Nàng dâu ấy nay là nghệ nhân của làng lụa, công dân ưu tú của Thủ đô năm 2015.
Gánh cơ nghiệp nhà chồng
Tôi đến gặp nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm vào giờ nghỉ trưa với hy vọng bà sẽ có thời gian trò chuyện về nghề dệt lụa truyền thống của Vạn Phúc. Thế nhưng bà vẫn chăm chú quan sát những tấm lụa đang được dệt. Câu chuyện của tôi và bà vì thế đan xen trong tiếng canh cửi rào rào tựa tiếng mưa rơi.
Cơ sở sản xuất của gia đình bà mang tên cụ Triệu Văn Mão - một nghệ nhân làng lụa trước đây, cũng là bố chồng của bà - hiện có 10 máy dệt. Đây được ví như “Vạn Phúc thu nhỏ”, là nơi sản xuất và địa chỉ tham quan của du khách. Từ chất liệu tơ tằm, xưởng của bà dệt ra rất nhiều sản phẩm, như: Lụa vân, the, đũi, sa-tanh… với hoa văn, mẫu mã đa dạng.
Dẫn tôi tham quan xưởng dệt, giới thiệu các công đoạn dệt nên một tấm lụa, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm bảo: “Muốn có tấm lụa tốt, điều đầu tiên là nguyên liệu phải tốt. Sau đó tới kỹ thuật dệt, làm sao để tỷ lệ giữa sợi dọc và sợi ngang cân đối. Nếu sợi dọc nhỏ mà sợi ngang to thì lụa không bền; độ co ngót không đều. Một tấm lụa đẹp phải mềm, mịn và đặc mặt”.
Trong suốt câu chuyện, bà nhiều lần nhắc đến bố chồng - người đã truyền và thổi bùng ngọn lửa đam mê nghề trong bà. “Nhờ đam mê, kiên nhẫn, không nản lòng trước bao sóng gió mà tôi đã giữ gìn và phát triển được cơ nghiệp, hoàn thành tâm nguyện ngày nào của bố tôi”, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm tâm sự.
Thuở nhỏ, Tâm lớn lên bên khung cửi. Tiếng thoi đưa lách cách đã trở thành một phần tuổi thơ của Tâm. “Lớn lên, tôi may mắn được làm dâu trong một gia đình có cha là nghệ nhân vô cùng tâm huyết với nghề dệt lụa. Ông luôn đau đáu việc giữ gìn, phát huy nghề truyền thống của làng. Có lẽ đó là cái duyên dài lâu của tôi với nghề”, bà chiêm nghiệm.
Những năm 1986, khi cả nước chuyển từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường, làng lụa Vạn Phúc lao đao mất phương hướng. Sản phẩm làm ra không xuất khẩu được. Nhiều người làng hoang mang, mất niềm tin vào nghề truyền thống đã chuyển sang làm nghề khác. Lúc đó, chồng công tác xa nhà, bà Tâm đã phải chuyển sang bán hàng tạp hóa để đảm bảo cuộc sống trong thời điểm khó khăn. “Chính lúc đó, bố chồng tôi đã gọi tôi lại mà rằng: Con về đây làm nghề cùng bố. Bỏ nghề thì tiếc lắm! Cả làng làm được thì mình cũng làm được. Nghe lời cha bảo, cộng thêm cái nghề đã ngấm vào máu từ thuở nhỏ, đâu dễ dàng dứt bỏ, vậy là tôi trở lại xưởng dệt, hạ quyết tâm bám trụ với nghề”, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm kể lại.
May mắn là các lãnh đạo địa phương và Hợp tác xã dệt lụa Vạn Phúc lúc bấy giờ đã đưa ra một chủ trương mang tính bứt phá: Chia nhỏ máy dệt về các hộ gia đình. Ai có điều kiện mua thì HTX bán rẻ, ai không có điều kiện thì HTX bán chịu. Cả làng lúc đó, mỗi gia đình là một xưởng nhỏ, cố gắng bươn chải để sống được bằng nghề. Dân làng cũng mong muốn giữ được nghề truyền thống, nhưng ai cũng lúng túng trong việc tự chủ, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm cho hay: “Bố tôi thuê lại của HTX một xưởng dệt. Tôi cũng nỗ lực tìm nguồn nguyên liệu, mẫu vải, khách hàng”. Bà phải liên hệ mua nguyên liệu từ Nhà máy ươm tơ Mỹ Đức. Khi nhà máy này giải tán, bà lại thu mua từ làng kéo tơ Sơn Đồng (Hà Tây trước đây), thậm chí vào tận Quảng Nam để mua nguyên liệu, hoặc lặn lội vào vùng Bảo Lộc (Lâm Đồng) - nơi ứng dụng được công nghệ cao của Nhật Bản trong sản xuất tơ để ký hợp đồng mua nguyên liệu ổn định.
Thành công từ những thăng trầm
Thấy những dòng lụa quý của làng nghề như vân, the… bị thất truyền, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm quyết tâm khôi phục những loại vải đã làm nên thương hiệu của lụa Vạn Phúc. Bà đến gặp các nghệ nhân cao tuổi trong làng để tìm hiểu về lụa Vân - thứ lụa đặc biệt, hoa văn nổi vân trên mặt lụa mượt, nhìn như những đám mây và chỉ có ở lụa Vạn Phúc. Biết bà có ý nguyện phục chế sản phẩm truyền thống của quê hương, nhiều cụ già mang khăn, áo lụa Vân dù đã bị sờn rách đến cho bà Tâm xem mẫu. Từ những mẫu đó, bà Tâm tỉ mỉ tìm hiểu hoa văn và cách người xưa dệt lụa Vân. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cuối cùng, bà Tâm đã tìm được bí quyết dệt lụa Vân tưởng mãi mãi bị thất truyền.
Quá trình sản xuất lụa truyền thống, bà Tâm luôn chú trọng làm phong phú các mẫu hoa văn. Nhiều mẫu mã được đánh giá cao, như: Vân lưỡng long song hạc, Vân triện thọ, Vân thọ đỉnh… Đồng thời, bà sản xuất ra các loại lụa trơn rất được ưa chuộng để làm khăn quàng, cà vạt và lụa cao cấp may áo dài, trang phục biểu diễn. Bà còn liên kết với nhiều làng nghề thủ công để làm ra các sản phẩm lưu niệm như: Túi xách, thú bông, phụ kiện thời trang… đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Từ đầu những năm 2000, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm kết hợp với Sở Du lịch và Sở Công Thương để kết nối làng nghề với du lịch, đem sản phẩm đi trưng bày, giới thiệu tại các liên hoan du lịch từ Bắc tới Nam và ra cả nước ngoài. Những miệt mài gần 20 năm ấy như chân rết nối dài, đưa lụa Vạn Phúc đi khắp nơi, để Vạn Phúc nay đã thành phố nghề, làng nghề du lịch sầm uất.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm phấn khởi: “Trước đây, chúng tôi phụ thuộc hoàn toàn vào khách mua buôn, các cửa hàng, đại lý. Nhưng nay chúng tôi đã chuyển sang thế chủ động, không phải đem đi mời gọi, ký gửi nữa mà khách đến tận nơi đặt hàng”.
“Tâm huyết với nghề, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm có nhiều công lao trong việc tìm tòi, khôi phục các mẫu hoa văn cổ xưa; đồng thời góp phần bảo tồn và phát triển nghề dệt lụa truyền thống. Xưởng dệt của gia đình là nơi đón tiếp các đoàn khách trong và ngoài nước tham quan”.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc
|
Một đời gắn với dệt lụa, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm có nhiều kỷ niệm làm nghề. Một lần, xưởng dệt của bà tiếp một khách hàng là ông Trịnh Văn Bách, Việt kiều từ Mỹ trở về. Ông nhờ bà phục chế một bức y môn bằng lụa bị sờn rách. Bà Tâm cẩn trọng nghiên cứu bức y môn, soi chiếu từng sợi, từng hoa văn họa tiết và cuối cùng đã phục chế thành công. Từ mối duyên này, ông Bách đã giới thiệt bà phục dựng 18 bộ triều phục cung đình Huế. “Ban đầu, nhìn mẫu trang phục cung đình thấy rất khó, nhưng nghĩ mình làm nghề, sống với nghề thì tại sao lại từ chối việc làm rất ý nghĩa này, vì vậy, tôi quyết tâm phục chế thành công trang phục cung đình Huế”, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm bày tỏ.
“Tôi đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu”, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm chia sẻ về quan niệm làm nghề. Cùng với tình yêu và đam mê nghề dệt lụa, thì đó chính là bí quyết góp phần làm nên thành công của bà./.