Tình yêu thương và sự kiên nhẫn cảm hóa “tội phạm nhí”
Ngôi trường giáo dưỡng là nơi dành cho những học trò từng là “tội phạm nhí”- những trẻ vị thành niên đã nhiều lần vi phạm pháp luật, được gia đình và xã hội giáo dục nhưng không đạt kết quả. Chính vì vậy, những người thầy nơi đây không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn phải dùng tình yêu thương, sự kiên nhẫn để cảm hoá những đứa trẻ đang chông chênh giữa cuộc đời, rời xa cạm bẫy mà các em từng vướng vào, giúp các em trở thành người biết yêu thương mọi người, “uốn” các em về phía mặt trời, hướng về điều thiện lành bình dị trong cuộc đời.
Cô giáo Hoàng Thị Ngọc Xuyến đã gần 15 năm công tác tại Trường Giáo dưỡng số 4, Cục C10, Bộ Công an. Ngày mới về trường, cô thật sự bối rối vì những sự khác biệt về đối tượng học sinh. Những hành vi vi phạm trước khi vào trường của các em khiến ai chưa từng đến với trường giáo dưỡng sẽ nghĩ các em thật đáng trách, đáng ghét bởi những hành vi như hiếp dâm, cướp của, giết người, gây rối trật tự công cộng... Những đứa lưu manh, giang hồ bặm trợn là những gì mà cô đã từng thoáng nghĩ về học sinh của mình. Nhưng thật sự không như những gì cô Xuyến nghĩ, cô chia sẻ: “Ngày đầu tiên về ngôi trường này tôi đã thật sự ngỡ ngàng trước cảnh quan xanh, sạch, đẹp nơi đây và ấn tượng sâu đậm nhất là hình ảnh của những cậu học trò nhỏ bé đang lao động dừng tay lại, hạ mũ cầm và cúi chào cô lễ phép. Không ai nghĩ đây là những “tội phạm nhí” đã từng gây ra nhiều hành vi tội lỗi”.
Đa số các em được sinh ra và lớn lên ở những gia đình khiếm khuyết, không có cha, không có mẹ, bị bỏ rơi khi còn rất nhỏ, hoặc cha mẹ đều đi tù... Các em rất thiếu thốn tình yêu thương, sự giáo dục, uốn nắn từ gia đình nên lớn lên với những nhận thức lệch lạc rồi trượt dài trong các tệ nạn như ma tuý, nghiện game... dẫn đến sa ngã vào con đường phạm tội. Dưới góc nhìn của quan điểm giáo dục, chúng ta có thể hiểu là các thầy cô ở ngôi trường giáo dưỡng đang làm công tác “giáo dục lại” những đứa trẻ đã một thời lầm lỡ.
Nhiều em bỏ học từ lâu, có những em vào trường đã 16 tuổi nhưng chưa biết chữ, không thể viết được tên của chính mình. Với lòng yêu nghề và đặc biệt là tình yêu thương, chia sẻ dành cho các em, cô Xuyến đã nhận thấy những việc mình cần phải làm không chỉ là truyền thụ kiến thức. Không chỉ một người thầy, mà cô ở bên học trò như những người bạn, người đồng hành, luôn lo lắng cho tương lai của các em. Bởi họ hiểu được, phía sau những ánh mắt giang hồ vùng vẫy ấy, là tận cùng những yếu đuối, khát khao của những đứa trẻ bơ vơ trong đời.
Thời gian dần trôi đi, gần 15 năm gắn bó, cô đã thật sự hiểu, càng thêm yêu và tự hào hơn về công việc mà mình đang hằng ngày thực hiện. “Thật sự các em học sinh trường giáo dưỡng đáng thương hơn đáng trách, tôi nghĩ nếu các em có được một gia đình trọn vẹn thì các em sẽ không có những sai lầm, tội lỗi như vậy! Chính vì thế, tôi đã luôn dành tình yêu thương, gần gũi, động viên, sẻ chia cùng các em. Hạnh phúc nhất với tôi là sau khi các em ra trường đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, nhiều em lập gia đình, sống chan hoà, hạnh phúc đã gọi điện chia sẻ với tôi”, cô Xuyến xúc động bày tỏ.
Đại úy Trần Đại Lượng đã gắn bó 11 năm với Trường Giáo dưỡng số 2 (Cục Cảnh sát quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, trường Giáo dưỡng, Bộ Công an) cũng bày tỏ: “Những tháng đầu nhận công tác, trước đám học trò với những trang đời bất hảo luôn thường trực thái độ bất cần, thiếu hợp tác, lười học... nhiều khi tôi cảm thấy áp lực, căng thẳng, tưởng chừng không thể dạy hết tiết học. Nhưng với suy nghĩ, niềm tin khi đến với nghề: Giáo dục các em là cứu cuộc đời các em, là đem lại hạnh phúc cho gia đình các em, đem lại sự bình yên cho xã hội, nên tôi đã dần thích nghi với công việc đầy ý nghĩa nhân văn tại ngôi trường thân yêu này”.
Cùng với lòng say mê nghề nghiệp và tấm lòng của một người anh, người thầy đối với những mảnh đời đã một thời lầm lỗi, thầy Lượng đã luôn tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, xây dựng hệ thống câu hỏi phù hợp với đối tượng học sinh trong những tiết học lý thuyết; Cầm tay chỉ dạy, hướng dẫn cụ thể kỹ thuật cho các em trong những tiết thực hành. Thầy Lượng chia sẻ: “Thông qua mỗi bài giảng các em không chỉ được truyền dạy kiến thức, kỹ năng thực hành nghề, mà tình yêu thương trách nhiệm với nghề của người giáo viên còn đưa các em đến gần tôi hơn, các em đã chủ động chia sẻ những tâm tư tình cảm và nói lên những mong ước suy nghĩ của mình. Hòa đồng được với các em là thành công quan trọng nhất, bởi sự tác động bằng tình cảm sẽ giúp các em thấy được lỗi lầm của mình, gạt bỏ được mặc cảm, cố gắng sửa chữa để trở về với gia đình, hòa nhập với xã hội”
Tôi thường nói các em như những mầm non chưa kịp vươn chồi đã bị sâu bệnh, làm thế nào để lại khoẻ khoắn vươn lên. Trong môi trường giáo dưỡng, tình yêu thương càng cao gấp bội để xây lại niềm tin cho các em. Những người thầy cô như chúng tôi luôn tìm cách thấu hiểu tâm tư của học sinh, từ đó tạo ra sự gắn bó”. Cô Hoàng Thị Ngọc Xuyến |
Gieo trồng lại mầm thiện
Đối với những giáo viên đang công tác tại ngôi trường đặc biệt này thì việc nhìn thấy học trò tiến bộ từng ngày chính là niềm hạnh phúc, là động lực tiếp thêm sức mạnh cho họ. Thầy Trần Đại Lượng chia sẻ: Hơn 10 năm gắn bó với nghề, lưu giữ lại trong tôi là biết bao kỷ niệm trong việc cảm hóa giáo dục học sinh thông qua công tác hướng nghiệp dạy nghề. Đa số học sinh ban đầu đều tỏ ra bất cần, có tư tưởng chống đối, ngại học, sợ học... Điển hình như em Hoàng Minh Nghĩa quê ở Hữu Lũng, Lạng Sơn, ban đầu em tỏ ra lầm lỳ, ít nói, khó bảo nhưng bằng các biện pháp giáo dục mềm mỏng, kết hợp với xử lý vi phạm của học sinh theo nội quy của nhà trường, Nghĩa đã dần hiểu việc được học nghề là may mắn là cơ hội cho con đường tái hòa nhập cộng đồng của em. Từ đó, Nghĩa có những tiến bộ rõ rệt, kết thúc khóa học Nghĩa được cấp chứng chỉ loại giỏi và được ra trường trước thời hạn. Tiếp đó, Nghĩa đi làm thuê ở các xưởng cơ khí, rồi mở xưởng chuyên làm then hoa, cửa xếp, mái tôn... tại Từ Sơn, Bắc Ninh.
Khi công việc ổn định, Nghĩa đã tạo cơ hội cho học sinh Giàng Mí Pó ở Cao Bằng được vào làm tại xưởng của mình. Nghĩa đã sống lương thiện bằng chính nghề được học tại trường để phục vụ bà con trong bản. Với chúng tôi, những học sinh như Hoàng Minh Nghĩa và lớp lớp các thế hệ học sinh đã trưởng thành từ nơi đây, chính là những mùa quả ngọt được tập thể cán bộ giáo viên nhà trường không quản nhọc nhằn, khó khăn từng ngày, từng giờ miệt mài ươm mầm, vun xới.
Cô giáo Lê Thị Hồng Lụa, công tác tại Trường Giáo dưỡng số 2 chia sẻ, dù đã đạt nhiều thành tích cao trong giảng dạy chuyên biệt, cô vẫn thấm thía việc dạy dỗ một con người đã khó, rèn giũa một đứa trẻ có quá khứ không tốt lại càng khó gấp bội. “Giây phút hạnh phúc nhất đối với một giáo viên đang công tác tại ngôi trường đặc biệt này, đó là khi các em nhận được giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp đưa vào Trường giáo dưỡng, được các em hân hoan thông báo với thầy cô: em đã có việc làm, là người con ngoan có ích cho xã hội, là người công dân tốt, có cuộc sống gia đình hạnh phúc”, cô Lụa xúc động nói.
Từ nỗi trăn trở đến niềm vui, từ tình yêu thương đến sự kiên nhẫn mỗi ngày đã làm nên sức mạnh cho công cuộc giáo dục đầy gian nan nhưng rất đỗi cao quý này. Hàng trăm đứa trẻ đã dần hiểu đúng đắn, trái sai, biết thượng tôn pháp luật để trưởng thành - từ những yêu thương uốn nắn của những người thầy đặc biệt đã cảm hóa chúng bằng tấm lòng của những người mẹ, người bạn như thế…
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, nhưng dạy học cho những trẻ em từng có hành vi vi phạm pháp luật còn là một nghề đặc biệt, nhiều khó khăn gian khổ, lặng lẽ âm thầm nhưng cũng rất vinh quang và hạnh phúc./.
"May mắn lớn nhất là gặp được thầy Lượng, nếu không có thầy, cuộc đời tôi không biết đã trôi dạt, tệ nạn đến đâu. Sau 7 năm ra trường, tôi đã gặp được thầy trong dịp 20/11 để tặng thầy bó hoa tươi thắm. Tôi không dám hứa điều gì, chỉ biết nỗ lực và cố gắng từng ngày để trở thành người có ích cho xã hội, không phụ lòng mong mỏi của thầy Lượng cũng như các cán bộ tại trường Giáo dưỡng số 2". Trần Đại Lượng |