Những con người 'như sắt, như đồng'

Trong cái lạnh buốt của đêm đông, người dân đã chìm vào giấc ngủ, còn công nhân vệ sinh môi trường vẫn miệt mài quét dọn rác ngoài đường.

 

“Đúng là nghề lao công có nặng nhọc, có vất vả sớm khuya, có rất nhiều điều khiến mình tủi thân, chạnh lòng, nhưng sau cùng, tôi vẫn yêu nghề vì giúp môi trường sạch đẹp hơn, để mỗi sớm mai, khi bình minh lên là những góc phố tinh tươm”.

Nói xong, chị Ngô Thị Sen, công nhân của Công ty Cổ phần Dịch vụ Môi trường Thăng Long (Hà Nội) nhấn nhá câu hát “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai” rồi mỉm cười. Nụ cười ấy, nét mặt rạng rỡ ấy như xua tan những vất vả của nghề lao công. Và trong một buổi tối cận kề Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, những người lao công đã trải lòng về công việc đặc thù của họ.

Làm hết việc chứ không phải hết giờ

Dưới tiết trời 12oC, chị Ngô Thị Sen với lấy chiếc chổi cán dài, sải bước nhanh ra điểm tập kết rác để quét rác vương vãi.

“Bây giờ đã 21h. Chị làm đến mấy giờ ạ?”. Mải miết đưa những nhát chổi dài, chị Sen bảo: “Công việc của công nhân vệ sinh môi trường là làm hết việc chứ không phải làm hết giờ. Chỉ khi nào hết rác, đường phố sạch đẹp, chúng tôi mới được về nhà nghỉ ngơi”.

Chỉ khi nào hết rác, đường phố sạch đẹp, người lao công mới được về nhà nghỉ ngơi.

Quét xong điểm tập kết rác, chị Sen lại hối hả vào khu chợ cách đó 800m để dọn thêm vài công rác. Vãn việc, chị ngồi bệt xuống bậc hè, chia sẻ: “Làm nghề này rất dễ bị tai nạn lao động. Ví dụ khi ô tô cẩu hạ thùng rác xuống, mình đứng dưới đỡ mà chỉ cần sơ suất là sẽ bị thùng rác đập vào tay, bầm tím đã đành, có khi còn bị dập cả ngón tay”. Nói rồi, chị Sen tháo đôi găng tay xám màu, để lộ các đầu ngón tay tím bầm, nứt nẻ.

Chị Sen kể, những lúc đi bốc rác, chị bị lưỡi dao lam, gai hoa hồng, kim tiêm trong bọc rác châm vào tay gây chảy máu là chuyện thường ngày, nhưng lúc bấy giờ, chị cũng chỉ mua miếng dán để băng tạm. Mải công việc rồi cũng quên đi, nếu thấy sốt cao, chị mới đi làm xét nghiệm.

Trong cái lạnh buốt của đêm đông, người dân đã chìm vào giấc ngủ, còn công nhân vệ sinh môi trường vẫn miệt mài quét dọn rác ngoài đường. Tôi nhắc chị kéo cao cổ áo, tránh gió lạnh lùa, chị bảo: “Mùa đông thì chúng tôi thường bị ho, viêm họng. Mùa hanh khô lại là lúc bệnh đau mắt “ghé thăm” bởi bụi đường bay vào. Mùa hè nắng nóng nên rác bốc mùi nặng hơn, lao công mồ hôi nhễ nhại, người ướt sũng như tắm. Đó là chưa kể có những người mang đất cát, gỗ, phế thải vật liệu xây dựng ném trước mặt mình để mình phải dọn, nếu mình nói, có thể sẽ bị họ hành hung”.

Công nhân vệ sinh môi trường vẫn miệt mài làm việc khi thành phố đã chìm vào giấc ngủ.

Đảm bảo tập kết rác đúng giờ quy định là một áp lực không nhỏ với công nhân vệ sinh môi trường, nhất lại vào giờ cao điểm. Thế nhưng đã quen với guồng công việc nên chị Sen thường đi sớm để tranh thủ quét đoạn đường mình phụ trách. Chị Sen thở dài: “Làm nghề này vất vả, nguy hiểm rồi cũng quen dần. Khó chịu nhất là thấy nghề của mình không được tôn trọng. Nhiều người cầm bọc rác đứng từ xa ném, có khi không trúng vào xe rác, bọc rác vỡ ra, chúng tôi không dọn thì không được, mà dọn thì…”.

Dường như câu chuyện này chạm vào nỗi niềm ẩn ức của mình, chị Trần Thị Phú - làm cùng tổ với chị Sen - nói xen vào: “Có người mang rác ra nhưng không vứt vào xe rác mà đứng từ xa gọi: “Con rác kia ơi”, ý họ muốn mình vứt rác cho họ. Không lẽ mình lại đôi co với họ nên chúng tôi chỉ làm thinh, để họ phải tự vứt, nhưng trong lòng rất buồn và bất bình.

“Thế nhưng chúng tôi cũng gặp nhiều người dân có ý thức tốt. Khi túi rác của họ có vật sắc nhọn, hoặc mảnh vỡ của đồ sành, sứ, thủy tinh, họ đã viết vào một tờ giấy để kèm với túi rác để nhắc chúng tôi cẩn thận tránh bị đứt tay. Các nhóm thiện nguyện thỉnh thoảng mang tặng đồ ăn, đồ uống, khẩu trang, găng tay. Những điều ấy khiến chúng tôi ấm lòng”, chị Phú kể.

Hiện nay, việc thu gom rác thải tại TP. Hà Nội gặp không ít khó khăn. Với mật độ dân cư đông đúc và lượng rác thải sinh hoạt tăng cao mỗi ngày, hệ thống thu gom đang phải chịu áp lực lớn.

Bởi thiếu nhân lực nên các công nhân vệ sinh môi trường làm việc không có ngày nghỉ, có người làm kín 2 ca và thường đến 1, 2 giờ đêm mới xong việc. Ngày thường đã vậy, vào thời điểm cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, lượng rác tăng đột biến, công việc của họ càng trở nên nặng nhọc, phải căng mình để đáp ứng yêu cầu thu gom rác thải của thành phố. Những ngày sau Tết, cành đào, cây quất do mọi nhà xả ra cũng trở thành gánh nặng thêm cho những công nhân dọn rác. Họ phải rất vất vả để có thể dọn được lượng rác lớn và cồng kềnh đó. Từ ngày 27 Tết, 100% số lượng công nhân được huy động và phải đi làm từ 10h sáng đến 5h sáng hôm sau.

“Tôi làm ở công ty đã 14 năm cũng là ngần ấy năm không được về quê ăn Tết. Năm ngoái, mẹ gọi điện bảo tôi về ăn Tết với mẹ. Tôi đã xin nghỉ nhưng Công ty không đồng ý vì đang rất thiếu nhân lực. Đến mùng 5 Tết, mẹ tôi gọi điện báo mẹ ốm nặng. Tôi cấp tốc về chăm mẹ, nhưng đến 24/1 âm lịch thì mẹ tôi mất. Trước khi mất, mẹ nói với tôi: Mẹ chỉ mong có 1 năm con về ăn Tết với mẹ mà con không về. Từ sang năm trở đi, con cũng không nhìn thấy mẹ nữa. Đây là chuyện mà tôi ân hận, day dứt cả đời”, chị Phú nghẹn ngào ôm mặt khóc.

Mong người dân nâng cao ý thức

Trời về khuya, ánh đèn đường yếu ớt hắt xuyên qua tán lá cây tạo nên những vệt sáng loang lổ trên mặt đường. Không mảy may để ý xung quanh, bà Lê Thị Hiển, công nhân vệ sinh môi trường của Công ty Urenco chăm chú quét đường. Chỉ một đoạn đường ngắn, chiếc xe rác đã đầy đến miệng. 30 năm làm lao công, bà đã quen một mình đón giao thừa ngoài đường phố và ăn những cái Tết không trọn vẹn. “Nhưng tôi không buồn vì đó là nghề nghiệp của mình. Mùng 1 Tết tôi vẫn đi làm bình thường. Tôi yêu nghề của mình, nghề làm đẹp cho thành phố cơ mà”, bà Hiển cười rạng rỡ.

“Chúng tôi mong đời sống của người lao công được quan tâm đúng mức, đồng lương xứng đáng với công sức lao động của họ. Người dân cũng cần được tuyên truyền để vứt rác đúng giờ, đúng nơi quy định, giúp chúng tôi đỡ vất vả phần nào”.

Chị Mai Kim Nga, Công ty Cổ phần Dịch vụ Môi trường Thăng Long

Là tổ trưởng, chị Mai Kim Nga, Công ty Cổ phần Dịch vụ Môi trường Thăng Long ngoài việc quản lý còn xông xáo gánh vác việc cùng chị em để đảm bảo công việc của tổ mình được suôn sẻ trong bối cảnh thiếu người. Cởi chiếc áo bảo hộ lao động ướt đẫm mồ hôi giữa cái rét lạnh giá, chị chia sẻ: Do công việc quá vất vả, lương thấp lại không được coi trọng nên nhiều người vào làm chỉ được mấy ngày là bỏ. Nhân lực thiếu khiến chúng tôi phải tăng ca. Người dân không đổ rác đúng giờ quy định nên chúng tôi phải đi lại rất nhiều lần để thu gom rác. Sáng sớm, người đi tập thể dục, người đi làm cũng tiện tay xả rác, thế là đường phố, ngõ ngách vừa được quét sạch ban đêm thì sáng ra đã lại bẩn. Như thế chúng tôi thu gom làm sao xuể. Thậm chí nhiều người không vứt rác vào xe mà tiện tay vứt ngay xuống đất. Nếu chúng tôi nhắc nhở thì họ bảo họ đóng tiền rồi nên có quyền vứt rác ở đâu mà họ muốn. “Chúng tôi mong đời sống của người lao công được quan tâm đúng mức, đồng lương xứng đáng với công sức lao động của họ. Người dân cũng cần được tuyên truyền để vứt rác đúng giờ, đúng nơi quy định, giúp chúng tôi đỡ vất vả phần nào”, chị Nga bày tỏ.

Tình trạng thiếu nhân lực là một thách thức chung đối với nhiều công ty môi trường.

Ông Đặng Đình Đại, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Đống Đa chia sẻ: Công nhân môi trường là những người thầm lặng góp phần giữ gìn vẻ đẹp và sự sạch sẽ cho thành phố. Đây là một nghề rất vất vả và nặng nhọc, đòi hỏi sức khỏe tốt, sự kiên nhẫn và tinh thần trách nhiệm cao. Họ thường xuyên làm việc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, phải đối mặt với nguy cơ tai nạn lao động từ các vật sắc nhọn, hóa chất độc hại hoặc điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Đặc biệt trong các dịp lễ, Tết, người dân được ở bên gia đình, đến những nơi công cộng để vui chơi thì lại là lúc những người công nhân môi trường phải tăng cường lao động sản xuất, gần như không bao giờ được đón giao thừa bên gia đình. Vì thế, công ty luôn dành sự quan tâm đặc biệt để đảm bảo an toàn lao động và chế độ phúc lợi tốt nhất cho họ.

Hiện nay, việc thu gom rác thải tại TP. Hà Nội gặp không ít khó khăn. Với mật độ dân cư đông đúc và lượng rác thải sinh hoạt tăng cao mỗi ngày, hệ thống thu gom đang phải chịu áp lực lớn. Trong khi đó, tình trạng thiếu nhân lực là một thách thức chung đối với nhiều công ty môi trường. “Hiện nay, chúng tôi đang tập trung vào ba hướng giải quyết: Tăng cường tuyển dụng, đào tạo để thu hút thêm lao động; Ứng dụng công nghệ và cải tiến quy trình làm việc để giảm tải cho công nhân; Thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hơn nữa thu nhập, cũng như cải thiện chế độ phúc lợi của người lao động. Ngoài ra, chế độ lương, thưởng là yếu tố rất quan trọng để giữ chân lao động. Chúng tôi mong muốn tạo ra một môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp để người lao động cảm thấy yên tâm gắn bó lâu dài”, ông Đặng Đình Đại nhấn mạnh./.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận