SÁNG ĐẸP VÙNG BIÊN
Theo giới thiệu của anh Võ Ngọc Quý, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai, chúng tôi về Đức Cơ- huyện có đường biên giới với nước bạn Campuchia, nơi Điện lực Đức Cơ đang tổ chức đợt ra quân bảo dưỡng và thay thế một số hạng mục công trình điện để chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ngành Điện lực Việt Nam 21/12/1954 - 21/12/2024 và hướng tới chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và mừng Xuân mới Ất Tỵ 2025. Đức Cơ cũng là huyện đang thực hiện việc bán điện sang huyện Oyadav, tinh Ratanakiri của nước bạn Camphuchia. Tiếp chuyện chúng tôi, anh Tăng Văn Dũng, Giám đốc Điện lực Đức Cơ cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của ngành, đến nay huyện Đức Cơ đã đưa điện lưới Quốc gia về đến 100% làng, xã, thôn, buôn (trừ những chòi, lán người dân dựng tạm để trông nương, rẫy) với 99% số hộ đã có điện”. Đưa điện về vùng sâu, vùng xa, vùng Dân tộc ít người là một nỗ lực rất lớn của Ngành điện nói chung và điện lực Gia Lai nói riêng”. Để thực hiện mục tiêu cung cấp điện liên tục, an toàn và hiệu quả, Điện lực Đức Cơ đang nỗ lực hết mình trong việc quản lý, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa nguồn và lưới điện trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.
Cuối năm thời tiết giao mùa, gió bụi mịt mù, nhưng những người thợ điện trong Đội quản lý vận hành, sửa chữa đường dây và trạm của Điện lực huyện vẫn miệt mài hối hả trong công việc thay cột hạ thế, lắp đặt thiết bị bảo vệ đường dây, thay công tơ và bảo dưỡng định kỳ các trạm biến áp phân phối tại thị trấn Chư Ty và một số xã, chuẩn bị tinh thần đón năm mới 2025 và chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930- 03/2/2025). Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Đức Cơ có diện tích tự nhiên 71.720 héc ta, toàn huyện có 9 xã, 01 thị trấn. Trong đó 03 xã có đường biên giới với Campuchia là Ya Dom, Ya Nan và Ya Pnôn. Toàn huyện có 19 Dân tộc, trong đó đông nhất là Dân tộc Jarai chiếm 60%, đây là một trong những huyện vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất của tỉnh Gia Lai, vì vậy mà hầu hết các xã đều được hưởng Chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước thông qua các Nghị quyết, các Chương trình cụ thể của từng giai đoạn. Anh Trần Văn Quốc, Đội trưởng Đội quản lý, vận hành, sửa chữa đường dây và trạm, bọc bạch: “Từ ngày có điện, bà con đã ổn định định canh, đinh cư, nhưng do bà con ở rải rác nên việc đi lại để bảo dưỡng, định kỳ cũng như sửa chữa đột xuất của anh em công nhân gặp không ít khó khăn, ban ngày thì còn đỡ, ban đêm thì rất vất vả”.
Để giảm tối đa mức tổn thất điện năng, đồng thời giúp người dùng điện, đặc biệt là người dùng điện ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào Dân tộc Thiếu số sử dụng điện an toàn hiệu quả, Công ty Điện lực Gia Lai nói chung và Điện lực Đức Cơ nói riêng đã cho khảo sát lại toàn bộ những nơi có giá điện cao hơn so với giá trần của Chính phủ quy định. Kết quả, những nơi có giá điện cao đều có hệ thống lưới điện hạ áp không đảm bảo về mặt kỹ thuật, một số nhánh rẽ quá dài nhưng tiết diện dây lại nhỏ và nhiều chắp nối, hành lang tuyến lại có nhiều cây cối không đảm bảo vận hành an toàn… Mặt khác hệ thống công tơ của các hộ đã sử dụng nhiều năm nhưng không được cân chỉnh theo định kỳ và đều được lắp trong nhà nên rất khó kiểm tra. Để khắc phục tình trạng này, Công ty đã lập kế hoạch, lên phương án đầu tư cải tạo và xây mới một số hệ thống đường dây và trạm, cũng như thay thế toàn bộ công tơ điện cảm ứng 1 pha bằng công tơ điện tử RS… Nói về hiệu quả của công điện tử RS, anh Tăng Văn Dũng, Giám đốc Điện lực Đức Cơ, cho biết:
“Đối với công nghệ đọc chữ số từ xa hay còn gọi là công tơ điện tử có lợi cho công tác kinh doanh điện năng, tiết kiệm nhân công- đặc biệt là khi trời mưa bão hoặc thời tiết xấu cũng có thể lấy được số liệu mà không cần phải leo trèo nguy hiểm. Đối với công tơ cơ ghi chữ số thủ công thì phải mất một ngày, thậm chí là lâu hơn mới in được hóa đơn, nhưng công tơ điện tử chỉ cần chưa đầy 10 phút là đã xuất được hóa đơn cho công nhân ghi chữ, vừa tăng năng suất lao động, vừa đảm bảo độ chính xác cao và rất sòng phẳng giữa Ngành điện với khách hàng dùng điện”.
Ngoài nhiệm vụ quản lý, vận hành 348 Trạm biến áp 35 kV; 323 TBA 22kV và 324 km đường dây trung thế; 253 km đường dây hạ thế, trực tiếp phục vụ cho 22.200 khách hàng trong huyện, với sản lượng điện hàng năm là 45,7 triệu KWh. Điện lực Đức Cơ còn đảm đương nhiệm vụ bán điện tổng sang huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri của Campuchia qua cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh với sản lượng hàng năm là 16 triệu kWh. Không chỉ có bán điện, mà thông qua việc bán điện, Điện lực Đức Cơ còn làm sâu sắc thêm mối qua hệ đoàn kết, hữu nghị giữa hai huyên Đức Cơ và Oyadav nói riêng và hai Quốc gia Việt Nam- Campuchia nói chung.
ĐỊNH CANH, ĐỊNH CƯ ĐỂ LẬP NGHIỆP LÀM GIÀU
Tây Nguyên bây giờ đang là mùa khô, gió bụi mịt mù, nhưng dọc Quốc lộ 19 từ ngã ba Chư Sê ngược lên cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh khá êm thuận và đây đó lác đác vẫn còn màu vàng của hoa dã quỳ cuối mùa đung đưa như vẫy gọi. Nhìn những chiếc xe tải xếp hàng chờ qua cửa khẩu, anh Nguyễn Thanh Liễu, Phó Giám đốc Điện lực Đức Cơ, cho biết: “Lệ Thanh là cửa khẩu Quốc tế của tình Gia Lai, nhưng lượng xe cộ qua lại không nhiều, chủ yếu là vận chuyển hàng nông sản theo thời vụ và bà con bên huyện Oyadav của Campuchia qua khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Hoàng Anh, Gia Lai”.
Rời thị trấn Chư Ty, chúng tôi đi trên con đường đất đỏ ngoằn nghèo giữa bạt ngàn cao su và cà phê để đến xã Ya Nam- một xã có chung đường biên giới với nước bạn Campuchia. Có đến tận nơi mới chứng kiến được sự đổi thay của bà con dân bản kể từ khi có điện lưới Quốc gia và thực hiện phong trào định canh, định cư. Cái dễ nhìn thấy nhất, đó là những công trình phúc lợi tập thể, như điện, đường, trường trạm… Ngồi trong ngôi nhà mới dựng khá khang trang, Già làng Rơ Lan Zun, phấn khởi nói: “Làng này, trước đây ở trong vùng sâu xa xôi và tối tăm lắm, nay về nơi ở mới có đường đi thuận lợi, lại có điện thắp sáng nên vui lắm, mừng lắm, nhà nào cũng có điện cho thắp sáng và còn dùng cho sản xuất”. Theo chúng tôi được biết thì có những bản làng trước đây nghèo đến nỗi không thể nghèo thêm được nữa, nhưng kể từ khi có điện và thực phong trào hiện định canh, định cư, nhiều hộ đã nhận đất, nhận rừng trồng cây cao su, cà phê và các loại cây ăn quả… Nhờ đó mà bữa ăn hàng ngày đã được cải thiện, cuộc sống từng bước được đổi thay.
Điện về vùng sâu, vùng xa đã thực sự tiếp sức cho những cuộc đời lam lũ vươn lên thoát cảnh khó khăn. Cái đói, cái rét đã được đẩy lùi và vì vậy mà nạn phá rừng làm nương cũng được hạn chế tới mức tối đa, màu xanh của cây trái đã lan tỏa khắp các làng gần, bản xa. Có thể nói cái được lớn nhất, dễ nhận thấy nhất, đó là bà con các Dân tộc giờ đây đã thấy được thành tựu lớn lao mà Đảng và Nhà nước đã đem lại cho họ, đã thấy được những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với bà con các Dân tộc cũng như truyền thống yêu nước của Dân làng Tây Nguyên. Chính vì vậy mà trong khó khăn thiếu thốn, trước cám dỗ và lừa bịp của một số kẻ xấu, bà con các Dân tộc vẫn một lòng theo Đảng, theo Cách mạng để xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc ngay trên quê hương của chính mình.
Tây Nguyên chiều cuối năm thời tiết se lạnh với những màn sương lãng đãng, dập dờn trên tán rừng cao su đang mùa thay lá mang dáng dấp của những cánh rừng xứ lạnh, thi thoảng bắt gặp những cây Pơlang nở đầy hoa đỏ báo hiệu Xuân về càng thôi thúc những người thợ trong bộ đồng phục màu Cam phải đẩy nhanh tiến độ công việc của mình để giữ cho mạch nguồn liên tục tỏa sáng./.
PS&HL