Cuộc di dân lịch sử - trả lại không gian xưa kinh thành Huế

Tỉnh Thừa Thiên Huế đang khởi động Đề án 'Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế'.

 

Đây là “cuộc di dân lịch sử” lớn nhất từ trước tới nay trong Kinh thành Huế. Rồi đây, bao thế hệ người dân từng sống ở khu vực này sẽ thoát cảnh “sống mòn” trên di sản.

“Sống mòn” trên di sản

Kinh thành Huế nằm trong Quần thể Di tích Cố đô Huế. Xung quanh thành có 24 pháo đài (hay còn gọi là Eo Bầu). Thành dài gần 12 cây số, được đắp bằng đất và xây gạch hai bên, mặt thành dày 21m. Sau năm 1945, chiến tranh loạn lạc, trong nội thành không ai quản lý, người dân vào sống men theo tường Kinh thành và khu vực Eo Bầu. Lâu dần, nơi đây hình thành cụm dân cư, dân nghèo lấn chiếm bề mặt Thượng Thành, Eo Bầu dựng nhà và trồng hoa màu. Gọi là “nhà” nhưng chỗ ở của nhiều thế hệ trong gia đình chỉ rộng vài mét vuông, không khác gì những khu “ổ chuột”.

Người dân sống trên khu vực I di tích Huế.

Năm 1993, quần thể Di tích Cố đô Huế được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (gọi tắt là UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, Thượng Thành - Eo Bầu Kinh thành Huế trở thành khu vực I của di tích cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Từ đó, người dân nơi đây bị “trói chặt” bởi những quy định của Luật Di sản Văn hóa. Nhà ở xuống cấp không được sửa chữa, cơi nới hoặc xây mới; nhiều gia đình 3 - 4 thế hệ, cả chục người sống chen chúc trong những căn nhà chật chội, dột nát. Ông Lê Phước Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc, TP. Huế cho biết, hầu hết bà con ở đây là lao động nghèo, chủ yếu đạp xích lô, xe thồ và buôn bán nhỏ kiếm sống qua ngày. Bà con cũng thấy có lỗi với tiền nhân khi xâm hại di tích này. Nhưng do hoàn cảnh khó khăn, bà con nhắm mắt ở liều và ai cũng mong được hỗ trợ tái định cư để ổn định cuộc sống, trả lại không gian xưa cho di tích.

Nhiều nhà dân sống trên thượng thành, thuộc di tích Kinh thành Huế

Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, hiện có 4.200 hộ dân với khoảng 1 vạn rưỡi người dân thuộc 7 phường của TP. Huế đang sống và canh tác trong khu vực này. Thời gian, thiên tai, chiến tranh và dưới tác động ồ ạt của con người, Kinh thành Huế ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Ông Phan Văn Tuấn cho hay, gần một nửa vòng tường thành của Kinh thành Huế đã hỏng nặng. Hộ thành hào, kè đá hai bờ nhiều đoạn bị phá hủy hoàn toàn. Hơn 40 hồ trong Kinh thành bị lấp gần 1/5, hoặc trở thành nơi xả rác, chất thải của người dân. Ngay trên Thượng Thành và tại Vọng lâu của các cổng thành hiện vẫn còn 13 lô cốt quân sự bằng bê tông cốt thép được xây dựng trước năm 1975.

Cuộc di dân lịch sử trong Kinh thành Huế

Thực tế, từ năm 1996, 3 năm sau khi Quần thể Di tích Cố đô Huế, di sản đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa của nhân loại, Chính phủ đã phê duyệt “Dự án Quy hoạch, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Cố đô Huế”. Trong đó, có các hạng mục rất quan trọng như phục nguyên Đại Nội Huế, tu bổ Kinh Thành và Hoàng Thành. Thế nhưng, mãi đến năm 2010, tỉnh Thừa Thiên - Huế mới ban hành “Đề án đầu tư, tu bổ và tôn tạo Kinh thành Huế”, tổng mức đầu tư hơn 1.282 tỷ đồng. Theo Đề án này, di dời gần 800 hộ dân xâm hại Thượng Thành và Eo Bầu Kinh thành Huế. Thế nhưng hơn 8 năm triển khai, mới chỉ có 170 hộ dân ở mặt Nam Kinh thành Huế được di dời qui định về chính sách giải tỏa.

Nhiều nhà dân sống nhéch nhác xuong quanh hộ Thành Hào,quanh  Kinh thành Huế cũng sẽ được di dời.

Theo “Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế”,  từ nay đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ di dời 4.200 hộ với 1 vạn rưỡi dân, tổng kinh phí hơn 4.000 tỷ đồng. Đề án chia làm 2 giai đoạn, Giai đoạn 1 từ nay đến năm 2021, di dời giải tỏa bố trí tái định cư cho hơn 2.900 hộ dân; Giai đoạn 2 thực hiện từ năm 2022 đến 2025 di dời, tái định cư số hộ dân còn lại và phục hồi, tôn tạo di tích Kinh thành Huế. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quy hoạch khu tái định cư 73,5ha tại phường Hương Sơ, TP. Huế, đảm bảo chỗ ở cho khoảng 3.000 hộ dân.

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực I di tích Kinh thành Huế. Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định: Khung chính sách vượt trội vừa được Thủ tướng phê duyệt đã tháo gỡ “điểm nghẽn” trong công tác đền bù giải tỏa kéo dài hàng chục năm qua ở địa phương này. Cụ thể, trước đây chỉ những hộ dân trú ngụ trước năm 1975 mới được đền bù thì nay, với cơ chế đặc thù, toàn bộ các gia đình trong khu vực này đều được đền bù, bố trí tái định cư theo mức hợp lý. Đối với hộ nghèo còn được giảm 30% tiền sử dụng đất khi được giao đất tái định cư.

Giá trị mới từ những tour du lịch “độc nhất vô nhị”

Hệ thống di tích cung đình triều Nguyễn, cố đô duy nhất của Việt Nam còn giữ lại nguyên vẹn thành lũy, kiến trúc và hầu như toàn bộ thiết chế có liên quan. Đó là một lợi thế của riêng Huế, tạo ra nét đặc trưng cũng như sự khác biệt trong các hoạt động du lịch, gia tăng sự hào hứng cho du khách khi đến Huế.

        Gần 26 năm quần thể Di tích cố đô Huế, di sản đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa Thế giới, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đầu tư gần 1.700 tỷ đồng trùng tu, bảo tồn gần 200 công trình, di tích. Công cuộc bảo tồn di tích Cố đô Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp. UNESCO cũng đánh giá Thừa Thiên - Huế là địa phương đi đầu ở Việt Nam về bảo tồn di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Di sản Cố đô Huế đã trở thành điểm nổi bật trên bản đồ du lịch thế giới, mang về nguồn thu đáng kể cho địa phương. Nguồn thu từ tham quan Di tích Cố đô Huế trong 20 năm gần đây đạt hơn 1.900 tỷ đồng. 95% số tiền bán vé được đầu tư trở lại cho việc trùng tu, tôn tạo, bảo tồn các di sản, bình quân mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng. Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẳng định, Huế là cố đô duy nhất của Việt Nam còn lưu giữ được Kinh thành gần như nguyên vẹn. Sau đó sẽ tiến hành trùng tu, giới thiệu toàn bộ tuyến Thượng thành như một hệ thống phòng thủ kiên cố thời quân chủ, các chứng tích chiến tranh. Điểm nhấn là Quan Tượng đài ở góc Tây Nam Thượng thành. Tiếp đến là các vọng lâu cổng thành được bố trí điểm dừng chân của khách du lịch. Tại đây, sẽ tổ chức các gian hàng lưu niệm, giải khát, dịch vụ..

Tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung xây dựng hồ sơ tái đề cử vinh danh một lần nữa đối với Quần thể Di tích Huế là Di sản Cảnh quan Văn hóa Thế giới theo khuyến nghị của UNESCO và Bộ VH-TT&DL. Các di tích khi đề cử hoặc tái đề cử đều gắn với kế hoạch di dời, giải tỏa người dân trong vùng lõi sớm ổn định cuộc sống và trùng tu, tôn tạo để phát huy giá trị của di sản. Ngoài ra, phải xây dựng mối quan hệ lợi ích giữa cộng đồng dân cư trong lòng di sản với công tác bảo vệ di tích.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam đánh giá rất cao chủ trương của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong thực hiện cam kết với UNESCO về giữ gìn được toàn vẹn di sản. Theo TS. Đặng Văn Bài, nếu Thượng Thành giải quyết triệt để thì tuyến du lịch bằng xe ngựa trên Thượng Thành cũng là một cú hích cho du lịch của Huế phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Sẽ sử dụng triệt để 3 nguồn kinh phí mà Thủ tướng đã kết luận, trong đó Thủ tướng cam kết tiếp tục ủng hộ ngân sách Trung ương dưới nhiều hình thức, cùng với ngân sách địa phương để làm việc này. Hoặc các đồng chí giải phóng mặt bằng sạch đấu giá bán thu tiền để di dời dân. Việc này, mở đầu trong năm nay, chúng ta phải làm”.

Trong những lần làm việc với Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Di sản Cố đô Huế là tài sản quý giá của quốc gia, việc bảo tồn và gìn giữ di sản quý báu này là trách nhiệm chung của cả nước. Thủ tướng lưu ý, tỉnh Thừa Thiên - Huế phải dành đất đai có vị trí thuận lợi cho người dân tái định cư, để bà con ổn định cuộc sống bằng nghề cũ./.

Theo “Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế”, từ nay đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ di dời 4.200 hộ với 1 vạn rưỡi dân, tổng kinh phí hơn 4.000 tỷ đồng.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận