Quảng Trị - dấu ấn thời gian

Chiến tranh, chết chóc, khổ đau đến khôn cùng, nhớ thương đến đồng vọng, nhưng người dân Quảng Trị vẫn vững vàng và lạc quan, vẫn kiên gan vượt lên.

 

Những tín hiệu vui

Có cái gì đó rất đỗi thiêng liêng cứ hằn sâu vào tâm trí tôi khi biết mình đang trở lại Quảng Trị - trở lại với mảnh đất của một thời khói lửa, đạn bom, một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Giờ đây mỗi đoạn đường đi qua, mỗi tên đất, tên làng đều gợi lại bao kỷ niệm của những ngày đầu rời mái nhà chung Bình - Trị - Thiên để trở lại với chính danh của mình- Quảng Trị. Mới đó mà đã 30 năm. Ba mươi năm tuy chưa dài, nhưng với Quảng Trị cũng đủ để khẳng định sự vận động tự thân của một cơ thể trưởng thành. Có thể nói, ở Quảng Trị giờ đây mọi cái đang còn đan xen, song đã thấy rõ sự vươn mình đi lên trong khó khăn bề bộn. Ba mươi năm với cuộc hành trình nhọc nhằn tái thiết, Quảng Trị đã hiên ngang đi những bước đi vững chắc trên con đường đổi mới và hội nhập. Chiến tranh, chết chóc, khổ đau đến khôn cùng, nhớ thương đến đồng vọng, nhưng người dân Quảng Trị vẫn vững vàng và lạc quan, vẫn kiên gan vượt lên trên cả khổ đau mất mát, thiếu thốn, vượt lên đến mức bươn chải để có được những gì như hôm nay.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, bộc bạch: “Mỗi thế hệ đều đứng trước một thử thách khắc nghiệt và dĩ nhiên gương mặt của thế hệ chỉ ngời sáng khi biết chấp nhận thử thách để vượt qua, để đứng vững và sáng tạo nên những chiến công bất diệt”.

Tôi cảm nhận sâu sắc điều anh nói, bởi sau Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI nhiệm kỳ 2016  -  2020, Quảng Trị đã “xốc” lại đội hình với một đội ngũ cán bộ đủ tâm, đủ tài để định ra hướng đi và cách làm cụ thể, mà trong đó mọi quyền lợi đều hướng về người dân, về sự phát triển bền vững của quê hương. Trên mảnh đất này, cơ ngơi chưa có gì gọi là nhiều, nhưng không phải không có cái để mừng, để nói. Trước hết phải nói đến Các công trình Thủy lợi, bởi nước ở đây không chỉ là nguồn sống cho cây trồng, con vật nuôi, mà còn đảm bảo chính cho sự sống của con người. Đó là Đập ngăn mặn Việt Yên, Sa Lung, Cống xi phông An Tiêm, hồ chưa nước Trúc Kinh; Bảo Đài; Tân Kim, Đá Mài... Đặc biệt là Công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, một công trình được ứng dụng công nghệ mới nâng tràn đập bằng cao su vào loại lớn nhất Việt Nam. Đó còn là Công trình thuỷ điện- thủy lợi trên sông Rào Quán, Điện gió Hướng Linh đã hòa lưới điện Quốc gia, cầu Cửa Tùng, cầu Cửa Việt đã nối những bờ vui. Những cánh rừng ngày nào bầm tím vết đạn bom, trơ trụi bởi hóa chất độc, những cánh đồng cháy khô vì hạn hán nay không còn nữa, thay vào đó là những cánh rừng tái sinh, rừng phòng hộ, những vườn cây công nghiệp, cây ăn quả, những đồng lúa phì nhiêu thay nhau trải rộng màu xanh; đan xen giữa khu Kinh tế - Thương mại Lao Bảo, các khu Công nghiệp tập trung Đông Nam Quảng Trị, Nam Đông Hà, Quán Ngang, Tây Bắc Hồ Xá; đặc biệt là cảng nước sâu Mỹ Thủy, rồi sân bay đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đang triển khai thực hiện.

Một tín hiệu vui nữa đang hiện hữu ở đây, đó là ngoài những doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước đến đầu tư, còn có 06 quốc gia đã và đang có Dự án đầu tư vào Quảng Trị, đó là Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản và Đan Mạch.  Họ đến đầu tư ở đây không chỉ vì chính sách ưu đãi, chủ trương thông thoáng, môi trường thuận lợi, mà họ tâm đắc với lời kêu gọi của Bí thư Tỉnh ủy, rằng: “Đầu tư ở Quảng Trị như một tờ giấy trắng, xin mời Các doanh nghiệp hãy đến để viết lên đó những thành công của mình”. Chẳng cần rãi thảm với chiếu hoa, chỉ một lời kêu gọi cởi mở, nhân văn và đầy trách nhiệm như vậy đã làm cho thu hút đầu tư ở Quảng Trị có những bước khởi sắc và chắc chắn rồi đây sẽ trở thành một bức tranh đẹp với đầy đủ sắc màu của các thành phần kinh tế để Quảng Trị bứt phá vươn lên khai thác tiềm năng và thế mạnh của mình, thực hiện thành công mục tiêu lọt vào Top 10 tỉnh tự chủ về ngân sách.

 

Sục khí cho tôm nuôi

Chọn một hướng đi phù hợp

Là một tỉnh ở xa Trung tâm Khoa học- kỹ thuật lớn của hai đầu đất nước, lại là nơi thường xuyên bị bão ập, lũ tràn nên Quảng Trị đã biết chọn cho mình một hướng đi phù hợp để phát triển nền nông nghiệp bền vững, đã lựa chọn được một tập đoàn cây trồng, con vật nuôi thích ứng, đã hình thành nên những vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa với những cánh đồng lúa đặc sản, năng suất và chất lượng cao, những trang trại vườn đồi, vườn rừng với hàng ngàn héc ta cao su, hàng trăm héc ta hồ tiêu và các loại cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao... Cũng từ phong trào này, mà nhiều hộ nông dân trở thành triệu phú, tỷ phú ngay trên quê hương của mình và vì vậy mà bữa ăn hàng ngày bây giờ không chỉ đã no, mà đang hướng đến bữa ăn ngon. Và những câu chuyện tôi nghe, những ánh mắt nụ cười tôi gặp đã bớt đi vẻ hoài nghi khi chính sách, chủ trương của Đảng đã đi vào cuộc sống, khi tiến trình dân chủ hóa đã cởi mở, tiến trình cải cách hành chính đã về tận nông thôn...

Nhìn vào toàn cảnh bức tranh kinh tế - xã hội của Quảng Trị hôm nay, có thể nói là sau một kiếp người đa đoan gần như hụt hơi trước số phận, Quảng Trị đã biết đứng dậy vươn lên từ nội tại trước cuồn cuộn cơn lốc của nền kinh tế thị trường, để chứng minh rằng, qua mỗi thời kỳ quật khởi của dân tộc, Quảng Trị luôn luôn biết cách chuyển hóa năng lượng của mình thành sức mạnh để đi tới và lịch sử thuộc về những con người biết ước mơ và dám biến ước mơ thành hiện thực.

Điện gió Hướng Linh

Để phát triển bền vững, Quảng Trị đã mạnh dạn thay đổi cơ cấu bộ giống và chú trọng thâm canh có chiều sâu, nhờ vậy mà một số huyện đã đưa năng suất lúa bình quân từ 15 tạ một héc ta lên 55 rồi 65 tạ một héc ta/vụ, đã giải quyết được cơ bản vấn đề lương thực trên địa bàn. Cùng với cây lúa, Quảng Trị còn chú trọng phát triển mạnh cây công nghiệp xuất khẩu, như cao su, hồ tiêu, cà phê... tập trung chủ yếu vào các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ và miền tây huyện Triệu Phong. Kinh tế biển cũng được quan tâm đầu tư đúng hướng nên đã có khởi sắc đáng kể. Nghề biển của ngư dân bây giờ không chỉ dừng lại với những nghề truyền thống như xăm bãi, lưới rê, mà đã có tàu trung bờ, xa bờ với đầy đủ phương tiện đánh bắt hiện đại, có thiết bị định vị tầm ngư và có khả năng đi biển dài ngày, nhờ vậy mà sản lượng hải sản đánh bắt hàng năm đều tăng- nhất là hải sản xuất khẩu, góp phần đưa giá trị GDP bình quân hàng năm của tỉnh lên hai con số.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng nói với tôi mà như nói với chính mình: Ai gần thực tiễn thì người ấy biết những việc cần làm và những điều cần sửa, đừng thấy nông dân cày hết ruộng, doanh nghiệp nộp đủ thuế mà vội cho rằng chính sách đã tối ưu. Cơn bão manh nha từ cánh chuồn chuồn. Trong sự im lặng bao giờ cũng bí ẩn, khám phá được cái bí ẩn ấy mới là điều cần làm. Quan trọng là phải biết lựa chọn đúng, thích nghi nhanh và cải tiến tốt”. Vâng, lựa chọn đúng, thích nghi nhanh và cải tiến tốt thì Quảng Trị đã và đang thực hiện, đang biến cái thách thức thành cơ hội để phát triển và cái nắng, cái gió giờ đây đã thực sự trở thành nguồn năng lượng tái tạo quan trọng với hàng nghìn Mw/h điện mỗi năm. Vậy là phương hướng, mục tiêu đã rõ, đã có những đường nét khai phá thành công bước đầu, nhưng điều trăn trở của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy không chỉ có vậy, mà còn lớn hơn, cao hơn đó là làm sao để mỗi một cán bộ đảng viên, mỗi công chức trong bộ máy của Đảng cũng như chính quyền, từ thôn, xã lên đến huyện, tỉnh đều phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, có năng lực quản lý tốt và phải vào cuộc một cách tích cực, quyết liệt, có như vậy mới phát huy được mọi nhân tố, mọi nguồn lực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Quảng Trị một cách bền vững.

PS

 

Bình luận

    Chưa có bình luận