'Đại sứ nón' Tạ Thu Hương: Yêu mãnh liệt nón lá làng Chuông

Người làng Chuông gọi nghệ nhân Tạ Thu Hương là 'đại sứ nón' và dành sự trân trọng với người mang lại cho chiếc nón lá một đời sống mới trước nguy cơ mai một.

 

Người làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) gọi nghệ nhân Tạ Thu Hương là “đại sứ nón” và dành sự trân trọng với người đã mang lại cho chiếc nón lá một đời sống mới trước nguy cơ mai một của làng nghề. Đưa nón lá Việt Nam ra thế giới, giúp dân có công việc và thu nhập ổn định - bà bảo: “Tôi đã thực hiện được khát khao của mình từ thuở nhỏ”.

 

Lửa nghề

Con đê Tả Đáy đoạn qua làng Chuông, lá nón được phơi kín bên triền đê, trắng phau dưới ánh nắng hanh hao. Về làng Chuông - nơi có nghề làm nón lá truyền thống - hỏi nhà nghệ nhân làm nón Tạ Thu Hương, người dân nhiệt tình chỉ dẫn tới ngôi nhà có chiếc cổng được bài trí đậm chất nghệ thuật bằng những chiếc nón muôn sắc màu, kích cỡ.

“Bà ấy mang nón đi trưng bày ở Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 rồi. Dạo này bà ấy đi suốt vì nhiều nơi mời mang nón Chuông đi tham gia tại các triển lãm, diễn đàn, hội chợ, hội thảo và các điểm du lịch cộng đồng”, người nhà nghệ nhân lên tiếng.

Cổng nhà nghệ nhân nón lá Tạ Thu Hương được bài trí đậm chất nghệ thuật bằng những chiếc nón muôn sắc màu, kích cỡ.

Tôi ngược trở lại sân bay Gia Lâm - nơi diễn ra Triển lãm - để gặp nghệ nhân Tạ Thu Hương. Thấm mệt vì vượt qua nhiều cây số đường tắc nghẽn, nhưng tới được gian hàng, ngắm những chiếc nón lá, cảm nhận sự bình yên của một vùng quê như đang hiện hữu ngay nơi này thì sự mệt mỏi dường như tan biến.

Tranh thủ lúc vãn khách, nghệ nhân Tạ Thu Hương đem chiếc nón đang làm dở ra khâu. Nhìn bà đưa mũi kim nhẹ nhàng, thoăn thoắt, đều tăm tắp, vậy mà khi tôi xin được khâu thử thì không thể ấn được mũi kim qua lớp lụa, mo và lá nón. Bà mỉm cười bảo: “Nghề làm nón vất vả lắm! Một chiếc nón đến tay người tiêu dùng phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ chọn các nguyên vật liệu như lá, mo, vòng,… cho đến bứt vòng, quay - khâu - cạp nón, mạng chóp, quang dầu, nhồi nhôi, vẽ,... Để làm ra một chiếc nón lá vừa bền vừa đẹp, đòi hỏi người thợ phải kỹ càng, tỉ mỉ, khéo tay, cần mẫn chứ không có tiêu chuẩn, quy cách cụ thể nào”.

Như chạm đến lửa nghề, bà hào hứng kể tôi nghe từ việc nhập lá nón và mo từ rừng Hương Sơn Hà Tĩnh đến công đoạn xử lý từ chiếc lá xanh mướt trở thành chiếc lá trắng bóng, từ cách chọn lớp lá bên trong, bên ngoài cho tới các mũi khâu sao cho không lộ lỗ kim, không để lọt nắng, lọt mưa trong quá trình sử dụng.

Những chiếc nón do nghệ nhân Tạ Thu Hương làm được người dân làng Chuông lấy làm chuẩn mực bởi độ bền đẹp, tinh hoa, sáng tạo.

Năm nay nghệ nhân Tạ Thu Hương ngót 60 tuổi thì có tới 50 năm bà bén nghề làm nón. “Làng Chuông có nghề nón từ trên 300 năm nay. Từ nhỏ, tôi đã được xem ông bà, bố mẹ làm nón nên tôi đã bén duyên với nghề từ khi lên 7, 8 tuổi. Những kinh nghiệm làm nên một chiếc nón bền đẹp giờ tôi truyền lại cho những người thợ trong làng”, bà Hương cho hay.

Những chiếc nón do nghệ nhân Tạ Thu Hương làm được người dân làng Chuông lấy làm chuẩn mực bởi độ bền đẹp, tinh hoa và sáng tạo. Nhưng đó không phải là tiêu chí duy nhất để bà được vinh danh là nghệ nhân làm nón. Ngoài tay nghề cao, bà còn trăn trở phát triển nghề truyền thống của làng, lan tỏa giá trị, tinh hoa của chiếc nón, quảng bá thương hiệu và đưa nón làng Chuông ra cả thị trường nước ngoài.

Trước sự thay đổi chóng mặt của thị hiếu người tiêu dùng, chiếc nón lá mất dần ưu thế. “Nếu chỉ làm nón lá truyền thống thì bán không được giá và ế ẩm. Vì vậy, tôi nghĩ phải cải tạo chiếc nón truyền thống cho phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại”, nghệ nhân Tạ Thu Hương nhớ lại thời điểm bà quyết tâm bước ra khỏi vùng an toàn, tự tìm thị trường và mở ra hướng đi mới cho nón lá làng Chuông.

Nghệ nhân Tạ Thu Hương cải tạo chiếc nón truyền thống cho phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại.

Bằng kinh nghiệm học hỏi được từ các bậc tiền bối và trải nghiệm của bản thân, song song với làm nón lá truyền thống, nghệ nhân Tạ Thu Hương kết hợp nhiều chất liệu khác nhau để nâng tầm sản phẩm từ kiểu dáng, chất lượng, mẫu mã đa dạng cho đến sự tiện dụng. Bởi vậy, những chiếc nón của bà vừa giữ được dáng vẻ truyền thống, vừa được hiện đại hóa và không chỉ để sử dụng trong đời sống sinh hoạt thường ngày mà còn trở thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Gửi vào nón lá nét văn hóa Việt

Trong số các mẫu nón mới như: nón lá bồ đề, nón lá sen, nón quai thao, nón đạo cụ… thì nón lá trên lụa vẽ 3D là một trong những sản phẩm tâm đắc của bà. Chiếc nón là sự kết hợp giữa nón lá truyền thống và vẻ đẹp mềm mại, duyên dáng của lụa. Từ khung nón lá thông thường, bà thay thế lớp lá ngoài cùng bằng lụa với nhiều màu sắc, họa tiết khác nhau nhưng điểm chung là mang đậm bản sắc Việt Nam.

Thấy tôi đặc biệt ấn tượng với những chiếc nón được vẽ hình ảnh non sông Việt Nam, nghệ nhân Tạ Thu Hương cho hay: “Tôi nêu ý tưởng rồi thuê họa sĩ vẽ những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước trên mỗi chiếc nón, gửi gắm vào đó tinh túy, hồn cốt của văn hóa Việt, để hình ảnh Việt Nam hiện lên chân thực, sống động, tươi đẹp”.

Anh Nguyễn Trung Đức, chiến sĩ Sư đoàn 301 của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, mua chiếc nón làm quà tặng vợ.

Tâm ý của bà đã chạm tới thị hiếu của khách hàng. Anh Nguyễn Trung Đức, chiến sĩ Sư đoàn 301 của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội hớn hở ngắm chiếc nón lá vừa mua được rồi chia sẻ: “Hình ảnh chiếc áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam luôn gắn liền với chiếc nón lá duyên dáng. Bởi vậy, tôi mua chiếc nón này làm quà tặng vợ nhân ngày sinh nhật. Tôi vừa gọi điện khoe trước với vợ và cô ấy rất thích món quà ý nghĩa này. Dù cuộc sống hiện đại nhưng chiếc nón lá vẫn là biểu tượng đặc trưng của nền văn hóa nước mình”.

Cầm chiếc nón được vẽ hình lá cờ Tổ quốc, anh Đỗ Văn Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) cho hay: “Tôi đặc biệt yêu thích chiếc nón lá bởi hình dáng rất đẹp và duyên dáng. Những hình vẽ trên nón cũng ấn tượng và có ý nghĩa. Tôi mua nón để sưu tầm, phối hợp bài trí nhà cho đẹp và cũng để làm phong thủy”.

“Mong mỏi của tôi là nghề làm nón truyền thống được lưu truyền. Phát triển nghề làm nón cũng giúp người làng nghề có công việc, thu nhập ổn định. Vì thế, dù làm một chiếc nón lãi không đáng là bao nhưng tôi vẫn bám nghề, yêu nghề vô cùng và sẽ “truyền lửa đam mê” này đến nhiều người hơn nữa”.

Nghệ nhân Tạ Thu Hương

Sau bao cố gắng của nghệ nhân Tạ Thu Hương, chiếc nón lá làng Chuông được đầu tư kỹ lưỡng, chăm chút tỉ mỉ từ hình thức cho đến chất liệu không chỉ đến với khách hàng trên mọi miền đất nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. “Năm 20 tuổi, tôi đã có đơn hàng xuất khẩu nón lá đầu tiên do một du khách đặt để đem sang nước ngoài. Sau này, nhiều công ty đã tìm đến và đặt hàng xuất khẩu. Hiện nay, bình quân mỗi tháng tôi bán được từ 2.000 - 3.000 chiếc nón ở cả nội địa và xuất khẩu”, bà Hương cho biết.

Ngoài việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nón lá, nghệ nhân Tạ Thu Hương trong vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Mây Tre Nón Lá còn liên kết với các công ty du lịch đưa khách về thăm làng, hướng dẫn cho du khách trải nghiệm quy trình làm nón tại làng nghề, góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn và phát triển nghề làm nón, phát triển kinh tế địa phương.

Con đê Tả Đáy đoạn qua làng Chuông, lá nón được phơi kín bên triền đê.

Nhưng thành công mà nghệ nhân Tạ Thu Hương vui nhất là bà đã góp phần làm sống dậy tình yêu sản phẩm truyền thống của dân tộc trong giới trẻ. Tại cơ sở sản xuất nón của bà, có nhiều người được bà tạo công ăn việc làm. Có những em học sinh, sinh viên vì yêu mến chiếc nón truyền thống mà tìm đến bà xin học nghề. “Tôi thường khuyến khích con cháu và những người trẻ trong làng Chuông bán những chiếc nón lá của làng để vừa có thêm thu nhập, vừa hiểu biết về sản phẩm truyền thống của ông cha”, ngắm chiếc nón vừa thành phẩm, nghệ nhân làm nón lá Tạ Thu Hương nói lời nhắn nhủ./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận