Bên li cà phê chiều Ban Mê, vị đại tá, người pháo thủ năm xưa dội lửa vào Tà Cơn, Đường 9, Khe Sanh, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Thành Cổ Quảng Trị… kể rành rẽ những chi tiết ông nhớ nằm lòng, dù cuộc chiến đã tắt hơn 40 năm rồi. Ông nhìn xa xăm:
- Cậu nên nhớ, Ngã Sáu là hợp điểm của 6 con đường qua trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Đây là giao điểm của quốc lộ 26 chạy theo hướng Đông - Tây và quốc lộ 14 chạy theo hướng Bắc - Nam. Chính vì vị trí trung tâm xung yếu như vậy, nên trong trận tiến công hồi 75, đây là địa điểm xảy ra giao tranh dữ dội. Và đó cũng là trận then chốt, quyết định của chiến dịch Tây Nguyên, tựa hồ cơn địa chấn rung chuyển cả chiến trường miền Nam.
- Thưa Đại tá, có phải vì vậy mà sau ngày thống nhất đất nước, tỉnh Đắc Lắc quyết định xây dựng Tượng đài chiến thắng ở chỗ này?
- Đúng thế, chính quyền quyết định xây một bệ cao và đặt lên đó một chiếc xe tăng. Lúc đầu là chiếc T34-85 mang số hiệu 945 - một con số mang ý nghĩa tượng trưng cho thời điểm giành độc lập của đất nước, chứ thực ra, xe tăng T34-85 là loại xe cũ và không hề tham gia đánh Buôn Ma Thuột.
- Sau rồi thế nào?
- Sau rồi, mãi tới năm 1997, tỉnh Đắc Lắc quyết định xây dựng lại tượng đài và thay chiếc xe tăng T34-85 bằng chiếc xe tăng T.54 mà mọi người thấy bây giờ đây. T.54 là loại xe tăng chủ công trong mỗi trận đánh hồi đó.
Nhớ về chiến dịch Hồ Chí Minh ngày ấy, người đầu tiên thổ lộ gan ruột với tôi là một Thượng tá, giảng viên Khoa chiến lược - chiến thuật của Học viện lục quân Đà Lạt. Ông cũng là nhà thơ, đồng hương Vụ Bản - Nam Định với tôi. Ông nhớ rành rọt, khúc triết :
- Là sĩ quan tham mưu chiến dịch, lại nhiều năm đứng trên bục giảng chuyên về chiến lược, chiến thuật, tham gia bao nhiêu đề tài khoa học quân sự, thiết kế đủ thứ giáo trình, giáo án tầm cỡ học viện, tớ làm sao quên được những ngày tháng rạng rỡ ấy, bài ca không quên mà…
- Vâng, nhưng ông sẽ kể bắt đầu từ đâu ạ?
- Về hình thức thì chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch tiến công chiến lược; không gian là Thành phố Sài Gòn và vùng lân cận; Thời gian từ 26/4 đến 30/4/1975. Về tương quan lực lượng: Bộ đội ta gồm các quân đoàn bộ binh 1, 2, 3, 4, 232 (tổng cộng 15 sư đoàn); các trung, lữ đoàn bộ binh; 4 trung, lữ đoàn tăng - thiết giáp; 6 trung đoàn đặc công và các đơn vị hỏa lực, kỹ thuật khác. Tổng cộng 240.000 quân, 400 xe tăng, thiết giáp, 420 pháo… Phía bên kia gồm có 5 sư đoàn bộ binh là 22, 25, 5, 18 và sư đoàn thủy quân lục chiến; 2 lữ đoàn dù 1, 4; lữ 3 kỵ binh thiết giáp; 4 liên đoàn biệt động quân, bảo an và các đơn vị khác. Tổng cộng 240.000 quân, 625 tăng, thiết giáp, 400 pháo…
- Lực lượng là tương đương, còn diễn biến thế nào?
- À, bộ đội ta và các lực lượng phối thuộc xóa sổ quân đoàn 3 và toàn bộ các lực lượng tăng cường, diệt và làm tan rã quân đoàn 4 cùng tất cả các lực lượng bên kia còn lại trên chiến trường; giải phóng Sài Gòn – Chợ Lớn, đòn quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng trước đòn quyết định này phải kể đến chiến dịch Tây Nguyên.
- Vâng, ông nói về chiến dịch Tây Nguyên đi!
- Chờ tớ ba mươi giây gọi về miền kí ức… Là thế này, chiến dịch Tây Nguyên diễn ra từ 4/3 đến 3/4 năm 1975. Tớ nhớ mật danh chiến dịch là 275. Với cuộc tiến công ngày 10/3 vào Buôn Ma Thuột, cánh Nam của Quân đoàn 2 - Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã bị sụp đổ. Những nỗ lực tái chiếm Buôn Ma Thuột trong các trận phản công từ ngày 11 đến 13/3 đều thất bại. Ngày 14 tháng 3, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu, đồng thời là Tổng tư lệnh Quân lực Việt Nam Cộng hòa lúc đó đã quyết định rút quân trên toàn địa bàn Tây Nguyên về giữ miền duyên hải Trung bộ. Ba ngày sau đó, hầu như toàn bộ Quân đoàn 2 - Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã tan rã trong cuộc rút quân định mệnh.
- Chắc ông còn nhớ các tướng chỉ huy mặt trận Tây Nguyên dạo đó?
- Lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tham chiến tại Mặt trận Tây Nguyên tháng 3 năm 1975 ban đầu được đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên (mật danh 275) trên cơ sở tổ chức lại Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3) trước đây. Ngày 5 tháng 2 năm 1975, Bộ Tư lệnh được thành lập do Trung tướng Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh, Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm chính uỷ, Thiếu tướng Vũ Lăng (nguyên Cục trưởng Cục tác chiến) và các đại tá Phan Hàm, Nguyễn Năng, Nguyễn Lang làm Phó tư lệnh. Đại tá Phí Triệu Hàm làm Phó chính uỷ, Đại tá Hồ Đệ làm Tham mưu trưởng Quân đoàn kiêm Sư trưởng sư 10, sau làm Phó Tư lệnh quân đoàn 3. Đầu tháng 3 năm 1975, các lực lượng của ta được bố trí gồm các cụm Buôn Ma Thuột, Đức Lập, Thuần Mẫn, Cụm đường 14, Sư đoàn 968, Sư đoàn bộ binh 320A, Khu vực đường 21, Sư đoàn 2, trung đoàn 95A, Khu vực đường 19…
- Có phải chiến dịch này đã tạo nên một khoảng trống rất lớn trong tuyến phòng thủ của Quân lực Việt Nam Cộng hòa?
- Đúng vậy, chiến dịch này đã tạo nên những đột biến lớn trên chiến trường, nhờ đó chỉ trong 55 ngày mùa xuân năm 1975 đã chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước sau 21 năm bị chia cắt…
Và, đúng như lời kể của nhà thơ đồng hương với tôi cũng như vị đại tá – pháo thủ đã nói, ngày 30 tháng 4 năm 1975 đội quân kiêu hùng - bộ đội Cụ Hồ đã tiến vào Sài Gòn trong rừng hoa, rừng cờ, trào dâng nụ cười và nước mắt ngày gặp mặt.
Tôi nhấp môi những giọt cuối cùng trong ly cà phê với vị đại tá – pháo thủ ở Ngã Sáu Ban Mê. Tảng sáng, trời Tây Nguyên lặng phắc và buốt lạnh. Ra về, trong lòng tôi còn vang câu hát đêm qua, làm tôi nhớ về những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống, nay hóa thân vào khúc hát bình yên nơi đại ngàn. Lời hát, giọng ca cứ vút lên, vút lên xa xanh./.
Tây Nguyên, đêm tháng 3. 2019
N.H