Hơn 10 năm gắn bó với những lớp học chữ viết của người Thái ở xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, thầy giáo Lò Văn Thắng không chỉ truyền dạy chữ viết của người Thái, ông còn trao truyền cả tình yêu đối với văn hóa truyền thống của dân tộc cho nhiều thế hệ người Thái ở Mộc Châu.
Không có chữ viết, văn hóa sẽ bị lãng quên
Nhận tin mình có tên trong danh sách phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian vừa được Chủ tịch nước phê duyệt đầu tháng 3/2019, Nghệ nhân dân gian Lò Văn Thắng (bản Nà Bó 1, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu) có đôi chút bất ngờ. Ông chia sẻ: “Mình cũng không mong nghệ nhân hay gì đâu. Mình là nhà giáo, về hưu rồi, yêu văn hóa, tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình nên muốn truyền dạy cho mọi người để cùng nhau giữ gìn, bảo vệ văn hóa của dân tộc mình thôi. Mình chỉ lo lớp trẻ bây giờ không chịu học, không chịu tìm hiểu văn hóa của dân tộc. Văn hóa người Thái đã hàng nghìn năm rồi, rất đặc sắc và giá trị, để mai một đi là có tội đấy…”.
Xuất phát từ tình yêu đối với vốn quý văn hóa dân tộc mình, từ nỗi niềm đối với tương lai của văn hóa người dân tộc Thái, Nghệ nhân dân gian Lò Văn Thắng đã cùng với những người tâm huyết, tổ chức lớp dạy chữ viết của người Thái lần đầu tiên vào năm 2007. Lớp học được đặt tại nhà của Bí thư chi bộ bản Nà Bó 1 với 12 học viên, đều là những người già trong bản.
“Những ngày đầu, khi vận động bà con trong bản đến lớp học tiếng của dân tộc mình, lớp học gặp rất nhiều khó khăn. Những người tham gia lớp học đều là người cao tuổi, khả năng tiếp thu không còn như lớp trẻ. Những thanh niên trẻ trong bản thì không muốn học vì họ nghĩ “học cũng chẳng dùng làm gì”. Bởi vậy, lớp chỉ có 12 “học sinh già”, học ở khoảng sân trước nhà bác Bí thư bản, bàn ghế có sao dùng vậy, bút vở, bảng phấn đều do mọi người tự trang bị. Lớp học vô cùng đơn sơ, giản dị”, thầy Thắng chia sẻ.
Mô hình giáo dục tự nguyện, người học không phải đóng học phí, người dạy học không thu tiền, tất cả đều tự nguyện dạy và học chữ viết. Lớp học tiếng và văn hóa của người Thái do thầy Lò Văn Thắng gây dựng đã nhanh chóng được nhân rộng ra nhiều thôn bản, nhiều xã trên địa bàn huyện Mộc Châu. Học viên giỏi khóa trước lại trở thành giáo viên dạy học cho các khóa sau. Cũng bởi vậy mà sự giao lưu văn hóa và những sinh hoạt cộng đồng giữa các thôn bản ngày càng gắn bó hơn.
Bà Lường Thị Thay, một trong số 12 học sinh của lớp học tiếng Thái đầu tiên, nay đã trở thành giáo viên dạy chữ Thái ở nhiều lớp học trên địa bàn xã Mường Sang, vui vẻ kể: “Lớp ngày xưa toàn người già thôi, giờ thì khác rồi, trẻ già đủ cả. Các cháu học sinh ngoài những ngày đi học ở trường, ngày nghỉ rất nhiệt tình tham gia lớp học này để biết thêm cái chữ của người Thái mình”.
Các lớp học tiếng Thái theo mô hình giáo dục tự nguyện ở Mộc Châu hiện nay được tổ chức vào 2 ngày cuối tuần, nếu vào dịp các cháu học sinh nghỉ hè thì tổ chức thêm 2 buổi tối tại nhà văn hóa cộng đồng. Sau hơn 10 năm, các lớp học tiếng Thái cũng khang trang hơn trước nhờ sự đóng góp của người dân.
Ông Vi Văn Lít, phó bản Nà Bó 1 chia sẻ: “Bàn ghế, trang thiết bị dạy học được gia đình anh Vi Văn Hà ủng hộ, lại mượn được nhà văn hóa cộng đồng làm nơi dạy học, thầy giáo Thắng tài trợ toàn bộ sách học tiếng Thái theo giáo trình đã được thầy xây dựng và tham khảo thêm. Vì thế, việc dạy và học có chất lượng hơn trước nhiều. Thấy người già đi học, lớp trẻ cũng học theo. Từ đó mà phong trào dạy và học tiếng Thái được nhân rộng. Đến nay, hầu hết người dân trong bản Nà Bó 1 đều có thể đọc thông, viết thạo tiếng Thái”.
Không chỉ là chuyện “học cái chữ của người Thái”
Việc dạy và học tiếng Thái, chữ viết của người Thái không đơn giản là viết và đọc. Giữ gìn tiếng nói và chữ viết là phương pháp tối ưu và bền vững cho công tác bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc.
Bà Lường Thị Thay chia sẻ, mẹ bà là thầy cúng của bản, ngoài những bài văn cúng, cụ cũng là người thuộc rất nhiều những bài thơ, câu truyện cổ, những huyền thoại của người dân tộc Thái ở Tây Bắc. Tuy nhiên, ngày trước việc truyền dạy cho nhau chỉ nhờ vào học truyền khẩu, lâu rồi sẽ quên. Nhiều phong tục thờ cúng, lễ hội, văn hóa của người Thái cũng theo đó mà mai một đi. Nay nhờ có việc học tiếng Thái mà những bài văn, thơ, câu chuyện, phong tục tập quán của mẹ được bà Thay chép lại cẩn thận, trao truyền lại cho con cháu.
“Văn hóa truyền miệng đã khiến cho nhiều truyền thuyết, truyện cổ hay ca dao dân tộc bị tam sao thất bản, những giá trị văn hóa, lịch sử của người Thái không được lưu truyền nguyên vẹn, có nguy cơ bị mai một dần. Cách duy nhất để bảo tồn là mọi người phải đọc thông viết thạo, vì như vậy, những nét văn hóa, kiến thức, kinh nghiệm sẽ được ngôn ngữ văn tự lưu giữ lại chính xác, lâu dài. Dạy và học viết chữ của người Thái không đơn thuần là chuyện con chữ, đây là câu chuyện bảo tồn, trao truyền văn hóa dân tộc Thái cho mai sau, để văn hóa, lịch sử của người Thái như dòng suối chảy mãi không ngừng”, nghệ nhân Thắng bày tỏ.
Được biết, chính quyền xã Mường Sang, huyện Mộc Châu đánh giá rất cao hiệu quả của những lớp học miễn phí của thầy Thắng. Huyện đã có chủ trương hỗ trợ các mô hình lớp học, khuyến khích nghệ nhân Lò Văn Thắng tiếp tục nhân rộng mô hình này tới các địa bàn khác trên toàn huyện./.
Thầy giáo Lò Văn Thắng là 1 trong 3 nghệ nhân dân gian của huyện Mộc Châu có tên trong danh sách phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian vừa được Chủ tịch nước phê duyệt đầu tháng 3/2019, với những đóng góp của mình trong việc bảo tồn, trao truyền ngôn ngữ, chữ viết và văn hóa của người dân tộc Thái ở Mộc Châu, Sơn La.
|