuộn sóng cao nghẹo theo gió mùa đông bắc ập vào bờ. Cái dáng liêu xiêu như khó kháng cự trước gió của ông Sáu trong bộ trang phục áo dài, khăn đóng, đôi chân trần lê bước nặng nề vì cát luống. Theo ông là đám trai làng - những “cột mốc sống giữa biển khơi canh giữ chủ quyền biển đảo quê hương” mang vác lễ vật ra biển khẩn cầu.

Cúng biển trước lúc ra khơi.

Tôi quan sát thấy bàn lễ 3 tầng đồ cúng đầy đủ, mọi người đứng trang nghiêm, thành tâm hướng về phía mặt trời mọc. Gió thổi mạnh, ngoài biển sóng lớn tung bọt trắng xóa, thấy hiu hắt đến lạ, khiến người ta hình dung ra sự gian nan của những người hành nghề câu mực khơi ở khu vực biển đảo “Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam” phải đương đầu với sóng to, gió lớn, ẩn chứa rủi ro khó lường.

Khói hương nghi ngút, ông Sáu thành tâm khấn lạy. Tôi hỏi nhỏ: Năm vừa rồi vạn (đoàn) đi câu mực khấm khá chứ? Anh Tám nói: “Nhờ ơn trời đất, ông - bà phù hộ, mùa câu năm rồi tàu bọn tui sau khi trừ chi phí, mỗi người kiếm gần 200 triệu đồng”. Anh chắp tay lạy rồi nói tiếp: “Năm ngoái lượng mực ít nhưng được giá cao, nhờ rứa mà có tiền trang trải cho gia đình, tiền gửi cho con ăn học đại học”. Anh Tám là một trong những người may mắn thoát nạn bão Chanchu. Chuyện biển hên - xui với trời là muôn thuở, chỉ khi tàu về cập bến mới biết lỗ - lời.

Biết là hên - xui nhưng họ vẫn đặt niềm tin vào biển như ông Sáu ngửa tay để 2 đồng xu trên bàn tay phải, tay trái bê cái đĩa, miệng lẩm nhẩm, bàn tay đồng xu ông Sáu quay tròn trên khói hương. Bỗng dưng thả 2 đồng xu xuống đĩa, ông dùng hai tay bê chiếc đĩa dâng cao lên đầu, quỳ khấn xong quay ra cười, nếp nhăn trên gương mặt ông hiện lên dày hơn sóng biển. Mọi người nhìn vào cái đĩa mừng rỡ, cùng nhau chắp tay quỳ lạy.

Không hiểu văn hóa tâm linh của người làng biển, nhưng tôi thấy họ cúi đầu trước khi tàu chuẩn bị hành trình xuất bến ra khơi, đều sắm lễ vật cúng biển, cầu xin bình an và may mắn. Đó cũng là niềm tin làm hành trang họ mang theo, bởi mỗi tàu ra khơi mang theo khoảng 30 người. Mỗi chuyến biển kéo dài ít nhất 1,5 - 2 tháng. Cũng không biết điều ông Sáu cảm nhận và thành kính đó có chạm tới thần linh không, nhưng rõ là Âu hay Á, văn hóa biết ơn là điều không khác.

Những quang gánh không chồng

Trở lại làng Bình Minh lần này thấy đổi thay, khác xưa nhiều quá nhiều. Vẫn những mặt người mà 18 năm trước tôi đã gặp trong hoàn cảnh đau thương nghiệt ngã, làng xóm tan thương bao trùm. Nay không còn nữa, một cuộc sống mới tràn đầy năng lượng như mặt trời vừa ló lên mặt biển đỏ hỏn chiếu rọi hạt cát óng ánh như pha lê.

Nụ cười của những phụ nữ tảo tần buôn cá gánh.

Những người đàn bà tụm lại ngồi bệt trên cát chờ tàu từ khơi vào bờ, một khung cảnh thanh bình bắt đầu. Chỉ có khác chút, bởi xưa kia họ ngồi đó đợi chồng mang cá về rồi gánh đi bán, còn nay họ chờ tàu người khác mang cá về để mua rồi gánh đi bán lại kiếm lời. Dẫu vậy, họ tâm sự rồi nở nụ cười tươi như vừa trúng số độc đắc.

Lắng tai nghe họ nói chuyện mới biết, khi họ cười được là quên bao nhọc nhằn, khổ ải, một mình tảo tần trên đôi gánh cá đã nuôi nấng đàn con mồ côi cha ăn học đến nơi, đến chốn. Nghĩ cái nghề buôn cá gánh đâu phải dễ kiếm tiền. Họ chờ mua cá, xếp cá vào rổ, chồng lên nhau rồi gánh trên đôi vai chạy bộ cả chục cây số bán dạo quanh các xóm làng. Thầm nghĩ những phụ nữ góa phụ làng biển kia là những người vợ, người mẹ vĩ đại.

Những phụ nữ hành nghề gánh cá đều lớn tuổi, người ít tuổi nhất trên 50, người lớn tuổi cũng 65. Hầu hết bờ vai áo đã sờn vì suốt ngày cọ sát với cây đòn gánh tre gồng cả 50 đến 60kg. Tuy vậy ai cũng khỏe, chắc nhờ họ suốt ngày gánh cá, hết cá đến mắm, chạy vài chục cây số mỗi ngày.

Bà Cao Thị Lâu (64 tuổi, thôn Tân An) 18 năm rồi sống côi cút. Ông Lách, chồng bà, vĩnh viễn nằm lại biển khơi. “Ông Lách sức khỏe yếu, đáng ra không đi biển, nhưng vì gánh nặng nuôi con, nghe chủ tàu gọi đã ra khơi câu mực. Gặp bão Chanchu, ông đi mãi không về”. Bà Lâu đưa tay gạt nước mắt nhưng miệng bà vẫn nở nụ cười như chứa đựng sự hạnh phúc vô bờ bởi mình nuôi nấng đàn con trưởng thành.

Gắng gỏi phận mồ côi cha    

Một du khách từ nước Anh xa xôi đến bãi biển Bình Minh nghỉ dưỡng thốt lên: “Biển ở đây đẹp tuyệt vời, con người chất phác thật thà”. Lời của ông cũng như nỗi lòng của những người có mặt trong lễ cúng, chịu ơn từ biển cả bao la dâng hiến mưu sinh cho cuộc sống không biết bao người mà biển chưa hề toan tính. Không chỉ sản vật từ biển, mà cả bãi cát dài vô tận, đẹp mê hồn ở Bình Minh đang cuốn hút du khách trong và ngoài nước.

Ngồi tâm sự với anh Huy, Bí thư Đảng ủy xã Bình Minh, tôi thấy những sắc màu mới đang phát triển trên làng biển cát không còn nghèo này. Chỉ lướt qua dọc đường Thanh Niên, tôi cứ ngỡ đây là một phố thị mới sầm uất, những con đường mới rộng, nhà cao tầng kề sát nhau, xóa hết dấu vết những căn nhà liêu xiêu 18 năm về trước.

“Tính đến tháng 10 năm 2023, toàn xã có 109 tàu đánh bắt khai thác thủy sản, ước đạt gần 12 ngàn tấn, cho thu nhập 506 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 58,16 triệu đồng/người/ năm”, anh Huy - Bí thư Đảng ủy xã Bình Minh nói trong niềm vui.

Từ khi cầu Cửa Đại và tuyến đường Võ Chí Công thuộc diện đẹp nhất nhì miền Trung, kết nối TP. Đà Nẵng, Hội An, Thăng Bình, Tam Kỳ và Khu kinh tế mở - sân bay Chu Lai…, vùng đất Bình Minh trở thành trung tâm dịch vụ du lịch Nam Hội An, các khu resort 5 sao, nhiều khách sạn nghỉ dưỡng đẳng cấp mọc lên làm đổi thay diện mạo một vùng cát nghèo thuở nào, nay phát triển thành khu du lịch được các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đến đầu tư.

Bãi biển Bình Minh luôn cuốn hút du khách.

Dạo quanh xã cố tìm lại 58 em bé ngây thơ mồ côi cha trong nạn bão Chanchu ngày xưa, vẫn không gặp ai. Đứng trưa, nắng như đổ lửa trên đầu, bà Năm bán cá dạo mới về nhận ra tôi liền hồ hởi hỏi: “Chú đi mô rứa? Mời vô nhà uống nước”. Lời mời vừa thật thà, vừa mệt vì nắng. Nghe tôi trả lời, bà chỉ nhà bên cạnh: “Con bé Na đi học mới về”. Nghe tiếng hỏi, bé Na mở cổng “chào chú”. Tôi ngạc nhiên, cô bé 3 tuổi hồn nhiên ngày ba mất tích trong bão Chanchu nay ra dáng thiếu nữ xinh đẹp.

Bé thắp nhang, tôi thấy di ảnh của ba bé Na luôn cười rạng rỡ, chắc ông cười mãn nguyện với thành tích học tập của con mình. Quanh căn phòng thờ toàn là giấy khen thành tích học tập của 3 đứa con. Sau bão Chanchu, tôi ghé nhà bé Na chỉ mới 3 tuổi, chị gái 5 tuổi, em trai mới vừa tròn 1 tuổi.

“Mời chú ngồi uống nước, chờ cháu một chút, cháu đang nấu ăn lỡ dở”. Nhìn những khung giấy tiếng Nhật, tôi hỏi: “Đây là cái chi”? Bé Na cười rồi trả lời: “Dạ đó là bằng khen và giấy chứng nhận học bổng toàn phần bên Nhật Bản cấp cho chị Hai con”. Câu nói như xua đi cái nóng kinh hồn.

“Chị con đang học năm cuối bên Nhật, con học năm 3 Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, còn em trai con đang học bồi dưỡng tiếng Đức ở Đà Nẵng để vài bữa nữa qua Đức du học”. Uống ngụm nước, bé Na nói thêm: “Từ ngày ba mất vì bão biển, bạn con lớn lên thấy mẹ cực khổ nên chị em động viên nhau cố gắng học để sau nay giúp mẹ. Từ khi bọn con đi học ĐH, tự học, tự làm thêm để trang trải. Nay phải giúp mẹ nuôi em trai du học”. Đứng trưa, mồi cá thơm từ căn bếp tỏa ra cả nhà. Anh Bí thư xã gọi tôi cho biết: “Trong số 58 em mồ côi cha trong bão Chanchu ấy, thì nay có gần 40 em đang học đại học, hơn 20 em đang du học nước ngoài, còn lại số ít đang làm nhân viên tại các khu resort, khách sạn quanh xã.      

Ra về, tôi nhớ lời ông già có 3 con trai bị mất tích trong bão Chanchu từng nói: “Sống ở biển mà không làm nghề biển thì biết làm nghề gì. Không đi biển thì rất nhớ biển”. Ông nói, những người đàn ông sinh ra từ biển như những chú rùa nở ra từ cát biển, sinh thành trứng từ huyết của rùa mẹ và im lặng dưới lớp cát nghe rung động sống vỗ về…./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận