“Chuyến đi từ thiện đầu tiên của tôi ở xã vùng cao Bắc Yên (Sơn La) vào mùa đông lạnh năm 2016, trời rét căm căm, nhưng trẻ nhỏ nơi đây chỉ phong phanh một chiếc áo thu đông cũ kỹ, đi chân đất, da chân da tay nứt toác, môi nứt nẻ vì lạnh. Chứng kiến cảnh ấy, tôi biết từ đây sẽ gắn mình với các chương trình thiện nguyện tới vùng sâu vùng xa” - anh Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Đức An, nói về tâm nguyện của anh khi vừa từ Làng Nủ trở về.
Nối dài những chuyến đi thiện nguyện
Nhận được thông tin Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) bị sạt lở đất sau bão số 3 - Yagi, Hoàng Trung Kiên lập tức tổ chức chuyến cứu trợ tới nơi này. Liên hệ với Trưởng Công an xã Phúc Khánh, nắm được tình hình và số hộ gia đình bị thiệt hại, Kiên xác định phải đi gấp. Nhóm thiện nguyện chỉ có vỏn vẹn 2 ngày để lo mọi việc từ kêu gọi tài trợ, thu gom quần áo, nhu yếu phẩm thiết yếu, đồ ăn thức uống, chia suất quà, thuê xe… “Đây là lần đầu tiên tôi xin tài trợ cả bằng tiền mặt để trao tận tay cho người dân, hỗ trợ các gia đình bị lũ cuốn”, Kiên bộc bạch.
22h tối ngày 14/9 bốc hàng lên xe xong, 3h sáng ngày 15/9, nhóm thiện nguyện lên đường, hướng về Làng Nủ. Lúc này, bão mới vừa qua được 3 ngày.
Đường từ Hà Nội lên đến Làng Nủ khoảng 240km, nhưng do bị ngập lụt, lầy lội nên xe phải đi ngược lên xa hơn hàng trăm cây số so với đoạn đường dự kiến. Con đường một bên là vực, một bên là vách núi và cứ vài chục cây lại có một điểm sạt lở, phải dừng lại đợi máy xúc xúc đất đá mới có thể đi tiếp.
Trên đường đi, nhận được tin từ Phó Chủ tịch xã Phúc Khánh: Các mạnh thường quân tập trung hàng cứu trợ ở Làng Nủ rất nhiều, vì thế, xã mong muốn nhóm có thể đến các điểm khác trong xã chưa nhận được cứu trợ. Theo chỉ dẫn của chị Phó Chủ tịch xã, nhóm thiện nguyện đổi tuyến, đi đến thôn Đồng Mòng.
11h30 trưa, đoàn mới đến được thôn Đồng Mòng. Nơi đây, nhà cửa đều bị sập trôi. Người dân trắng tay, đang tá túc nhờ tại nhà văn hóa của thôn. “Thấy đoàn thiện nguyện đến, người dân khóc nấc lên: Các anh là đoàn đầu tiên đến hỗ trợ thôn Đồng Mòng. Nhiều người đã phải nhịn đói mấy ngày hôm nay rồi. Đói quá, dân cố moi gạo đã bị ngập trong bùn lên để nấu nhưng cơm lẫn bùn, không ăn được, chỉ còn biết chờ người đến cứu trợ. Quà các anh trao đều là những đồ thiết thực nhất mà bà con đang rất cần”, Kiên kể lại, mắt đỏ hoe.
13h30’ hôm ấy, nhóm thiện nguyện từ Đồng Mòng vượt qua mười mấy cây số đường đất lầy lội, suối, dốc đèo đến Làng Nủ. Cả một vùng bị san phẳng, nồng lên mùi tang tóc. Tang thương bao trùm khắp thôn. “Chúng tôi cho xe bán tải mang hàng vào nhà văn hóa thôn - nơi có 40 gia đình đang tá túc tạm để chờ người thân. Các suất quà nhu yếu phẩm thì chúng tôi gửi ở trường mầm non số 2 cho 40 hộ đó. Mỗi gia đình bị mất nhà do sạt lở, chúng tôi trao thêm 1 triệu đồng tiền mặt. Đồng thời hỗ trợ mỗi cháu mất cả cha và mẹ 3 triệu đồng; mỗi cháu mất mẹ hoặc cha 2 triệu đồng”, Kiên cho hay. Nửa đêm hôm ấy, nhóm về đến Hà Nội, trọn vẹn một ngày trao đi những nghĩa tình.
Trước đó 3 ngày, khi bão vừa kết thúc, lũ lụt xảy ra ở Yên Bái, Kiên đã cùng mọi người kêu gọi tài trợ và tổ chức chuyến thiện nguyện với một xe hàng khoảng 5 tấn hàng lên thị trấn Cổ Phúc, Trấn Yên, Yên Bái - nơi ngập lụt lên đến tầng 2.
Kiên là một thành viên của Câu lạc bộ Xe bán tải Navara - một CLB với những thành viên có tâm làm việc thiện, đã tổ chức nhiều chuyến đi thiện nguyện. Và Kiên là một hạt nhân tích cực trong đó. Không phải vô cớ mà anh Trần Văn Nhạc, Phó Chủ tịch CLB Navara, nói với tôi rằng: “Kiên là người có tâm và có tầm trong việc xã hội nói chung và công việc thiện nguyện của CLB Navara. Với Kiên, việc giúp đỡ, chia sẻ cho xã hội là không ngừng nghỉ. Có lúc công việc gặp khó khăn, Kiên vẫn cố gắng cùng anh em trong CLB triển khai các dự án thiện nguyện hằng năm và những chương trình phát sinh đột xuất. Tấm lòng, sự năng nổ, đóng góp nhiệt tình cả về công sức và vật chất trong các hoạt động thiện nguyện của Kiên đã mang đến cho cộng đồng những món quà hữu ích”.
Từ năm 2013, khi còn làm việc ở UBND phường Quán Thánh (quận Ba Đình, Hà Nội), Kiên đã thường xuyên đi hiến máu tình nguyện và tham gia các hoạt động thiện nguyện. Đến năm 2016, khi ra ngoài làm việc tại một công ty tư nhân, Kiên đã kết nối, chủ trì các chương trình thiện nguyện ở Tây Bắc. Năm 2017, Kiên lập công ty riêng và tham gia DLB bán tải Navara. “Nhiệt huyết của các anh em trong CLB Navara đã tiếp thêm cho tôi tinh thần làm việc thiện. Ngoài những hoạt động cứu trợ, từ năm 2018 đến nay, chúng tôi xây được 3 điểm trường: Điểm trường Nac01 ở Thuận Châu - Sơn La; điểm trường Nac02 ở Mường Lát - Thanh Hóa và điểm trường 03 ở Hà Quảng - Cao Bằng”, Kiên cho hay.
Năm 2016, Kiên tổ chức chuyến thiện nguyện đến Bắc Yên (Sơn La), mang quà và hỗ trợ cho 2 điểm trường trên địa bàn xã Hồng Ngài - ở đó rất nghèo và chỉ có thể đi bằng xe Min vượt qua mấy chục cây đường đèo mới lên được đến đó. Kiên gọi đó là chuyến đi lớn nhất đầu tiên mà mình tổ chức.
Khi Covid-19 ập đến, Kiên tham gia CLB hỗ trợ dịch và chở nhu yếu phẩm tiếp tế cho các vùng dịch, mặc cho nguy cơ nhiễm dịch luôn cận kề. Cuối năm 2020, lũ lụt xảy ra ở Quảng Bình, Quảng Trị, Kiên đứng ra tập hợp, thu gom quần áo, nhu yếu phẩm thiết yếu được tất cả 3 chuyến xe 13 tấn rồi thuê xe chở vào cho bà con vùng lũ.
Sau đó, Kiên đi Thuận Châu (Sơn La) tặng quà, cơ sở vật chất, đồ dùng, quần áo ấm cho điểm trường xã Cọ Mạ và ủng hộ một gian hàng “ai có mang đến, ai cần tới lấy” ở Sơn La. Ở Hà Nội, Kiên cùng bạn bè tại các CLB thiện nguyện đi thu gom quần áo cũ - mới, vật dụng thừa, rồi thuê xe tải hoặc nhờ các anh em ở trong CLB Navara chở lên Sơn La. Việc này, Kiên duy trì được đến hết đầu năm 2023 - khi nhu cầu của người dân về quần áo giảm dần.
Bắt đầu từ lúc ấy, Kiên cùng các thành viên CLB Navara và các anh em, bè bạn tham gia các chương trình xây điểm trường. Mới đây nhất là xây điểm trường mầm non Khâu Dựa (Hà Quảng, Cao Bằng), do CLB Navara kết hợp với VOV và VTV hỗ trợ về nhân lực, kinh phí, truyền thông, kết nối với chính quyền địa phương, và kêu gọi các đơn vị khác cùng hỗ trợ. Điểm trường xây xong được trang bị bàn ghế, tivi, đồ dùng học tập, vừa được khánh thành và khai giảng năm học mới hôm 2/9 vừa rồi.
Cuộc sống còn rất nhiều người khó khăn
Điểm trường tiểu học ở xã Chiềng Xuân (huyện Vân Hồ, Sơn La) phải đi qua rất nhiều quả đồi và một con suối mới tới được. Kiên bảo, trong những chuyến thiện nguyện, anh không thể nào quên lần đi đến điểm trường này vào năm 2022 để tổ chức chương trình “Trung thu cho em”. Chuyến đi kêu gọi được rất nhiều nhà hảo tâm tài trợ máy móc, quần áo, bánh kẹo, đồ dùng học tập, đồ dùng sinh hoạt và hơn một trăm triệu đồng hỗ trợ các hộ khó khăn. Các cháu có hoàn cảnh khó khăn còn được tặng xe đạp, hoặc phần thưởng bằng tiền mặt cho các cháu học giỏi. “Lần đầu tiên các con mới được biết đến đèn ông sao và bánh trung thu”, Kiên thuật lại lời thầy cô.
Lần ấy, Kiên đưa cả con trai lớn đi cùng với mong muốn vun đắp cho con tinh thần tương thân tương ái, gửi nhiệt huyết làm việc thiện vào con. 6 xe bán tải của CLB và 1 xe 29 chỗ của công ty được huy động cho chuyến đi ấy. Vào mùa mưa, đường đi lầy lội, muốn vào được điểm trường, xe còn phải lội qua con suối rộng khoảng 10m, sâu hàng mét và lòng suối lởm chởm đá, nước chảy xiết do vào tháng 9, đúng mùa mưa lũ. Xe bị va vào đá nên khi sang đến trường thì bị hỏng. Các thầy cô và người dân hỗ trợ sửa xe. Đến chiều tối, trên đường đi ra, đường trơn, bùn lầy, xe của Kiên (có con trai và hai nhân viên) bị mất lái, lao xuống khe vực. “Nếu không có con lươn kịp giữ bánh xe thì xe đã đâm xuống vực. Khi ấy, đúng là cận kề cái chết”. 2 chiếc xe cứu hộ từ Mộc Châu xuống đến đó cũng bị sa lầy. Cuối cùng phải thuê máy xúc đến cứu hộ và 11, 12h đêm mới đưa được xe ra ngoài đầu đường để về thị trấn Mộc Châu.
Khi tổ chức một chương trình thiện nguyện, chúng tôi đều có sự tính toán kỹ càng, nếu có điều kiện thì đi tiền trạm, liên hệ với chính quyền địa phương, điểm trường để có được những thông tin cần thiết, từ đó, mình mới phân tích nhu cầu của bà con, rồi lên kế hoạch để mua các nhu yếu phẩm, đồ dùng thiết thực, hữu hiệu cho nơi đến và thời điểm, tình trạng cần hỗ trợ (dịch bệnh, lũ lụt, trước lũ, sau lũ…) thì chương trình mới hiệu quả, tặng quà mới đúng người, đúng việc. Cũng bởi vậy, chưa bao giờ chúng tôi để lãng phí đồ cứu trợ.
Anh Hoàng Trung Kiên
|
“Mỗi năm, chúng tôi tổ chức nhiều chuyến đi đã được lên kế hoạch trước đó. Thế nhưng cũng có khi nghe thông tin ở đâu đó gặp khó khăn, chúng tôi sẽ tổ chức những chuyến đi đột xuất”, Kiên cho hay.
Trong chuyến từ thiện ở xã Hồng Ngài (Bắc Yên, Sơn La), thấy hoàn cảnh của các con vô cùng đáng thương: Mùa đông rét cắt da cắt thịt mà các con vẫn chỉ phong phanh chiếc áo thu đông, da chân da tay nứt toác, đi chân đất, môi nứt nẻ. Mỗi cơn gió rít lùa qua khe hở các thanh gỗ tràn vào phòng học là các cháu lại run lên vì lạnh. Ở vùng cao, khí hậu khắc nghiệt, cuộc sống khó khăn, người dân làm một ngày chỉ được khoảng 10 nghìn đồng. Nuôi được con gà, con vịt, muốn bán cũng phải đi cả ngày mới tới chợ, và giá rẻ nên cũng chỉ bán được vài chục nghìn. “Lúc ấy, tôi càng thấm thía cuộc sống còn rất nhiều người khó khăn. Từ đó, tôi càng nhiệt huyết tham gia hoạt động thiện nguyện, nhất là ở vùng sâu vùng xa”, Kiên tâm sự.
Những gian nan mà Hoàng Trung Kiên và nhóm thiện nguyện trải qua trong các chuyến thiện nguyện.
Mỗi lần lên kế hoạch cho chương trình thiện nguyện nào đó, Kiên thường đăng thông tin lên trang facebook, zalo cá nhân. Kiên bảo, mọi người đọc được, ai có điều kiện sẽ hưởng ứng, hỗ trợ, tham gia chương trình. “Tôi chỉ nhận hỗ trợ bằng hiện vật chứ không nhận tiền mặt. Đó cũng là cách mình công khai, minh bạch khoản tài trợ mà mọi người tin tưởng gửi gắm vào mình. Chúng tôi cũng tổ chức nhiều hoạt động để tự tạo nguồn quỹ từ thiện, chẳng hạn như mua hoa quả đang cần giải cứu tại vườn, rồi đem bán lấy tiền lãi đi làm từ thiện”, Kiên bộc bạch.
“Từ nhỏ, bố mẹ đã dạy tôi về lòng thương yêu con người, tương thân tương ái nên giờ đây trưởng thành, kinh tế ổn định, tôi muốn được giúp đời, giúp người. Bố mẹ khích lệ, động viên, còn vợ luôn luôn đồng hành với tôi trong các hoạt động thiện nguyện, có khi đi gom quần áo, hiện vật, có khi thu xếp công việc để cùng tôi đi thiện nguyện ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Đó là điều may mắn của tôi khi làm thiện nguyện”.
Say sưa kể về tình người mà Kiên thấy trên chặng đường thiện nguyện, đó là từng đoàn xe nối dài từ mọi miền Tổ quốc về nơi cần cứu trợ, đó là các đoàn thiện nguyện tay bắt mặt mừng, hỗ trợ nhau khi cần, đó là khi chứng kiến người dân trên dọc đường đi cùng đóng góp để nấu cơm, mời bằng được các đoàn thiện nguyện ăn bữa cơm tình cảm ấy, Kiên cảm động: “Được nhiều người chung tay đóng góp, hỗ trợ, giúp đỡ, chào đón, tôi thấy người Việt Nam rất đoàn kết, những lúc khó khăn gian nan thì thương yêu, bao bọc nhau. Điều đó cũng tiếp sức cho tôi trên con đường thiện nguyện”./.
Qua những việc thiện nguyên tôi làm cùng Kiên, tôi thấy Kiên là người rất năng nổ và có tấm lòng lương thiện, nhiệt tình giúp đỡ mọi người. Tâm của Kiên rất sáng và hướng thiện. Có những hôm trời mưa to gió lớn, có những ngày 23h đêm mà Kiên vẫn đi xin quần áo cũ, đồ dùng, vật dụng cũ để gửi lên các làng bản xa xôi trên vùng cao. Có những ngày Kiên cùng các bạn bốc 20 tấn hàng lên xe. Kiên cũng kêu gọi tài trợ để xây dựng các điểm trường, các phòng học trên vùng cao chỉ với mong muốn để các con có được những phòng học, ngôi trường mới khang trang.
Chị Đỗ Thị Xuyến, người đồng hành cùng Kiên trong mỗi chuyến thiện nguyện
|
Năm 2019, khi đó tôi đang hỗ trợ anh Thào A Tủa - Bí thư Đảng bộ xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La - trung tâm của 6 xã vùng cao đặc biệt khó khăn của vùng mở gian hàng 0 đồng. Nhiều anh em, bạn bè từ các vùng miền huy động, vận chuyển nhiều chuyến hàng từ khắp nơi gửi về ủng hộ, gồm quần áo, chăn màn, các nhu yếu phẩm... Kiên cùng bạn bè của mình đã lên Co Mạ tìm hiểu về hoàn cảnh khó khăn của các cháu nơi đây, đồng thời tặng quà cho mỗi cháu gồm ba lô, sách vở, dụng cụ học tập và góp 6 triệu đồng vào quỹ khuyến học.
Anh Giang Văn Điệp, thành viên CLB Xe bán tải Navara
|