Trong gần 2.250 cá thể động vật hiện có tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn, khoảng 400 con là do lực lượng chức năng ký gửi. Dù đến từ đâu, khỏe mạnh hay ốm yếu, chỉ cần vào “mái nhà chung”, mỗi cá thể đều nhận về đủ đầy sự chăm bẵm, thương yêu. Nhiều con vật còn được đặt tên riêng gắn với những kỷ niệm thú vị cùng các cán bộ kỹ thuật nơi đây.
Trạm cứu hộ đặc biệt
Thấy anh Mai Khắc Trung Trực, Giám đốc Xí nghiệp Động vật Thảo Cầm Viên Sài Gòn vào thăm chuồng, từ xa, chú voọc nhỏ đã quẩy đuôi chào, mừng ra mặt. Anh Trực vừa đưa tay khép cửa chuồng, từ trên cành cây, chú voọc choàng nhẹ người lên vai rồi lấy hai chi trên ôm chặt cổ “cha nuôi”. Anh Trực cười tươi, thủ thỉ “Mấy nay con ăn uống tốt không? Có vui không?”. Như hiểu lời thăm hỏi, động viên, chú voọc nhỏ khẽ cúi đầu, cạ má mình vào má anh Trực, vòng ôm thêm siết chặt. Một tay ôm voọc, một tay anh Trực tranh thủ dọn dẹp khu chuồng, hỏi thăm thật kỹ tình hình sức khỏe và tâm lý của “người bạn nhỏ”. Sau khi nghe nhân viên chăm sóc chuồng báo cáo đầy đủ thông tin, anh Trực tạm biệt chú voọc để tiếp tục hành trình. Dù bận cỡ nào, mỗi ngày anh đều đi nắm tình hình các cá thể đang được ký gửi hoặc tạm nuôi tại Thảo Cầm Viên.
Anh Trực cùng chú voọc bị bỏ rơi trước cổng Thảo Cầm Viên Sài Gòn ngày nào.
Anh Trực kể, chú voọc nhỏ ấy bị người ta bỏ rơi trước cổng Thảo Cầm Viên Sài Gòn cách đây không lâu. Lúc thấy chiếc thùng giấy nằm chỏng chơ, ai cũng nghĩ chắc bên trong sẽ là chó hoặc mèo hoang. Nhận tin báo, anh Trực liền có mặt. Chiếc thùng hé mở, chú voọc ngơ ngác, lo sợ khi thấy nhiều người đứng nhìn mình. Lúc đó, chú phóng nhanh về phía anh Trực rồi ôm siết cổ anh, không chịu rời. Từ hôm ấy, anh Trực đưa chú vào danh sách động vật cần chăm sóc, dưỡng nuôi tạm thời tại “nhà chung”. “Mấy ngày đầu cực lắm vì chú voọc nhỏ tách biệt khỏi môi trường tự nhiên quá lâu nên không biết cách ăn thực vật, cái gì cũng tập từng chút một. Giờ thì mọi thứ ổn rồi, con khỏe mạnh, hòa đồng. Với những loài động vật do lực lượng chức năng ký gửi hoặc tìm thấy trong khuôn viên Thảo Cầm Viên, chúng tôi tìm cách chăm sóc, hỗ trợ từng cá thể hoàn thiện các chức năng, khi đủ điều kiện sẽ tái thả về môi trường tự nhiên”, anh Trực cho hay.
Ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn, nhiều năm trở lại đây, số động vật ký gửi ngày càng tăng cao. Điều này đồng nghĩa với việc trách nhiệm của đội ngũ cán bộ kỹ thuật sẽ thêm nặng nề. Thế nhưng, mỗi con vật đều được chăm sóc, nâng niu, đến khi khỏe mạnh toàn diện mới tái thả. Toàn xí nghiệp động vật có 41 người, cùng nhau gánh vác mọi việc lớn nhỏ, miễn sao cho các con vật được sống trong môi trường an toàn, thân thiện nhất. Động vật mà lực lượng chức năng ký gửi đa phần còn nhỏ, ốm yếu, có con chưa mở mắt nên luôn cần quy trình chăm sóc đặc biệt. Nhìn cảnh các cộng sự tất bật lót ổ, chong đèn, cho ăn, thay khăn, canh chừng con non, anh Trực hay chọc “Ở đây như nhà trẻ”. Nói xong, tất cả nhìn nhau cười. Một nụ cười ấm áp.
Ông Hải nhớ rõ thông tin, hiểu tính cách của từng cá thể voi tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn.
Hôm rồi, Thảo Cầm Viên bất ngờ tiếp nhận cả đàn rái cá. Hệ thống chuồng trại hiện có không đủ đáp ứng số động vật ký gửi, mọi người trong xí nghiệp hy sinh luôn phần sân trước văn phòng, nơi chiều chiều hay ra hít khí trời sau giờ làm việc căng thẳng để đặt chuồng dã chiến. Không gian làm việc bị thu hẹp, vậy mà lạ thay, cả xí nghiệp chẳng ai than vãn, còn háo hức chăm bẵm “bầy con thơ”. Nhiều cách chăm thú độc lạ cũng được ra đời tùy theo hoàn cảnh, tình trạng sức khỏe của các nhóm động vật ký gửi về đây. Người chăm vật lâu ngày, kiểu gì cũng gắn bó, thân thiết. Những biệt danh lần lượt xuất hiện.
Như con Chít, chú rái cá lanh lợi được anh Trực nuôi từ ngày chưa mở mắt đến lúc biết chạy theo cán bộ kỹ thuật tập thể dục, đòi ăn. Ngày đưa Chít về Cần Giờ, chuẩn bị tái thả, anh Trực thấy lòng ngổn ngang. Việc cho động vật về với tự nhiên là điều vô cùng cần thiết nhưng chẳng hiểu sao ngay lúc đó ai cũng thấy rối bời. Trước đó vài tuần, anh đã đổi người chăm sóc để Chít thôi quấn mình. Anh sợ nếu quá yêu mến ngôi nhà chung, Chít sẽ khó tái hòa nhập môi trường tự nhiên. Chờ thật lâu không thấy anh xuất hiện, con rái cá nhỏ kêu lên vài tiếng thật buồn trước khi thả mình vào dòng nước, bơi đi xa. Những cuộc chia tay như thế luôn khiến anh Trực và các cộng sự buồn thương mấy ngày liền. Nhưng mọi người vẫn biết đó là cái kết đẹp khi các con vật đáng thương đã được về với tự nhiên sau thời gian dài được chăm sóc, phục hồi.
Nghề cực mà vui
Gần 60 tuổi đời, ông Đỗ Thanh Hải có đến 40 năm gắn bó với công việc chăm sóc thú tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Như nhiều đồng nghiệp khác, khi mới vào học việc, làm vài năm đầu, ông được luân chuyển khắp các khu vực từ tổ thú dữ, tổ móng guốc đến chuồng cọp, beo, sư tử… để cọ xát thực tế, tích lũy kinh nghiệm. Ông nói, mỗi vị trí đều có cái hay, cái cực riêng, chỉ cần yêu thương thú thì sẽ mến chân mến tay, làm mãi chẳng rời. Loại thú nào ông Hải cũng chăm thật kỹ, tìm tòi, nghiên cứu để nắm rõ tính cách từng cá thể. Thế nhưng, voi mới là loài khiến ông dành nhiều thời gian, tâm huyết nhất trong mấy chục năm làm nghề. Tính đến nay, ông đã có gần 30 năm chăm sóc voi cho vườn thú rộng lớn này.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn hiện nuôi dưỡng, chăm sóc 4 cá thể voi với nhiều độ tuổi khác nhau. Mỗi chú voi được đặt tên để dễ kết nối, chăm sóc. Ông Hải nhớ rõ, con Bô được đưa về từ Định Quán (tỉnh Đồng Nai), con Chuông quê tận Campuchia, Tôm thì đưa về từ Đắk Lắk trong khi Ni do một đoàn xiếc trao tặng. Con nào bao nhiêu tuổi, tính tình ra sao, bệnh tật thế nào, ông nắm rõ. Tổ voi có bốn người, mỗi người phụ trách chăm sóc, nuôi dưỡng một cá thể. Giai đoạn này, ông Hải bầu bạn cùng voi Tôm.
Tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn, mỗi loại động vật sẽ được tạo không gian sinh sống thân thiện nhất có thể.
Tôm hiền lành, nghe lời ông Hải răm rắp. Mỗi ngày, ông có mặt tại Thảo Cầm Viên từ 6 giờ, chuẩn bị cỏ, rau củ, bánh mỳ để bữa sáng của Tôm thật thịnh soạn, đủ chất. Vệ sinh chuồng, cho thú ăn, tắm rửa, kiểm tra tình hình sức khỏe và tập vài động tác để voi tương tác với khách tham quan là những phần việc chính của ông Hải tại đây. Nghe đơn giản nhưng bắt tay vào làm mới thấm thía vì bảo vệ bản thân trước con vật nặng gần 5 tấn, to lớn như cái nhà cần khá nhiều kiến thức, kỹ năng. Ông Hải sợ nhất là những ngày Tôm bệnh, trở chứng. Khi ấy, ông chỉ đưa thức ăn rồi đứng trông chừng từ xa chứ không dám vỗ về, vuốt ve như mọi khi. Vài bữa, con vật khỏe dần, tính tình dễ đoán hơn, ông lại dạy Tôm cách chào hỏi, cảm ơn khách bằng chiếc vòi, đôi tai khổng lồ. Thấy chú voi từ tốn rà chiếc vòi lên mũ, lên áo mình, ông biết Tôm đã sẵn sàng cho việc trò chuyện, vui chơi.
Mỗi lần phỏng vấn tuyển dụng người mới cho xí nghiệp, ngoài việc đánh giá năng lực chuyên môn, anh Trực luôn hỏi ứng viên “Anh/chị có yêu động vật không? Có vướng bận gì gia đình không?”. Vậy mới thấy, nghề này khắc nghiệt lắm, có kiến thức chuyên môn thôi chưa đủ mà phải toàn tâm toàn ý lo cho động vật và chấp nhận những chuyện phát sinh. |
Thấy du khách yêu mến voi, ông Hải cùng các đồng nghiệp rất vui. Vậy nên, ông luôn nhắc Tôm nhớ vui vẻ, thân thiện với khách. Nhìn chú voi thoải mái nhận túm cỏ từ du khách rồi thong thả cúi đầu chào trước khi quay vào chuồng, ông Hải vỗ tay khen ngợi: “Con giỏi lắm Tôm”. Với ông Hải, đó là niềm hạnh phúc sau những nhọc nhằn. “Công việc chăm thú ai đã làm thì biết, cực lắm, đôi lúc còn rủi ro nếu chúng ta không cẩn thận. Nhưng nếu thương yêu động vật, biết dành thời gian tìm hiểu và làm bạn với chúng, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Đến lúc nghỉ hưu, chắc tôi nhớ mấy con voi này lắm. Dù gì cũng gắn bó với nhau cả nửa đời người, tôi thương tụi nó và tụi nó cũng gần gũi, nhẹ nhàng với tôi”, ông Hải vừa trò chuyện vừa nhìn Tôm bằng ánh mắt trìu mến. Ông biết, mai kia, khi rời xa chuồng voi thân thuộc này, sẽ rất khó để quên những ngày đã qua…/.