Chúng tôi được nghe các cụ kể về chiến công oanh liệt, những kỷ niệm chẳng thể nào quên của những ngày chiến tranh ác liệt.
Hồi ức về chiến công xưa
Sau những thất bại liên tiếp của ngụy quyền Sài Gòn, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” mà chính quyền Mỹ nuôi nhiều hy vọng thắng lợi đã hoàn toàn sụp đổ. Để cứu vãn tình thế, Tổng thống Mỹ L.Giôn - xơn - kẻ đại diện cho phe hiếu chiến Mỹ đã tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mỹ vào miền Nam - Việt Nam, đồng thời đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân ngày càng ác liệt.
Ở Thanh Hóa, chúng tập trung đánh phá những khu vực kinh tế trọng điểm, khu vực đông dân cư, tuyến đường vận chuyển huyết mạch như: Phà Thắm (Nga Sơn), kênh De (Hậu Lộc), cầu Hàm Rồng… nhằm cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến.
Buổi tập bắn súng của Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc . Ảnh Tư Liệu do UBND xã Hoa Lộc cung cấp.
Trước tình hình đó, tháng 5/1967, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa đã mở lớp huấn luyện ngắn ngày cho một số đồng chí trong các đơn vị nữ. Ngày 1/6/1967, Hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy xã Hoa Lộc được tổ chức tại gia đình cố Xung. Hội nghị đã quyết định thành lập đơn vị nữ dân quân trực chiến.
Đơn vị nữ dân quân Hoa Lộc gồm 14 chiến sĩ, do đồng chí Hoàng Thị Mợi làm trung đội trưởng. Những cô gái tuổi đời còn rất trẻ, có người còn đang ngồi trên ghế nhà trường, nhưng vì độc lập, tự do của dân tộc, họ đã gác lại mọi ước mơ để nhận nhiệm vụ bảo vệ bầu trời, kho thóc và tuyến đường huyết mạch từ Bắc vào Nam.
Bà Trịnh Thị Cần, Trung đội phó Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc, nay đã ở tuổi 75, hồi tưởng: Ngày ấy, Trung đội được huấn luyện trong 11 ngày, vừa học lý thuyết, vừa thực hành về cách sử dụng súng. Đội nữ dân quân đã được cấp trên giao cho 3 khẩu súng phòng không 12,7mm và chọn khu đất cồn bãi ở Đông Ngàn, cách làng không xa, thuộc khu vực kênh De (đây là nơi trọng điểm, địch tập trung đánh phá rất ác liệt) làm nơi bố trí trận địa. Chúng tôi miệt mài ngày đêm theo dõi, quan sát để rút ra quy luật hoạt động của chúng. Việc tập bắn súng đối với phụ nữ là khó lắm, súng lại có nhiều bộ phận phức tạp nhưng ai cũng quyết tâm tập luyện. Khoảng 15h chiều ngày 16/6/1967, trong khi cả trung đội đang luyện tập thì trên bầu trời bất ngờ xuất hiện hai tốp máy bay của địch, bay vòng vào trận địa. Ba khẩu súng đồng loạt nhả 21 viên đạn. Chiếc máy bay A4D trúng đạn. Thấy vậy, cả tốp máy bay quay đầu tháo chạy ra biển. Lúc ấy, cả làng hô hoán hò reo, còn chúng tôi vui mừng đến mức chỉ biết ôm nhau mà khóc nức nở.
Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh
Nhớ lại những ngày tháng hào hùng, bà Nguyễn Thị Thứ, 73 tuổi, thôn Hoa Trung, xã Hoa Lộc (xạ thủ của Trung đội) tiếp lời: “Tôi còn nhớ như in lời của Bác Hồ trong lá thư khen ngợi gửi cho Trung đội: “Bác rất vui lòng khen các cháu đã chiến đấu giỏi và bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ. Bác gửi tặng mỗi cháu một huy hiệu. Bác mong các cháu hãy phát huy những điểm tốt: chăm học, chăm làm, sản xuất giỏi, đánh giặc giỏi cùng với bà con địa phương giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa…”. Từ những lời khen ngợi, động viên của Bác, chị em trong Trung đội như được tiếp thêm sức mạnh, động lực, không sợ khó, sợ khổ, càng hăng say luyện tập để nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu. 5 tháng sau, ngày 2/11/1967 đơn vị lập công bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 2; và ngày 30/7/1972 đơn vị lại tiếp tục bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 3
Trung đội nữ dân quân xã Hoa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) Ảnh: Tư Liệu do UBND xã Hoa Lộc cung cấp.
Ngày ấy, cả nước nhiệt liệt hoan nghênh và cổ vũ chiến công của chị em, hàng chục thư khen, thư giao ước thi đua của tập thể, cá nhân trong tỉnh và trên miền Bắc gửi đến Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc. Khắp nơi trong tỉnh đã dấy lên một phong trào thi đua sôi nổi. Trận địa đơn vị trở thành trung tâm trao đổi kinh nghiệm bắn máy bay của hầu hết các trung đội nữ dân quân trong tỉnh.
Những chiến công bắn rơi máy bay Mỹ của Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc vang khắp, nhiều đoàn báo chí trong và ngoài nước đã về đây ghi lại chiến tích hào hùng của các chị em, những người đã dũng cảm bắn rơi chiếc máy bay tối tân của quân đội Mỹ vào thời điểm bấy giờ. Đó là biểu hiện cao quý về đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, về tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”; là kết quả rực rỡ của phong trào thi đua “3 giỏi”, phong trào “phụ nữ ba đảm đang”, phong trào “giết giặc lập công” và phong trào xây dựng những đơn vị “Quyết thắng” trong dân quân tự vệ.
Tấm lòng tri ân sâu sắc
Nhằm tri ân và tôn vinh chiến công vẻ vang của Trung đội dân quân gái anh hùng xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân, tháng 4/2018, Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa đã đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng mô hình trận địa Đông Ngàn và tượng đài Trung đội nữ dân quân xã Hoa Lộc.
Ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Dự án Khu di tích lịch sử trận địa Đông Ngàn và tượng Đài Trung đội dân quân tại xã Hoa Lộc là dự án có ý nghĩa quan trọng, đây là công trình tri ân, tôn vinh những cống hiến, chiến công trong chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước của Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc.
Ông Phạm Đăng Quyền cũng đánh giá cao công tác chuẩn bị đầu tư dự án của huyện Hậu Lộc, đã sớm có phương án thiết kế mặt bằng tổng thể khu di tích và phương án kiến trúc xây dựng tượng đài. Đồng thời, giao cho UBND huyện Hậu Lộc và các sở ban ngành hữu quan triển khai thực hiện dự án một cách có hiệu quả.
Biết được các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương xây dựng di tích trận địa Đông Ngàn và tượng đài Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc, bà Trịnh Thị Cần xúc động lắm. Bà Cần bảo, giờ đã ở cái tuổi gần đất xa trời, với cương vị là người trong cuộc, hơn ai hết bà rất tự hào, xúc động trước sự quan tâm chu đáo của Đảng và Nhà nước. Đồng thời rất mong mỏi dự án được triển khai nhanh chóng để bà con sớm được nhìn thấy công trình đầy ý nghĩa này.
Bà Trịnh Thị Cần, một trong 14 nữ dân quân của Trung đội gái Hoa Lộc, đang kể cho PV về chiến công oanh liệt, những kỷ niệm chẳng thể nào quên của những ngày chiến tranh ác liệt.
Ông Trịnh Quốc Phượng, Chủ tịch UBND xã Hoa Lộc cho biết: “Những cống hiến, hy sinh của các cô gái Trung đội Hoa Lộc và nhiều người con Hoa Lộc đã đóng góp chung vào công cuộc bảo vệ đất nước. Khu di tích lịch sử trận địa Đông Ngàn và tượng đài Trung đội nữ dân quân tại xã Hoa Lộc sẽ là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau…”
Trung đội nữ dân quân xã Hoa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) là đơn vị dân quân du kích đầu tiên của cả nước bắn rơi máy bay địch bằng súng bộ binh, được Bác Hồ gửi thư khen, được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, Huân chương Lao động hạng Ba cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. |