“Tôi từng đọc một câu chuyện, trong đó có nói về cách thanh lọc một cốc nước khi không thể hắt bỏ nước trong cốc đi, đó là phải rót thật nhiều nước sạch vào đó. Có thể nước trong cốc ấy không bao giờ trở thành nước tinh khiết được nhưng phần cặn bẩn sẽ bị át đi. Tôi làm thiện nguyện cũng bởi muốn “rót” thật nhiều điều tốt đẹp vào đời để mọi người có thêm niềm tin vào cuộc sống”.
Tâm sự ấy, Hoàng Ngọc Yến - Giám đốc Tài chính của Công ty TNHH Envergrow Investment (Hải Dương) - đã chia sẻ với tôi trong một tối muộn tại nhà riêng ở Gia Lâm, Hà Nội. Câu chuyện giữa chúng tôi bị ngắt ngang bởi lời chào của con gái Yến khi con vừa đi học về. Cô bé ấy sinh năm 2009, cũng là năm Yến bước vào hành trình thiện nguyện và mải miết trên con đường đó đến nay chưa bao giờ có điểm dừng.
Những chuyến đi không có điểm dừng
Năm 2009, Hội Chữ thập đỏ Hải Dương nhận đỡ đầu các em nhỏ bị bỏ rơi. Khi ấy, Hoàng Ngọc Yến cùng Công ty TNHH May Tinh Lợi - nơi Yến làm việc - đi từ thiện ở đó. Nhìn một em bé mới được khoảng 10 ngày tuổi, bé xíu, Yến nhẹ nhàng bế lên cho bé bú. Ngắm chiếc miệng nhỏ xíu tóp tép từng giọt sữa, nước mắt cô lăn dài. Đó là giọt sữa mẹ đầu tiên mà em bé được bú kể từ khi chào đời. Lúc đó, Yến vừa sinh con được vài ba tháng.
Hình ảnh trong chuyến đi thiện nguyện đầu tiên của Hoàng Ngọc Yến. Đây là cơ duyên để sau này Yến tham gia các hoạt động thiện nguyện với mong muốn góp thêm những điều tốt đẹp cho cuộc sống.
“Từ giây phút ấy, tôi nhận ra cuộc sống này còn quá nhiều người cần được giúp đỡ. Tôi đã tự nhủ sẽ tham gia tối đa các hoạt động từ thiện trong khả năng tôi có thể”, Yến kể lại. Cũng từ đó, ở đâu có chương trình thiện nguyện mà Yến biết đến và thấy phù hợp là cô tham gia, từ hỗ trợ chính các anh chị em trong công ty mình, những hoàn cảnh ngay nơi mình sinh sống cho đến những hoạt động thiện nguyện lớn của Câu lạc bộ Xe bán tải Navara Việt Nam, chương trình “Cơm có thịt” của nhà báo Trần Đăng Tuấn, Đội xe 0 đồng Hà Nội cho tới những Dự án thiện nguyện mà Yến là người khởi xướng hoặc là thành viên chủ chốt.
Một buổi tối thứ Hai như thường lệ, Yến cùng Nhóm ACE - thiện nguyện từ trái tim đi tặng quà những người vô gia cư trên địa bàn Hà Nội. Trong ánh đèn đường vàng nhạt, Yến xách theo túi quà, tiến đến gần một người già đang ngồi hiu hắt ở vỉa hè. “Bà ơi, bà đã ăn tối chưa? Bà có cần một chút đồ ăn không? Con biếu bà chút quà bà ăn lót dạ khi đói nhé!” - tiếng Yến nhỏ nhẹ, ân cần. Cứ vậy, từ nửa đêm đến gần sáng, Yến và những cộng sự mang những bữa ăn, món quà đơn sơ mà giàu tình người trao cho những người vô gia cư, cơ nhỡ, neo đơn.
Hằng tuần, Yến cùng nhóm thiện nguyện ACE - Thiện nguyện từ trái tim tặng quà cho người vô gia cư.
“Mang điện tới trường” là một trong những dự án mà Yến rất tâm huyết. Yến cùng với hai người bạn của mình là anh Nguyễn Quang Hòa và chị Trịnh Thị Bích Phương đã sáng lập và duy trì dự án ý nghĩa này từ cuối năm 2017 để kéo điện lên một số điểm trường khó khăn trên vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Điểm trường Suối Hồ 2, thuộc trường tiểu học Sa Pả, nằm cách biệt trên đỉnh một quả đồi cao ở Lào Cai. Đường dây trung thế đi qua ngay nóc đỉnh trường. Thế nhưng dù điểm trường đã được những nhà hảo tâm xây và trang bị đầy đủ đồ dùng, dụng cụ học tập thì những trang thiết bị điện vẫn cứ nằm đó im lìm bởi không có điện. Chứng kiến cảnh đó, Yến, Hòa, Phương mau chóng lập ra Dự án Mang điện tới trường. Và Suối Hồ 2 là điểm trường đầu tiên được Dự án mang điện tới.
Hoàng Ngọc Yến (đứng giữa) cùng hai người bạn là anh Nguyễn Quang Hòa và chị Trịnh Thị Bích Phương sáng lập và duy trì dự án "Mang điện tới trường".
Gần 10 thành viên của Dự án cùng thầy cô ở điểm trường và người dân địa phương bắt tay vào đưa điện tới trường. Cây được hạ xuống dựng thành cột điện, kéo điện từ điểm hạ thế lên, hoàn thiện kết nối với toàn bộ hệ thống điện ở khu vực đó. Đường lên điểm trường Suối Hồ 2 vốn chỉ là lối đi dài gần 2 cây số từ chân đồi lên đến điểm trường qua ruộng bậc thang của các hộ dân quanh đó, phải đi qua những chuồng trâu nối tiếp nhau của nhà dân xộc mùi hôi hám, khó chịu, đi lại rất khó khăn. Bởi thế, cùng với việc thi công kéo điện tới trường, các thành viên của dự án đã cùng các thày cô và phụ huynh học sinh gia cố thêm con đường để bước chân của những em nhỏ bớt đi những gian nan, đặc biệt trong những ngày mưa gió trơn trượt. Sau gần 1 tuần, ánh sáng điện chan hòa điểm trường vùng cao, lối lên trường sạch sẽ, an toàn, cảm xúc cứ vậy vỡ òa! “Ôi, từ nay chúng con có điện rồi!”, một học sinh thốt lên, trong ánh mắt lấp lánh ánh điện rưng rưng.
Từ ngày được thành lập, Dự án đã mang điện tới cho hơn chục điểm trường vùng cao, vùng sâu. Dự án cũng đồng hành tài trợ hạng mục điện trong các chương trình xây điểm trường của các nhóm thiện nguyện khác, trong đó có chương trình xây dựng điểm trường Tén Tằn ở Mường Lát của CLB Navara. Hoàng Ngọc Yến chia sẻ: “Tôi đã được đồng hành cùng CLB Xe bán tải Navara Việt Nam trong rất nhiều chuyến đi thiện nguyện. Chuyến đồng hành đầu tiên là xây dựng điểm trường Nà Làng ở xã Mường Bám, huyện Thuận Châu, Sơn La từ năm 2017”. Chương trình ấy, Yến đã tặng toàn bộ hạng mục đá để xây dựng điểm trường đó. Những kỷ niệm chương Yến được tặng để ghi nhận sự đóng góp với Câu lạc bộ, cô đặt ở vị trí trang trọng trong căn nhà nhỏ.
Điểm trường Suối Hồ 2 thuộc trường Tiểu học Sa Pả, nơi có công trình đầu tiên của dự án "Mang điện tới trường".
“Làm từ thiện phải đúng chỗ, đúng cách và hết tâm”
Bước chân thiện nguyện của Yến đã đến bao vùng miền xa xôi, hẻo lánh, hiểm trở, “nhưng ký ức về chuyến đi mang quà của CLB Navara tặng bà con khu vực Đắk Rông (Quảng Trị) vào mùa lũ tháng 10 năm 2020 đã để lại trong tôi quá nhiều kỷ niệm, trở thành động lực để tôi đến nhiều hơn với đồng bào vùng sâu, vùng xa”, Yến chia sẻ.
Đường đi vào Đắk Rông mùa lũ liên tiếp những điểm sạt lở. Cây cầu bắc qua con sông lớn ở Đắk Rông bị dòng lũ dữ cuốn trôi. Đoàn xe của CLB Xe bán tải Navara Việt Nam phải dừng ở bên này bờ sông. Các hộ dân phía bên kia sông để có thể sang nhận hàng cứu trợ phải đi qua ngầm tràn. Dòng nước chảy xiết ngang ngực nhưng bà con vẫn sẵn sàng đi qua con lũ đang cuộn dữ dội như vậy, đội lên đầu bao bì quà tặng để mang được về nhà. “Lúc đó, ở ngay bên bờ sông, một người dân thốt lên: “Vậy là từ giờ đến cuối năm chúng tôi không sợ đói nữa rồi!”. Tôi hỏi chị ấy: “Liệu những quần áo này các chị có dùng đến không?”, chị ấy bảo: “Quý lắm! Đừng nghe ở ngoài kia người ta nói là quần áo từ thiện vứt đi không ai nhận. Chúng tôi ở đây lúc nào cũng cần” - Yến bảo: Đấy chính là lúc tôi nhận ra mình làm từ thiện phải đúng chỗ, đúng cách và hết tâm, hết khả năng thì mới đến được đúng người cần nhận.
Cây cầu bắc qua con sông lớn ở Đắk Rông bị dòng lũ dữ cuốn trôi. Các hộ dân phía bên kia sông để có thể sang nhận hàng cứu trợ phải đi qua ngầm tràn.
Yến cùng một số thành viên lội qua bên kia sông, vào bản làng xa, sâu nhất, cách bờ sông lớn ở Đắk Rông gần 20km để tặng quà cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để vào được điểm bản ấy, Yến phải nhờ có bà con hỗ trợ, khi có xe máy chở, khi lội suối, khi đi bộ qua vài điểm đường bị đứt gãy,...
Điểm bản đó có những hộ dân nghèo đến mức không nhìn thấy cơ hội thoát nghèo. Đó là những gia đình chỉ có người mẹ già neo đơn gần đất xa trời nuôi một người con bị tâm thần; có những đứa trẻ năm lần bảy lượt bị bố mẹ bỏ ở đầu suối từ lúc vừa lọt lòng. Được y tế, biên phòng, công an nhận nuôi đến khi đủ cứng cáp trao về cho gia đình mà bố mẹ vẫn không nuôi nổi con. Nương rẫy ở đó gần như chỉ có thể trồng sắn, nhưng lũ về ngập úng nước hàng tuần, hàng tháng, sắn bị thối hết. “Vậy là từ đó đến cuối năm, người dân chỉ có thể trông đợi vào hàng cứu trợ để sống. Cảm giác nơi đó, khi đó là cùng cực của cái khổ. Nếu không có những tấm lòng sẻ chia thì người dân nơi ấy sẽ sống như thế nào và dựa vào đâu để duy trì niềm tin cuộc sống?”, giọng xót xa, Yến kể.
Đêm hôm ấy, khi đã trở lại bên đây bờ sông, Yến giục mọi người di chuyển nhanh bởi bên ngoài có rất nhiều điểm sạt lở, nhưng các anh em CLB Navara vẫn nán lại: “Bọn anh cố một chút nữa thôi để soi cho bà con mang được nốt những bao hàng này sang bên kia sông”. Thế là anh em cứ vậy huy động xe xuống sát mép sông, soi đèn cho bà con sang bên kia sông an toàn.
Các thành viên của Câu lạc bộ Xe bán tải Navara Việt Nam soi đèn cho bà con mang hàng cứu trợ qua sông an toàn, mặc màn đêm đã buông xuống và con đường trở về có nhiều điểm sạt lở nguy hiểm.
Những năm dịch Covid-19 bủa vây, Yến tham gia Đội xe 0 đồng Hà Nội mà không ai còn màng đến sự an nguy của bản thân, mang thực phẩm đến những khu bị cách ly, kết nối với những địa phương có thể cung ứng các nguồn thực phẩm. “Những ngày Sài Gòn bắt đầu mở cửa để bà con có cơ hội trở về quê hương, Đội xe 0 đồng Hà Nội đóng ở cửa ngõ Phú Xuyên đón bà con để tặng những suất ăn, nước uống, xăng xe, lương khô,… tiếp sức cho bà con trên đường trở về quê hương”, Yến cho hay.
Những ngày dịch Covid-19, Yến cùng Đội xe 0 đồng chở những chuyến hàng tới các khu vực địa phương bị cách ly.
Những khó khăn, hiểm nguy trên hành trình làm thiện nguyện không thể khiến Yến chùn bước mà trở thành kinh nghiệm để cô tìm ra giải pháp hiệu quả nhất, an toàn cho các thành viên. Yến bảo: “Ngoài 2 con gái của mình, tôi còn có rất nhiều cô con gái khác. Đó là những đứa trẻ tôi gặp trên mỗi chuyến thiện nguyện, đó là con của bạn bè, và bạn của con gái cũng gọi tôi là mẹ. Làm mẹ, mình phải dành thời gian cho con và giữ được cốt cách làm người, các con sẽ nhìn mẹ để trưởng thành, từ đó xây dựng nhân cách của mình, giữ ánh nhìn nhân ái với mọi người, mọi sự việc xung quanh và có quan điểm sống tích cực”. Và cũng bởi vậy, Yến đã mang tất cả năng lượng tích cực, sự nhiệt tình, tâm huyết để gieo và lan tỏa lối sống đẹp.
“Có những khi mải mê làm thiện nguyện, tôi đã có chút lơ là với gia đình, đó là vào năm 2020 khi miền Trung vào mùa lũ khốc liệt. Trong vòng hơn 20 ngày, Yến cùng các anh chị em ở các CLB Navara chạy 8 chuyến từ thiện vào miền Trung. Trong một tối Yến sắp xếp đồ vào ba lô cho chuyến đi sáng sớm hôm sau, con gái nhỏ của Yến lúc ấy mới được 8 tuổi đã xỏ chân vào ba lô và bảo: “Em xỏ chân vào ba lô của mẹ để giống như em được đi theo mẹ”. Lúc đó em rơi nước mắt vì thương con, chợt nghĩ hình như mình bỏ bê con quá rồi!”, Yến trải lòng.
Trong các chuyến thiện nguyện, Yến tự tay tham gia vào các khâu, kể cả đánh vữa, xây nhà, lăn sơn..., "miệng nói tay làm" cùng anh em.
Hoàng Ngọc Yến cùng CLB Xe bán tải Navara Việt Nam trong chuyến cứu trợ mùa lũ tại Huế năm 2020.
Khẳng định được bản thân trong công việc, thành công trong sự nghiệp cũng giúp Yến có được rất nhiều sự thuận lợi khi làm thiện nguyện. Cô tạo được sự tin cậy đối với mọi người. Lời kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ, đóng góp vào các chương trình, dự án thiện nguyện cũng vì vậy mà có sức thuyết phục hơn. “Làm thiện nguyện, tôi tránh tối đa không để xảy ra tình trạng mình đi cứu trợ bà con mà mình lại thành gánh nặng của người địa phương, họ phải cứu hộ ngược lại cho mình, nên em luôn phải lựa những cung đường phù hợp nhất phù hợp với đặc điểm các xe trong đoàn, hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra. Sức mình đến đâu thì làm đến đó, để các thành viên cùng thấy nhẹ nhõm, thấy mình được làm thiện nguyện chứ không cảm thấy đó là một gánh nặng”, Yến nhấn mạnh.
Trời dần về khuya se lạnh nhưng tôi không thể dứt khỏi câu chuyện về những chuyến đi từ thiện của Yến và các nhóm thiện nguyện. Từ Yến luôn tỏa ra năng lượng tích cực với nhiệt tâm cháy bỏng được giúp ích cho đời: “Khi làm thiện nguyện, tôi thấy vui vì làm được làm được những điều tốt đẹp cho xã hội, được lan tỏa lối sống đẹp, để ngày càng có nhiều người làm việc thiện. Với tôi, đó là thành công rồi”./.
Tôi đồng hành với chị Hoàng Ngọc Yến trong chuyến đi thiện nguyện năm 2017 và gắn bó với nhau từ đó. Chị Yến đã truyền lửa cho chúng tôi về khao khát được cho đi, được kết nối và giúp đỡ nhiều người khó khăn hơn mỗi ngày. Trong những chuyến đi và team nhỏ (Nhóm thiện nguyện ACE - Thiện nguyện từ trái tim), chị Yến là một thủ lĩnh dẫn dắt chúng tôi. Chị là tấm gương về người tốt việc tốt để các thành viên tự hào và mọi người noi theo.
Chị Trịnh Thị Bích Phương, thành viên Dự án Mang điện tới trường, Nhóm thiện nguyện ACE - Thiện nguyện từ trái tim
|