Lúc nông nhàn, phụ nữ dân tộc Dao tiền ở xã Hoa Thám (Nguyên Bình, Cao Bằng) thường quay sợi, xe tơ dệt vải rồi nhuộm, thêu nên những bộ trang phục với những hoa văn độc đáo, tinh tế, thể hiện đời sống văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc mình.
Người Dao tiền dùng kỹ thuật “nhuộm bao vải” (kỹ thuật Batik) để tạo họa văn trên trang phục bằng cách che chắn trước một phần vải để tạo hoa văn trước khi nhuộm. Sáp ong được đun nóng và lọc bỏ tạp chất. Hoa văn được vẽ trên nền vải trắng bằng những dụng cụ tự chế. Các ống tre có đường kính to nhỏ khác nhau (từ 1,5cm- 2cm), để in các hình tròn. Các que hình tam giác để in các đoạn thẳng và góc, lá chít ép phẳng dùng làm cữ. Khi sáp ong khô thì đem nhuộm chàm nhiều lần, cứ ngày đem phơi nắng, đêm ngâm chàm. Cuối cùng, tấm vải sẽ được nhúng vào nước sôi, sáp ong bị tan ra và hiện lên các hoa văn trên nền chàm.
Nhờ kết hợp kỹ thuật nhuộm bao vải và thêu nên trang phục người Dao tiền khá sinh động và tinh tế. Ngoài những hình ảnh sinh hoạt đời thường, họ còn thêu cả hình tổ tiên lên áo. Mô típ thường thấy là hình con chó đơn, chó đôi, điểm xuyết bằng những hình thêu nhỏ nơi gấu áo phụ nữ, áo của thầy, người thụ lễ mặc trong lễ cấp sắc của người Dao tiền. Có trang phục thêu hình hoa 8 cánh và hình con chó, có trang phục thêu hình chó đôi và đôi chim.
Việc bảo tồn những mẫu hoa văn truyền thống của dân tộc Dao là điều cần thiết trong giai đoạn hội nhập về kinh tế, văn hóa, xã hội trong giai đoạn hiện nay.