Nước sông Hồng cuộn dâng lên mỗi phút, mưa xối xả như muôn vàn máng nước dội xuống, những tiếng sạt lở đất ầm ào... Nhà ngập trong dòng nước đỏ ngầu, nhà sập dưới lớp đất đồi trút xuống. Bốn bề cô lập. Người dân Yên Bái chưa bao giờ trong cảnh hiểm nguy, hãi hùng đến như thế. Để rồi khi nước rút lại mạnh mẽ đứng dậy.
Mưa lũ lịch sử chưa từng thấy
Sống ở nơi được coi là rốn lũ Yên Bái, bà Nguyễn Thị Thanh ở đường Trần Hưng Đạo, TP Yên Bái vốn quen với việc nước sông Hồng lên và tràn vào nhà mỗi mùa lũ, việc ứng phó với mưa lũ của vợ chồng bà vì thế rất chủ động. Ấy là, cứ theo chiều nước lên mà kê tài sản lên, nước rút lại hạ xuống. Hơn 60 năm qua vẫn thế. Vậy mà…
“Nước dâng lên bất thường, lên từng phút. Lúc này mới biết không kịp trở tay. Dòng nước đỏ ngầu, chảy xiết trùm lên mọi đồ đạc. Cả nhà chạy lên tầng 2, nước tiếp tục lên theo. Bất giác cảm thấy sợ hãi đến tận cùng khi nhìn lên, nhà mình chỉ có đúng 2 tầng. Nhìn ra phía ô cửa sau, cả dãy nhà phố dưới đã ngập lên gần nóc”, bà Thanh kể lại.
Khu vực mà bà Thanh nói, ấy là khu đường Thanh Niên và đường bờ kè thuộc phường Hồng Hà, cách sông Hồng vài trăm mét. “Nước ngập mang theo cây cối, tài sản ầm ào chảy, người dân ngồi trên các tầng cao sợ hãi kêu cứu khi nước vẫn lên. Đến đỉnh điểm thì dòng nước dừng lại chứ nếu lên nữa thì chưa biết giờ đây sẽ thế nào” - ông Quân, một người dân cho biết.
Những hộ sống gần sông Hồng bị dòng nước lũ hung hãn uy hiếp, những hộ ở khu vực xa hơn còn đối mặt với nguy cơ cao hơn thế. Bà Nguyễn Thị Thúy ở tổ 12 phường Yên Ninh bần thần nhìn căn nhà 2 tầng không còn đồ đạc gì có thể dùng được, nước mắt chảy dài. Ai cũng bảo nhà bà phong thủy đẹp, trước là suối, lưng tựa đồi. Thế nhưng đêm 9/9, rạng sáng ngày 10/9 đáng quên ấy, cái “phong thủy đẹp” mọi người nói đó suýt cướp đi sinh mạng 4 người trong gia đình. “Nước suối dâng lên thềm, rồi ngập tầng 1, xô lên tầng 2. Hết chỗ trú, cả nhà bằng thang tre nhắm mắt vượt qua sợ hãi để bò sang tầng 3 nhà hàng xóm. Gần 10 con người của hai gia đình co ro cầu cho nước không lên thêm, trong khi đất đồi phía sau sập đổ xuống ầm ầm. Chưa bao giờ tôi thấy sự sống mong manh thế”, bà Thúy bàng hoàng.
Chiến đấu với thiên tai
Chiều tối 9/9, khi nước sông Hồng lên báo động 3, nhiều tuyến phố ở TP Yên Bái ngập nước, lực lượng công an, quân đội, dân quân cùng nhiều lực lượng thiện nguyện bắt đầu đưa thuyền, xuồng đi ứng cứu những hộ dân chưa kịp di dời, bị cô lập. Đại tá Lê Thị Thanh Hằng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái cho biết: “Tất cả cán bộ, hàng trăm phương tiện được huy động trực tiếp, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, sơ tán, di dời, tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ người dân cùng tài sản tại các điểm xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn”.
Trong cơn lũ dữ ấy, có những chiến sĩ gia đình mất đi người thân, nhà cửa mất trắng nhưng đều gắng vượt qua mất mát, nỗ lực hết mình để thực hiện nhiệm vụ.
Câu chuyện của anh Nguyễn Văn Thi (43 tuổi) ở tổ dân phố số 5, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình đến giờ vẫn khiến nhiều người thương xót. Khi nghe tin nhiều người dân Thành phố Yên Bái còn mắc kẹt trong nước lũ, anh Thi đã cùng các tình nguyện viên nhanh chóng có mặt tại khu vực đường Lê Hồng Phong để ứng cứu.
Anh Thi sinh ra và lớn lên tại vùng đất ven hồ Thác Bà, từ nhỏ đã theo bố, mẹ đánh cá trên hồ kiếm sống nên rất giỏi bơi lội. Anh trực tiếp lái thuyền, chở các tình nguyện viên cùng đồ ăn, nước uống hỗ trợ bà con. Khi di chuyển qua vùng nước chảy xiết ở ngã tư Nam Cường, chiếc thuyền va phải vật cản, lật úp khiến cả 5 người rơi xuống vùng nước sâu. Những người khác bơi thoát ra được, riêng anh Nguyễn Văn Thi bị cuốn vào cần lái, mắc vào chân vịt nên tử nạn.
Rồi nước cũng rút, người dân vùng lũ Yên Bái bất ngờ nhận thêm tin buồn, Thiếu tá Trần Đông, Trưởng Công an xã Vân Hội, huyện Trấn Yên đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 10h00 ngày 15/9 sau nhiều ngày dầm mưa lũ ứng cứu dân. Ông Tống Gia Công, Chủ tịch UBND xã Vân Hội ngậm ngùi: “Đồng chí Đông không chỉ túc trực 24/24 trong thời gian ứng phó với mưa lũ mà còn trực tiếp đi cứu hộ cho nhiều hộ dân bị ngập úng tại xã Đào Thịnh. Nhân dân chúng tôi sẽ mãi nhớ về anh!".
Vực lại cuộc sống
Yên Bái huy động đến hơn 105 nghìn người tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ. Nước rút đến đâu, lực lượng quân đội, dân quân, thiện nguyện giúp dân vệ sinh, sửa chữa nhà cửa đến đó, vệ sinh môi trường, đường phố. Lượng đất đá, cây cối ngổn ngang như bãi chiến trường khiến công việc rất vất vả.
Có mặt tại các khu vực chịu thiệt hại vô cùng nặng nề ở TP Yên Bái, hơn 300 chiến sĩ thuộc Trung đoàn 174, sư đoàn 316 cần mẫn làm việc, mặc nắng gắt oi bức, mùi hôi thối bốc lên từ lớp bùn sâu hàng mét. Thượng úy Lê Ngọc Trường, Chính trị viên đại đội 7, tiểu đoàn 2, Trung đoàn 174 cho biết: “Chúng tôi khai thông các tuyến đường, cống; giúp dân vận chuyển đồ đạc, dọn dẹp nhà cửa. Khi các đoàn từ thiện đến, chúng tôi hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm đến các vị trí người dân đang thiếu thốn. Bao giờ bà con ổn định cuộc sống, chúng tôi mới trở về đơn vị”.
Vượt tuyến đường hàng trăm cây số để tới TP Yên Bái hỗ trợ nhân dân vùng lũ, ông Lò Văn Vinh, Phó chỉ huy trưởng, Ban chỉ huy Quân sự thị trấn nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn cho biết, đoàn có 135 nhân lực, đảm trách việc hỗ trợ khu vực phường Hồng Hà. Ba ngày nay, công việc chủ yếu là san gạt đất, bùn, cây cối trên đường phố, vệ sinh nhà cửa, khơi thông cống rãnh, khối lượng công việc rất lớn nên anh em bắt tay thực hiện từ sáng sớm. “Chúng tôi quyết tâm để hệ thống đường phố và người dân được trở lại cuộc sống bình thường”, ông Vinh nói.
Nhà cửa, đồ dùng, hàng hóa của người dân vùng lũ Yên Bái hiện nay phần lớn đã bị hư hỏng. Dù cuộc sống còn ngổn ngang, vất vả nhưng được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các lực lượng và chính quyền địa phương, người dân thêm vững tâm, ấm lòng. Chị Phạm Thị Kim Thoa ở phường Hồng Hà chia sẻ: “Từ hôm nước lũ bắt đầu về, mấp mé ở đường, người dân đã được các chiến sĩ quân đội hỗ trợ sơ tán. Hôm nay nước rút cũng được các anh đến hỗ trợ dọn dẹp. Khó khăn nhất là thiếu điện, nước nên không thể cọ rửa được để cuộc sống trở lại bình thường”.
Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái chịu thiệt hại nặng nề. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có 2 giáo viên, 8 học sinh thiệt mạng; 2 học sinh bị thương, 65 ngôi trường bị ngập và sạt lở đất, thiệt hại về tài sản ước tính lên đến hơn 45 tỷ đồng. Gần 2.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên và trên 12.000 học sinh ở Yên Bái bị ảnh hưởng do mưa lũ… Đến nay, 65 ngôi trường bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ đều đã hoàn thành công tác khắc phục bước đầu. Từ ngày 16/9, các em học sinh vùng lũ đã bắt đầu đến lớp.
Cần nhiều thời gian để “tái sinh”
Chỉ cách đây hơn 1 tuần, những cánh đồng ở xã ven sông của huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái còn phủ kín màu xanh mướt của lúa, ngô, dâu tằm... nhưng giờ chỉ còn lại màu nâu sẫm của bùn đất.
Bà Nguyễn Thị Yến ở thôn Quyết Tiến, xã Y Can, huyện Trấn Yên những ngày qua cứ lầm lũi đi giữa cánh đồng, nhìn cây trồng dập đổ ngổn ngang, gương mặt thất thần. Gia đình bà thiệt hại rất nặng, đàn gia cầm chết gần hết, chỉ sót lại mấy con gà; nhà cửa ngập sâu, đồ dùng thiết yếu ngập trong biển nước. Toàn bộ diện tích trồng cấy đều bị thiệt hại. Chẳng còn gì để thu, bà Yến tính sẽ đi xa làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Mặc kệ trời nắng gắt sau lũ, lá dâu bám đầy đất cát, vợ chồng ông Nguyễn Văn Lịch ở thôn Quyết Thắng, xã Y Can vẫn tranh thủ hái những lá dâu héo để vớt vát mấy nong tằm đang nuôi dở. Ruộng dâu bị đất cát bồi lấp khoảng 60cm, lá dâu bẩn dính đầy cát, vừa hái vừa phải giũ bụi, không biết tằm có ăn nổi hay không.
Trong mưa lũ bất thường ở Yên Bái lần này, 265 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hơn 20.800 hộ gia đình phải bỏ lại nhà cửa để di dời đến nơi an toàn. Ước tính cơn “đại hồng thủy” hủy hoại miền núi Yên Bái hơn 4.600 tỷ đồng.
|
Người nông dân vùng lũ Yên Bái đang chịu thiệt hại kép: nhà cửa, tài sản hư hỏng, ngập nước; lúa ngô, dâu tằm, hoa màu mất trắng. Bà con nơi đây đang nỗ lực khôi phục cuộc sống. Lúc này, bà con không chỉ cần được hỗ trợ về kinh phí để cải tạo ruộng vườn, được hỗ trợ về giống, vật tư, phân bón để gieo trồng lại mà còn cần cả những chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay kịp thời nhất.
Bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, còn hàng nghìn hộ dân sinh sống dưới chân đồi núi đã sạt lở hoặc sắp sạt lở chưa dám trở lại nhà sinh sống, cần được hỗ trợ để tái thiết cuộc sống; hàng trăm ngôi nhà sập đổ hoàn toàn, cần tìm quỹ đất để người dân tái định cư và kinh phí để làm lại nhà cửa. Đường giao thông sạt lở, cơ sở hạ tầng hư hỏng nặng nề. Với một tỉnh còn nghèo, con số thiệt hại lên đến hơn 4.600 tỷ đồng là quá lớn, vượt quá tầm tay…
“Nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của Trung ương, của đồng bào trong và ngoài nước, người dân Yên Bái sẽ nỗ lực hết sức để sớm khôi phục lại đời sống và sản xuất”, bà Vũ Thị Hiền Hạnh khẳng định./.