Chuyện đời thổ sản xứ Quảng

Bảo tàng thổ sản Hội An vừa ra mắt phục vụ công chúng từ đầu tháng 12 này.

 

Cái lạnh từ sông Thu Bồn phả qua như xới về quá khứ thương cảng xưa, một thời tấp nập trên bến dưới thuyền, giao thương buôn bán sầm uất với thương nhân quốc tế ở xứ Đàng Trong. Những kỷ vật của các bậc tiền nhân để lại cho hậu thế dẫu có chìm sâu trong bụi thời gian vẫn không phai mờ. Mỗi kỷ vật không chỉ là minh chứng sáng tạo của tổ tiên mà đó còn là “Di sản”.

1. “Mấy chục năm ni răng không trưng bày sớm để du khách xem và yêu Hội An hơn?” - lời của một cụ già 90 tuổi ở đường Trần Phú - đối diện Bảo tàng Thổ sản Hội An (Quảng Nam) - như hờn trách. Câu hỏi của cụ là sự đồng lòng của bao nhiêu người Hội An, du khách và đặc biệt là các hướng dẫn viên tại các công ty du lịch. Những hoài nghi về lịch sử thương cảng lâu nay như nằm dưới lớp rêu thời gian, khiến hoài nghi lan rộng như phù sa sông Thu Bồn xuôi ra biển Đông. “Anh nghĩ thử, không lẽ cả một di sản đồ sộ thế này mà không còn những vật chứng xưa hay sao?” - một hướng dẫn viên vừa dứt lời, một chị nhân viên của Trung tâm Di sản Hội An giải thích: “Không phải, còn rất nhiều hiện vật, thậm chí là hiện vật quý và rất quý. Tuy nhiên, khi đưa hiện vật ấy ra công chúng cần phải kiểm định niên đại, nguồn gốc… và cả cách bảo quản nữa”. Thì ra lâu nay, tất cả vật cổ xưa của dấu tích thương cảng được nghiên cứu và thẩm định, nay mới đưa vào bảo tàng để du khách tìm hiểu.

Du khách ngạc nhiên khi đến với bảo tàng.

Bảo tàng thổ sản Hội An vừa ra mắt phục vụ công chúng từ đầu tháng 12 này, góp thêm một điểm nhấn ấn tượng để thúc đẩy hoạt động du lịch bảo tàng tại địa phương. Đảo quanh một vòng, Bảo tàng thổ sản Hội An định hình 4 chủ điểm riêng biệt để phục vụ du khách và công chúng. Ở chủ đề “Tổng quan về thổ sản Hội An, Quảng Nam”, các yếu tố đặc trưng về điều kiện địa lý, tự nhiên - cơ sở để hình thành sự phong phú của các loại hương liệu, thổ sản Hội An, Quảng Nam cũng như quá trình khai thác, chế biến hương liệu, thổ sản được giới thiệu. Câu chuyện như lặp lại quá khứ xa xôi để mọi người dễ hình dung. Cái cốt là thông qua các hình ảnh, mô hình, tư liệu lịch sử, hiện vật được trưng bày, từng bước minh chứng câu chuyện khai thác, sử dụng hương liệu, thổ sản của cư dân trên vùng đất này từ thời sơ sử.

Ở chủ đề “Hội An - Điểm trung chuyển hương liệu, thổ sản xứ Quảng”, bảo tàng trưng bày các tư liệu, hình ảnh, hiện vật giới thiệu về hoạt động giao lưu, buôn bán hương liệu, thổ sản nhộn nhịp ở thương cảng quốc tế Hội An qua các giai đoạn lịch sử cũng như hoạt động trao đổi, buôn bán trong nội vùng xứ Quảng.

Mô hình thuyền buồm xưa đến tạo nên thương cảng Hội An.

2. Không gian bảo tàng là ngôi nhà cổ ngay thương cảng xưa như đưa người xem trở về quá khứ. Đặc biệt, nhiều hình ảnh, tư liệu trưng bày là những ghi chép về thổ sản phong phú và hoạt động buôn bán tại cảng thị Hội An qua mô tả trong Hải ngoại kỷ sự (Thích Đại Sán), Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn), An Nam ký (Kydoya Shichirõjirõ Ariyoshi và Matsumoto Dadõ), Hồi ký xứ Đông Dương (Paul Doumer) cùng hiện vật thể hiện quá trình giao lưu, buôn bán như tiền đồng, quả cân, bàn tính, xe cút kít, con dấu, đồ đựng thổ sản… “Tôi rất cảm động, nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật của tổ tiên chúng tôi” - một du khách đến từ Bồ Đào Nha nói. Một số mô hình các thuyền buôn quốc tế từng cập bến Hội An như thuyền buôn Trung Hoa, Châu Ấn thuyền Nhật Bản, thuyền châu Âu và mô hình ghe bầu - phương tiện vận chuyển phục vụ buôn bán hàng hóa đặc trưng ở khu vực miền Trung cũng xuất hiện ở bảo tàng đã làm sáng tỏ thêm câu chuyện thương cảng thời Chúa Nguyễn.

Tại không gian tầng 2, một số loại hương liệu, thổ sản quý của Hội An, Quảng Nam như: yến sào, cau, hồ tiêu, quế, trầm hương, chè... thể hiện cho chủ đề “Giới thiệu về một số loại thổ sản đặc hữu, tiêu biểu của Hội An, Quảng Nam”. Ngoài ra, còn giới thiệu về các hoạt động khai thác chế biến; các công cụ sản xuất, hành nghề khai thác, chế biến thổ sản truyền thống; các tri thức bản địa, các loại hình văn hóa phi vật thể có liên quan của các địa phương gắn với các nghề khai thác, chế biến hương liệu, thổ sản Hội An, Quảng Nam. Cuối cùng, nhằm giới thiệu chủ đề “Thổ sản Hội An, Quảng Nam - Nối tiếp và phát triển”, một phần không gian bảo tàng tại gian nhà sau tầng 1 được sử dụng để trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP về hương liệu, thổ sản như hồ tiêu, quế, chè, trầm… và không gian trải nghiệm dành cho du khách.

Những kỷ vật như hiện lại thời quá khứ.

3. Dạo bước trong bảo tàng, tôi nhìn du khách đến từ châu Âu như bị lôi cuốn bởi các hiện vật trong bảo tàng. Bà Lucy - du khách đến từ Cộng hòa Séc - chia sẻ: “Thật tình cờ khi tôi là một trong những du khách quốc tế đầu tiên ghé thăm bảo tàng ngay lúc khai trương. Trong bảo tàng có quá nhiều điều mới mẻ và thú vị. Tôi lần đầu được nhìn thấy các mô hình thuyền buôn hải ngoại của nhiều quốc gia bởi ở đất nước chúng tôi không có biên giới với biển. Ngoài ra, lần đầu tiên tôi cũng được tận mắt thấy gỗ trầm hương, loài thực vật liên quan đến nhiều nền văn hóa cũng như tôn giáo trên thế giới”. Sự xuất hiện của Bảo tàng thổ sản Hội An góp thêm sự phong phú cho mạng lưới bảo tàng chuyên đề trong khu phố cổ trước đó đã có: Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng gốm sứ mậu dịch, Bảo tàng nghề y truyền thống, Bảo tàng văn hóa dân gian Hội An. Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An - cho hay, việc thiết lập Bảo tàng thổ sản Hội An tại vị trí này sẽ kết nối với các bảo tàng chuyên đề lân cận, tạo thành chuỗi các điểm tham quan hấp dẫn ở khu vực phía đông phố cổ, tạo điều kiện để người dân địa phương phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ du khách, nâng cao đời sống.

Về lâu dài, điều đáng chờ đợi là Bảo tàng thổ sản Hội An sẽ dẫn dắt du khách, thậm chí là người làm du lịch tìm tòi, thiết kế các trải nghiệm liên quan đến kho báu giá trị dược liệu của Quảng Nam. Những chuyến đi khám phá hang yến Cù Lao Chàm, tơ lụa Mã Châu, rừng quế Trà My, vùng sâm dược liệu Ngọc Linh… ắt hẳn sẽ mang đến cho du khách những chiêm nghiệm rõ nét hơn về giá trị đặc sắc của vùng đất này. Thậm chí xa hơn, việc tái hiện một phiên chợ dược liệu, thổ sản trên bến dưới thuyền như đã từng tồn tại trong quá khứ, với những chuyến rong ruổi qua các ngả sông Hoài, sông Cổ Cò, sông Trường Giang khi đủ điều kiện, trong khoảnh khắc như đưa du khách được trở về với không gian Hội An của mấy trăm năm trước. Đó là câu chuyện của tương lai, còn trước mắt, với những du khách yêu thích khám phá chiều sâu của vùng đất này, thật khó để bỏ qua điểm hẹn Bảo tàng thổ sản Hội An!./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận