Vùng đất Chín rồng: Biến ước mơ của dân thành hiện thực

Ước mơ về những căn nhà kiên cố để che mưa, che nắng ở vùng đất Chín rồng đang đến gần hơn với hàng chục ngàn hộ dân.

 

Ước mơ về những căn nhà kiên cố để che mưa, che nắng ở vùng đất Chín rồng đang đến gần hơn với hàng chục ngàn hộ dân khi phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát" được triển khai rộng khắp Đồng bằng sông Cửu Long.

Quyết tâm để dân được an cư

Huyện Cờ Đỏ vốn được xem là huyện có thế mạnh về nông nghiệp của Cần Thơ. Các mô hình kinh tế tập thể được chú trọng xây dựng nhằm liên kết người dân, doanh nghiệp hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, đáp ứng các yêu cầu về xuất khẩu với mục tiêu nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, kéo giảm khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Tuy vậy, khoảng cách giàu nghèo, phân hóa ở nơi đây vẫn ở mức cao, nhiều gia đình chật vật lo cuộc sống hằng ngày, sống trong những căn nhà xập xệ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão.

Cần Thơ triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.

Nằm ngay tại trung tâm thị trấn Cờ Đỏ, 3 thế hệ, 8 nhân khẩu trong gia đình anh Danh Ngọc Châu đang sống chung trong căn nhà vỏn vẹn chưa đầy 40m2. Căn nhà đã che mưa, che nắng cho gia đình anh Châu hơn chục năm qua giờ xuống cấp trầm trọng, dột nát, vách tôn bao quanh nhà được chắp vá để chắn gió lùa, người đi đường có thể nhìn thấy bên trong nhà qua những lỗ hổng.

Hằng ngày, anh Châu chở rau cho các tiểu thương tại chợ Cờ Đỏ, bình quân mỗi ngày được 160.000 đồng, đủ tiền đong gạo, mua mắm muối, chi tiêu tằn tiện cho gia đình. “Tôi chỉ ước có được một căn nhà kiên cố, thực sự là chỗ che mưa, che nắng cho gia đình tôi. Nhưng với công việc hiện tại, tôi không bao giờ dám nghĩ tới”, anh Châu suy tư.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”, thành phố Cần Thơ ráo riết triển khai và cố gắng hoàn thành xóa hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho người dân vào tháng 9/2025, để mỗi hộ dân đều có nhà kiên cố để ở, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Từ phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, gia đình anh Danh Ngọc Châu được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng căn nhà với diện tích 40m2 gồm phòng ngủ, phòng khách và nơi sinh hoạt của gia đình. “Nhờ sự hỗ trợ của nhà nước mà gia đình tôi có được căn nhà kiên cố để ở. Dự kiến căn nhà sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Đây là căn nhà mơ ước của gia đình chúng tôi. Có được chỗ ở ổn định, tôi sẽ tìm kiếm thêm công việc để tăng thu nhập cho gia đình”, anh Danh vui mừng cho biết.

An cư mới lạc nghiệp, ấy vậy mà gần 60 năm mưu sinh vất vả, đến giờ này, ông Nguyễn Văn Trẹm ở thị trấn Cờ Đỏ vẫn chưa thể dành dụm đủ số tiền để cất một căn nhà kiên cố cho gia đình. Trong mấy chục năm qua, ông Trẹm đi làm chỉ đủ tiền trang trải cuộc sống, nhiều khi ốm đau, bệnh tật phải chạy vạy vay mượn khắp nơi nên không bao giờ nghĩ tới chuyện xây nhà để ở. “Tôi làm lao động tự do, chỉ đủ ăn qua ngày nên không có tiền tích cóp để cất nhà. Mới đây qua bình xét trong phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát của địa phương, tôi được hỗ trợ tiền để xây dựng căn nhà. Đây là căn nhà mơ ước, cả đời tôi cũng không dám nghĩ tới việc cất được ngôi nhà kiên cố như thế”, ông Trẹm nói.

Vùng đất Chín Rồng quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân.

Trong căn nhà mới, niềm vui, tiếng cười hạnh phúc như lan tỏa trong gia đình bà Thị Đẹt (xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ). “Tôi rất vui khi được nhà nước xây cho căn nhà để ở, giúp cho gia đình tôi có chỗ ở ổn định, không phải thấp thỏm, lo âu mỗi khi mùa mưa đến. Có căn nhà này, gia đình tôi sẽ tập trung làm ăn, ổn định cuộc sống. Tôi dự định sẽ sắm sửa thêm đồ đạc để căn nhà ấm cúng hơn. Tết này là Tết hạnh phúc nhất đối với gia đình chúng tôi”, bà Đẹt vui mừng.

Biến ước mơ của dân thành hiện thực

Theo thống kê, trên địa bàn Cần Thơ tính đến năm 2025 có 955 nhà tạm, nhà dột nát cần xây dựng. Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát sẽ được hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ gia đình để xây dựng mới, sửa chữa nhà, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, phù hợp với phong tục, tập quán và điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Cũng như các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, TP Cần Thơ xác định xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát và địa phương sẽ hoàn thành mục tiêu vào tháng 9/2025.

Sóc Trăng với đông đồng bào dân tộc thiểu số đã quyết liệt triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, TP Cần Thơ đang triển khai tích cực, góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Ông Nguyễn Ngọc Nam, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ chia sẻ, huyện đã thống kê có 51 hộ dân đủ điều kiện để hỗ trợ xây nhà trong năm 2024 và quyết tâm trong năm 2025 sẽ xóa tất cả nhà tạm, nhà dột nát để cùng với thành phố hoàn thành mục tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. “Hiện nay, huyện Cờ Đỏ đang tập trung vận động, hỗ trợ các nguồn để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm cho người dân, để mỗi người dân đều có chỗ ở ổn định, từ đó vươn lên trong cuộc sống”, ông Nam thông tin thêm.

Trong giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh Sóc Trăng đã vận động hỗ trợ xây dựng trên 5.200 căn nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí trên 280 tỷ đồng. Theo bà Từ Tố Quyên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, địa phương đặc biệt quan tâm xây dựng, sửa chữa nhà cho các hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở. Thông qua các nguồn lực, sự chung tay hưởng ứng, ủng hộ những ngôi nhà "Đại đoàn kết" được bàn giao đến tay người dân, việc làm thiết thực đã giúp các hộ dân ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Các địa phương trong vùng ĐBSCL đều xác định xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

“Tỉnh Sóc Trăng còn khoảng 8.000 hộ dân cần được xóa nhà tạm, nhà dột nát. Địa phương sẽ quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực để chăm lo về nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được an cư, lạc nghiệp và có mái ấm để ổn định cuộc sống”, bà Từ Tố Quyên chia sẻ.

Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương trong vùng ĐBSCL, sự chung tay sẻ chia của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp đã thể hiện tình cảm, trách nhiệm với cộng đồng xã hội cùng chung tay, góp sức thực hiện phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát vì mục tiêu chăm lo, hỗ trợ tốt hơn cho hộ nghèo, cận nghèo vươn lên trong cuộc sống. Trong những căn nhà mới luôn rộn rã tiếng cười, niềm vui, hạnh phúc, chào đón mùa xuân về, với biết bao ước mơ, dự định trong năm mới, năm Ất Tỵ của người dân ở vùng đất Châu thổ Cửu Long./.

Tại buổi phát động Phong trào thi đua cả nước chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát” diễn ra tại tỉnh Hòa Bình vào tháng 4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về xoá đói, giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới. Kết quả này có ý nghĩa rất to lớn, khẳng định ý chí, quyết tâm cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, của toàn quân và toàn dân ta trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Phấn đấu đến hết năm 2025, Phong trào thi đua cả nước chung tay "xóa nhà tạm, nhà dột nát" sẽ xây dựng, sửa chữa 170.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Hải Phạm

 

Bình luận

    Chưa có bình luận