Giảm bớt gánh lo cho người nghèo

Ngày càng nhiều bạn trẻ chọn 'cho đi' để san sẻ bớt phần nào khó khăn với những mảnh đời kém may mắn.

 

Dù vẫn tất bật với cuộc mưu sinh và thu nhập chẳng cao, nhưng ngày càng nhiều bạn trẻ chọn “cho đi” để san sẻ bớt phần nào khó khăn với những mảnh đời kém may mắn. Một suất cơm nóng, một phần quà nhỏ mà chất chứa bao ân tình.

“Cơm treo” nghĩa tình

Đầu năm 2024, trong một lần vô tình lướt internet, Lê Thành Công (chủ quán cơm tấm Thanh Niên ở huyện Hóc Môn, TP.HCM) thấy thích thú với mô hình chia sẻ đậm tính nhân văn mang tên “Caffé sospeso - Cà phê treo” tại Ý. Đoạn video trên mạng vừa kết thúc, Công vội vàng vào Google tìm hiểu sâu hơn về cách người Ý “treo” cà phê để mang đến niềm vui cho người nghèo trong cộng đồng. Lướt một vòng quanh quán cơm quen thuộc của mình, Công nảy ra ý tưởng: “Hay mình đặt cái thùng trước quán, thử nghiệm mô hình “Cơm treo” xem sao. Ban đầu cứ tự “treo” rồi giới thiệu mọi người cùng chung tay. Mỗi người giúp một ít sẽ có thêm nhiều cụ ông, cụ bà neo đơn đỡ lo bữa tối”. Ngay hôm sau, một thùng giữ nhiệt màu đỏ được Công đặt trước quán. Những hộp cơm nghĩa tình đầu tiên được Công chuẩn bị, đặt gọn gàng vào trong.

Lê Thành Công miệt mài với mô hình “Cơm treo” đầy ý nghĩa.

Tan tầm, thấy mấy cụ già neo đơn thuê trọ gần đó thui thủi quay về sau giờ bán vé số, lượm ve chai, Công dặn nhân viên trong quán ra gặp các cụ giới thiệu về mô hình “Cơm treo”. Cầm trên tay suất cơm nóng hổi, đủ món mặn và canh, nhiều cụ già vẫn chưa tin, hỏi lại: “Là miễn phí luôn hả con? Cơm với thức ăn ngon quá. Có suất cơm này, tối nay ông không lo phải đi ngủ với cái bụng đói rồi. Làm cơm từ thiện mà chu đáo quá, cảm ơn tụi con!”. Ban đầu, mỗi ngày Công trích một phần lợi nhuận của quán làm “Cơm treo”. Được vài tháng, anh quyết định lan tỏa thông tin để ngày càng nhiều cụ già neo đơn, người khó khăn được dùng bữa tối “0 đồng”. Mở cửa hơn một năm nay, quán cơm tấm của Công có nhiều mối ruột, anh tin thế nào cũng tìm ra người đồng hành.

Công soạn sẵn tờ giấy, bên trên ghi nội dung: “Đêm nay các em và cô chú khó khăn sẽ không sợ đói nữa vì đã có những phần “cơm treo” của bạn. Chúng ta hãy gửi những phần cơm vào cây phía trước nhé! Hãy cho đi ngay khi chỉ có một chút”. Không ngoài dự đoán, các tờ giấy được dán lên tường chưa lâu, khách ghé ăn đã ngỏ lời tiếp sức. Mỗi suất cơm tại quán, Công bán với giá từ 35.000 đến 50.000 đồng. Suất “cơm treo” chất lượng tương đương, Công đưa ra mức giá ước lượng là 40.000 đồng. Theo đó, Công chịu một nửa, khách nhờ “treo” cơm cho người nghèo chỉ cần góp 20.000 đồng cho một lần giúp. “Ghé ăn và thấy chương trình hay quá nên tôi với bà xã gửi vài suất cơm nhờ quán chuyển tặng người cần. Các bạn trẻ bây giờ có nhiều cách chia sẻ với cộng đồng vô cùng thiết thực, gần gũi nên nếu có thể giúp được gì, tôi sẵn lòng”, anh Nguyễn Thanh Tâm, thực khách của quán phấn khởi cho hay.

Thành phố vào mùa mưa, buổi chiều quán cơm thưa khách, đồng nghĩa với việc các suất “cơm treo” sẽ ít đi. Canh gần đến giờ các cụ già quay về xóm trọ, Công lại dúi nhân viên vài hộp cơm, nói lẹ lẹ đặt vào thùng. Công nói, cái thùng trước quán giờ đã thành niềm vui của nhiều người nên nếu hôm nào đó mở ra không thấy cơm, chắc họ buồn lắm. “Vậy nên, quán không dư dả, tôi cũng cố vun vén để tặng bữa tối cho người cần. Khách nhận cơm toàn các cụ ông, cụ bà sống một mình, chật vật đủ đường, mình còn khỏe, chia sẻ được thì phải nỗ lực hết sức. Chỉ mong tại thành phố sẽ có thêm nhiều quán làm “cơm treo”, “nước treo” hay bất cứ món quà nào thiết yếu để người nghèo giảm bớt nhọc nhằn”, Công chia sẻ.

Suất cơm đặc biệt được nấu bằng tình thương yêu, sự quan tâm của cộng đồng.

Bà Sương là “khách ruột” của thùng “Cơm treo”. Bà nhận cơm đều đặn mỗi ngày, thành ra bữa nào không thấy, Công biết chắc người phụ nữ bệnh nặng, đau nhức không di chuyển được. Trước khi bệnh gan trở nặng, bà bán vé số dạo, thu nhập đủ trả tiền trọ, sinh hoạt phí. Gần một năm nay, bà mệt, ra vào viện thường xuyên, xài hết cả tiền tiết kiệm lẫn vốn, giờ chỉ biết đi lượm ve chai kiếm sống qua ngày. Nghe quán của Công tặng cơm, bà rụt rè tìm đến. Lần đầu tiên mở thùng thấy hộp cơm đầy đặn nằm bên trong, lòng bà hạnh phúc. Với bà, đó là suất cơm đặc biệt. Nó được nấu bằng tình thương yêu, sự quan tâm của cộng đồng.

Chỉ mong người già bớt khổ

Hôm ghé thăm bà Nguyễn Thị Mây, Nguyễn Đình Sơn (28 tuổi, ở quận Gò Vấp, TP.HCM) thở phào nhẹ nhõm khi giờ đây bà đã khỏe hơn, phòng ốc cũng sạch sẽ, gọn gàng hơn. Dắt Sơn vào nhà, bà Mây háo hức chỉ trên căn gác xép, nói như khoe: “Nhờ con kết nối mà phòng trọ của bà được làm mới hết. Các bạn không chỉ sơn sửa mọi chỗ mà còn mua cho bà nệm gối, đồ dùng nữa. Nếu không có con, chắc bây giờ bà vẫn vật lộn với mớ ve chai, rác rến trong nhà rồi”. Sơn nắm tay cụ bà 75 tuổi, động viên: “Bà bệnh nặng, lại ở một mình nên cần có chỗ ở an toàn, sạch sẽ. Con không có nhiều tiền nhưng khi bà gặp khó hãy gọi con nhé!”. Bà lão gật đầu, nghẹn ngào vì xúc động.

Với Sơn, việc lượm ve chai để được gặp gỡ, trò chuyện với những mảnh đời khó khăn là điều nên làm.

Gần hai năm trước, trong một đêm dắt xe đạp đi lượm ve chai kiếm tiền mua thức ăn, bà Mây nghe tiếng ai đó gọi “Bà ơi! Bà ơi!”. Chậm rãi quay lại, bà Mây nhìn thấy một chàng trai trẻ ngồi trên xe đạp thể thao, phía sau có một thùng xốp rất lớn, trên vai đeo chiếc sọt nhựa đựng đầy chai lọ. Sơn tự giới thiệu về bản thân và hỏi thăm về hoàn cảnh của bà Mây. Hai bà cháu ngồi tạm trên vỉa hè, bắt đầu câu chuyện. Khi bà Mây chuẩn bị gói ghém đồ đạc ra về, Sơn vui vẻ hỏi: “Bà ơi, cho phép cháu gửi tặng bà một món quà được không?”. Sơn cầm trên tay hai chiếc phong bì đỏ và nói bà Mây hãy chọn một cái. Mở phong bì may mắn, bà Mây thấy 200.000 đồng thì cười giòn tan: “Ôi bà may mắn thế! Cảm ơn cháu nhiều”. Bà Mây chưa kịp đi, Sơn đã trút toàn bộ ve chai anh vừa lượm được vào chiếc túi trên chiếc xe đạp cà tang của bà. Anh muốn bà đem chỗ ve chai đó về bán để bữa cơm có thêm chút rau củ, trái cây. Sơn xin số điện thoại bà Mây vì muốn giữ liên lạc, thi thoảng hỏi thăm.

Tưởng cuộc gặp tình cờ sẽ dừng ở đó, một tuần sau, khi đang dọn dẹp phòng, bà Mây nghe tiếng gõ cửa. Biết Sơn ghé thăm, bà vừa mừng, vừa ngạc nhiên. Thấy nơi trọ của cụ bà không đảm bảo cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, Sơn tìm cách kết nối, nhờ bạn bè chung tay sơn sửa lại. Vài ngày sau đó, bà Mây có được căn phòng mới và rất nhiều vật dụng phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Ngày đưa bạn bè qua chơi, nhìn vào ánh mắt bà Mây, Sơn nhận ra, hạnh phúc đôi khi nằm trong những điều giản đơn như thế.

“Điều khiến tôi vui chẳng phải sự nổi tiếng trên mạng hay các lời cảm ơn mà chính là nụ cười của những cụ ông, cụ bà tôi có dịp gặp gỡ, chuyện trò. Mình trao đi sự yêu thương và nhận về ánh mắt ấm áp, nụ cười hiền hậu, như vậy cuộc đời đã thêm phần ý nghĩa”.

Anh Nguyễn Đình Sơn

Không chỉ bà Mây, Sơn còn dành thời gian đi lượm ve chai tặng cho rất nhiều người già anh vô tình thấy trên đường. Đó là cách Sơn chọn khi muốn làm quen và tìm hiểu câu chuyện của những mảnh đời vất vả đang sống xung quanh mình. Mỗi tuần, Sơn dành vài tối trò chuyện với người lạ và tặng họ chút quà. Khi Sơn chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội, nhiều người liên hệ vì muốn chung tay. Sơn vui lắm vì đa phần là các bạn trẻ, học sinh - sinh viên. Bạn gửi ve chai về tận nhà Sơn, bạn hẹn giờ cùng nhau đi lượm ve chai, người thì góp ít quà cho các cụ ông, cụ bà neo đơn… Không ít chủ quán ăn, nhà hàng trong quận thấy việc Sơn làm ý nghĩa cũng dành tặng rất nhiều chai lọ đã qua sử dụng.

Từ việc một mình đi lượm ve chai và tặng quà động viên người nghèo, về sau, khi các nguồn hỗ trợ tăng lên, Sơn tạo luôn vựa ve chai để tiện thu gom phế liệu, bán lấy tiền tặng cho người nghèo. Sơn cho hay, phần việc này giúp anh cảm nhận rõ sự may mắn của bản thân. Vì dù có lúc mệt mỏi, thất bại nhưng anh vẫn có công việc, có chút quà dành tặng mọi người: “Điều khiến tôi vui chẳng phải sự nổi tiếng trên mạng hay các lời cảm ơn mà chính là nụ cười của những cụ ông, cụ bà tôi có dịp gặp gỡ, chuyện trò. Mình trao đi sự yêu thương và nhận về ánh mắt ấm áp, nụ cười hiền hậu của người lạ, như vậy cuộc đời đã thêm phần ý nghĩa”./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận