Khơi lại màu xanh

Trong câu chuyện của người dân vùng lũ Yên Bái chất lên những hy vọng tốt lành về tương lai.

 

Những cánh đồng xanh ngút ngàn trên đất lũ; hơi ấm nồng đượm trở lại những bản làng. Trong câu chuyện của người dân vùng lũ Yên Bái chất lên những hy vọng tốt lành về tương lai.

Hồi sinh sau lũ

Lục Yên vào mùa cam chín, những triền đồi vàng rực một màu ấm áp. Đường từ thị trấn huyện lỵ vào làng Át Thượng, xã Minh Xuân khói bếp lan toả bảng lảng mái nhà sàn, mùi nếp xôi vừa chín tới ập về theo gió, thấy chộn rộn không khí Tết. Bên những con đường bê tông sạch đẹp của nông thôn mới, mạ đã bén rễ trên những thửa ruộng quen, trải một màu xanh tít tắp đến tận chân đồi… Trở lại vùng bị lũ dữ quét qua sau hơn 2 tháng, lòng thấy ấm áp và nhẹ nhàng.

Khu tái định cư sau lũ ở Lục Yên sẽ là ngôi làng hạnh phúc.

Ngồi bóc bánh chưng, chuẩn bị cỗ đón anh em, họ hàng đến chúc Tết trong căn nhà sàn mới xây rất khang trang, “người hùng” Hoàng Văn Tiện nở nụ cười rất tươi, không còn hãi hùng như hôm nào kể chuyện cứu bà Hoàng Thị Thắng và hai cháu bé cùng thôn dưới đống bùn đất ngổn ngang sau vụ sạt lở.

Anh Tiện kể, sau mưa lũ, nhà anh ở dưới chân quả đồi nứt, nguy cơ sạt lở rất cao nên chính quyền đưa vào khu tái định cư. Cũng như 35 hộ dân khác đến nơi ở mới, anh thấy tiếc nuối nơi ở cũ vốn gắn bó bao năm nhưng đến nơi ở mới an tâm hơn hẳn, không còn lo lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nữa. “Các anh bộ đội của Công ty 789 (Bộ Quốc phòng) làm nhà nhanh lắm, tháng 11 khởi công mà đến Tết là bà con đã được về nhà mới. Sống sum vầy, quây quần bên nhau nên ai cũng thấy ấm lòng”, Tiện xúc động nói.

Anh Tiện cũng cho biết, tới đây bà con sẽ trang trí, giữ cảnh quan thật đẹp, tính đến việc làm homestay đón du khách tới thăm. Dân làng sẽ nuôi cá bỗng và gà trống thiến - những đặc sản nổi tiếng khắp vùng mấy trăm năm qua để tiếp đãi khách. Khu tái định cư này chắc chắn sẽ là ngôi làng hạnh phúc… Trong ánh mắt của người đàn ông trung niên, ánh lên những hy vọng, và tin chắc anh sẽ thành công, bởi ý nghĩ ấy, dự định ấy nhận được sự đồng tình rất cao của bà con trong làng.

Gia đình anh Hoàng Văn Tiện sửa soạn cỗ đón họ hàng vui Tết.

Quây quần bên mâm cơm ngày Tết với bánh chưng gù và các món ăn đặc biệt của đồng bào Tày, anh Hoàng Văn Doanh cho biết, với đồng bào nơi đây, việc thờ cúng là điều rất thiêng liêng nên bà con rất ấm lòng khi được chính quyền và lực lượng quân đội xây dựng căn nhà mới, để lấy nơi thờ cúng cho mẹ cha, người thân đã khuất. “Điều lo lắng nhất sau lũ đã thực hiện được, năm mới đến cũng thấy an lòng hơn rất nhiều”, anh Doanh tâm sự.

Về vui Tết với bà con Át Thượng, ông Phạm Văn Hải, cán bộ Tổng Công ty 789 (Bộ Quốc phòng) - Chỉ huy trưởng công trường nhớ lại, ngay khi nhận nhiệm vụ của Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương giao phó, Quân khu 2 và Tổng Công ty 789 đã khẩn trương phối hợp cùng chính quyền địa phương tiến hành rà soát, lựa chọn vị trí xây dựng khu tái định cư cho người dân thôn Át Thượng. Suốt hai tháng, Tổng Công ty 789 đã huy động mỗi ngày trên 50 cán bộ, chiến sĩ cùng khoảng 200 người lao động thi công liên tục 3 ca, để hoàn thiện nhà cho người dân. “Niềm vui của người dân, sự an yên của đồng bào cũng là động lực của mỗi cán bộ chiến sĩ. Nỗ lực, cố gắng hết mình, chúng tôi muốn cuộc sống của người dân vùng lũ sớm ổn định, Tết về phải được ở nhà mới  ấm cúng”, ông Phạm Văn Hải chia sẻ.

Suốt 2 tháng, Tổng Công ty 789 (Bộ Quốc phòng) huy động cán bộ, chiến sĩ và nhân lực để thi công, hoàn thiện nhà ở cho dân.

Trong câu chuyện của người dân Át Thượng dịp Tết này, luôn kể về gia đình ông Hoàng Sơn Hải viết đơn gửi chính quyền địa phương về việc không nhận nhà tại khu tái định cư vì muốn nhường lại cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. “Trên địa bàn còn rất nhiều hộ gia đình phải di dời khẩn cấp chưa bố trí được chỗ ở, do đó, nguyện vọng của tôi muốn nhường lại suất tái định cư của mình cho hộ gia đình khác. Riêng hai bố con tôi, với sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và người thân, đã hoàn thiện được căn nhà của mình để đón Tết”, người đàn ông từng vượt qua nỗi đau mất 3 người thân trong mưa lũ chia sẻ.

Không chỉ riêng ở Át Thượng, Tết này hàng chục nghìn hộ dân ở các địa phương khác ở Yên Bái cũng được về nhà mới hoặc tu sửa xong nhà cửa để đón năm mới. Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết: Bão số 3 đã làm sập đổ, hư hỏng hơn 27.300 ngôi nhà trên địa bàn, cùng với đó, hàng nghìn hộ dân phải di dời khẩn cấp khỏi vùng nguy cơ sạt lở cao. Để hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống, tỉnh đã huy động, lồng ghép các nguồn lực để khắc phục; đến nay đã phân bổ cho các địa phương trên 300 tỷ đồng; tập trung nhân lực hoàn thành khoảng 1.300 ngôi nhà… “Sau 3 tháng nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, cuộc sống của nhân dân vùng bị ảnh hưởng đã trở lại bình thường. Tất cả các hộ dân bị thiệt hại về nhà ở đều có nhà mới trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ”, ông Trần Huy Tuấn chia sẻ.

Lãnh đạo huyện Lục Yên tặng quà Tết cho gia đình vùng bị thiên tai.

“Sau 3 tháng nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, cuộc sống của nhân dân vùng bị ảnh hưởng đã trở lại bình thường. Tất cả các hộ dân bị thiệt hại về nhà ở đều có nhà mới trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ”.

Ông Trần Huy Tuấn - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái

Thay bùn đỏ bằng đồng xanh

Những ngày cận Tết, chạy xe theo triền đê sông Hồng, ngắm rau màu xanh mướt trên đất lũ Tuy Lộc (thành phố Yên Bái), khó tưởng tượng chỉ 3 tháng trước, nơi đây trận “đại hồng thủy” đã cuốn đi tất cả.

Vừa tất bật cắt rau ra bán chợ Tết, bà Nguyễn Thị Lý ở thôn Hợp Thành, xã Tuy Lộc vừa cho biết, gần như việc cấy trồng của bà con vùng rốn lũ đã trở lại bình thường. Chính trên những thửa ruộng ngập tràn bùn lũ, rau màu đã lại cho thu hoạch, không kém vụ trước.  “Nhà bà có 4 sào lúa, 2 sào ngô, 1 sào rau, tất cả là 7 sào, lũ cuốn đi không còn tí nào. Cả 4 tạ ngô phơi khô rồi cất lên gác xép cũng mất hết. Cứ nghĩ sẽ chẳng thể làm lại, nhưng được Nhà nước, nhà hảo tâm hỗ trợ giống, hỗ trợ vốn, bà con chung tay cải tạo đồng đất nên đến giờ cơ bản đã như cũ”.

Chị Hà Thị Huyền, một hộ trồng rau màu lâu năm ở xã Tuy Lộc chia sẻ, sau khi lũ rút, hơn 10 sào đất trồng rau màu của gia đình bị đất cát bồi lấp rất sâu. Với quyết tâm cứu chữa, gia đình đã thuê máy xúc san gạt lớp cát trên mặt ruộng, sửa sang lại hệ thống giàn để trồng hơn 5 sào su su và đỗ. Do giá rau quả ổn định nên gia đình có tiền sắm Tết đủ đầy sau một vụ mùa lũ lụt gây thất bát.

Ngô lúa, hoa màu đã xanh lại trên đất lũ.

Không chỉ “vựa rau” Tuy Lộc, trên những cánh đồng dọc bờ sông Thao, mạ cũng đã bén rễ lên xanh, chờ mưa xuân đến là chuyển sang thì con gái. Những triền dâu ven sông lại mơn mởn trên đồng đất Trấn Yên. Vựa đào Tết Thành Thịnh tưởng mất trắng cũng điểm bông đỏ thắm giữa những ngày xuân ấm áp. Ông Nguyễn Xuân Huy, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái phấn khởi thông tin, toàn tỉnh có đến hơn 7.000ha lúa và hoa màu thiệt hại nhưng ngay sau khi lũ rút, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng cứu chữa những diện tích có khả năng khôi phục được; đối với những diện tích không thể khôi phục thì chuyển đổi cây trồng để có nguồn thu trong thời gian sớm nhất cho bà con. Với sự hỗ trợ kinh phí theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Yên Bái, màu xanh đã trở lại nhanh hơn dự kiến. Riêng vụ Đông vừa qua các cánh đồng trồng vượt dự kiến 1.627ha, đưa tổng diện tích cây vụ rau màu lên hơn 10.600ha, bù đắp lại thiệt hại do lũ lụt gây ra. Về cơ bản bà con nhân dân đảm bảo thu nhập, đủ đầy đón Tết.

Bà con vùng lũ khôi phục lại sản xuất.

Người dân Yên Bái sống dựa vào đồng ruộng và đồi núi, ở nơi được coi là rốn mưa Tây Bắc. Quen với lũ ống, lũ quét và sạt lở đất nên họ có kinh nghiệm ứng phó, đứng dậy sau thiên tai. Trên đồng ruộng, lúa ngô, rau màu xanh lại chỉ sau mấy chục ngày cần cù, chịu thương chịu khó. Trên những triền đồi nứt, tưởng không dám ở, bà con san gạt, cải tạo, trồng cây, trồng hoa, vừa làm đẹp vừa đảm bảo an toàn để trở về nhà vun vén, thu xếp đón Tết. Ở tỉnh khơi nguồn của “chỉ số hạnh phúc” này, đồng bào vùng cao miền núi đang dựng xây lại cuộc sống từ những điều giản dị và thực tế nhất./.

Đinh Văn Tuấn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận